BUSINESS OF LUXURY

Business of Luxury: Con đường Rolex (phần 2)

Feb 07, 2019 | By admin

Cấp tiến, tiên phong là chưa đủ để nói về Rolex. Truyền thống lại càng là bề nổi của một tảng băng chìm. Để hiểu về thương hiệu đồng hồ được yêu thích nhất thế giới, cần thực sự tìm hiểu quy trình sản xuất của chính công ty này. 

Tiếp nối phần 1 của bài viết về nhà máy Plan-les-Ouates sản xuất vỏ và dây đeo, cùng nơi chế tạo toàn bộ bộ máy trong đồng hồ – Bienne, phần 2 sẽ đưa quý độc giả vào thế giới hoàn mỹ của Chêne-Bour và Acacias.

Chêne-Bourg: Nơi cái đẹp được sinh ra

Sau công đoạn lắp ráp và chế tác vỏ máy, các công đoạn kế tiếp mà Rolex yêu cầu thực hiện hoàn toàn trong xưởng của thương hiệu là sản xuất mặt số và khảm nạm đá quý. Cả hai công đoạn này đều được thực hiện trong nhà máy thứ ba tại Chêne-Bourg, cách Geneva chỉ khoảng 20 phút lái xe về phía đông.

Được ra mắt vào năm 2000, nhà máy dài 160m này sở hữu hệ thống sản xuất các mẫu mặt số khác nhau, từ mặt Cellini được trang trí theo phương pháp sơn mài (lacquer) cho đến chạm guilloché “Rayon flammé de la gloire” đặc trưng của Rolex. Đây cũng là nơi thực hiện kiểu mặt số Jubilee cổ điển, hoặc loại mặt được làm từ chất liệu đặc biệt khác như xà cừ, thiên thạch, vàng hoặc platinum.

Xà cừ được sử dụng làm lớp mạ trên đồng hồ Rolex.

Chế tác mặt số là công đoạn mang đậm tính truyền thống, được Rolex lưu giữ bằng cách sử dụng những thiết bị máy móc truyền thống. Để tạo ra một mặt số hoàn thiện cần tới 60 công đoạn khác nhau. Thông thường, mặt số được làm bằng đồng. Vì thế, tại Rolex, các mặt số được cắt và tạo hình bằng máy từ lá đồng, sau đó được gửi đi trang trí và nhuộm màu.

Để tạo ra một mặt số hoàn thiện cần tới 60 công đoạn khác nhau.

Tuy nhiên, cũng có thời điểm mặt số được chế tác trực tiếp từ những thanh kim loại tuỳ theo kiểu thiết kế. Số lượng thiết kế và mặt số đồng hồ mà Rolex sản xuất mỗi năm (xấp xỉ 800,000 chiếc) là minh chứng cho cấp độ sản xuất khác biệt của Rolex so với các nhà máy sản xuất thông thường khác.

Nhà máy Chêne-Bourg.

Một lượng lớn mặt số đồng hồ của Rolex được “điều trị” bằng hóa chất, và có hẳn một tầng trong nhà máy dành cho công đoạn này. Hãng sử dụng hai kỹ thuật mạ điện. Phương pháp đầu là bốc hơi vật lý bám tụ bề mặt PVD. Phương pháp còn lại là phún xạ magnetron. Nguyên tắc hoạt động của phương pháp mạ PVD là khi chất liệu đặc được nung nóng trong khoang chân không sẽ thăng hoa và chuyển thành khí gas, bốc lên và bám vào bề mặt trên đỉnh khoang.

Ngược lại, phương phạp mạ phún xạ magnetron lại là quy trình nhuộm áo plasma diễn ra khi các loại khí gas khác nhau tương tác trong khoang rỗng, khiến ion của khí gas thăng hoa vượt lên tất cả và bám vào bề mặt mong muốn giữa khoang trống. Về bản chất, sự khác biệt giữa hai phương pháp trên là việc mạ PVD có thể tạo ra lớp mạ mỏng hơn phún xạ magnetron.

Đây chính là lý do Rolex sử dụng phương pháp mạ PVD cho những thiết kế mạ có độ dày dưới 1 micron, và phương pháp phún xạ magnetron cho những thiết kệ mạ có độ dày 1 micron.

Tuy nhiên, mạ không phải chỉ là một công đoạn đơn giản trong việc chế tác mặt số. Thay vào đó, đây là công đoạn dài đầy tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo trong tay nghề chế tác thủ công. Sau khi mặt số được cắt sẽ được tráng nickel, vàng và bạc, tiếp đến là trang trí và tráng thêm một lớp vàng. Cuối cùng là tráng lớp kim loại màu do phòng thiết kế quyết định.

Quy trình sản xuất mặt số tại nhà máy Chêne-Bourg của Rolex.

Bên cạnh mạ PVD và phún xạ magnetron, các mặt số còn được sơn mài hoặc tráng lớp bảo vệ trước ảnh hưởng của các tia UV. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các nhà sưu tầm lại đánh giá cao hiệu ứng từ tia UV này. Đây là lý do rất ít nhà sưu tầm phàn nàn về mặt số của đồng hồ vintage từ Rolex. Nhưng do mong muốn theo đuổi sự hoàn thiện, Rolex luôn thực hiện đầy đủ các công đoạn.

Khi các công đoạn đã hoàn tất, những cọc số được gắn vào mặt số qua lỗ nhỏ và hàn chặt nhờ chân gắn, đồng thời được máy móc gia cố. Và để đảm bảo chất lượng tuyệt đối, chuyên gia sẽ kiểm tra chất lượng của từng mặt bằng cách thả chúng xuống bề mặt mềm từ độ cao 20cm.

Khảm nạm ngọc là một công đoạn khác ở Chêne-Bourg. Rolex chỉ sử dụng những loại đá quý như kim cương, ruby, sapphire và ngọc lục bảo. Mỗi viên đá và ngọc quý luôn được chọn thủ công, kỹ lưỡng từng viên một để đảm bảo chất lượng. Bộ phận kiểm tra đá quý của Rolex sở hữu những cỗ máy hiện đại thường chỉ thấy trong các phòng thí nghiệm độc lập, như bằng chứng rõ rệt cho sự quan tâm chất lượng của Rolex.

Đối với đá quý, Rolex có tiêu chuẩn nghiêm ngặt về DEFG. Đá màu được kiểm tra kỹ theo dải màu và phải nằm giữa giới hạn cho phép ở điểm cực max và cực min – nếu không sẽ bị trả lại nhà cung cấp. Những viên đá vượt qua vòng kiểm tra được cất trữ và phân loại cho những chiếc đồng hồ cụ thể. Kiểu cắt mà Rolex ứng dụng là brillant cut cổ điển, 8/8 cut, trapeze cut và baguette cut. Trong đó kiểu 8/8 chỉ áp dụng với đá khảm trên mặt số.

Đối với đá quý, Rolex có tiêu chuẩn nghiêm ngặt về DEFG. Đá màu được kiểm tra kỹ theo dải màu và phải nằm giữa giới hạn cho phép ở điểm cực max và cực min – nếu không sẽ bị trả lại nhà cung cấp.

Việc khảm nạm ngọc trên mặt số là một công đoạn khác liên quan lớn tới tay nghề thủ công. Những mặt số này cần được tạo lỗ rỗng (bằng máy), với các ngạnh và giá đỡ được tạo hình và uốn thủ công. Ngoài ra, thợ thủ công cũng dùng các thiết bị đơn giản để đánh bóng lỗ, uốn ngạnh và đảm bảo được đặt trên cùng chiều cao, mặt của đá cũng phải hướng theo một chiều. Công đoạn này có thể kéo dài từ vài ngày (5 ngày) tới hàng tuần.

Acacias: Nơi mọi thứ kết hợp với nhau

Trong 4 nhà máy sản xuất của Rolex, nhà máy ở Acacias – cách Geneva khoảng 10 phút lái xe – có lẽ là nhà máy mang tính biểu tượng nhất vì có cùng tông xanh lục. Được hoàn tất từ năm 1965, địa điểm này hiện là đại bản doanh của thương hiệu. Đây đồng thời cũng là nơi diễn ra các bước cuối cùng để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh. Tất cả khâu lắp ráp, hoàn thiện, kiểm soát cuối cùng, kiểm tra chất lượng từ chuyên gia đều diễn ra trong ngày.

Có lẽ điều ấn tượng nhất của Rolex là khả năng sản xuất ra những chiếc đồng hồ đặc biệt không có thương hiệu nào sánh được. Tại nhà máy của Rolex, hoàn toàn không có chỗ cho sự thiếu minh bạch. Mỗi chi tiết nhỏ nhất đều do chính thương hiệu sản xuất hoặc chế tác thủ công. Khác với thương hiệu khác, Rolex có quan điểm riêng về việc dùng máy móc trong sản xuất đồng hồ: những thứ cần thực hiện bằng máy móc tự động được Rolex đưa máy vào sản xuất; những thứ cần con người tham gia sẽ được thực hiện bởi con người.

Khác với một số công ty đồng hồ Thuỵ Sỹ khác chỉ kiểm tra ở mức độ 1/50 hoặc 1/100, 100% số đồng hồ xuất xưởng từ Rolex đều được kiểm tra rất kỹ lưỡng.

Thậm chí, Rolex còn có tầm nhìn mới trong ngành công nghiệp đồng hồ khi chấp nhận cả việc đặt hàng bên ngoài (outsource) nếu như điều đó là cần thiết. Để thực hiện toàn bộ quy trình lắp đặt cuối cùng, có khoảng 150 người tham gia cùng những con robot với kích thước và hình dạng khác nhau.

Nhà máy Acacias.

Hàng ngày, các chi tiết sẽ được vận chuyển tới Acacias từ 3 nhà máy còn lại sau khi được kiểm tra toàn bộ. Trong đó, vỏ máy và dây đeo kim loại xuất phát từ nhà máy Plan-les-Ouates, mặt số và các chi tiết khảm đá tới từ Chêne Bourg, bộ máy đến từ Bienne. Tại Acacias, các chi tiết này được lắp đặt qua tổng cộng 10 công đoạn khác nhau, mỗi công đoạn nằm ở một trong 10 tầng của tòa nhà. Tất cả được bắt đầu với công đoạn lắp mặt số và bộ máy đồng hồ, tiếp theo là hoàn thiện các chi tiết thủ công, lắp đặt vào vỏ máy và cuối cùng là kiểm tra chất lượng.

Mỗi chi tiết trong các công đoạn này đều được thực hiện với quy định nghiêm ngặt nhằm đảo bảo mỗi chiếc đồng hồ Rolex đều có chất lượng vượt trội và ổn định. Một ví dụ điển hình cho việc này là trước khi các kim đồng hồ được lắp đặt vào máy, kỹ thuật viên sẽ lắp máy vào trong một chiếc máy chuyên dụng được thiết kế đặc biệt để điều chỉnh cơ cấu về thời điểm chính xác trước nửa đêm. Mục đích của điều này là để ngày của mỗi chiếc đồng hồ Rolex sẽ thay đổi vào nửa đêm. Ngoài ra, khác với một số công ty đồng hồ Thuỵ Sỹ khác chỉ kiểm tra ở mức độ 1/50 hoặc 1/100, 100% số đồng hồ xuất xưởng từ Rolex đều được kiểm tra rất kỹ lưỡng.

Khác với một số công ty đồng hồ Thuỵ Sỹ khác chỉ kiểm tra ở mức độ 1/50 hoặc 1/100, 100% số đồng hồ xuất xưởng từ Rolex đều được kiểm tra rất kỹ lưỡng.

Cùng với tính ổn định, độ bền và độ chính xác cao, một trong những giá trị quan trọng của  đồng hồ Rolex là khả năng chống nước. Rolex nổi tiếng với một dòng đồng hồ mang tên Oyster (có nghĩa là con Hàu). Để đảm bảo khả năng chống nước tuyệt vời này, Rolex cũng cho lắp đặt một hệ thống chống nước hoàn thiện ở Acacias. Một lần nữa, 100% đồng hồ đều được kiểm tra trong điều kiện thật (trong các thùng nước lớn). Những chiếc đồng hồ không phải đồng hồ lặn được kiểm tra trong điều kiện sâu hơn 10% so với thông tin công bố. Trong khi đó, đồng hồ lặn được thử nghiệm tại độ sâu hơn 25% so với thông tin được công bố chính thức (áp dụng chỉ số ISO 6425).

Xét về khả năng chống nước, những thông tin trên là vô cùng ấn tượng, đặc biệt khi nói đến mẫu Rolex Deepsea. Chiếc đồng hồ đặc biệt này được công bố là có khả năng chống nước ở độ sâu 3,900m, nhưng trên thực tế lại được thử nghiệm tại độ sâu 4,950m trong những chiếc thùng được COMEX phát triển riêng cho Rolex. Mỗi đồng hồ phải trải qua rất nhiều vòng kiểm tra độ chính xác, và thậm chí là một bài kiểm tra 24 giờ được giả lập vị trí đeo khác nhau trên robot.

Vượt qua các bài kiểm tra khắc nghiệt này, đồng hồ Rolex có thể chống chịu mọi thứ. Điều này tới nay có lẽ vẫn là một công thức bí mật đằng sau rất nhiều nỗ lực thành công của thương hiệu.

CHUYỂN NGỮ: TRÍ TUỆ


 
Back to top