Nghệ thuật / Nghệ sĩ

In conversation: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nelly Nguyễn

Mar 21, 2019 | By Trang Ps

Quyết định sang Anh tham dự một khoá học về nhiếp ảnh đã thay đổi hành trình của Nelly Nguyễn, chị rẽ sang và sự nghiệp thăng hoa từ đó.

Chọn công việc ghi chép bằng hình ảnh 

Tốt nghiệp cử nhân ngành Truyền thông thị giác vào năm 2006, Nelly khởi đầu công việc là một nghệ sĩ thiết kế đồ họa. Đi chung một đoạn đường ngắn, cô nhận ra công việc đòi hỏi tư duy về hình ảnh, trong đó, nhiếp ảnh đóng vai trò bổ trợ rất tốt cho công việc. Rồi bất chợt thấy yêu thích sau những phút giây mân mê cùng chiếc máy ảnh, Nelly Nguyễn quyết định sang Anh tham gia một khóa học nhiếp ảnh.

Tuy nhiên, Nelly cũng không ngờ cuộc đời mình đã thay đổi, thế giới nghệ thuật đến từ điện ảnh, thời trang, hội hoạ… mở ra trong cùng khuôn viên The Arts University Bournemouth trong suốt quá trình cô theo học nhiếp ảnh, khiến cơ hội nghề nghiệp đến với cô khá nhanh.

Những ngày đầu tiên, Nelly có ý định chụp tĩnh vật, nhưng nhờ gặp gỡ cô bạn là nhà thiết kế trang phục (costume designer), Nelly rẽ sang công việc chụp ảnh chân dung nhân vật.

“Ý đinh chụp tĩnh vật ban đầu của tôi đã bị người cuốn đi”. – Nelly thú nhận.

Rồi cuộc dạo chơi với những tấm ảnh chân dung ngày càng hiếm hoi khi trở về Việt Nam, sẵn có định hướng chụp tĩnh vật ban đầu, lại tình cờ có duyên gặp gỡ một người bạn hợp ý, cả hai lại cùng lên những concept chụp ẩm thực (food stylist). Thời điểm đó, như Nelly nhận xét, nhiếp ảnh tĩnh vật nói chung hay thức ăn nói riêng ở Việt Nam vẫn còn khá ít người dấn thân.

Nghề là một sự độc thoại 

Thú vị là, thời gian đầu, những bức ảnh về đồ ăn đầu tiên của cô lại khiến người xem chia sẻ thật lòng chúng quá giống một bức tranh, chúng đẹp nhưng lại không tập trung về ẩm thực, khiến người xem chưa tập trung vào món ngon cần thể hiện. Họ, và cả khách hàng của Nelly, cần những tấm hình đạt yêu cầu về mặt thẩm mỹ nhưng phải có cảm giác ngon miệng hơn nữa.

Từng là nhà thiết kế đồ họa, Nelly Nguyễn có được nền tảng về mặt bố cục và hình ảnh, cô nhanh chóng nhận ra một góc nhìn thú vị hơn trong nhiếp ảnh. Nelly bắt đầu màn độc thoại với “những kẻ lặng thinh”.

Mọi người thường nghĩ để hoàn thành một bức ảnh về thức ăn, nhiếp ảnh gia đơn giản chỉ là giơ máy ảnh lên, bấm “tách” một cái là xong. Cũng đúng! Nhưng tấm ảnh ấy sẽ không “nói lên” được điều gì cả!

Khi là thực khách, bạn có thể không nhận xét món ăn đang được trưng bày trên bàn như thế nào. Nhưng khi món ăn đi vào một bức ảnh, mọi người sẽ có khuynh hướng “chỉ trỏ” nhiều hơn. Vì vậy khi người ta đặt mười chiếc bánh lăn lóc trên đĩa, nhiếp ảnh gia tĩnh vật không thể cứ thế mà chụp được. Họ phải sắp xếp lại mọi thứ, để sau đó bạn sẽ thấy những chiếc bánh “lăn lóc” một cách rất thẩm mỹ!

Thông thường, chụp ảnh tĩnh vật đòi hỏi sự hỗ trợ của cả một ekip. Nelly kể: “Trong dự án chụp món ăn tại khách sạn Pullman, người quản lý công việc tiếp thị của khách sạn đã hỏi tại sao chúng tôi phải đem nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh như vậy. Cô ấy còn nghĩ chúng tôi chỉ cần làm việc khoảng một tiếng, nên khi tôi bảo phải mất từ 45 phút đến 1 giờ cho mỗi món ăn, chị đã vô cùng ngạc nhiên”.

Nelly dành hơn 1 tháng rười để chuẩn bị và hoàn thành 10 tấm ảnh dự án “Domesticity Project”. Nelly cho biết những bức ảnh trông đơn giản vậy, nhưng cô phải sketch (vẽ phác họa) trước khi chụp và lên cả một danh sách dài những thứ gì cần phải mua.

“Domesticity Project” lan tỏa thông điệp những đồ dùng hàng ngày trong gia đình cũng có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, những thứ dung dị khi được sắp đặt sẽ viết nên một câu chuyện hình ảnh ý nghĩa. Để hoàn thiện 10 bức hình này, Nelly bước vô studio và “chơi” với chúng tỉ mỉ và cẩn thận. Đồ vật càng nhỏ nên chỉ cần nhích một xíu thì lên máy sẽ bị lệch rất nhiều.

“Chụp tĩnh vật đòi hỏi mình phải tĩnh theo nó. Đôi lúc, tôi có cảm giác rằng mình đang độc thoại với chính bản thân”.

Đối với những nhiếp ảnh gia chụp chân dung, vốn đã quen làm việc với con người nên khi chuyển sang chụp tĩnh vật, họ sẽ mất đi tính tương tác ban đầu và nhiều người không thể chịu được điều đó.

Các nhiếp ảnh gia chân dung  có thể bảo người mẫu thay đổi tư thế hoặc thực hiện các động tác khác nhau, nhưng khi chuyển qua chụp tĩnh vật, nhà nhiếp ảnh như đang độc thoại với chính bản thân mình, đôi khi mệt quá lại im lặng nghỉ ngơi vì không ai ở bên cạnh.

Có những lúc vật thể dùng để thực hiện ảnh không phù hợp, họ phải tự tìm cách thay đổi và không hiếm khi bực bội vì không tìm được điều mình mong muốn. Chẳng ai có thể bảo trái táo cần méo qua phải một chút cả!

Tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên của hình ảnh

Nelly Nguyễn luôn giữ tinh thần là các bức ảnh phải đạt được 80% mong muốn, để công việc phần hậu kì được dễ dàng hơn. Nhiều người cho rằng, chỉ cần chụp một tấm ảnh, sau đó nhờ vào kỹ năng photoshop giỏi là có thể tạo ra một tác phẩm đẹp mà không nhận ra rằng, điều này sẽ đánh mất đi sự tự nhiên vốn có của bức ảnh..

Dù người xem thoạt đầu chưa hiểu hoặc không bắt buộc phải hiểu, nhưng ảnh tĩnh vật luôn luôn đòi hỏi một câu chuyện đằng sau chứ không thể là một bức hình trống rỗng.

Một bức ảnh chụp cho tạp chí Elle Vietnam.

Bức ảnh Nelly chụp cho thương hiệu nữ trang Việt – Odjects.

Một bức ảnh trong triển lãm “Machine Is Nature”

Hiện tại, Nelly Nguyễn đang có các bức ảnh tại sự kiện “Machine Is Nature”, một triển lãm chung của 15 nhiếp ảnh gia ở Việt Nam và quốc tế. Với chủ đề “Máy móc là Tự nhiên”, Nelly mong muốn kết hợp những món ăn mà cô thường chụp với thông điệp của triển lãm để tạo ra những tác phẩm đầy tính thức tỉnh. Sự kiện mở cửa tại The Factory Contemporary Arts Centre, từ tháng 02 – 04/2019.

Bài: TRANG PS


 
Back to top