Nghệ thuật

Sự mặc cảm và niềm hân hoan của con người

Aug 28, 2021 | By Trang Ps

Bản chất tinh thần của con người là mâu thuẫn, nhưng họ luôn không biết chấp nhận nó, như một sự thật có thật trên đời. Cũng từ cái cốt lõi là mâu thuẫn này, nó phóng chiếu ra ngoài dòng đời của họ, làm nên biết bao nhiêu chuyện đổi thay, mâu thuẫn và bi kịch.

Nếu chúng ta nhận ra mâu thuẫn nội tại, mấu chốt trong con người mình là tất yếu, có nghĩa là ta đã biết chấp nhận mọi sự thay đổi trên dòng đời này là hợp lý.

Do đó, trong tâm lý con người, nếu bạn có cái này ở dưới, thì nó sẽ phản ứng sinh ra cái kia ở trên. Đó là sự mặc cảm sâu xa bên trong con người, làm động lực tạo ra mọi thành quả hướng thượng của chúng ta. Khi nói đến điều này, người ta thường nghĩ nó tiêu cực, vì chúng ta thường có thói quen chỉ hiểu theo vế thứ nhất của vấn đề thôi. Có nghĩa là sự mặc cảm là xấu, nhưng sự thật cũng chính nó, là cái mầm mống cốt lõi để tạo ra niềm hân hoan vui sướng nhất cho con người.

Sự mặc cảm: Có thể là xấu, nhưng cũng là cốt lõi tạo ra niềm hân hoan vui sướng

Đối với những người có khả năng sáng tạo mãnh liệt, thì khối mặc cảm kia càng lớn hơn người thường. Vì sự mặc cảm kia như là một bệnh lý không thể nào chữa trị được nữa. Cho nên nó như con mắt của quỷ dữ luôn nhìn chúng ta đêm đêm. Nó là cái hố thẳm sâu hun hút ghê rợn trong lòng người. Nó là bão giông và sấm chớp, trong ngày tháng của thực tại hư vô buồn chán. Là sự bất hạnh của con người được xem là những thiên tài, thường là phải biết chấp nhận nó suốt đời.

Các thiên tài nghệ thuật thường nhạy cảm đến độ như một đứa bé nhõng nhẽo vậy. Như tâm tình của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà chúng ta đã từng biết qua những giai thoại tình yêu của ông. Ông rất dễ yêu thương, nhưng cũng rất dễ giận dỗi người yêu! Chúng ta chỉ nhận thức các thiên tài bằng sự quan sát bên ngoài mà thôi, cho nên chúng ta sẽ rất khó nắm bắt được những chuyễn biến tinh tế trong tâm hồn của họ. Để hiểu họ hơn như một con người bình thường, chứ không phải là biểu tượng đẹp đẽ đã được chúng ta đánh bóng sáng lên một cách không thật thà.

Vì những mặc cảm sầu khổ của con người chúng ta là do tổ tiên để lại, điều đó như gương mặt của Totem trong bóng tối đang ngắm nhìn chúng ta mải miết. Nhưng niềm hân hoan vui sống tỏa sáng trong hiện tại này phải do chính chúng ta tạo ra. Vì chỉ có mình mới quyết định được hạnh phúc cho mình thôi.

Cho nên con người càng có chiều sâu nội tâm, thì càng có cái “mặc cảm tự thân” này nhiều hơn, mạnh hơn người thường. Và điều này chính là nghiệp chướng được thừa kế, trong nhiều kiếp sống trước kia của chúng ta. Vì thế chúng ta luôn có những nỗi đau vô cớ trong lòng mình. Vì tự nhiên chẳng có nguyên nhân gì cả, mà chúng ta cũng tự thấy đau buồn cùng cực. Và nếu chúng ta không biết ý thức về cái nghiệp chướng này, thì chúng ta sẽ đi tạo nghiệp tiếp, để rồi càng dấn sâu hơn trong đau khổ mà thôi. Và thế là trong hiện đời này, chúng ta đã khổ lại càng khổ hơn nữa.

Cái mặc cảm nội tại sâu xa trong tâm lý con người chính là “tội tổ tông” của chàng Adam và nàng Eva để lại cho chúng ta, khi hai người đã yêu nhau và trộm ăn trái cấm trong vườn địa đàng năm xưa…

Vậy thì từ trong sâu thẳm của tâm hồn chúng ta, vốn như có một con sâu độc ngủ ngầm trong đó rồi. Cái đó chính là cái tôi, cái bản ngã, và cũng là cái mặc cảm thiêng liêng mà chúng ta đang bàn ở đây. Và cũng nhờ chính cái mặc cảm này, chúng ta được tiến lên trên con đường hân hoan đầy hoa thơm cỏ lạ. Cho nên mặc cảm càng nhiều thì tinh thần càng cô đơn và mạnh mẽ độc lập khác thường. Và cũng chính cái tinh thần mạnh mẽ này đã làm cho con người tỏ ra tự cao tự đại, kiêu ngạo, tự mãn trước cuộc đời.

Vì thế, tâm lý của một thiên tài thường rất phức tạp hơn người thường, và cũng vì vậy nên định mệnh của họ cũng thường nghiệt ngã hơn người thường. Tuy nhiên, đau khổ bất hạnh luôn là niềm cảm hứng cho con người dấn thân. Và bằng chứng là cuộc đời của các thiên tài, thánh nhân đều bất hạnh và rất ly kỳ, gây cấn…

Tôi về với những niềm riêng.
Bên cây lá ngủ dịu hiền trong đêm…

Nếu chúng ta kìm nén quá lâu, tâm lý chúng ta sẽ rơi vào trạng thái như một thùng thuốc nổ có ngòi cháy chậm âm thầm. Vấn đề ở đây là cần phải giải quyết chứ không phải giấu nhẹm nó đi. Vì không bằng con đường này thì cũng là con đường khác, trước sau gì nó cũng xì ra thôi. Và nó cứ cháy lên một ngọn lửa âm ỉ mãi trong lòng, làm chúng ta đau khổ mà không sao lý giải được. Nhưng nếu chúng ta không có thời gian và sự kiên nhẫn theo dõi nó, thì tai họa sẽ đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Vì vậy chúng ta cần phải biết cách theo dõi bản tâm của mình để điều phục nó, may ra chúng ta sẽ tránh được nhiều tai nạn đáng tiếc.

Ngày xưa, trong đời sống bầy đàn của loài vượn người, con vật đầu đàn có đặc quyền cá nhân cao nhất, như một thứ quyền lực bản năng độc tài vậy. Nó luôn chiếm hết tất cả các con cái có trong đàn của mình, đồng thời hành xử với các con đực khác nhỏ yếu hơn nó rất tàn bạo. Cho nên, đến khi già yếu rồi, nó sẽ bị các con đực khác vùng lên giết chết nó ngay. Và sau này, chính nó lại được xem như là con vật tổ được gọi là Totem, của tổ tiên chúng ta.

Tuy nhiên khi con vật già đầu đàn bị giết, bầy đàn sẽ được dẫn dắt bởi một con vật mới, trẻ trung khỏe mạnh hơn, nhưng cũng thiếu kinh nghiệm hơn. Do đó trong cuộc du hành đấu tranh sinh tồn này, bầy đàn luôn gặp bất trắc khó khăn và không thể nào giải quyết được. Và lúc này bầy đàn mới cảm thấy nhớ con vật già đã chết kia, bằng tất cả tấm lòng kính trọng và thương tiếc! Và đó chính là sự hối hận và lương thiện đầu tiên của loài người.

Chính từ sự tưởng nhớ và thương tiếc này mà khái niệm về tôn giáo ra đời, bằng hình ảnh thoát khỏi hiện thực của các thánh thần do con người tự dựng lên. Và đó là khi những ánh mắt ẩn chìm trong bóng đêm sâu thẳm đang ngắm nhìn chúng ta, bằng cái nhìn nghiêm khắc đau đớn hơn tất cả, như những điều răn trong kinh thánh đã nói tới.

Và cái nhìn sắc bén như một đường gươm kia, luôn chía thẳng vào trái tim con người chúng ta thật nhức nhối. Và nó luôn nhắc nhở chúng ta rằng, sẽ luôn có một vết thương, đang rỉ máu trong trái tim mình. Cho nên chúng ta nghĩ tới nghĩ lui mãi và phải ôm đau khổ hoài, mà chúng ta cũng không thể biết được nó từ đâu ra. Vì tất cả chúng ta đang sống đây, đã gây ra tai nạn gì, đều có nguyên nhân sâu xa, là ở vết thương lòng này hết.

Mặc cảm dai dẳng đau đớn đã chắp cánh cho ước mơ

Tuy nhiên chính “mặc cảm tự thân” này cũng tạo ra sức mạnh cho con người lớn đến lạ lùng, thường được gọi là các phép màu do Chúa ban cho chúng ta. Và nó thường được gọi là ý chí hùng lực, có thể đi xuyên qua mọi thứ, với một tinh thần anh hùng và bi tráng nhất. Nhưng cũng chính cái ý chí này, đã kéo chúng ta đi lê thê mãi trên đường đời mệt nhoài quá vất vả. Và một ngày kia nếu như không có tình yêu tới, thì chúng ta có sống sung sướng gì, thì cũng sẽ không có hạnh phúc đâu. Vì ý nghĩa đích thực của cuộc sống này, chính là niềm hân hoan chiến thắng những mặc cảm khổ đau, ở trong lòng của chúng ta đó.

Và từ cái mầm đau đớn mặc cảm này, thì chúng ta đã cố gắng đi lên trên con đường, từ một con sâu sầu khổ, để biến thành một con bướm xinh đẹp tinh khôi, hân hoan trước cuộc đời đầy mơ ước của mình.

Vậy chính nỗi mặc cảm dai dẳng đau đớn đó, đã chắp cánh ước mơ cho chúng ta, đi vào đời một cách hân hoan vui mừng nhất. Và từ đây bầu trời lộng gió và chim họa mi sẽ hót vang trong khu vườn lung linh xinh đẹp. Và chúng ta sẽ thấy an vui hạnh phúc, khi được sống trên đời trong vòng tay, của những người thân yêu nhất của mình.

Tuy nhiên sự trôi chảy của dòng đời luôn như một dòng suối mát trong tưới tắm cho cuộc nhân sinh này, thì chúng ta phải biết nâng niu gìn giữ nó, bằng sự sáng tạo không ngừng nghỉ của mình. Vì chỉ có sáng tạo mới sinh ra niềm hân hoan chất ngất tràn đầy, cho cuộc đời vốn đau buồn của thế gian…

Vì khi bạn sáng tạo, mà xả được nghiệp, thì bạn sẽ thấy sảng khoái và hạnh phúc. Và nếu bạn đạt được điều này thì chính nó mới là sáng tạo đích thực. Còn nếu bạn càng sáng tạo, nhưng vẫn cảm thấy đau khổ và bế tắt quá, thì hãy xem lại cái động lực sáng tạo của mình.

Vì sáng tạo là con đường thiêng liêng, để vẽ lại chính xác các gương mặt thần thánh trong con người mình, chứ không phải là kinh nghiệm dùng để chiến thắng người khác, như một nhát gươm của lý trí khô khan.

Do đó thông qua sáng tạo liên tục không ngơi nghỉ, thì chúng ta dần dần mở ra một cánh cửa của tâm hồn mình. Và từ đây sự mặc cảm như một vùng trời đen tối trước kia, bây giờ đã mọc lên những bông hoa xinh đẹp để trang điểm cho đời..

Vậy nên nếu chúng ta muốn đi tìm hạnh phúc đích thực, thì chúng ta phải biết bảo vệ được mình, và theo đuổi đam mê đến cùng. Vì con người tự do, là con người biết làm chủ bản thân. Và nếu bạn biết làm chủ bản thân, thì bạn mới có thể làm chủ thế giới này. Và đó chính là con đường sáng tạo, biến những mặc cảm khổ đau, trở thành niềm vui hân hoan, chứa đầy sức sống rực rỡ của con người chúng ta.

Vì sự mặc cảm và niềm hân hoan trong tâm hồn con người, luôn sinh khởi một thế giới gió mưa mù mịt đa âm sắc. Và đó là điều mà chúng ta rất khó phân biệt cái nào là tiếng khổ tiếng vui. Cho nên sự đời cứ mãi cuốn trôi đi một cách lẫm liệt cao sang hay bần hàn thì chúng ta cũng phải sống với nó. Và nó như gương mặt ẩn trong một tấm gương có nhiều bụi bặm, mà chúng ta chưa kịp bôi xóa. Vì thế có người suốt đời trong sạch, nhưng khi nhìn vào gương thì thấy nó nhơ bẩn quá. Nhưng cũng có người suốt đời cứ lau sạch tấm gương kia, nhưng gương mặt mình cũng không đẹp hơn tý nào. Vậy thì lúc nào chúng ta cảm thấy mặc cảm là điều tồi tệ, thì hãy soi lại gương mặt của mình đi.

Lúc đau buồn nhất có khi là lúc tinh thần của chúng ta mạnh mẽ nhất

Thời gian là gương mặt của cuộc đời, bản thân thời gian là vô hạn, nhưng cuộc đời chúng ta là hữu hạn, nên chúng ta phải biết cách dừng lại trên những cung bậc nào đó của nó thôi. Vậy thì sự lựa chọn ở đây về một tình yêu tươi sáng cho mình là có thể làm được. Khi chúng ta biết cách chế tác, và chuyển hóa những đau khổ mặc cảm trôi nổi trên dòng đời, để nó trở thành những yêu thương và hiểu biết.

Vì yêu thương, có khi chúng ta cũng không hiểu vì sao mình yêu thương nữa. Hoặc có khi chúng ta đã hiểu biết như thế rồi mà vẫn yêu thương, chứ không thể nào khác được. Cho nên chúng ta mới đau khổ vô cùng, chứ không phải biết như thế là đã hết yêu thương đâu. Vì trong tình yêu, lý trí chỉ là tên phá hoại, nhưng về mặt cuộc sống và giá trị con người, thì lý trí là một người giám hộ tốt nhất.

Tuy nhiên làm người đã sinh ra đời này, thì không ai là không có đau buồn và hạnh phúc. Vì nó là nhân quả với nhau trong cuộc sống này. Là cái mâu thuẫn nội tại có trong tâm lý con người chúng ta. Và khi chúng ta đau buồn nhất, thì bạn chớ vội lo, vì khi đó có khi là lúc tinh thần của chúng ta mạnh mẽ nhất.

Vì sự cô đơn của con người, luôn chứa đựng một sức mạnh sấm sét để vượt thoát lên trên. Và con người chỉ có thể mạnh mẽ và hoàn thành trí tuệ, cũng như tình yêu của mình, khi đã đi xuyên qua đau khổ. Do đó có một con sâu độc ngủ ngầm trong tim, thì có khi lại là có phước lớn trời ban. Vì bạn cứ lắng nghe tiếng gọi của nó, mà sống với những động lực hướng thiện, thì may ra bạn mới có thể đổi đời được. Còn nếu như bạn không thể chịu đựng nỗi, mà cứ than khóc hoài thì bạn cũng sẽ chìm sâu hơn.

Một bông hoa sen đẹp luôn mọc lên từ bùn đen, vậy sao chúng ta lại xem nỗi mặc cảm kia là xấu được. Vì không có bùn thì làm sao có sen. Vì đau khổ chính là chất liệu của hạnh phúc. Từ mặc cảm đầu tiên của con người, để tìm thấy tự do cuối cùng, là một hành trình vinh quang nhất, mà Chúa đã trao tặng cho chúng ta đó..

Vì thế sống trên đời này có rất nhiều việc phải làm, nhưng nếu có thì giờ thì bạn hãy quan tâm hơn với chính mình. Bạn cần giáp mặt với cuộc đời, với khổ đau và với một tình yêu bế tắt nhất. Và từ đó chúng ta hãy cùng nhau tháo gỡ lần lần. Có thể hôm nay chúng ta chưa làm được, nhưng sau này sẽ khá hơn thì sao. Vì sự chế tác và chuyển hóa khổ đau thành niềm hạnh phúc, là phải cần có thời gian và không phải dễ dàng chút nào.Vì điều này là có đồng mẫu số chung cho tất cả mọi người, nếu như chúng ta biết chấp nhận sự thật rất khó khăn này.

Vì chúng ta khác biệt nhau nhiều quá, thì phải chấp nhận phương pháp của nhận thức, và tình cảm thiết tha hướng thượng. Chứ những điều trong tâm lý con người, không thể bảo nó phải làm xong như một công việc được. Vì đôi khi tiền bạc là một lợi thế của đời sống, nhưng đem nó ra để cân đong đo đếm với tình yêu, thì sẽ làm hỏng tình yêu.

Và chúng ta nên biết rằng, nỗi mặc cảm đớn đau trong lòng người, bao giờ cũng đẹp như một bông hoa nở ra trong bóng tối tuyệt vọng. Và đó là giới hạn cuối cùng của linh hồn chúng ta. Nó có sức mạnh của bản năng, và một trời yêu thương gần gũi nhất. Vì bản chất của sự sống là sự hồn nhiên vui thú, chứ không phải là sự kìm nén chịu đựng. Nhưng khi bạn chịu đựng chưa đủ lớn, thì bạn khó có cơ hội trở thành con người chiến thắng trong tình yêu.

Vì thế, nếu ai đã biến nỗi mặc cảm đau khổ này, trở thành niềm hoan lạc hạnh phúc, thì chính người đó đã được giải thoát khỏi khổ đau hoàn toàn. Vì bạn đã được tái sinh trong ánh sáng thiên đường trên cao. Vì bạn đã đi qua hết đêm tối của cuộc đời mình, và bạn đã biết yêu thương con người đến tận cùng trong trái tim!

Thà để người phụ ta, chứ nhất định ta không phụ người…

Bài và tranh:  HÀ HÙNG


 
Back to top