Nghệ thuật / Nghệ sĩ

The Epitome of Luxury: Họa sĩ Phạm An Hải và những cảm xúc chất chồng sau họa phẩm trừu tượng

Aug 29, 2019 | By Hai Yen

Không có những giằng xé dữ dội, không thể hiện những gào thét nội tâm hay thế giới quan khốc liệt, tranh của Phạm An Hải đơn giản dung hòa giữa thực – ảo, là phép cộng giữa vật thể và hình dung trong tâm tưởng, để khắc họa cảm xúc của chính mình qua từng mảng màu tương phản và nét cọ dứt khoát.

Kể từ năm 2012, có một họa sĩ Việt Nam đều đặn xuất hiện tại mỗi kỳ mở phiên của nhà đấu giá hàng đầu thế giới Sotheby’s. Đó chính là Phạm An Hải, người họa sĩ kỳ lạ đã kiên trì theo đuổi nghiệp cầm cọ với dòng tranh trừu tượng trong suốt 30 năm. Trong cuốn sách tập hợp các nghệ sĩ tranh trừu tượng của thế giới, anh góp mặt bên cạnh những tên tuổi như P. Cézanne, Marc Chagall, S. Dali, H. Matiss. Bộ sách trừu tượng châu Á 100 năm chọn ra 20 họa sĩ tiêu biểu nhất, và Việt Nam định danh với tên Phạm An Hải.

30 năm, Phạm An Hải đã đối mặt, ấp ủ, nâng niu và tranh đấu với dòng tranh trừu tượng. Để đổi lấy những khoảnh khắc vinh quang, có lúc anh đã đối mặt với cay đắng đến mức gần bỏ cuộc khi gặp tai nạn ngặt nghèo, hay khi trượt dài theo những dòng tranh khác để đổi lấy hư vinh trong ngắn hạn. Thế nhưng, con số ấy đã đủ để chứng minh rằng tranh trừu tượng chính là cơ duyên, là may mắn, là số phận lớn nhất gắn với cuộc đời anh.

Vốn đã theo đuổi dòng tranh kén người chơi, lối vẽ của anh cũng lạ lùng lắm thay. Anh không đi theo kiểu “đa sắc, đa diện” như phương Tây, hay “đơn sắc, đơn diện” như phương Đông, mà một mình chọn một hướng riêng biệt, dẫu biết rằng điều ấy, khó có ai cảm thụ hết ngoài anh.

Tranh của anh được nhiều nhà phê bình đánh giá là có màu sắc phong phú nhưng đủ độ, phơi bày cả nội lực trong màu nóng và lạnh, để đạt tới trạng thái đa sắc, mà ẩn giấu sau đó là những cảm xúc chất chồng của một người nghệ sĩ.

Thành công và viên mãn như thế, song ít ai biết rằng anh từng gặp một tai nạn ngặt nghèo đến mức mất đi một bên mắt. Song điều đó không hề làm giảm đi cấu tứ nghệ thuật trong họa phẩm của anh, mà ngược lại còn thức tỉnh cảm giác về màu sắc, để giờ đây, dù là xanh, đỏ, vàng hay đen, tranh của anh vẫn rạng rỡ, khỏe khoắn, vẫn tạo nên những xúc cảm sâu xa và đánh thức thị giác của mỗi người thưởng lãm.

Không có những giằng xé dữ dội, không thể hiện những gào thét nội tâm hay thế giới quan khốc liệt, tranh của anh đơn giản dung hòa giữa thực – ảo, là phép cộng giữa vật thể và hình dung trong tâm tưởng, để khắc họa cảm xúc của chính mình qua từng mảng màu tương phản và nét cọ dứt khoát. Cứ thế, từ một, hai tranh của thời điểm ban đầu đến gia tài đồ sộ của hiện tại, có thể xem như anh đã đi đến tận cùng bản năng nghệ thuật của chính mình…

Giữa các dòng tranh phổ biến, vì đâu anh lại chọn dòng tranh vẫn còn kén người chơi và khá xa lạ với công chúng Việt Nam như tranh trừu tượng?

Điều này xuất phát từ quan điểm cá nhân. Tất cả những dòng tranh hiện nay từ trừu tượng, ấn tượng, lập thể, vị lai, siêu thực… đều có thể nói là đã bão hòa. Trong số đó, xuất phát điểm của trừu tượng là dòng tranh không mô tả, sao chép sự vật, hiện tượng, không có hình tượng cụ thể nào, mà chỉ dùng nhịp điệu, bố cục, và màu sắc để lột tả nội dung.

Với cá nhân tôi, đây là dòng tranh mang tính hội họa nhất, cũng giống như nhạc không lời trong thế giới âm nhạc vậy. Bởi vì thực sự thì người xem sẽ quan tâm, rung động bởi chính cảm xúc, nhịp điệu của tác phẩm đem lại. Nếu như có những cái vỏ của sự vật, hiện tượng, người ta dễ bị bám theo cái vỏ ấy, mà không còn đi đến cốt lõi nữa.

Trên thế giới, nghệ thuật trừu tượng với xuất phát điểm từ năm 1910 không còn mới lạ nữa. Bản thân dòng tranh trừu tượng cũng tồn tại nhiều thể loại khác nhau, như trừu tượng cấu trúc, không gian, hành động… Trừu tượng phương Tây và trừu tượng phương Đông cũng có sự khác biệt: phương Tây dùng đa sắc đa diện, phương Đông lại đơn sắc đơn diện.

Nếu như trừu tượng ở phương Tây thể hiện nhiều góc chéo, nhiều góc độ, đan xen giữa nhiều diện và sắc, trong cùng một sắc có nhiều sắc, trong cùng một diện có nhiều diện, thì trừu tượng phương Đông lại đơn giản: một diện phẳng là một mảng, một màu.

Sự khác biệt đó đến từ nhiều yếu tố: địa lý, tâm sinh lý, tôn giáo… mà người làm nghệ thuật khi tìm ra hướng đi mới và phát triển hướng đi cần hiểu rõ. Tôi theo đuổi nhiều tranh trừu tượng khác nhau từ năm 1992, nhưng chính vì muốn theo đuổi sự khác biệt giữa các dòng và tạo dựng lối đi riêng cho trừu tượng phương Đông, nên 5 năm trở lại đây, tôi theo đuổi và xây dựng được tiếng nói với dòng tranh riêng mà tôi gọi là “trừu tượng của cảm xúc”.

Ông chỉ mới góp mặt lặng lẽ trong một vài triển lãm nhóm và cá nhân tại Việt Nam, song sự hiện diện ở nước ngoài lại khá dày đặc. Phải chăng nghệ thuật trừu tượng vẫn còn quá mới mẻ tại Việt Nam, nên ông muốn tiến thẳng đến giới chơi tranh nước ngoài?

Đúng là cách đây vài chục năm, trừu tượng gần như không được đón nhận ở Việt Nam, kể cả đối với người trong giới. Vào thời điểm đó, kinh tế Việt Nam còn khó khăn nên việc mua tranh rất hạn chế, đó là chưa kể đến những tiêu chí trang trí cho nhà cửa, dễ cảm cho mọi người – điều không hề tồn tại trong trừu tượng, vì trừu tượng chỉ dành cho số ít thôi.

Giờ đây, khi kinh tế khá hơn và nhận thức cao hơn, mọi người được tiếp xúc nhiều hơn để đánh giá cao về dòng tranh trừu tượng và xem đây như hình thái nghệ thuật đích thực. Chính vì thế, trong vòng 5 năm trở lại đây, người Việt bắt đầu chơi tranh trừu tượng, và thông qua nhiều kênh như triển lãm, đấu giá, họ cũng đã bắt đầu sưu tầm.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, lượng khách hàng của tôi hiện nay chủ yếu vẫn là người nước ngoài, với tỉ lệ chiếm đến 80%.

Cơ duyên nào đã đưa anh đến những cuộc triển lãm đẳng cấp thế giới như Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, được giới thiệu tại những phòng tranh uy tín như Linus Galleris, hay góp mặt tại các phiên đấu giá của những đơn vị danh tiếng như Sotheby’s?

20 năm trước, tôi có triển lãm tại Hà Nội. Một phóng viên nghệ thuật người Hà Lan vô tình đặt chân lên Hà Nội vào đúng dịp đó, và viết về sự kiện lên một trang báo lớn của Hà Lan. Là người viết về nghệ thuật, bản thân ông cũng đánh giá rất cao các tác phẩm của tôi. Sau bài viết đó, tôi được giới nghệ thuật châu Âu chú ý, một số phòng tranh đã trực tiếp mời tôi góp mặt.

Hoạt động với nước ngoài có một điều thuận lợi là mình chỉ việc vẽ tranh, còn các hoạt động quảng bá, triển lãm, họ sẽ lo liệu cả. Tôi đã hoạt động như vậy được chừng 20 năm, được nhiều bảo tàng thế giới mua lại, các phòng tranh từng làm việc cũng đã đem tranh của tôi đi thi và may mắn đoạt giải.

Trở lại với bức tranh Serenade sẽ được trưng bày tại sự kiện Epitome of Luxury lần này, anh có thể chia sẻ ẩn ý đằng sau cái tên Serenade, và lý do anh chọn đưa tác phẩm đến trưng bày tại không gian sự kiện mà không phải là một tác phẩm nào khác?

Serenade, nghĩa là “Khúc nhạc chiều”, là tên của một bản nhạc rất nổi tiếng của Franz Schubert.

Trong bức tranh này, tôi khắc họa cảnh hoàng hôn trên Cầu Long Biên. Không gian được giản lược tối đa, để những mảng vàng cho người xem có cảm giác đó là không gian trời với những vệt nắng còn sót lại chiếu trên những nhịp cầu sắt đen. Đây là bức tranh tôi “chơi” về bố cục với những nét đen lớn đơn diện, khá đặc trưng cho phong cách của tôi và thể hiện cảm xúc khá mãnh liệt. Tôi muốn giới thiệu với công chúng những gì đặc trưng, đơn giản nhất, để mọi người dễ hiểu và tiếp cận.

Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, gia đình tôi năm đời ở đây rồi. Cụ của tôi là ông Phạm Đình Hổ, là tác giả của Vũ Trung Tùy Bút mà hiện nay, tên của cụ được đặt cho một con phố của Hà Nội. Do đó, ấn tượng của tôi về Hà Nội là sâu đậm hơn cả. Bản thân cái tên Hà Nội đã thể hiện đây là thành phố trong lòng sông, nên điều gợi cho chúng ta nhiều nhất chính là những cây cầu. Vậy nên, để nói về dấu ấn đậm nét mà bất cứ ai ở Hà Nội, thậm chí là du khách mới đến cũng biết chính là cầu Long Biên.

Tôi vẽ nên bức tranh Serenade vì cảm thấy xúc động trước khoảnh khắc hoàng hôn trên cây cầu. Mượn lý do đó, cảm xúc ấy để thể hiện điều mình muốn nói, lý do tôi vẽ nên Serenade chỉ đơn giản thế thôi.

Thông thường, cảm xúc tác động đến việc sáng tác của anh như thế nào? Anh thường sáng tác trên những gì sẵn có, hay dựa vào những gì bên trong trong tâm tưởng của chính mình?

Có thể nói ở một góc độ khác, sáng tác tranh là một sự giải tỏa những ẩn ức bên trong, giúp người họa sĩ cân bằng. Nhiều người nói họa sĩ như người câm, chỉ biết diễn giải tất cả bằng hình ảnh. Nếu có thể diễn giải tất cả mọi thứ gọn ghẽ, thấu đáo bằng lời thì họ đã trở thành nhà văn rồi (cười).

Tôi vẽ tranh tùy thuộc vào giai đoạn. Có giai đoạn tôi vẽ những gì thực tế đã trải qua, những cảm xúc đã có trong thực tế. Có những giai đoạn tôi hoàn toàn vẽ theo sự tưởng tượng. Ví dụ như có giai đoạn, tôi đặt ra vấn đề mà mình quan tâm và muốn thể hiện. Tôi tạo dựng nên những thứ như vậy mà sáng tác rất nhiều để khai thác đến tận cùng, cho đến lúc tôi cảm thấy cân bằng và thỏa mãn.

Khi vẽ, anh tin vào nguyên lý hay trực giác nhiều hơn?

Có thể là cả hai. Nếu vẽ mà không theo nguyên lý thì sẽ không vẽ được. Nhưng nếu không theo trực giác thì mình cũng không nói được hết những điều muốn nói. Vì xúc cảm của một người nghệ sĩ tương đối khác với những người bình thường. Điều này hơi khó chia sẻ, mà bản thân tôi cũng không biết cắt nghĩa như thế nào cho chính xác.

Làm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tại Việt Nam, là điều không dễ dàng. Nhờ đâu anh có thể trụ vững với nghề suốt 30 năm qua?

Thực ra đó cũng là vấn đề khó lý giải, có thể tôi là người được định đoạt để làm điều đó, nên sẽ có những cơ may để tồn tại, bán được tác phẩm, chứ không thể nói chắc chắn được điều gì. Bản thân bước vào nghề vẽ tranh trừu tượng cũng là do sự yêu thích, thôi thúc của bản thân, chứ trong những thời điểm trước đây, tôi vẽ tranh dạng khác để kiếm tiền rất tốt, nhưng tôi không theo đuổi đến cùng.

Hiện tại, không chỉ giới nghệ thuật Việt Nam mà còn trên thế giới vẫn rất đau đầu với vấn nạn tranh giả. Theo tôi được biết, anh cũng từng là nạn nhân của vấn nạn này. Cảm xúc của anh khi phát hiện tranh mình bị làm giả thế nào, và anh đã xử lý vấn đề ấy ra sao?

Đó là điều không tránh được. Ở khía cạnh tiêu cực, đó là một tệ nạn, vì người họa sĩ bị chép nhái sẽ thiệt thòi về mặt tài chính, bị ảnh hưởng khi người ta không biết được đâu là tranh thật, đâu là tranh giả. Nhưng ở góc độ tích cực, đó lại là một sự khẳng định, vì nếu tranh của anh không hay, không bán được, sẽ không có ai chép tranh của anh cả. Điều này vẫn tồn tại ở các nước phát triển chứ không riêng gì Việt Nam.

Khi đối mặt với những tình huống như thế, tôi chỉ đưa ra thông tin với báo chí, chứ để làm đến nơi thì cũng chả đến đâu cả, xử phạt hành chính một hai triệu cũng không giải quyết được gì, còn mất thêm thời gian. Tôi chỉ muốn kêu gọi sự tự trọng của những họa sĩ trẻ, tốt hơn nên phấn đấu cho chính bản thân mình.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!


WOW & LUXUO ra mắt tiệc tối thượng lưu dành cho giới tinh hoa Hà Nội: The Epitome of Luxury

Ấn phẩm WOW World of Watches và LUXUO – Lối sống thượng lưu tiếp tục đưa cuộc hành trình thượng lưu The Epitome of Luxury về thủ đô Hà Nội – miền đất của những nét đẹp văn hóa trường tồn – mở ra không gian tinh túy của đời sống nội đô, đưa các vị khách quý bước vào những xúc cảm thăng hoa bên rượu, nhạc jazz, hội họa và vật phẩm cao cấp.

Được diễn ra tại Press Club, sự kiện được đồng hành của thương hiệu đồng hồ cao cấp Piaget, nhãn hiệu suit đẳng cấp thế giới Kiton, hãng xe sang Rolls-Royce, huyền thoại rượu Whiskey Mortlach và thương hiệu pha lê hàng đầu thế giới Lalique.

The Epitome of Luxury sẽ diễn ra vào ngày 31/08/2019 tại nhà hàng Press Club, 12 Lý Đạo Thành, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bài: Loan Nguyễn, Hải Yến I Ảnh: Giang Lê 


 
Back to top