Phong cách / Làm đẹp

John Lobb và Andrew Ramroop: “Những nẻo đường bespoke”

Apr 13, 2019 | By admin

Tám rưỡi sáng, Johnathan đẩy cửa bước vào cửa hiệu giày John Lobb. Mỗi ngày làm việc của ông có khởi đầu giống hệt nhau: các khuôn giày gỗ. Chúng là sao y bản chính bàn chân của một cự phú. 

Johnathan tỉ mỉ căn chỉnh từng mi-li-mét trên khối gỗ, bằng chính cái dũa mà cụ kỵ ông – những người cũng bắt đầu ngày mới với một khối gỗ mô phỏng bàn chân của vua chúa, đã dùng. Johnathan, tên đầy đủ John Hunter Lobb, là truyền nhân đời thứ năm của hiệu giày John Lobb.

1. 

168 năm trước, John Lobb, kỵ của Jonathan, mang theo hành lý là đôi bốt tự đóng và hoài bão trong tim, đi bộ hơn 300km đến London. Đơn giản vì ông không đủ tiền cho bất kỳ cách di chuyển nào khác. Tuy nhiên, London lại quá chật chội cho một thợ giày mới ra nghề như Lobb. Liên tục nhận được những cái lắc đầu, nhưng trở về thì đồng nghĩa với thất bại, John Lobb xin làm chân tạp vụ trên một tàu biển của cánh đào vàng đi New South Wales.

Những câu chuyện phiếm trong các chầu nhậu của đám ăn thùng uống vại khiến Lobb lóe lên một ý tưởng. Ông đóng thử một đôi bốt đặc biệt. Chúng có phần gót rỗng. Thợ mỏ có thể giấu quặng vàng dưới chân mà vẫn đi lại như không. Đơn hàng đến tới tấp.

Lời đồn về kỳ tài của John Lobb bay qua Ấn Độ Dương về điện Buckingham. Hoàng tử xứ Wales Edward, dân chơi nhất nhì đế chế, sau này là vua Edward VII, trở thành khách hàng VIP đầu tiên của John Lobb.

Năm 1866, John Lobb mở cửa hiệu đầu tiên tại London. Ông đo ni đóng giày cho toàn bộ vương triều của châu Âu.

2. 

Ở làng Tunapuna, đảo Trinidad, Âu phục – như tên gọi của nó, chỉ dành cho khách du lịch châu Âu. Mặc đẹp là giấc mơ xa xỉ của dân bản địa. Kể cả với một thợ may tài năng như Madan Ramroop.

Đến London năm 1970, Ramroop – 17 tuổi, nói một thứ tiếng Anh giọng Ấn, kinh hãi trước các ngôi nhà sang trọng san sát nhau, với những ống khói trên nóc không ngừng tuôn. Chàng trai sinh ra trên một quả đồi lang thang khắp khu đắt đỏ Mayfair để xin việc. Bản C.V là hai bộ complê tự dựng.

Anthony Sinclair, người may những bộ cánh cho điệp viên màn ảnh James Bond, đồng ý cho Ramroop thử việc sau khi thẩm định bộ complê hai hàng khuy. Vận may có vẻ đã mỉm cười.

Nhưng đúng là một nụ cười mỉm. Chỉ sau cái gật đầu đồng ý chưa đầy 20 phút, Ramroop bị tống ra đường. Một người khác, Richard, đã vào xin việc ngay sau ông. Richard là người Anh da trắng. Cơ hội cho người da màu tại nơi làm ra những bộ cánh xa hoa như Savile Row là hãn hữu.

Tái ông thất mã. Một thợ cắt của Anthony Sinclair đủ ấn tượng để giới thiệu Ramroop với huyền thoại may đo Colin Hammick. Ông được nhận vào làm tại nhà Huntsman. Khách hàng giàu có nhăn mặt với giọng nói và mái tóc xoăn tít của ông như cách mà Ramroop kinh hãi những ngôi nhà với ống khói âm ỉ. Mỗi sáng, Ramroop phải vào hiệu may từ cửa sau.

Quyết tâm đi vào bằng cửa trước, Ramroop dành dụm tiền công theo học tại London College of Fashion (LCF). Niên khóa đầu tiên, lớp có 15 người. Năm thứ hai còn 10 người. Và cuối cùng, còn lại tám. Ramroop là người xuất sắc và giàu kinh nghiệm nhất trong số đó.

Huntsman SS16

Là bắc đẩu của ngành bespoke, những hiệu may ở đường St. James và khu Mayfair luôn cần thợ giỏi. Ramroop nhận được lời mời thử việc trong một tháng tại nhà Maurice Sedwell. Chủ hiệu, ngài Sedwell, đang tìm kiếm một gương mặt ưu tú từ các sinh viên tốt nghiệp LCF. Chính ông đã thuyết phục Ramroop đổi thành Andrew – một cái tên “Anh” hơn.

Năm 1988, Ramroop trở thành chủ sở hữu của nhà Maurice Sedwell. Ông còn mua lại cả nhà may Anthony Sinclair, người đã đuổi ông ra đường.

3. 

Từ vài bảng cho một đôi bốt giấu vàng, khách hàng ngày nay phải trả từ 6.500 đến 10.000 USD cho một đôi bespoke của John Lobb. Nghệ nhân mất tối thiểu 50 giờ công và ít nhất 3 lần hẹn thử cho một chiếc giày, chân phải hoặc chân trái.

John Lobb là nhà đóng giày bespoke duy nhất được tấn phong Triple Royal Warrant *.

Johnathan, năm nay 73 tuổi, nói rằng nếu kỵ của ông có bước vào cửa hiệu số 9 đường St. James thì mọi thứ vẫn y như hồi thế kỷ 19, từ chiếc dũa khuôn chân đến cái rập gắn dòng tên John Lobb lên mỗi đôi giày.

Từ Madan Ramroop – người thợ may những bộ âu phục 0,3 bảng cho dân làng Tunapuna, đến Andrew Ramroop – tác giả những bộ complê giá từ 6.000 bảng tại Savile Row. Trong số khách hàng mặc đồ bespoke không ngại nêu tên của ông có Samuel L. Jackson và công nương quá cố Diana.

Là người sáng lập học viện Savile Row đào tạo các tài năng trẻ, Ramroop đã gián tiếp cách mạng hóa Savile Row. Không chỉ thay đổi cách đối xử với những tài năng yếm thế, người da màu và phụ nữ, các nhà may nơi đây còn tích cực ưu ái những nghệ nhân trẻ. Tuổi trung bình của thợ cả giảm từ 60 xuống còn 40.

Andrew, hay Madan Ramroop, là nghệ nhân duy nhất tại Savile Row được phong tước OBE*.

(*) Triple Royal Warrant của John Lobb do nữ hoàng, công tước xứ Edinburgh và hoàng tử xứ Wales phong.

(*) OBE: Officer of the Most Excellent Order of the British Empire tức Sĩ quan đế chế Anh.

Bài: DOAN BACH


 
Back to top