Sống / Rượu

Đối ẩm hay độc ẩm: từ quốc lủi đến speakeasy

Jun 23, 2019 | By Nguyen Huu Hon

“Hãy cẩn thận với các linh mục, con trai ạ. Và những người không uống rượu vodka…” (1)

Một không gian dành cho những Speakeasies, New York năm 1920

Giống như tình đầu, ngụm rượu đầu tiên trong đời hiếm khi có hậu vị ngọt ngào. Dẫu vậy, tuyệt chưa thấy người ta ngừng uống hay dừng yêu. Thậm chí, tình yêu và rượu còn thường song hành một cặp. Người Ai Cập cổ đại cũng vì tình yêu với thần Osiris mà làm ra rượu.

Đàn ông uống rượu là một lẽ. Trong khi đàn bà uống rượu không hiếm như ta tưởng. Đàn ông và đàn bà uống rượu với nhau chính là mỹ mãn của đối ẩm. Trong tiểu thuyết Kim Dung, Quách Tương lúc nào cũng mang theo bầu rượu, mong được một lần nâng chén cùng Thần Điêu đại hiệp, Dương Quá.

Thậm chí, tình yêu và rượu còn thường song hành một cặp. Người Ai Cập cổ đại cũng vì tình yêu với thần Osiris mà làm ra rượu.

Về công hiệu, tình yêu hay rượu đều tiềm tàng nguy hiểm. Đều là chất kích thích, gây cảm giác hưng phấn và hội chứng phụ thuộc. Chưa có thống kê nào so sánh số người chết vì tình và lượng người chết vì rượu. Chỉ biết, các quốc gia thường cẩn trọng khuyến cáo người dân chỉ uống rượu và kết hôn khi đủ 18 tuổi.

Tuy nhiên, có lẽ bởi tính chất hữu hình và giá trị thương mại, rượu phải nhận định kiến xã hội khắt khe hơn tình yêu. Luật pháp và truyền thông có xu hướng tô đậm các tác hại của rượu. Do nguồn thu béo bở, để độc quyền hóa sản xuất, rượu hay bị chính quyền hạn chế và cấm trong nhiều thời điểm lịch sử, tại nhiều quốc gia.

Cũng vì vậy mà người Việt khai sinh ra quốc lủi [hay cuốc lủi] và rượu đế. Thứ rượu được nấu chui, uống vụng. Do nấu chui thiếu công nghệ, quốc lủi đặc biệt nhiều andehit. Nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu hang-over. Nhưng cũng giống trong tình yêu, cái sự lén lút đã thêm vị ngon umami (2) vào từng ngụm, tạo cho quốc lủi cảm giác “ngon” hơn. Đấy là chưa kể hiệu ứng của ký ức ẩm thực. Có đại gia, bộ sưu tập whisky không thiếu những Springbank 1919 hay Macallan 1926, hễ nhắc đến rượu nút lá chuối lại nức nở, mắt nhóng nhánh hàn vi.

Xuất xứ bình dân của quốc lủi, rượu đế dĩ nhiên đi cùng với cung cách uống có phần bất cần phàm phu. Uống cho bõ. Mỗi kỳ lễ lạt, kiểu uống rượu – bị cho là “quê” – của đàn ông Việt hay bị đem ra bêu diếu. Trong đám hùng hồn nhất, thường thấy có các elite trên mạng. Nam vô tửu như kỳ vô phong đã đành lạc hậu. Nhưng chẳng phải James Bond, hình mẫu đàn ông quyến rũ nhất mọi thời đại, một gã nghiện rượu, luôn xuất hiện với ly Martini lắc không khuấy? (3)   

Nếu quốc lủi ta thường là được uống tại gia thì “quốc lủi” tây, chỗ uống, thường là ở một quán kín. Có hẳn tên gọi riêng là speakeasy. Một thứ tiếng lóng, các đệ tử vác mai của Lưu Linh (4) Mỹ quốc dùng né hạ chính quyền trong thời kỳ cấm rượu những năm 1920.

Có hẳn tên gọi riêng là speakeasy. Một thứ tiếng lóng, các đệ tử vác mai của Lưu Linh (4) Mỹ quốc dùng né hạ chính quyền trong thời kỳ cấm rượu những năm 1920.

Uống rượu giờ được nhìn nhận như thực thể khó tách rời của giao tiếp thị thành. Speakeasy, theo đó, biến hóa thành một phong cách uống ưa chuộng đặc biệt bởi các hipsters thị dân. Đa số tuổi trên dưới 30 và chưa liều lĩnh kết hôn.

Danh mục rượu được chủ quán duy trì ở mức cơ bản, điểm xuyết một đến hai món signature. Âm nhạc với Jazz, Indie hay Classic chủ yếu vừa vặn đủ nghe. Gia giảm vị riêng cho đồ uống và làm nền cho các đối thoại vu vơ.

Quy mô nhỏ, hạn chế lượng khách phục vụ, người ta chọn đến speakeasy để độc ẩm, đối ẩm chứ hiếm thấy có đám đông nào sôi nổi quần ẩm. Hình ảnh thường gặp là tửu khách đơn lẻ đang thong thả thưởng thức bầu không khí cô đặc bao quanh, mắt lơ đãng dõi theo mixologist trổ nghề.

Một không gian dành cho những Speakeasies, New York năm 1933

Đô thị càng lắm nhà cao tầng, nỗi cô đơn của con người càng dài rộng. Có phải vì thế mà speakeasy đang xuất hiện nhiều ở Sài gòn và Hà nội. Sự nổi lên của “quán rượu lủi” speakeasy đánh dấu sự chuyển dịch của một văn hóa uống. Tươi trẻ hơn, ít andehit hơn.

Tuy nhiên, đã là văn hóa thì cách này hay cách khác, nó vẫn tồn tại. Quốc lủi vẫn có thị phần của riêng nó, dù là trong ký ức các trung niên thành đạt hay trên bàn nhậu của giới trung niên bình dân.

 

 (1) Câu nói của nhân vật Allan Karlsson trong tiểu thuyết The Hundred-Year-Old Man Who Climbed Out the Window and Disappeared của tác giả Thụy Điển Jonas Jonasson. Nhà xuất bản Trẻ xuất bản với tựa Việt “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” năm 2015, Phạm Hải Anh dịch.

(2)Unami: vị ngọt thịt. Người ta thường dùng mì chính (bột ngọt) để tạo vị này cho món ăn. 

(3) Martini: loại cocktail uống lạnh, gồm rượu dry gin và vermouth, thường pha bằng cách khuấy chứ không lắc.

(4) Lưu Linh: Tấn thư (Phòng Huyền Linh soạn năm 648) có chép Lưu Linh truyện. Lưu Linh là một trong Trúc Lâm thất hiền, tính hay rượu, đi đâu cũng mang bầu rượu theo, sai đệ tử vác cái mai đi cùng, nói: “Nếu ta chết thì chôn luôn tại chỗ”.

Bài: Đoàn Bách 


 
Back to top