Sống

Kiến trúc sư Sơn Đặng: 05 câu chuyện về bền vững

May 29, 2021 | By Trang Ps

LUXUO đã có cuộc trò chuyện cùng kiến trúc sư Sơn Đặng, người hiện đang làm việc cho các dự án quốc tế trong vai trò độc lập lẫn hợp tác với những công ty kiến trúc có uy tín. Gần đây, Sơn Đặng còn thiết kế công trình xanh Thạch Tạ Hòn Cau, ngôi nhà cho rùa biển. 

Kiến trúc sư Sơn Đặng tốt nghiệp thạc sĩ kiến trúc Đại học Cornell. Anh từng làm việc tại những công ty kiến trúc lớn của thế giới như OMA-New York, Carlos Zapata Studio-New York, Venturi, Scott Brown & Associates-Philadelphia, Arata Isozaki-Tokyo…., từng trải qua nhiều công trình và dự án có dấu ấn trên toàn cầu.

Kể từ khi trở về nước, kiến trúc sư chủ yếu tư vấn cho các dự án lớn, giúp chủ đầu tư tránh được những sai lầm nghiêm trọng trong việc phát triển dự án không theo chuẩn mực quốc tế và từng bước nâng tầm cách làm dự án tại Việt Nam. Với hiểu biết của người chuyên tư vấn dự án, kiến trúc sư Sơn Đặng đã góp sức vào các chiến dịch bảo vệ những cánh rừng quốc gia tại Tam Đảo, Sơn Đoòng, Cát Bà, Phú Quốc. Anh để lại dấu ấn khi thành công trong chiến dịch không cho xây dựng cáp treo băng qua Vườn Quốc gia Cát Bà.

Gần đây nhất, kiến trúc sư Sơn Đặng đã giúp Khu bảo tồn Biển Hòn Cau tiến hành dự án ngôi nhà cho rùa biển Thạch Tạ Hòn Cau, công trình vừa là mái nhà cho cán bộ và tình nguyện viên bảo tồn rùa biển vừa là một nơi chốn hết sức đặc biệt để kết nối con người với thiên nhiên.

LUXUO đã có cuộc trò chuyện với anh để hiểu hơn về vai trò và sự phức tạp của tính bền vững trong lĩnh vực kiến trúc-quy hoạch nói riêng và cuộc sống nói chung.

1. Tính bền vững là việc hợp tác giải quyết các mâu thuẫn giữa các nhóm khác nhau trong xã hội

Khái niệm bền vững có nhiều sắc thái phức tạp. Nhưng bản chất cốt lõi của nó có thể được định nghĩa như là 1 sự tham gia để giải quyết các mâu thuẫn giữa những người tham gia / các bên liên quan / stakeholders trong tổng thể bài toán xã hội, nhằm đảm bảo quyền lợi cân bằng giữa các nhóm quyền lực với các nhóm yếu thế.

Khi mọi nhóm đều tham gia tích cực và có quyền ngang nhau, họ sẽ kiểm soát chéo và đảm bảo lợi ích sẽ được phân bổ hài hòa. Đó là giá trị cốt lõi, ý nghĩa lớn nhất của tính bền vững.

Để tiến hành dự án bền vững quy mô lớn cần có các thiết chế mạnh. Bạn phải có chính sách tốt, luật tốt, cẩm nang phát triển và kỹ thuật quản lý tốt, công cụ đo lường tốt và quan trọng không kém là cần có sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Chỉ khi đó, bạn mới có thể thúc đẩy xã hội phát triển tiến gần đến sự bền vững.

Nhưng để tạo dựng ra các thiết chế mạnh, thì vấn đề tiên quyết vẫn là yếu tố con người. Sự thay đổi về nhận thức ở cấp độ cá nhân sẽ tác động ngược lại các hệ thống lớn.

Các cá nhân đơn lẻ khi nhận thức tốt hơn về bối cảnh tổng thể, hiểu biết hơn về hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, các vấn nạn nghiêm trọng như ô nhiễm môi rác nhựa ở đại dương, hay việc các cánh rừng quốc gia ở Việt Nam đang bị tấn công bởi các dự án du lịch, biết rõ các tác động tiêu cực ra sao đến sự sống trên hành tinh, thì mới chịu khó thay đổi bản thân. Hiểu biết tốt sẽ dẫn đến sự thay đổi. Tinh thần muốn thay đổi sẽ khiến họ bắt đầu thấy việc tham gia vào các phong trào xã hội tác động đến các quá trình ra quyết định là cần thiết. Ở quy mô nhỏ cá nhân, họ sẽ  tự vấn về phong cách sống của chính mình, liệu rằng bản thân có tiêu thụ quá nhiều năng lượng hay mua sắm quá nhiều hay không… để bắt đầu tiết giảm.

2. “Xa xỉ đích thực” nằm ở cam kết theo đuổi giá trị

Trong bối cảnh đương đại, sự xa xỉ cần được định nghĩa lại. Chẳng hạn, sinh thái/hay việc đeo đuổi giữ gìn các hệ sinh thái nhạy cảm cũng chính là xa xỉ. Theo đuổi các giá trị cũng là một dạng xa xỉ.

Hơn nữa, cam kết theo đuổi các giá trị đích thực sẽ tốn rất nhiều công sức. Doanh nghiệp lớn cần phải cam kết đi theo các giá trị có lợi cho cộng đồng và hệ sinh thái.

Đa số các sản phẩm của Lại Đây Refill Station đều sử dụng vật liệu bền vững như thủy tinh hay sản phẩm tái chế.

3. Lợi ích tư và lợi ích công

Thuyết phục các chủ đầu tư theo đuổi các cách làm dự án tiến bộ hơn quả thật không hề đơn giản. Khi đi tư vấn cho các dự án lớn nằm gần các khu bảo tồn hay hệ sinh thái nhạy cảm ở Việt Nam, anh nhận ra họ hầu như không thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường đúng chuẩn. Ở cấp độ cá nhân, việc thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của hệ sinh thái cũng nguy hiểm không kém các khoảng trống của việc thực thi luật.

4. “Xây cáp treo qua vùng hệ sinh thái nhạy cảm để bảo đảm quyền lợi bình đẳng cho trẻ em và người già” là sự ngụy biện

Sơn Đòong hay vùng lõi của Fansipan được coi là vùng cấm không thể tác động. Việc một số đơn vị lôi trẻ em hay người tàn tật khác ra chỉ là thủ thuật ngụy biên, với mục tiêu là dùng nhóm yếu thế này để tấn công nhóm yếu thế khác – ở đây là nhóm động thực vật – là điều không thể chấp nhận.

Khi giữ gìn những ngọn núi như Fansipan, ta đang mang lại giá trị rất lớn cho cộng đồng. Chẳng hạn, có rất nhiều người đã bỏ công sức rèn luyện sức khỏe cả năm trời chỉ để chinh phục các ngọn núi hùng vĩ.

Trong bài toán tổng thể và phát triển, mình cần phải cân đo đong đếm, và cần xem xét cái nào thật sự tốt nhất cho nhiều người chứ không phải là lợi ích của một nhóm.

Sơn Đòong được coi là vùng cấm không thể tác động.

Chẳng hạn, khu bảo tồn ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng chưa đến 3% diện tích của cả nước nhưng tại sao một số tập đoàn lại không chọn những vùng quanh đấy mà chọn ngay khu bảo tồn để xây dựng? Khi xây dựng khách sạn trên khu bảo tồn, thì dù khách sạn ấy được xếp hạng 5 sao, nó không còn “xa xỉ” nữa. Vì giá trị mà nó hướng đến hoàn toàn sai lệch.

Khi một khu bảo tồn được dựng lên, những người có hiểu biết về đa dạng sinh học sẽ nhận thức được rằng khu bảo tồn ấy cũng đang làm nhiệm vụ đảm bảo sự sống còn của loài người. Vì khi mất đi đa dạng sinh học, điều này ảnh hưởng đến xã hội rất lớn. Khi các nguồn lực thiên nhiên mất dần đi, nó gây nguy hiểm cho sự tồn tại của cộng đồng.

5. Doanh nghiệp cần có trách nhiệm xã hội

Trên thế giới và Việt Nam, một số khu nghỉ dưỡng xa xỉ đặc biệt quan tâm đến lợi ích cộng đồng và đảm bảo an toàn đa dạng sinh học thường nằm ngoài vùng đệm của các cánh rừng. Six Senses hay Amanoi… là những thương hiệu đẳng cấp thực hiện đúng tiêu chuẩn “eco-luxury” (xa xỉ sinh thái).

Chẳng hạn, khu nghỉ dưỡng Amanoi trích doanh thu 1%/năm để trả cho Vườn Quốc gia Núi Chúa, cho các công tác phục hồi và bảo vệ rừng.

Doanh nghiệp xa xỉ là những đơn vị phải tính toán xa hơn, họ phải là những tổ chức và cá nhân có suy nghĩ cho xã hội, cho môi trường, điển hình là trong mảng du lịch.

Amanoi là một trong những thương hiệu đẳng cấp thực hiện đúng tiêu chuẩn “eco-luxury” (xa xỉ sinh thái).

So với các doanh nghiệp quốc tế, quả là rất hiếm thấy doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ về khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Một nguồn lực rất lớn từ phía doanh nghiệp đã không được phân phát ra toàn xã hội.


Tại Việt Nam, bạn đọc có thể theo dõi về dự án Ecoxury – một chương trình được khởi xướng của LUXUO.VN và nhiều thương hiệu xa xỉ, nhằm thực hiện hành trình xê dịch và lan toả tinh thần sống xanh thông qua các không gian điểm đến. Dự án được khởi động vào tháng 8.2019


 
Back to top