Phong cách

Chính xác thì Kim Jones đang làm gì với Dior Men?

Mar 13, 2019 | By Nguyen Huu Hon

Mang theo kinh nghiệm của mình tại Louis Vuitton – nơi mà anh đã góp công biến một nhà sản xuất hành lý của thế kỷ XIX thành một thương hiệu thời trang nam đáng thèm muốn, Kim Jones đã làm gì trong một năm đến với nhà Dior?

Người mẫu nam trình diễn một thiết kế của Marc Bohan, dòng Dior Monsieur, New York – tháng 1/1969

Dòng thời trang nam của nhà mốt biểu tượng Dior, thực ra có một lịch sử lâu dài hơn chúng ta vẫn nghĩ.

Khoảng giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, 7 năm sau khi “The New Look” được biết như một cuộc cách mạng, ngài Christian Dior đã sớm cấp phép sản xuất trang phục nam dưới tên của ông lần đầu tiên vào năm 1954. Trong thời đại của những bộ suit được may đo riêng, Dior trở thành nhà tiên phong khi phổ biến thời trang nam cao cấp với những tiêu chuẩn may đo và thẩm mỹ mang tên mình.

Vào những năm cuối 1960, nhà thiết kế Marc Bohan đã thành lập dòng Dior Monsieur. Tuy nhiên, cho đến trước thế kỷ XXI, “chữ ký nam tính” quyền lực nhất của nhà Dior vẫn chính là dòng nước hoa nam Eau Sauvage của năm 1966 (bởi nhà sản xuất nước hoa Edmond Roudnitska).

Bước qua thế kỷ XXI, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc sáng tạo Hedi Slimane, Monsieur được thay thế thành Homme. Sự thiết lập triệt để ngay sau đó của Dior Homme thậm chí đã khiến “Lão phù thuỷ” Karl Lagerfeld (và rất nhiều người khác) phải tự ép mình vào chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, chỉ để mặc vừa những thiết kế mảnh dẻ của Hedi Slimane.

Nhiệm kỳ Dior by Hedi (2000 – 2007) được ca ngợi là một trường hợp ngẫu nhiên hoàn hảo: đúng người, đúng nơi, đúng thời điểm.

Với cấu trúc cực đoan của mình, Hedi Slimane đã hiệu chỉnh lại hình bóng thời trang nam của nhà Dior một cách toàn diện từ trên xuống dưới. Kết quả là những đường cắt sắc sảo, kỹ thuật may đo khắt khe đã mang lại những thiết kế có độ mỏng mảnh không tưởng và sức hút đặc biệt. 

Dior Homme FW2005 dưới thời Giám đốc sáng tạo Hedi Slimance

Sau khi Hedi rời khỏi, người kế nhiệm Kris Van Assche cũng không quá khó khăn để giữ Dior ổn định tới mức vững chắc trong suốt 11 năm, từ 2007 đến 2018. Trên thực tế, Kris đã tiếp quản từ Hedi với tư cách xứng đáng là một trợ lý lâu năm, do đó chịu ảnh hưởng lớn để tiếp tục phát triển hình bóng skinny đặc trưng của Dior Homme.

Trang trọng, thể thao và tối giản hơn là cách mà Kris Van Assche thoát khỏi cái bóng “gai góc và đậm đặc” của Hedi Slimane.

Hình ảnh cho chiến dịch Dior Homme AW2014, dưới thời Kris Van Assche. Photo by Willy Vanderperre

Từ tháng 03/2018, Kim Jones đến với nhà Dior, mang theo kinh nghiệm của mình tại Louis Vuitton – nơi mà Jones không chỉ sử dụng “ma thuật” nào đó để biến nhà sản xuất hành lý của thế kỷ XIX thành một thương hiệu thời trang nam đáng thèm muốn, anh còn phá vỡ rào cản giữa high-fashion và streetswear.

Dưới tay Giám đốc nghệ thuật đương nhiệm, dòng sản phẩm Dior Homme được đổi tên thành Dior Men. Cho đến nay, Dior Men by Kim đã cho ra mắt tổng cộng 3 BST khác nhau. Gần đây nhất là Paris Fashion Week Menswear AW2019. Trước đó, bộ sưu tập đầu tiên SS2019 như thường lệ tại Paris và Pre-Fall 2019 được tổ chức tại Tokyo, đều được đón nhận rất tốt.

Chúng ta đều biết, bây giờ là thời đại mà các bộ sưu tập thời trang được nhấp đúp thả tim trên Instagram còn nhiều hơn so với chúng được mặc. Thời đại này cũng đang chứng kiến những thế hệ mới lớn lên giữa đầy ắp những thông tin và lựa chọn từ internet.

Các nhà mốt lâu đời đang phải đối mặt với sự chuyển đổi, khi mà thế hệ trẻ tài năng trưởng thành nhanh chóng cùng với nhu cầu thời trang cao cấp hình thành ngày một sớm hơn. Theo đó, sự đòi hỏi phong cách phù hợp là điều kiện cần và đủ bắt buộc các nhà mốt lâu đời phải trẻ hóa. Đó chắc chắn là một trong những lý do mà Louis Vuitton có Kim Jones và Christian Dior có Hedi Slimane.

Và một chương mới của thời trang nam cao cấp lại bắt đầu kể từ khi Kim Jones đầu quân về nhà Dior.

Dù chỉ mới bước qua 2 mùa với 3 bộ sưu tập, nhưng mọi động thái của Kim Jones đều được các nhà phê bình quan sát thậm chí đánh giá kỹ càng. Bên cạnh đó, đối với công chúng thời trang, một Dior Men đầy mới mẻ như thế, dường như luôn rất đáng để chờ đợi và bất ngờ!

Vậy, chính xác thì Kim Jones đang làm gì với Dior Men?

BST Dior Men SS2019 – Photo by Steven Meisel

Bắt đầu từ những mật mã di sản

Trải qua 7 năm tại Louis Vuitton, Jones được nhớ đến là người đã mở đầu kỷ nguyên thời trang đường phố cao cấp. Cách tiếp cận thông minh giúp nhà mốt xa xỉ cổ điển này dễ dàng chinh phục nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Sức ảnh hưởng quan trọng của NTK Kim đã dựng nên một biểu tượng sports-luxe cho dòng thời trang nam giới Louis Vuitton, bằng cách kết hợp thời trang nam cao cấp với phong cách đường phố.

Hiện tại, với tư cách là Giám đốc nghệ thuật của bộ phận Dior Men, ngay từ bộ sưu tập đầu tiên, Kim Jones đã làm việc như một người nghiên cứu và phân tích “mật mã di sản” của nhà Couturier sáng lập.

Từ kho lưu trữ của nhà Dior, Jones học cách hợp nhất những kỹ thuật couture đầy quyền lực trong lịch sử thời trang nữ với tủ quần áo nam tính đương đại.

Theo Jones, những kỹ thuật Haute Couture ứng dụng trên trang phục nữ trong suốt giai đoạn 1940 – 1950 của nhà Dior, có thể học hỏi để thiết kế rất nhiều kiểu trang phục nam giới hiện đại ngày nay.

Đường cong khúc chiết của Bar suit trong Corolle et en Huit – BST đầu tiên vào năm 1947 của ngài Dior (thường được ghi nhớ với tên New Look), được tái hiện bằng một hình thái ẩn dụ trong mẫu jacket Tailleur Oblique – BST SS2019 của NTK Kim. “Chúng tôi xem xét kỹ thuật couture trên trang phục nữ và trong lúc đó, cảm hứng về mẫu thiết kế này xuất hiện”. – Kim Jones nói về ý tưởng ra đời mẫu jacket Tailleur Oblique.

Trong BST AW2019, Tailleur Oblique một lần nửa tôn vinh kỹ thuật may đo cao cấp. Được bổ sung “statement pieces” bằng những chiếc khăn choàng từ bên trong luồn qua nửa thân áo, quấn quanh eo sau và buông thả xuống sàn, Tailleur Oblique gợi nhớ những thiết kế evening dress với sash scarf họa tiết da báo của cuối 1940, và cả chiếc váy vạt chéo bất đối xứng Satin et panthère trong BST AW 1950 của ngài Dior.

‘Tailleur Oblique’ jacket – một mẫu thiết kế trong BST SS2019

Các thiết kế jacket ‘Tailleur Oblique’ mới nhất trong BST AW2019

‘Bar Suit’ 1947 và ‘Satin et panthère’ 1950 của ngài Christian Dior

Một vài ý tưởng đằng sau nghệ thuật thủ công cao cấp của Kim Jones trong BST SS2019 cũng bắt nguồn từ những tác phẩm hội họa trong phòng tranh của ngài Dior, như Jones giải thích: “Tôi đã nghiên cứu mọi thứ từ lịch sử của The House of Dior đến thời thơ ấu của nhà sáng lập, và khoảng thời gian mà ông kinh doanh phòng tranh trước khi thành lập thương hiệu riêng của mình”.

Phong cách của Kim Jones cho thấy một Dior Men thanh lịch và dịu dàng, một người có thể bình thản nới giãn “cái bóng Homme skinny” sắc bén, cương nghị của cả hai nhà thiết kế tiền nhiệm bằng cách nhìn lại cuộc đời của người sáng lập thương hiệu.

“The House of Dior chỉ lưu giữ được mười năm cuộc đời của ngài Dior. Vì thế, tôi tham khảo và hòa trộn tất cả những mảnh kỷ vật chứa đựng tình yêu và đam mê của ông đối với thiên nhiên, nghệ thuật và thiết kế”. – Jones nói.

Motif ‘Toile de Jouy’ vượt thời gian của nhà Dior, thông qua mạch sáng tạo của Kim Jones, hoàn toàn lấy cảm hứng từ mẫu họa tiết trang trí trong cửa hàng đầu tiên ở 30 Avenue Montaigne (Paris), xuất hiện liên tục trong BST SS2019. Từ chiếc mũ bóng chày đến trenchcoat, từ jacket da bò in nổi đến dệt jacquard trên nền vải technical nylon của chiếc bomber jacket, một lần nữa tái bản tác phẩm L’escarpolette Toile de Jouy của họa sĩ Jean-Baptiste Huet (1745 – 1811) nổi tiếng trong thời đại Rococo của Pháp.

Motif ‘Toile de Jouy’ tại cửa hàng Dior đầu tiên, 30 Avenue Montaigne (Paris), thực hiện bởi Victor Grandpierre, năm 1946.

Trước đó, motif ‘Toile de Jouy’ cũng từng được “ông Hoàng” John Galliano sáng tạo trong thiết kế bias-cut với cảm hứng Trung Hoa Chinoiserie Toile de Jouy. Hay gần đây, là một loạt các phiên bản vừa thi vị vừa hoang dã trong Dior Cruise Mexico 2019 của NTK Maria Grazia Chiuri. Quay lại với Kim Jones, cảm hứng ‘Toile de Jouy’ tiếp tục biến hóa trong một phiên bản gần gũi với nước Nhật để ra mắt trong chương trình Pre-Fall 2019 tại Tokyo.

SS 2019: Áo khoác da bò màu xám với họa tiết ‘Toile de Jouy’ được in nổi toàn bộ

SS2019: ‘L’escarpolette Toile de Jouy’ được tái hiện bởi Kim Jones

Pre-Fall 2019: ‘Toile de Jouy’ với “Sexy Robot” và hoa anh đào dành riêng cho Dior Men Japan

Cũng chính tại 30 Avenue Montaigne, chiếc ghế mạ vàng phong cách Napoleon III được Victor Grandpierre lựa chọn cho ngài Christian Dior đã trở thành một mật mã mang tính biểu tượng.

Motif ‘cannage’ đã từng xuất hiện lộng lẫy trong BST trang sức “My Dior” của NTK Victoire de Castellan, dưới góc nhìn của Kim Jones, được ứng dụng kỹ thuật cắt laser để mang đến một thiết kế trenchcoat thanh lịch kiểu Pháp trong BST SS2019, hay đậm tính vị lai trong một loạt phụ kiện giày, túi và đai lưng của BST Pre-Fall 2019.

Kim Jones giải mã motif ‘Cannage’ trong BST SS 2019 và Pre-Fall 2019

Quan điểm giải mã kỹ thuật couture cao cấp của Kim Jones thiên về sự linh hoạt, bí quyết và thủ công, được thể hiện bằng cách đưa các yếu tố nữ tính truyền thống, vào những thiết kế nam tính theo một phương pháp hiện đại.

Theo đó, họa tiết hoa được vẽ lại từ những bức ảnh chụp bữa tiệc cá nhân của ngài Dior tại Granville (Pháp), sau đó trở thành những mẫu thêu 3D. Cách điệu họa tiết da báo “kinh điển”, hay lồng ghép họa tiết hoa trên đồ sứ cổ vào sneakers.

Một chiếc vest ren trắng, thoạt trông khá đơn giản nhưng lại là một tác phẩm trang trí công phu mất đến một tháng để thực hiện. Công việc đính cườm bằng tay cho một chiếc áo mất đến 8 người làm việc suốt 3 tuần mới có thể hoàn thành. Hay có ít nhất 15 người đã tham gia vào việc tạo ra một chiếc áo sơ mi vải tuyn xuyên thấu trang trí lông vũ cắt laser.

Kim Jones chú trọng ứng dụng kỹ thuật Couture cao cấp để tái thiết phong cách Dior Men

Sự kính ngưỡng mà Kim Jones dành cho người sáng lập, cũng như sự tôn trọng đối với các bậc tiền bối, khiến anh được công nhận là một “người giữ đền” xứng đáng.

Một cách đầy sáng tạo, Kim đã tái hiện sắc thái đen của Hedi Slimance trong BST AW2019, một điều hiếm khi được Jones thể hiện ở Louis Vuitton trước đây, và biểu tượng “túi yên ngựa Saddle” thiết kế bởi John Galliano vào năm 1999 (ngay sau đó trở thành mốt phụ kiện SS2000 cực hot của thiên niên kỷ mới). Các thiết kế mới nhất của “người giữ đền” trong mùa AW2019 chưa chính thức mở bán, nhưng khả năng chiếm lĩnh mạng xã hội Gen Z trên toàn thế giới là một điều có thể dự đoán.

Làm sống lại những “chiêu bài cũ”

Hợp tác thương hiệu, kết hợp ý tưởng hay cộng tác sáng tạo nghệ thuật – những “chiêu bài” như thế có thể nói đã được châm ngòi từ khoảng 15 năm trước**¹. Trong bối cảnh thế giới và thị trường quá phức tạp, thời trang cũng như bất kỳ ngành công nghiệp nào, hợp tác là một cách thông minh để cạnh tranh và đổi mới.

Và dù cả thế giới đã không còn thấy lạ lẫm trước sự bắt tay hợp tác giữa nhà mốt với các nghệ sỹ và NTK, thì ở thời điểm hiện nay, với tư cách Giám đốc nghệ thuật bộ phận Menswear dưới mái nhà Dior, Jones càng tỏ rõ khả năng hợp nhất quá khứ với tương lai, cổ điển với xu hướng, và thiết lập cầu nối giữa các yếu tố di sản của thương hiệu với chất liệu đương đại tiệm cận thế hệ Z.

Kim Jones sẽ đóng vai trò đòn bẫy, thúc đẩy Dior tiếp cận với Gen Z

Ngay từ lần đầu ra mắt với BST SS2019, Kim Jones đã nhanh chóng bắt tay cùng nghệ sỹ KAWS Brian Donnelly, cũng như làm việc với NTK Yoon Ahn của Ambush và NTK Matthew Williams của ALYX.

KAWS đã diễn dịch lại phiên bản logo cổ điển của thương hiệu và biểu tượng con ong (sử dụng lần đầu tiên vào năm 1955) của nhà Dior. Bức tượng BFF cao 33 feet (khoảng 10m) đại diện cho nhà sáng lập Christian Dior (và trên tay là chú chó Bobby của ông), được làm từ 70,000 bông hoa hồng và mẫu đơn, không chỉ là tượng đài cảm hứng của Kim Jones mà còn trở thành “linh vật” của mùa thời trang Dior Men SS2019.

“Linh vật” KAWS’ BFF Christian Dior nhồi bông gắn liền với chủ đề của chiến dịch quảng bá, tại các cửa hàng trên toàn cầu cũng như trên khắp mạng xã hội.

Trong khi Matthew Williams cách điệu hai chữ cái “CD” để tạo ra những chiếc khóa thắt lưng và móc cài cho túi xách, giày và mũ, Yoon Ahn sáng tạo dựa trên phiên bản logo được sử dụng bởi gia đình Christian Dior trong những năm 1920, thì chú chó Bobby và một loạt các ý tưởng khác chứa đựng DNA của nhà Dior, đã tạo ra những BST trang sức độc đáo cho Dior Men by Kim.

Ở BST Pre-Fall 2019, Kim Jones đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ  các nhân vật robot gợi cảm của nghệ sỹ Nhật Bản Hajime Sorayama. Nghệ thuật của Hajime có sức lan tỏa khắp thế giới kể từ khi ông xuất bản quyển art-book đầu tiên mang tên Sexy Robot. Cái tên Hajime Sorayama đã xuất hiện cùng một loạt các dự án từ điện ảnh cho đến thiết kế ván trượt.

Khoá thắt lưng cách điệu 2 chữ “CD”

Biểu tượng con ong cổ điển được KAWS thổi hồn hiện đại và gần gũi hơn với thế hệ Z

Trang sức Dior Men sáng tạo bởi NTK Yoon Ahn

Cảm hứng du hành tương lai của Kim Jones và Hajime Sorayama

Sự kết hợp không giới hạn tiếp tục được thể hiện trong BST AW2019 của Dior Men by Kim. Đó là khi biểu tượng di sản và chủ nghĩa vị lai giao hòa trên sàn diễn bất động dưới chân tháp Eiffel. Một cuộc đối thoại với tương lai, trong bóng tối bao trùm và dàn mẫu nam lướt trên băng chuyền tự động thắp sáng bằng đèn neon. Một sự pha trộn tinh vi giữa các thiết kế biểu tượng và cảm hứng Futuristic, chất liệu technical và kỹ thuật may đo cổ điển, nghệ thuật đương đại và thủ công couture.

Một trong những điểm nhấn “lãng mạn” (theo cách nói của Jones) trên một loạt sắc trầm của những thiết kế chủ lực, phải kể đến “lời diễn giải” tác phẩm ‘No Title (She must know)’ – 2010, của nghệ sỹ Punk đương đại người Mỹ – Raymond Pettibon.

Nàng Mona Lisa của Pettibon được Kim Jones tôn vinh bằng kỹ thuật thêu và đính cườm thủ công trên chiếc áo sơ mi – được thực hiện bởi 12 người thợ trong vòng 1.600 giờ đồng hồ

Mùa Thu/Đông đã tạm khép lại sân khấu Dior Men của năm 2019. Cuộc trình diễn của “nhạc trưởng” Kim Jones chắc chắn vẫn còn nhiều điều để giới mộ điệu tiếp tục háo hức và chờ đợi. Một câu hỏi sẽ liên tục được đặt ra là: tiếp theo đây, nhà thiết kế sẽ chào đón những nghệ sỹ nào tham gia vào bản hợp xướng Dior Men by Kim?

Thực hiện: XU | Ảnh: Adrien Dirand /Vogue Japan
(Nguồn tham khảo: Gq-magazine, Vogue, Nytimes, WWD, Irenebrination, Stripemagazine, Hypebeast)

Chú thích:

*¹ Statement pieces: một thuật ngữ trong chuyên ngành thời trang, mô tả một điểm nhấn gây sự chú ý đầu tiên trên bộ trang phục. ‘Statement pieces’ thường phổ biến dưới dạng một phụ kiện như vòng cổ, hoa tai, thắt lưng hoặc túi xách. ‘Statement pieces’ không nhất thiết phải có màu sắc rực rỡ hoặc quá khổ, nhưng thực sự nổi bật và độc đáo.

*² Toile de Jouy: đôi khi được viết tắt là ‘toile’, là một kiểu họa tiết trang trí (pattern) lặp đi lặp lại. Bạn đầu, ‘Toile de Jouy’ được in thủ công bằng mộc bản hoặc khắc trên miếng đồng, do đó chỉ in được một màu, thường là xanh dương, đen hoặc đỏ sẫm trên nền trắng hoặc kem. Các pattern màu xanh lá cây, nâu và đỏ tươi ít phổ biến hơn, nhưng cũng không phải là quá hiếm. Ở phương Tây, ‘Toile de Jouy’ không chỉ được xem là phương tiện truyền bá các chủ đề dân tuý, mục vụ, mà còn hàm chứa cả những thông điệp chính trị và sự kiện lịch sử.

Thông điệp trên ‘Toile’ xoay quanh các chủ đề dân tuý, mục vụ, đời sống xã hội, chính trị và sự kiện lịch sử

*³ L’escarpolette Toile de Jouy: Vốn có nguồn gốc từ bức tranh sơn dầu ‘Les Hasards Heureux de l’Escarpolette’ (còn được gọi là ‘The Swing’ hay ‘The Happy Accident of the Swing’), ra đời từ thế kỷ XVIII bởi Jean-Honoré Fragonard (1732 – 1806), được xem là một trong những kiệt tác của thời đại Rococo và là tác phẩm nổi tiếng nhất của Fragonard.

Les Hasards Heureux de l’Escarpolette, 1767, sơn dầu, 81×60,20 cm, Londres Wallace Gallery

**¹ Tháng 11/2004, chỉ một cái “bắt tay” của ngài Karl với H&M, không chỉ làm bùng nổ doanh số của thương hiệu thời trang nhanh gốc Thuỵ Điển này, mà còn mở ra một chuỗi dài những chiến dịch hợp tác thành công mỹ mãn giữa các nhà thiết kế danh tiếng và thương hiệu bình dân đại chúng. Độc quyền và giới hạn, “Karl Lagerfeld for H&M”, với tổng số hàng dự kiến cho 2 tuần đã bán cực nhanh sau 25 phút, và một tháng sau, H&M thông báo doanh số bán hàng trên toàn thế giới tăng đến 24%. Jörgen Andersson – Giám đốc Marketing của H&M vào thời điểm đó thậm chí đã phát biểu với WWD rằng: “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi trong vòng 60 năm nay chưa bao giờ chứng kiến bất cứ một điều gì như thế này. Chúng tôi cũng hoàn toàn ngạc nhiên như khách hàng”.


 
Back to top