Phong cách / Làm đẹp

Phan Anh Bùi: “May đo suit là giá trị con người, không phải giá trị vật chất”

Sep 19, 2019 | By Trang Ps

Bàn về những bộ suit cho quý ông và đỉnh cao nghệ thuật Bespoke/Made to measure, LUXUO đã có cuộc trò chuyện cùng blogger thời trang Phan Anh Bùi, người từng làm việc cho thương hiệu suit lâu đời tại Việt nam và là nhà khởi xướng blog Gentlemen Sharing, nơi tập trung định hướng phát triển cộng đồng ăn mặc ở nước ta.

Trong suốt hơn 5 năm qua, Phan Anh đã nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa suit. Từ những ngày đầu còn tin vào các quy tắc, chuẩn mực, anh dần thoải mái và tự do hơn trong cách ăn mặc và tư duy. Vào năm 2017, sự kiện gặp gỡ, giao lưu và chụp hình của những người yêu thích ăn mặc – Satorial Walk hoành tráng được diễn ra tại Hà Nội bởi chính Gentlemen Sharing.

Trong lĩnh vực suit, chàng trai trẻ này đóng góp như tiếng nói và cầu nối giữa thương hiệu và tín đồ thời trang suit. Luxuo đã có cuộc trò chuyện cởi mở với anh, để hiểu hơn về xu hướng suit trong tương lai, phong cách ăn mặc quý ông và nhiều hơn nữa về lĩnh vực Bespoke, Made to measure,…

Chào Phan Anh! Được biết, anh là người có nền tảng về truyền thông, vậy niềm đam mê suit hay phong cách classic của anh được thể hiện trong hoàn cảnh nào. Và chừng đó năm, quan niệm suit hay phong cách mặc suit của anh đã thay đổi ra sao?

Cho đến năm nhất đại học, tôi cũng như nhiều bạn khác – quần tụt thụng, áo phông thùng thình. Năm thứ hai, tôi học môn International Business và môn đó có yêu cầu bắt buộc là sinh viên phải mặc trang phục business. Lúc đó, tôi mới chợt nghĩ rằng 5 năm hay 10 năm nữa, dù cố lắm thì chắc mình không còn mặc như thế nào nữa đâu nhỉ? Nếu thế thì những quần áo này chẳng còn dùng được mấy nữa, nên tôi quyết định thay cả tủ quần áo.

Tính cách của tôi là đã thích “chơi gì thì phải chơi tới nơi”, vì thế, tôi nghiên cứu về suit cho đến độ đam mê và có thể sống cùng với nó. Tôi luôn yêu thích cái đẹp nói chung và thời trang nói riêng, nhưng tôi đã chọn classic manswear để bắt đầu cũng vì nó lịch sự và có rất nhiều luật lệ. Tôi cũng cho rằng, đây là lựa chọn nền tảng tốt để từ đó khai phá sâu rộng hơn thế giới thời trang.

Giờ đây, tôi tin vào tính thẩm mỹ hơn là quy chuẩn. Tất nhiên, để đi được đến điểm này thì kiến thức đã phải thật sự chắc chắn. Tôi chỉ đơn giản là không phụ thuộc vào nó nữa.

Sau vài năm trong thế giới của suit, quan niệm ăn mặc của tôi thay đổi nhiều chứ. Những ngày mới bắt đầu, tôi luôn tin vào những quy tắc, những chuẩn mực cổ điển lâu đời. Tuy nhiên, càng nghiên cứu sâu hơn, chơi lâu hơn, tôi càng thoải mái và tự do hơn trong cách ăn mặc và tư duy. Giờ đây, tôi tin vào tính thẩm mỹ hơn là quy chuẩn. Tất nhiên, để đi được đến điểm này thì kiến thức đã phải thật sự chắc chắn. Tôi chỉ đơn giản là không phụ thuộc vào nó nữa.

Người ta nói giá vải ảnh hưởng đến bộ suit chứ không phải cái mác. Anh có đồng ý với điều này và tại sao?

Điều này tùy thuộc vào từng thời kỳ và từng nơi cung cấp. Tôi lấy thị trường Việt Nam là ví dụ. Ngày trước, khi nguồn vải chất lượng cao còn quá khan hiếm, việc các nhà may lập lờ về nguồn gốc xuất xứ cũng như giá vải là chuyện thường tình. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển mạnh lên, nguồn vải tốt từ nước Anh, Ý… đã trở nên phổ biến thì đúng là giá vải có ảnh hưởng lớn đến giá thành bộ suit. Vì đơn giản, vải không hề rẻ.

Tuy nhiên, tôi không thích cách tư duy và thực hành như vậy trong ngành này. Có một điểm mà kể cả người dùng, người chơi lẫn một số thương hiệu mới ở Việt Nam quên đi: may đo là giá trị con người, không phải giá trị vật chất. Khi một món đồ được đo ni đóng tấc cho chúng ta, chúng ta không chỉ trân trọng nó như một đồ vật, mà là minh chứng kĩ năng của người làm, nhà làm ra nó; hay rộng hơn, chính là cái “mác”.

Có một điểm mà kể cả người dùng, người chơi lẫn một số thương hiệu mới ở Việt Nam quên đi: may đo là giá trị con người, không phải giá trị vật chất.

Cá nhân tôi cho rằng cả thương hiệu lẫn người tiêu dùng ở Việt Nam hãy còn coi rẻ cái mác của mình quá, trong khi, thế giới ngoài kia không như vậy. Cái mác đó không đơn thuần là chuyện đồ xịn hay không. Để xây dựng được cái mác đáng giá là cả một quá trình, bao hàm nhiều yếu tố. Người làm ra hay người thiết kế luôn có một tầm nhìn, một ý tưởng khi thực hiện sản phẩm. Đó là cái mà chính họ nên nhận ra và làm cho khách hàng nhận ra.

Như tôi đã nhấn mạnh, thời trang bao hàm nhiều thành tố. Dù là Ready-to-wear, Made to measure hay Bespoke đều có giá trị và chỗ đứng riêng. Tôi trân trọng mọi thứ, nhưng vẫn luôn nghiêng về may đo hơn một chút vì nó lãng mạn hơn. Thời trang là cuộc chơi và tôi sẽ thấy mất vui nếu đưa mọi thứ về mức nguyên sơ nhất của mục đích sử dụng.

Trong lĩnh vực suit, chúng ta có ready-to-wear (RTW), made to measure (MTM), made to order (MTO) rồi Bespoke. Nhưng Bespoke giống như đỉnh của Kim Tự Tháp với giá trị cao nhất. Nhưng để phân biệt MTM và bespoke, không nhiều người nắm rõ. Anh có thể làm rõ sự khác biệt giữa hai định nghĩa này?

Bespoke và MTM có thể coi như hai mặt của một đồng xu – đều là làm ra trang phục có độ vừa vặn cao, vừa phù hợp với yêu cầu (chi tiết, kiểu dáng) của khách hàng.

Với Bespoke, người thợ cắt phải làm rập dựa vào số đo cơ thể của mỗi khách hàng, cộng với tính toán riêng của mỗi nhà và sẽ cắt mới cho họ. Sản phẩm sẽ được hoàn thiện hơn từng bước qua mỗi lần fitting cho đến khi thành phẩm. Đa phần, đồ bespoke sẽ yêu cầu khối lượng làm tay (hand-made) từ rất cao cho đến toàn bộ; đồng thời cố gắng tối đa trong khả năng của người làm để thực hiện mọi yêu cầu trên sản phẩm từ khách hàng.

Quy trình này (nếu làm đúng) đảm bảo bộ trang phục vừa vặn nhất có thể cho từng người khách hàng riêng biệt. Những người tìm đến với bespoke, ngoài bộ quần áo cũng cần phải hiểu và trân trọng những giá trị đi kèm như truyền thống, văn hóa, thủ công,…

Tuy nhiên, để đạt được điều này rất tốn thời gian (có thể lên đến nhiều tháng hoặc cả năm), vì việc làm thủ công rất lâu và bộ suit cần hoàn chỉnh từng tí một qua mỗi lần fitting. Chưa kể, mỗi nhà may có phong cách khác nhau, mỗi khách hàng có mong muốn chi tiết khác nhau, khiến quy trình này không bao giờ đi một chiều, mà luôn luôn cần sự hiểu biết và đóng góp, trao đổi chuyên sâu từ phía khách hàng để đi đến một tiếng nói đồng điệu.

Đây là lúc mà MTM phát huy thế mạnh. MTM sẽ sử dụng các bản rập nền tảng có sẵn tùy theo mỗi nhà,  được chia ra theo size, fit và hoàn thiện để phủ được nhiều dạng hình thể nhất có thể (tùy theo nhà may). Khi khách mặc thử, họ đã có hình dung rất rõ ràng về cái mà họ sẽ nhận được; không như bespoke, hình thù bộ suit hay áo sơ mi sẽ hiện lên dần theo từng lần fitting. Phần còn lại chỉ là yêu cầu về kiểu cách và chi tiết trên bộ đồ (túi, ve áo,…) từ phía khách hàng. Quy trình này trên 80% là một chiều.  Mọi chỉnh sửa có thể đều sẽ thực hiện vào lúc đồ đã gần thành phẩm.

Vì vậy, lựa chọn thế nào đều tùy thuộc vào nhu cầu riêng của từng khách hàng.

Thị trường may đo suit ở Việt Nam đang phát triển như lẽ đương nhiên, và là người từng làm Giám đốc sáng tạo cho Sir Tailor và am hiểu suit cũng như thị trường may đo suit, theo anh, xu hướng suit nào sẽ được ưa chuộng sắp tới?

Tiến độ của các xu hướng suit nói riêng và classic menswear nói chung ở Việt Nam diễn ra tương đối nhanh, có khi ngang bằng với những phong cách đương đại khác. Kể từ khi phong trào suit trở nên mạnh mẽ ở Việt Nam, chúng ta đã đi qua 03 xu hướng lớn: phong cách Anh, phong cách Ý và Casualized tailoring.

Trong thời gian sắp tới, tôi cho rằng sẽ xảy ra 2 xu hướng chính. Thứ nhất, cùng với Kingsman 3 và 007, cũng như John Wick phần tiếp theo, cách mặc suit truyền thống sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, tôi không chắc về việc nó sẽ tồn tại trong bao lâu, do xu hướng chung của thế giới là ngày càng casual. Thứ hai, giới mặc casual sẽ tiếp tục đi sâu hơn, phối tailoring cùng workwear và một số trang phục avant garde khác.

Vì thế, thương hiệu nên tập trung xử lý design và chất liệu để đồ tailoring phù hợp hơn và đa dạng các phong cách khác nhau.

Anh từng nói “một bộ suit khiến con người ta cảm giác trưởng thành”. Thật thế, bộ suit còn khiến cánh mày râu trở nên quý ông. Anh có lời khuyên nào cho những người chọn suit để đạt được phong cách quý ông này.

Thật ra, tôi thường tránh cách nói “phong cách quý ông”. Nhiều người đánh đồng việc mặc một bộ suit thật đẹp lên đồng nghĩa với “phong cách quý ông”, nhất là các bạn trẻ. Cảm giác “quý ông” toát ra từ tổng hòa của rất nhiều yếu tố, và trang phục chỉ là một trong những yếu tố đó. Hầu hết đều là những thứ luyện tập được và nên luyện tập.

Cảm giác “quý ông” toát ra từ tổng hòa của rất nhiều yếu tố, và trang phục chỉ là một trong những yếu tố đó. Hầu hết đều là những thứ luyện tập được và nên luyện tập.

Hãy có dáng đi, đứng thẳng thớm. Hãy bắt tay một cách chắc chắn, dứt khoát. Hãy vui vẻ, hòa đồng. Hãy giữ gìn cơ thể và quần áo gọn gàng, sạch sẽ, thơm tho. Hãy thể hiện sự tôn trọng, quan tâm và đối xử tốt với những người xung quanh. Hãy biết nói xin lỗi và cảm ơn. Hãy luyện tập để có ánh mắt và cử chỉ (eye contact và body language) lịch sự và phù hợp. Hãy tăng cường học hỏi kiến thức và con mắt thẩm mỹ… Phần lớn sự “quý ông” là đến từ những điều này.

Nói riêng về trang phục, nếu thật sự theo đuổi phong cách mặc trưởng thành và thanh lịch (và thật ra cũng rất cần thiết với những người mặc suit để phục vụ công việc) thì tôi có một vài lời khuyên như sau. Thứ nhất, giữ cho mọi thứ cổ điển một chút. Các tuần lễ thời trang, tạp chí thời trang hay “đàn ông dân chơi” thường không phải ví dụ tốt. Thứ hai, về màu, nên có các màu navy và grey khác nhau, cùng một số rất ít các loại sọc. Họa tiết chìm cũng có thể chấp nhận, nhưng nghiêm túc và dễ dùng nhất vẫn là 3 loại trên. Thứ ba, hãy hướng tới một tổng thể hài hòa thay vì quá ấn tượng. Nên quên đi tư tưởng mặc đồ phải có điểm nhấn; tối giản các chi tiết và phụ kiện, chỉ cần đồng hồ và cà vạt là đã đủ.

Yếu tố “cá nhân hóa” đang được yêu chuộng trong ngành thời trang, và tất nhiên, suit cũng vậy. Vậy các thương hiệu có thể nắm bắt cơ hội này như thế nào, và có thách thức nào mà họ cần xem xét?

Các thương hiệu suit có chút lợi thế trong việc nắm bắt cơ hội này. Thứ nhất, trong các loại hình trang phục nam giới, suit là sản phẩm đặc thù, đã có truyền thống về việc cá nhân hóa từ trăm năm qua. Thứ hai, hầu như mọi khách hàng đối với suit đều có yêu cầu về sự vừa vặn cao hơn hẳn so với những món khác như áo polo hay quần jeans – dễ dàng mua được RTW.

Tuy nhiên, thách thức chính cũng nằm ở đây. Những thứ có thể cá nhân hóa trên một bộ suit thì bao nhiêu năm qua cũng chỉ có vậy, và cách làm của các nhà cũng đều hao hao giống nhau. Trong khi đó, hàng MTO hay thậm chí RTW ngày càng phát triển, cả về cách thức, công nghệ lẫn quy mô. Đây là áp lực cho những nhà làm suit đào sâu, tìm kiếm phương thức đổi mới trong cách làm ở khía cạnh cá nhân hóa.

Yếu tố nào, mà theo anh, là khó nhất trong quá trình hình thành một bộ suit “cá nhân hóa” cho khách hàng?

“Cá nhân hóa” đối với may đo căn bản chính là để cho khách hàng có quyền can thiệp vào việc hình thành bộ suit cho họ ở một hoặc nhiều khía cạnh. Cái khó chính là nhiều khi khách hàng không có đủ tư duy hay kiến thức để làm điều đó một cách tốt nhất cho chính bản thân họ.

Những người tư vấn cần có khả năng xác định, hiểu cách diễn đạt và có những gợi ý phù hợp cho khách hàng. Ngoài ra, nhà may cũng cần phải có một bản sắc riêng đủ mạnh mẽ để thể hiện được tính cá nhân hóa mà khách hàng đã mang đến; đồng thời không làm lu mờ đi “cái mác” của chính mình.

Suit cho các dịp khác nhau sẽ có phong cách khác nhau. Ví dụ suit cho tiệc tùng, suit cho ngày lễ trọng đại như đám cưới, suit đi du lịch,… Anh có thể đưa ra lời khuyên chọn suit trong các dịp điển hình này?

Việc lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với từng dịp thật ra không hề khó, chỉ cần suy nghĩ thấu đáo một chút. Khi đã nói đến “dịp”, có nghĩa là có những yêu cầu, nguyên tắc hoặc đặc thù mà chúng ta cần và nên tuân theo. Đây chính là cái khung để tìm ra bộ quần áo phù hợp.

Chẳng hạn, nếu để đi du lịch hay công tác, bộ suit cần thoải mái, thoáng mát, hạn chế được nhăn nhàu, thân thiện với sân bay, đồng thời dễ phối đồ bởi chúng ta không muốn phải mang cả tủ suit theo… Vì vậy, nó nên trơn màu (xanh navy, xám), độ tối vừa phải (medium), kiểu dáng cơ bản. Các chất liệu như len (wool) fresco, len có pha mohair hay thậm chí một số loại sợi nhân tạo chất lượng cao sẽ giúp giữ cho bộ suit phẳng phiu hơn.

Trái lại, những dịp như lễ cưới thì yếu tố thẩm mỹ lại cần được coi trọng hơn. Lễ cưới vào buổi sáng hay buổi tối? Trong nhà hay ngoài trời? Cô dâu sẽ mặc thế nào?… là những câu hỏi nên được để tâm khi chọn suit cưới. Các chất liệu có độ bóng bẩy nhất định hoặc mang tính sang trọng cao như cashmere hay len pha lụa; cũng như các chi tiết thiết kế cầu kỳ lúc này sẽ phát huy thế mạnh hơn.

Dường như một bộ suit chưa đủ để tôn lên dáng hình và thần thái của một người đàn ông, vì ngoài suit, chúng ta còn có giày, cà vạt, đồng hồ,… chi tiết hơn thì là vớ chân, nước hoa…. Làm sao để mix-match cho phù hợp, mà không bị “quê” hay “sến”.

Phối đồ là câu chuyện rất dài, khó mà nói hết trong một câu trả lời được. Để đưa ra một lời khuyên tổng quát nhất, tôi cho rằng chúng ta nên xác định được món dễ phối nhất, đa dụng nhất của mỗi loại cho mình. Việc này sẽ giúp việc mix-match dễ dàng hơn, đỡ phải nghĩ hơn và tỉ lệ thành công cũng cao hơn.

Ví dụ với bản thân tôi, một bộ suit màu xám vừa (medium grey) có thể đi với gần như mọi loại sơ mi và màu giày, penny loafer màu nâu tối (dark brown) dễ dàng phối với suit hoặc jeans, rồi cà vạt đan (knit tie) tối màu như đen hoặc dark navy, đồng hồ dây kim loại…

Thương hiệu giày và đồng hồ mà anh thường diện cùng bộ suit của mình?

Nghe có vẻ buồn cười nhưng thú thật, tôi đã bắt đầu chơi đồng hồ từ tầm trung cấp cho đến cao cấp; và đến bây giờ thì chỉ còn thích và sở hữu những chiếc đồng hồ quartz ở tầm giá dưới 100 USD. Không phải tôi không thích những chiếc cao cấp hay xa xỉ nữa; tôi vẫn luôn thích chúng. Chỉ là tôi thấy những Seiko, Timex, Swatch hay Casio phù hợp với phong cách sống và sử dụng đồng hồ của tôi hơn.

Tôi thật sự dùng đồng hồ để xem giờ chứ không phải điện thoại. Với tôi, nó mang ý nghĩa sử dụng nhiều hơn là một món trang sức rất nhiều. Vì thế tôi thích đồng hồ chạy pin hơn. Đồng thời tôi mê cái đẹp và rất dễ mất tập trung. Tôi không muốn đeo một chiếc Reverso lên và cứ ngắm nó cả ngày. Tất nhiên những chiếc đồng hồ rẻ tiền kia tôi vẫn thấy rất đẹp, nhưng không làm mất tập trung. (cười)

Phan Anh tại sự kiện Epitome of Luxury được tổ chức bởi Luxuo 31/08, Hà Nội.

Về giày, tôi đặc biệt thích giày của Pháp và Nhật, kế đến là Anh. Tôi là người thích phối được trang phục tailoring với đa dạng các phong cách khác nhau như workwear, skatewear hay avant garde. Điều tự hào nhất về những bộ suit của tôi là chúng đẹp và rất thoải mái. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thật ra tôi hiếm thấy ai đạt được cả hai. Phần lớn đều không muốn ở trong bộ suit của mình quá lâu. Tôi thì rất thích, và vì thế, tôi mặc suit bất kì khi nào tôi muốn.

Được biết, anh sắp sửa mở thương hiệu của mình, anh có thể chia sẻ?

Tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện ý tưởng và lên kế hoạch nên chưa dám nói gì quá sớm. Tuy nhiên, chắc chắn trong tương lai gần, tôi sẽ cố gắng để mang đến một trải nghiệm sâu sắc và đầy đủ hơn cho bức tranh thời trang nam cao cấp tại Việt Nam

Ngoài suit, anh còn sở thích nào khác?

Lego mini figures và sách về thời trang – nghệ thuật.

Cám ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị!

Bài: Trang Ps | Ảnh: Giang Lê


 
Back to top