Nghệ thuật

Dương Đỗ & Hành trình đưa nghệ thuật thấm vào cơ thể cộng đồng

Dec 03, 2019 | By admin

Gặp Dương Đỗ, CEO và nhà sáng lập của không gian làm việc chung Toong vào một chiều thứ Hai đầu tuần, anh đội một chiếc mũ lưỡi trai với phong thái tràn đầy năng lượng. Dương hào hứng giới thiệu với mọi người về tác phẩm “Thở” của nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn – một tác phẩm sắp đặt thuộc thể loại bơm – thổi khí cỡ lớn chưa từng có, được tạo thành như một phần cố định trong kết cấu kiến trúc ấn tượng của Toong Vista Verde – không gian mới nhất của Toong.

Dương Đỗ - Toong Coworking Space

Nhưng với Dương, nghệ thuật không phải là một ngọn núi để chinh phục, càng không phải một thứ lộng lẫy để trưng bày, mà là một hành trình để sẻ chia những giá trị tinh thần cốt lõi. Và từ khởi điểm ấy, anh ấp ủ làm nên Gốclab. Gốclab không chỉ là một hệ thống không gian triển lãm. (Nếu thế thì chẳng có gì đặc biệt). Nhưng Gốclab là một hệ thống không gian triển lãm nhỏ và siêu nhỏ đặt tại những điểm giao công cộng đông người đi qua.

Nghệ thuật thường được liên hệ với một số ít tầng lớp cực kỳ tinh hoa và giàu có, nhưng trong cuộc trò chuyện với Dương, người ta cảm thấy nghệ thuật và sự giàu có, nếu có một mối liên hệ nào, thì chỉ đơn giản là, sự giàu có và phong phú của nghệ thuật có sức mạnh khiến đời sống tâm hồn của con người được nâng lên. Và để thực hiện sứ mệnh dẫn dắt công chúng, nghệ thuật phải tự bước ra khỏi tháp ngà của nó.

Xuất thân là một người làm marketing và tư vấn chiến lược thương hiệu, sau đó khởi nghiệp với Toong – một chuỗi không gian làm việc chung, và bây giờ lại nung nấu dấn bước vào triển khai các hoạt động nghệ thuật đương đại, anh coi đâu mới là con người thật của mình?

Tôi nghĩ rằng ngành nghề hay sản phẩm mà mình làm ra chỉ là cái hiển thị ra bên ngoài thôi. Còn cốt lõi, ý đồ ở bên trong mới là sợi chỉ xuyên suốt. Tất cả những điều tôi đã thực hiện và đang ấp ủ thực hiện, chúng đều gặp nhau ở hai điểm. Thứ nhất là chúng phải mới. Mới ở đây là mới so với xã hội, những thứ mà mọi người chưa làm, hoặc chưa nhiều người làm tốt, thậm chí là những thứ mà mọi người phủ nhận giá trị của nó.

Thứ hai, chúng phải thật sự có giá trị. Tất nhiên, có nhiều định nghĩa khác nhau về giá trị. Một số người cho rằng giá trị thì phải mang lại sức mạnh tài chính cho người thực hiện. Cá nhân tôi, tôi quan tâm nhiều hơn tới những điều có thể giúp nâng tinh thần người thụ hưởng lên cao hơn, giúp họ ít nhất là cảm thấy dễ chịu hơn, và xa nữa là giúp họ nhận thức thêm một điều mới mẻ, trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình và làm ra những điều có ý nghĩa.

Thực ra, toàn bộ hành trình của tôi từ lúc ra trường, rồi chọn lựa theo đuổi ngành Marketing, cụ thể hơn là Marketing trong lĩnh vực điện ảnh, rồi chuyển sang làm tư vấn chiến lược, rồi khởi nghiệp với Toong và bây giờ nhúng mình vào lĩnh vực nghệ thuật, toàn bộ hành trình ấy không phải để trả lời cho câu hỏi “tôi chọn ngành nghề nào?”, mà là “tôi chọn giá trị nào để khai thác?”

Nhưng tại sao lại là giá trị tinh thần? Trải nghiệm cá nhân nào đã mở ra cho anh những góc nhìn như vậy về giá trị tinh thần?

Rất đơn giản thôi, những thứ liên quan đến tiền bạc và vật chất là những thứ có thể đong đếm được. Mà đã đong đếm được thì dễ được ghi nhận bởi hầu hết mọi người. Nhưng những thứ liên quan đến tinh thần thì khó nắm bắt. Bản chất nó không phải vật chất hữu hình nên nó thường bị bỏ qua. Đó là lí do mà mọi người thường đưa ra các sản phẩm mà họ không bận tâm nhiều lắm đến cảm giác của người thụ hưởng khi tiếp nhận sản phẩm.

Còn về những trải nghiệm đã làm nên mình, tôi phải thú thực rằng, nó là một hành trình dài được bồi đắp từ khi tôi lớn lên. Đến một lúc, tôi nhận ra rằng tất cả những cột mốc trong sự phát triển cá nhân, mọi chặng đường chuyển đổi của mình đều đến từ những bước ngoặt về mặt tinh thần. Tôi thấy những giá trị tinh thần ấy hiện hữu rõ ràng trong bản thân, và muốn qua những gì mình làm, chia sẻ cho mọi người xung quanh cũng được trải nghiệm những điều tương tự.

Toong đã trở thành một thương hiệu không gian làm việc chung quen thuộc với tầng lớp trí thức đương đại. Tôi cũng được biết tỷ lệ lấp đầy của Toong rất cao, nhiều địa điểm lên tới 100%. Tức là Toong đã có rất nhiều khách hàng rồi, đã thành công về mặt kinh doanh rồi, vậy tại sao lại còn phải tích hợp thêm những không gian triển lãm như Gốclab ?

Thực ra với Gốclab, tham vọng của tôi là không chỉ đặt nó trong các địa điểm Toong mà còn tại các không gian đối tác và không gian công cộng… Tôi coi việc làm này như một hình thích phân tách chất dinh dưỡng thành những phân tử nhỏ. Để hấp thụ một chất dinh dưỡng, nếu ta ăn sản phẩm thô thì ta sẽ cần nhiều thời gian để tiêu hóa, nhưng nếu ta phân mảnh nó ra thì nó sẽ dễ hấp thụ hơn.

Với tôi, nghệ thuật cũng là một chất dinh dưỡng mà mình muốn cơ thể cộng đồng tiếp nhận. Đó là lí do tôi “phân tách” nghệ thuật vào những không gian nhỏ, siêu nhỏ, để một cách tự nhiên, nó ngấm vào vào cơ thể cộng đồng. Nếu để những phân tử nghệ thuật “to” quá thì tôi nghĩ đã nhiều người làm rồi và còn làm rất tốt. Và tôi thì không hứng thú làm những chuyện mà mọi người đã làm.

Với tôi, nghệ thuật cũng là một chất dinh dưỡng mà mình muốn cơ thể cộng đồng tiếp nhận. Đó là lí do tôi “phân tách” nghệ thuật vào những không gian nhỏ, siêu nhỏ, để một cách tự nhiên, nó ngấm vào vào cơ thể cộng đồng.

Quay lại câu hỏi của bạn, tại sao vẫn triển khai Gốclab dù Toong đã có khách, và mọi người phần lớn cũng chỉ tìm kiếm một văn phòng đẹp, vị trí tốt, giá cả tốt, linh hoạt, thế thôi. Họ không đòi hỏi gì thêm nhưng vì sao mình vẫn làm thêm? Tôi thì nghĩ rằng những giá trị tinh thần là một quá trình vận động không ngừng nghỉ. Về mặt bản chất, con người không ngừng tìm kiếm giải pháp tốt hơn cho một vấn đề. Nếu một thương hiệu mà dừng lại và hài lòng với những gì mình cung cấp thì đó là lúc ta bước vào giai đoạn tự thải loại mình ra khỏi sự vận động của môi trường kinh doanh và đi ngược lại với sự vận động chung của nhân loại.

Việc đưa nghệ thuật vào không gian Toong là một trong nhiều thành tố thể hiện dòng chảy tư tưởng luôn vân động và cập nhật của chúng tôi. Tư tưởng ấy là sợi dây gắn kết giữa Toong với khách hàng và giữa khách hàng với khách hàng của họ. Và Toong không chỉ cung cấp giải pháp văn phòng đáp ứng các yêu cầu lí tính mà còn nâng tinh thần và chuẩn thẩm mỹ của mọi người lên. Mọi người có tiêu chuẩn cao hơn thì mọi người sẽ không làm cuộc sống xấu đi.

Vậy Gốclab nghĩa là gì?

Cái tên Gốc gửi gắm một quan niệm trong sáng tạo của tôi, đó là mọi thứ phải đến từ gốc gác của con người. Phần xác chỉ chỉ là phần hiển thị về mặt vật chất thôi, còn đời sống thực nằm ở tâm hồn.

Và Gốc có nghĩa là, những gì được sáng tạo ra phải dựa trên giá trị căn bản của đời sống con người chứ ko phải bịa ra vấn đề để giải quyết, hay sáng tạo cho vui vì tôi thích thế. Tôi không thích những sáng tạo chỉ vì cái tôi của người sáng tác. Bởi như vậy thì rất phí, mình bỏ nguồn lực ra mà không giúp được người khác thì thật là phí.

Các tác phẩm như thế nào sẽ được ưu tiên trưng bày tại Gốclab? Liệu có một tiêu chuẩn nào để lựa chọn các tác phẩm hay không?

Chúng tôi chào đón những tác phẩm chính thống nhưng tôi sẽ nghiêng nhiều hơn về các tác phẩm mang tính thể nghiệm. Nếu hàng ngày ta được xem và xem nhiều các tác phẩm thể nghiệm, nó xảy sẽ này ra trong ta một suy nghĩ rằng: À, mọi thứ đều có thể. Đúng vậy, nó không chỉ là vấn đề đẹp hay xấu, mà là mọi thứ đều có thể.

Hầu hết chúng ta đến một độ tuổi nào đó thường tự nhiên đặt cho mình một giới hạn. Giới hạn ấy buộc chúng ta lại, khiến ta không phát triển được nữa. Nhưng giới hạn ấy không có thật. Ta thường thấy trẻ em rất sáng tạo. Hay đơn giản thôi, hồi bé mà học đi xe đạp hay trượt patin thì bao giờ cũng dễ hơn là khi ta đã lớn. Suy cho cùng bởi khi lớn lên, ta cân nhắc quá nhiều những tiêu chuẩn, rồi chúng ta đặt ra những định kiến, ta sợ quá nhiều thứ và e dè quá nhiều điều. Và nghệ thuật thể nghiệm khích lệ ta luôn phá bỏ những giới hạn của bản thân. Đó là bệ phóng để mọi người thực hiện những điều tưởng như không thể.

Vì trân trọng sức mạnh của nghệ thuật nên tôi muốn tìm cách lan tỏa sức mạnh ấy tới nhiều người hơn.

Người ta thường nói, nghệ thuật chỉ dành cho số ít. Với số đông, nghệ thuật dường như là cái gì đó xa vời, thậm chí là khó hiểu và vớ vẩn. Tại sao anh lại nghĩ cần phải đưa nghệ thuật đến số đông khán giả?

Thật ra đến bây giờ tôi vẫn thấy nhiều tác phẩm cực kỳ khó hiểu. Tôi không được đào tạo về nghệ thuật và tôi chỉ là một người đề cao giá trị và hiệu ứng của nghệ thuật. Nhưng mà khó hiểu cũng có sao đâu. Bởi nó giúp ta hiểu rằng, cuộc sống rất muôn màu, sẽ có những thứ ta không hiểu và ta phải chấp nhân là ta không hiểu.

Và cũng vì nghệ thuật là thứ khó nắm bắt nên tôi muốn phân tách nghệ thuật nhỏ ra, để nghệ thuật chủ động tìm đến cộng đồng. Trước đây, nghệ thuật giống như một thánh đường và mọi người phải tìm đến nó. Nhưng cứ như thế thì chỉ thu hút một vài cá nhân sẵn lòng quan tâm thôi, và chẳng khác gì nghệ thuật đang tự cô lập chính mình.

Tôi không hạ thấp nghệ thuật, nhưng vì tôi trân trọng sức mạnh của nghệ thuật nên tôi muốn tìm cách lan tỏa sức mạnh ấy tới nhiều người hơn.

Thường thì làm nghệ thuật đòi hỏi một nguồn tài chính cực kỳ dồi dào?

Toong không thừa thãi về mặt tài chính để vung tay làm nghệ thuật. Nhưng ngay từ những bước sơ khởi, cách Toong được xây dựng đã thấm nhuần tư tưởng làm nghệ thuật. Chính điều đó làm nên thành công về mặt tài chính cho Toong. Và sau đó, thành công này quay lại làm nhiên liệu cho Toong thực hiện Gốclab. Giống như mối quan hệ giữa con gà – quả trứng vậy.

Tôi nói Toong được xây dựng với tư tưởng làm nghệ thuật là vì, trong một không gian mà ta cân nhắc mọi thành tố bên trong nó, từ âm nhạc, mùi hương, trang trí, nội thất, sự gắn kết cộng đồng, đồng phục, cây xanh, và mọi thứ được xếp đặt để đạt tới sự giao hòa, truyền tài những thông điệp nhất định, thì tôi tin đó đã là tư duy của nghệ thuật.

Do vậy, việc Toong đưa các tác phẩm nghệ thuật vào không gian để mọi người thụ hưởng, nó là hành trình chia sẻ những giá trị mà chính chúng tôi đang cố gắng kiến tạo hàng ngày.

Vậy kế hoạch triển khai Gốclab của anh và đội ngũ cụ thể ra sao?

Về mặt cơ bản thì ít nhất mỗi không gian đông người qua lại nhất của Toong tại Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn, PhnomPenh, Vientiane sẽ có không gian quy hoạch riêng cho Gốclab. Ngoài ra, tại Hà Nội chúng tôi đang hoàn thiện một không gian trưng bày ngay lối đi của một trung tâm thương mại sầm uất sẽ ra mắt trong tháng này. Tại Sài Gòn, một Gốclab nằm giữa một không gian công cộng rất thân thuộc với người dân thành phố, ngay tại trung tâm Quận 1, đang được chúng tôi hoàn thiện ý tưởng thiết kế để chuẩn bị thực hiện và đưa vào khai thác vào năm 2020.

Về mặt loại hình nghệ thuật được trưng bày, Toong sẽ chủ đích không giới hạn hình thức, có thể là các tác phẩm sắp đặt, có thể là digital art, có thể là các màn biểu diễn thể nghiệm, cũng có thể chúng tôi sẽ mời một nghệ sĩ tới để họ ngồi sáng tác và mọi người có thể đứng xung quanh chiêm ngưỡng. Nhưng tất nhiên, mọi hoạt động sẽ được giám tuyển cẩn thận với tiêu chuẩn thẩm mỹ nhất định.

Có cảm tưởng như, việc xây dựng một chuỗi không gian làm việc với anh giống như một cái cớ, còn cứu cánh là tạo nên một không gian nơi anh có toàn quyền xây dựng những hệ chương trình và hoạt động, từ đó nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi mà anh theo đuổi?

Có lẽ bạn nói đúng. Tôi coi Toong như một nền tảng chứ không phải một cái gì đó cố định. Và trên nền tảng ấy mình có thể gieo cấy nhiều loại giống cây khác nhau, hay thậm chí 1 hệ sinh thái để mỗi thành phần có thể nương vào nhau, sinh sôi nảy nở. Tôi hy vọng có thể tạo nên Toong như một mảnh đất màu mỡ, trên ấy ta nuôi con gì, trồng cây gì, ngắn ngày dài ngằn, cây ăn quả hay cây lấy gỗ và tất cả được tư duy như một hệ sinh thái.

Cảm ơn anh với những chia sẻ đầy thú vị!

Ảnh: RabHuu Studio


 
Back to top