DINING LIBRARY

Art of Home Dining: Ấm áp bữa ăn gia đình những ngày cách ly

May 31, 2021 | By Stephanie Nguyen

Sự ấm áp và cái lạnh lẽo lúc nào cũng từ căn bếp mà ra. Ẩm thực vốn là văn hóa đầu tiên được sinh ra, khi con người bắt đầu nhận biết về cái đẹp, khi mọi thứ không còn chỉ là chuyện ăn, chuyện uống, mà là chuyện thưởng thức và cảm nhận vẻ đẹp đằng sau mỗi món ăn, về không gian và thời gian trải nghiệm, để được thỏa mãn đủ đầy cả vị giác lẫn xúc cảm.

Như thế, nấu ăn trở thành một phương thức biểu hiện sự quan tâm, chăm sóc. Nhân Ngày của Bố, thay lời muốn nói, hãy biến bữa ăn tại nhà thành lời nhắn nhủ đầy ý vị mà đậm đà tình cảm cha con, thông qua những công thức do các đầu bếp và nghệ nhân ẩm thực hàng đầu gợi ý.

Món khai vị: Gỏi sứa Tôm thịt – Đầu bếp Anh Nguyễn

Gỏi Sứa Tôm Thịt vốn là món ăn quen thuộc, gần gũi trong các bữa ăn Việt Nam. Sử dụng nguyên liệu tuy đơn giản nhưng khi được chế biến với tình yêu, vẫn đủ để tạo nên một món ăn khai vị tuyệt vời cho bữa ăn ấm cúng bên gia đình. Với sự sắp xếp khéo léo, món ăn vốn quen thuộc sẽ trở nên một màn trình diễn đẹp mắt và thú vị cho cả nhà.

Nguyên liệu (4 người)

  • 150g sứa
  • 200g tôm tươi loại to
  • 200g thịt ba chỉ
  • Ít đậu phộng rang
  • 1 củ cà rốt 
  • 1 củ hành tây 
  • 1 quả dưa chuột 
  • Rau mùi, ớt, chanh, tỏi
  • Bánh phồng tôm 
  • Gia vị: nước mắm, giấm, đường.

Thực hiện

Rau củ

  • Gọt vỏ, rửa sạch rồi thái sợi cà rốt. Để vỏ, rửa sạch dưa leo, ngâm với nước muối loãng khoảng 5-10 phút để đảm bảo khi ăn, bỏ ruột, thái sợi. Thái nhỏ hành tây thành sợi. Ngâm dưa chuột, cà rốt, hành tây với ít giấm, đường và nước mắm, để khoảng 15 phút thì vớt ra. 
  • Tỏi: Bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ. 
  • Rau mùi: Nhặt rửa sạch, để cho ráo nước. 
  • Ớt: Bỏ hạt, băm nhỏ

Sứa – Tôm – Thịt

  • Sứa: Rửa sạch rồi chần qua nước sôi để sứa chín, thái sứa thành những sợi vừa ăn.
  • Tôm: Rửa sạch rồi cho vào nồi luộc hoặc hấp chín, sau đó bóc vỏ, bỏ đầu và giữ lại phần đuôi.
  • Thịt: Rửa sạch rồi cho vào nồi luộc chín, cho thêm ít muối vào nồi nước luộc để thịt đậm đà và ngon hơn. Khi thịt chín, vớt thịt ra để nguội rồi thái mỏng thành những miếng vừa ăn.

Sau khi sơ chế xong từng nguyên liệu, cho sứa, tôm, thịt, cà rốt, hành tây, ớt băm, tỏi băm vào một tô to, cho thêm 2 muỗng giấm, 3 muỗng đường, 1 muỗng nước cốt chanh, 2 muỗng nước mắm. Trộn thật đều các nguyên liệu và gia vị với nhau, nêm lại cho vừa khẩu vị.

Trình bày

Cho gỏi sứa tôm thịt lên đĩa và trang trí với rau thơm, đậu phộng rang và bánh phồng tôm chiên sao cho đẹp mắt

Món chính: Cá hồi – Đậu bắp – Sốt Satay – Đầu bếp từ Esta Eatery

Sự kết hợp nước sốt satay cay nồng với đậu bắp rất phù hợp để đi cùng phi lê cá hồi áp chảo. Một món ăn đậm đà hương vị, tạo nên một cung bậc khác cho bữa tiệc cùng bố.

Món Cá hồi . Đậu bắp . Sốt Satay. Ảnh: Esta Eatery

Nguyên liệu (4 người)

  • 800g cá hồi phi lê, chia làm 4 phần, mỗi phần 200g
  • 200g đậu bắp
  • Gia vị: muối, hạt tiêu 
  • 8 muỗng canh ớt khô, bỏ hạt và ngâm
  • 2 muỗng canh hạt ngò (rau mùi) nghiền
  • 2 muỗng canh hạt thì là nghiền
  • 2 muỗng canh sả xắt nhỏ
  • 1 muỗng canh riềng xắt nhỏ
  • 1 muỗng canh vỏ chanh Thái bào
  • 2 muỗng canh hành củ băm nhuyễn
  • 4 muỗng canh tỏi băm nhuyễn
  • 1 muỗng canh rễ rau mùi xắt nhỏ
  • 3 chén dầu thực vật
  • 1 cốc nước cốt dừa
  • 4 muỗng canh đường thốt nốt
  • 1 lá dứa
  • 1 chén đậu phộng rang và giã nhỏ
  • 2 muỗng canh nước mắm

Thực hiện

Chuẩn bị nước sốt satay trước

  • Làm nóng chảo, cho dầu vào đến khi nóng vừa, thêm ớt, hạt ngò, hạt thì là, sả, riềng, vỏ chanh, hành, tỏi và rễ rau mùi vào xào cho thơm
  • Thêm những nguyên liệu còn lại vào nấu sôi trong 5-10 phút
  • Tăng giảm lượng nước để điều chỉnh độ đậm đặc cho vừa khẩu vị
  • Cho thêm ớt vào sau cùng

Cá hồi: Áp chảo trên lửa nhỏ cho đến khi chín từ ngoài vào trong

Đậu bắp: Hấp và khò lửa cho chín

Trình bày

Đặt phi lê cá lên đĩa, trang trí đậu bắp xung quanh theo ý thích. Rưới nước sốt đều xung quanh.

Món tráng miệng: Lê hầm rượu với kem vani – Nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy

“Khi ăn cùng với kem vani, Mình sẽ thấy miếng lê mềm tan trong miệng cùng với kem lạnh tê đầu lưỡi, mùi rượu, mùi quế, mùi hồi thoảng thoảng nơi vòm họng, đọng lại một mùi hương quyến rũ. Và em biết rằng tối nay, trước khi chìm vào giấc ngủ say, mình sẽ không còn nhớ tóc em thơm mùi gì, mà chỉ nhớ mùi rượu lẩn khuất cùng món lê trong bữa tối ngọt ngào”, nghệ nhân Đoàn Thu Thủy, “Đường đến miền hạnh phúc”.

Lê hầm rượu với kem vani. Ảnh: Nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy.

Nguyên liệu (4 người)

  • 4 quả lê
  • Một chai rượu vang
  • Quế, hồi, vỏ cam 
  • 4 muỗng canh đường cát hoặc đường phèn
  • Kem vani

Thực hiện

  • Lê rửa sạch, gọt vỏ
  • Cho quế, hồi, vỏ cam và rượu vang vào nồi đun sôi, sau đó cho lê vào và vặn lửa nhỏ, tiếp tục nấu trong khoảng 30 phút
  • Dùng muỗng rưới rượu lên lê cho đến khi lê mềm và có màu đẹp
  • Vớt lê ra để nguội, cho vào tủ lạnh trong 2 tiếng thì lấy ra
  • Tiếp tục đun phần nước sốt còn lại trong nồi cho đến khi hơi sệt lại

Trình bày

Để lê lên đĩa, rưới nước sốt rượu lên trên. Dùng cùng kem vani.

Nước uống: Rượu vang trắng và đỏ – The Ox not only Ox by Ngô Thanh Hòa

“Một chai rượu vang ngon, cũng giống như một vở kịch hay, vẫn ngời sáng mỗi khi ta hồi tưởng lại”, Robert Louis Stevenson

Để đưa món ăn đi qua đầy đủ cung bậc cảm xúc, đầu bếp Ngô Thanh Hòa gợi ý một ly vang trắng Pinot Gris hương trái cây để dùng cùng món khai vị và một ly vang đỏ Shiraz để kết hợp với cá hồi.

Bạn có thể mua rượu tại nhà hàng The Ox not only Ox với cơ hội nhận được một chai rượu vang 3 lít khi mua một chai vang trắng, đỏ hoặc hồng 1 lít. Ưu đãi thuộc chương trình “Wine Dining” đang áp dụng tại nhà hàng đến hết tháng 6.

Vang trắng và đỏ dành cho bữa tiệc của Bố. Ảnh: The Ox not only Ox


 
Back to top