Sống / Rượu

Smart Luxury: Prestige whisky – Tản mạn về dòng rượu thượng phẩm được ưa chuộng nhất thế giới

May 21, 2021 | By Hai Yen

Món “nước thánh” được cả tất thảy tín đồ whisky đều khao khát

Whisky (hay whiskey) là từ được Anh hóa từ tiếng Gaelic cổ uisce (hay uisge) có nghĩa là “nước”. Trong khi đó, rượu được chưng cất được biết đến trong tiếng Latin là “aqua vitae” (nước của sự sống). Chỉ riêng nguồn gốc tên gọi cho thấy, ngay từ thuở xa xưa, whisky đã được xem là một loại nước uống của sự sống. Thiếu whisky, cuộc sống hiện tại sẽ thiếu đi hương vị và ý nghĩa đặc biệt, điều mà champaign, cognac hay vang không thể nào lấp đầy.

Whisky về cơ bản là một loại đồ uống có cồn được chưng cất từ bột ngũ cốc lên men. Whisky có thể được làm từ nhiều loại ngũ cốc khác nhau (có thể là mạch nha) để cho ra các thành phẩm khác nhau như lúa mạch, ngô, lúa mạch đen và lúa mì. Whiskey thường được ủ trong các thùng gỗ, thường được làm từ gỗ sồi trắng. Màu của vàng nhạt hay vàng óng của các loại whisky cũng đến nhờ tinh túy từ các thùng gỗ này.

Không gian một hầm ủ rượu whisky tại Scotland

Prestige Whisky và các phân nhóm chính

Tương tự như những sản phẩm thượng lưu khác, whisky cao cấp cũng cầu kỳ lắm thay. Đầu tiên là khái niệm và phân loại. Rượu whisky cao cấp thường được những người sành sỏi phân chia thành bốn nhóm khác nhau. Đầu tiên là Premium, dòng whisky có chất lượng tốt và giá thành phải chăng. Thứ hai là Mass Luxury (hay còn được gọi là Super Premium), gồm những chai rượu có phẩm chất và xuất xứ đặc biệt hơn, thường được sử dụng trong những dịp đặc biệt chứ không uống hàng ngày. Thứ ba là Core Luxury (hay còn gọi là Extra Luxury), quy tụ những sản phẩm rất cao cấp được dán nhãn Blue Label. Và cuối cùng, quý giá và hiếm hoi bậc nhất chính là Prestige, với đặc tính cực hiếm (rare) và thượng phẩm (exceptional).

Điều đặc biệt là thế giới của Prestige Whisky còn có tới bốn “vùng lãnh thổ” riêng biệt. Trước hết là Core Prestige Portfolio, thường được sản xuất với số lượng 20.000 chai. Vì con số này vẫn còn khá lớn nên mỗi chai Core Prestige Portfolio thường không được đánh số lượng trên chai. Tiếp đến là Collectable, dòng sản phẩm xứng đáng được đưa vào danh sách sưu tầm, với số lượng sản xuất chỉ nằm ở khoảng 6.000 – 7.000 chai. Sau đó là Trophy, được xem là phiên bản hiếm hơn với số lượng rất giới hạn (khoảng 1.000 chai trở lên) đi kèm với mức giá cao ngất ngưởng.

John Walker _ Sons King George V

Cuối cùng và cũng cao cấp nhất, Super Trophies là dòng sản phẩm cực hiếm với số lượng vỏn vẹn chỉ khoảng 100 chai trên thế giới. Chính vì thế mà những sản phẩm dạng này thường được xem là các mặt hàng thượng phẩm mà bất cứ tín đồ whisky nào cũng khao khát, sẵn lòng dốc hầu bao.

Prestige hiếm hoi đến mức cung luôn không đủ cầu, và chỉ 50% hoặc ít hơn thế nữa số người đam mê Prestige thật sự được cầm trong tay chai rượu này. Sự thật ấy tạo ra tâm lý cho rằng việc sở hữu chai rượu Prestige là cơ hội duy nhất, và cuộc mua bán đó có thể dẫn tới cơ hội bán lại với giá cao hơn, hoặc bổ sung vào bộ sưu tập giá trị. Bản thân người mua lúc này cũng đã được nâng lên tầm của một nhà sưu tầm. Chính vì thế, số lượng chai rượu prestige cũng chính là điều người mua rất quan tâm, bởi nó liên quan mật thiết đến mức độ tăng giá trong tương lai.

Sự giới hạn của prestige whisky được thể hiện rõ ràng trên thân chai, từ số thứ tự chai đến tổng số lượng chai được sản xuất, nhờ vậy tín đồ whisky dễ dàng đưa ra lựa chọn sáng suốt. Hiệu ứng tâm lý phổ biến đối với các tín đồ whisky lúc này là FOMO (Fear of Mising Out) – nếu bỏ lỡ sẽ không còn cơ hội mua được nữa.

Thế giới thượng lưu của Prestige Whisky

Nếu để mô tả thị trường Pretige, thì có lẽ cụm từ chính xác nhất là “small volume, big value” (số lượng nhỏ, giá trị lớn). Vì thế, Prestige đặc biệt hấp dẫn đối với các nền văn hóa trọng đồ hiếm và giá trị trao tặng, tiêu biểu là Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Trên biểu đồ tiêu thụ rượu prestige whisky toàn thế giới, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất góp mặt trong Top 10 với vị trí thứ 9, thậm chí còn cao hơn Hàn Quốc. Chính vì yếu tố thị trường này mà trong những năm gần đây, các sản phẩm prestie whisky ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam, tiêu biểu trong số đó chính là những cái tên đến từ Diageo.

Phòng suit đón tiếp khách VIP của Diageo

Tại Diageo, chủ sở hữu của 50 nhà máy chưng cất rượu whisky Scotch, chỉ một số ít thành phẩm được chọn mới được đưa vào danh mục Rare & Exceptional. Trung bình mỗi năm, Diageo ra mắt 10 đợt sản phẩm Prestige, mỗi lần có số lượng ít hơn 2.000 chai trên toàn cầu, và đôi khi con số này chỉ dừng lại ở khoảng 90 chai. Một khi các chai được bán hết, cơ hội duy nhất để sở hữu chúng là khi một sưu tầm rượu quyết định đưa nó lên thị trường thứ cấp hoặc bán đấu giá.

Sở dĩ có số lượng ít ỏi vì đó là những loại whisky đến từ những nguồn cung khan hiếm, như các nhà chưng cất “ma” (ghost) đã đóng cửa hay không còn làm whisky trong hơn ba thập kỷ, một vài trong số đó sẽ không bao giờ làm whisky nữa.

Nhà chưng cất Port Ellen – Picasso của thế giới whisky

Ngoài sự khan hiếm, những loại whisky này còn trở nên đặc biệt do sự cân bằng giữa đặc tính chưng cất và tác động từ gỗ sồi mà chúng đã “già đi” bên trong. Thông thường, các loại whisky trong danh mục Rare & Exceptional của Diageo thường đi kèm với tuổi đời cao, một vài trong số đó đã ở trong thùng cask từ những năm 1950. Chính điều này đã tạo nên đặc tính hương vị đặc trưng – điều đã được khẳng định bởi nhóm Master Blender của Diageo – để được dán nhãn Rare & Exceptional. Sự kết hợp của những phẩm chất và yếu tố này góp phần đã góp phần tạo nên nhu cầu cực cao từ các nhà sưu tầm và những người sành sỏi.

Những cái tên huyền thoại

Nói đến Diageo, cũng là nói đến các mặt hàng thượng phẩm, quý hiếm hàng đầu trên thế giới như The Singleton of Glen Ord 40 năm tuổi. Được mệnh danh là “Giọt rượu bị quên lãng” (Forgotten Drop), sự ra đời của Singleton 40 năm không kém phần thú vị, khi Master of Malts là bà Maureen Robinson phát hiện ra các thùng gỗ đã bị bỏ quên đến hơn 40 năm, nhưng vẫn giữ được tình trạng tốt đến đáng kinh ngạc. Bà đã sử dụng những thùng rượu này để chế ra loại Singleton độc đáo, với chất hương không trộn lẫn và chỉ được sản xuất giới hạn trong 600 chai (2 thùng).

Với hương vị độc đáo và lịch sử đầy thú vị, Brora Single Malt Whisky 40 năm tuổi cũng không nằm ngoài số này. Nhà chưng cất được thành lập vào năm 1819 và đóng cửa vào năm 1983. Trong 14 năm hoạt động cuối cùng, Brora đã thử nghiệm và tạo ra một loại mạch nha hương khói sử dụng lúa mạch vùng cao phía Bắc. Được sử dụng chủ yếu trong các các blend vào thời điểm đó, một số ít còn lại đã “già đi” đáng kể và thứ nổi lên là một loại mạch nha đơn với nhiều tầng hương vị, phức tạp và có chất lượng đáng kinh ngạc. Đây được xem là một trong những loại whisky đáng được sưu tập nhất trên thế giới, và dự kiến, nhà chưng cất sẽ được mở cửa trở lại vào năm 2020.

Brora 40 năm tuổi, với kết cấu mượt mà, vị ngọt và phảng phất hương khói

Trường hợp đáng lưu ý khác là nhà chưng cất Lagavulin. Cái tên biểu tượng của vùng Islay này sở hữu hương vị có một không hai; với hương khói đặc trưng đi kèm các nốt hương thảo mộc tinh tế, bên cạnh đặc tính từ biển khơi cho thấy bầu không khí vịnh ven biển nơi nhà chưng cất tọa lạc. Xuất phát từ một nhà chưng cất nhỏ với nguồn cung hạn chế, Lagavulin được rất nhiều người tìm kiếm, và đến nay đã đạt đến trạng thái kính ngưỡng trong thế giới whisky.

Lagavulin – xưởng chế tạo whisky với số lượng rất giới hạn

Ngoài tính khan hiếm từ các nhà chưng cất lâu đời hay đã không còn hoạt động, sản phẩm prestige của Diageo còn trở nên đáng giá hơn bao giờ hết qua bàn tay kết hợp của những nhà pha chế hàng đầu thế giới, để tạo nên phức hợp tinh túy từ nhiều single malt khác nhau. Hay đó còn là thành phẩm từ sự kết hợp của nhiều kỹ nghệ chế tác, như thiết kế và định hình chai rượu dáng kim cương, được đính một viên kim cương ½ carat chứa đựng chất blend quý giá 60 năm – tuyệt phẩm bất hủ mang tên Diamond Jubilee chỉ có 60 chai trên toàn thế giới.

Từ quá trình tỉ mẩn hàng chục năm được đúc kết qua truyền thống chưng cất hàng thập kỷ, qua bàn tay phối chế của các nghệ nhân bậc thầy và đóng vào các tác phẩm nghệ thuật bằng thuỷ tinh hay pha lê quý giá, tất cả những sự kết hợp tinh tế này đã được cô đọng trong các tuyệt phẩm prestige whisky lừng danh đến từ Diageo, được tất thảy nhà sưu tập prestige whisky nói riêng và tín đồ whisky nói chung trên thế giới đều khát khao sở hữu.


 
Back to top