Sống / Rượu

Trò chuyện cùng chuyên gia whisky Minh Huy: “Với rượu cao cấp, càng say càng mê hoặc”

May 03, 2020 | By Hai Yen

Vào năm 2004, chuyên gia whisky Minh Huy bắt đầu say mê tìm tòi về loại rượu cao cấp này với những chiều sâu giá trị khiến anh mê đắm như đang bước vào cuộc phiêu lưu kỳ thú. Chúng tôi đã có dịp ngồi lại cùng anh để bàn về cách thưởng thức whisky, cũng như góc nhìn về thị trường lẫn sưu tầm.

Chuyên gia whisky Minh Huy trong cuộc trò chuyện với Luxuo.vn

Người ta thường nói về hơi men của rượu whisky cao cấp rằng càng say càng hấp dẫn. Vì thế từ việc uống rượu, người ta chuyển sang thưng thức thức rượu. Anh nghĩ gì về điều này?

Có những người mua whisky chỉ biết chai đó mắc tiền và nghĩ rằng nó ngon, nhưng tận sâu thẳm họ không rõ chai đó có lịch sử ra sao, giá trị như thế nào. Đối với whisky cao cấp, “uống” không thể hiện được “tầm” và độ ngon của sản phẩm, chỉ có thưởng thức mới đảm bảo rằng bạn bỏ số tiền ấy ra là xứng đáng.

Nếu mục đích chỉ để uống cho say, thì bạn chỉ cần mua chai rượu bình thường. Nhưng, whisky cao cấp cho ta biết trong quá trình say và sau khi say, trải nghiệm ấy hấp dẫn như thế nào. Với rượu cao cấp, càng say càng mê hoặc, càng nói càng muốn ôm nhau và gần gũi nhau. Vì lúc này, các tuyệt phẩm ấy đã được lọc hết chất độc andehit (chất hóa học gây khó chịu và đau đầu ở các loại rượu bình thường) nhờ quá trình chưng cất lâu năm và chuyên nghiệp. Có những loại whisky ủ một thập niên, hàng chục thập niên hay nói cách khác là hàng thập kỷ. Nhờ quá trình ủ bền bỉ – độc đáo với bí kíp riêng truyền đời của mỗi hãng, andehit tự đào thải để trong chất lỏng kia chỉ còn lại những gì tinh túy nhất. Lúc này, người thưởng thức whisky mới cảm nhận hơi men nơi đầu mũi và đầu lưỡi, cảm giác say sưa đến chết mê chết mệt.

Tôi chưa bao giờ khuyên người ta đi uống rượu, tôi chỉ mời họ thưởng thức mà thôi. Khi ám chỉ “uống”, người ta sẽ tìm đủ mọi lý do để uống: vui cũng uống, buồn cũng uống, mà không vui không buồn cũng uống. Trong khi đó, thưởng thức cần tâm trạng thoải mái và vui vẻ. Và khi thưởng thức chính là lúc trải nghiệm. Cũng như, trước đây người ta uống và có xu hướng so sánh ai uống nhiều hơn. Nhưng bây giờ, người ta sẽ so sánh ai trải nghiệm nhiều hơn. Họ cảm nhận trong chai này có mùi khói, mùi than bùn, trà đen, hương vỏ quế, trái cây, chuối sấy khô, thậm chí hương hoa hồng…  Đó cũng chính là khi người ta thành thật với khứu giác của mình.

Khi ý nghĩa trình độ thưng thức whisky được nâng cao, người Việt có xu hướng sưu tầm whisky ra sao trong 5 năm trở lại đây, thưa anh?

Tôi đã từng nói chuyện với nhiều người có tuổi đời uống rượu whisky mấy chục năm, nhưng đến khi gặp tôi mới hiểu ra thưởng thức whisky là như thế nào. Có người sưu tầm whisky với nhiều lý do, như họ thích thiết kế chai, dòng rượu, lịch sử thương hiệu… và nhiều hơn thế nữa.

Trong 5 năm trở lại đây, thị trường whisky đã hình thành nên thế hệ người tiêu dùng không chỉ mua whisky để uống mà còn để sưu tầm và đầu tư. Đầu tư whisky không hề thua kém đầu tư bất động sản, thậm chí biên độ lợi nhuận có thể tăng 30% mỗi năm, và dòng mạch nha đơn (single malt) đang trở thành xu hướng, vượt lên cả dòng hỗn hợp (blend).

Chắc chắn, để thưởng thức loại rượu này, họ phải là những người thành đạt, trân trọng giá trị bản thân, giá trị các mối quan hệ mà họ đang có. Họ là những người tinh tế và sở hữu giác quan vượt trội so với những người bình thường. Bởi, người ta nói một tuyệt phẩm whisky chứa tối thiểu 30 mùi hương khác nhau, nhưng thú vị ở chỗ, hôm nay bạn có thể cảm nhận mùi này nhưng ngày mai lại cảm thấy sự nổi trội của mùi hương khác. Các mùi hương không mất đi và chính việc chinh phục chai rượu đó đã khiến người ta cảm thấy thú vị vô cùng.

Nhiều người tìm đến những thương hiệu whisky “di sản” để mua và sưu tầm, nhưng còn các thương hiệu mới và chưa thực sự nổi tiếng thì sao? Các hãng thường hấp dẫn khách hàng bằng cách nào?

Đúng là người ta ta có xu hướng tìm đến những chai rượu whisky có yếu tố lịch sử, thời thế, giá trị thương hiệu nổi bật, độ chín hay chất lượng của nhãn hiệu đó. Chẳng hạn như dòng whisky Port Ellen – thứ “nước thánh” chỉ được đón nhận sau khi nhà chưng cất cùng tên đóng cửa. Ngay sau đó, nó đã trở thành loại rượu whisky ngon bậc nhất thế giới.

Mỗi hãng đều có một lý do để kể ra câu chuyện của mình, trong tiếng Anh gọi là “Storytelling”. Chính yếu tố này đã thúc đẩy lượng quan tâm và thu hút khách hàng mới của từng đơn vị. Chẳng hạn, Johnnie Walker nói đến tinh thần khởi nghiệp, Mortlach nổi tiếng với công thức chưng cất bí truyền 2.81 lần, Singleton độc đáo từ biểu tượng con cá hồi và nguồn nước chưng cất phô diễn sự quyện hòa giữa trời và đất.

Mỗi hãng rượu đều có nhà chưng cất khác nhau với nguồn nguyên liệu và nguồn nước khác nhau, chính yếu tố đó đã tạo ra phong cách riêng của từng đơn vị. Đó là lý do vì sao, các đơn vị như Diageo thường tổ chức từng đoàn riêng qua Scotland trải nghiệm từng nhà chưng cất. “To see to believe” (Thấy mới tin), chính ý tưởng này đã làm cho chiến lược “storytelling” trở nên khác biệt và câu chuyện kinh doanh không còn dừng lại ở yếu tố tiền bạc.

Khác với những mặt hàng đại trà bình thường, rượu whisky cao cấp ắt sẽ không khiến khách hàng thất vọng?

Thất vọng thì không thể, người ta chỉ nói là họ thích cái này hơn cái kia mà thôi. Mỗi người có gu cảm nhận khác nhau, và phát biểu “không thích cái này” mang góc nhìn hơi tiêu cực. Vì whisky là về lịch sử, là về giá trị sản phẩm, là văn hóa, là di sản. Chẳng hạn, theo luật của đất nước Scotland, Scotch whisky cần được ủ trong thùng gỗ tối thiểu 3 năm. Từ đó, bạn mới thấy những con số trên chai như Mortlach 10, 12, 15, 20, 25… Chúng đảm bảo rằng chai rượu đó đã nằm trong thùng gỗ tối thiểu chừng ấy năm đó trở lên. Bởi thế, với whisky, ấy chắc chắn là những câu chuyện hết sức tuyệt vời.

Khi thị trường whisky Việt Nam chỉ mới trong giai đoạn bắt đầu, anh ấn tượng với chiến lược truyền thông của đơn vị nào?

Đúng là thị trường whisky Việt Nam chỉ mới bắt đầu, chứ chưa thật sự tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp, một thị trường luân chuyển buôn bán phong phú như Singapore hay Đài Loan.

Vào năm 2019, tôi đặc biệt đánh giá cao sự chỉn chu và chiến lược của các hãng với những thông tin, thông điệp mạnh mẽ hơn cả về bề sâu lẫn bề rộng. Trong đó phải kể đến Diageo, họ có những bước đi táo bạo, chính cách đánh mạnh vào sở thích người tiêu dùng. Họ đã mời chuyên gia whisky về chia sẻ trong các buổi tiệc tri ân, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thưởng thức whisky. Họ không muốn khách hàng uống nhiều hơn mà thưởng thức nhiều hơn, từ đó chạm đến giá trị thương hiệu thay vì cột mốc doanh số đơn thuần. Chính thông điệp “Drink responsibly” đã ám chỉ điều đó.

BÀI: TRANG PS
ẢNH: RABHUU STUDIO


 
Back to top