Tính đến nay, anh đã đưa thành công bao nhiêu thương hiệu du thuyền về Việt Nam? Ðâu là thương vụ để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất?

Vietyacht đã đưa thành công 29 mẫu du thuyền tới tay chủ nhân tại Việt Nam, trong đó có 3 mẫu du thuyền hạng sang, còn lại là các mẫu du thuyền tầm trung. Hiện Vietyacht và Luxyacht đang sở hữu 6 thương hiệu độc quyền gồm Jeanneau, Prestige, Fountain Pajot, Ferretti Yachts, Riva và Pershing thuộc tất cả các phân khúc từ phổ thông, tầm trung, hạng sang đến siêu sang cũng như dòng du thuyền 1 thân và 2 thân.

Ngoài ra, chúng tôi còn phân phối 7 thương hiệu khác gồm 5 thương hiệu của tập đoàn Ferretti (CRN, Custom line, Itama, Mochi Craft, Wally) và 2 thương hiệu đến từ Mỹ thuộc Jeanneau.

Thương hiệu nào cũng ấn tượng cả vì phía sau nó là cả một câu chuyện hấp dẫn, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là bộ 3 thương hiệu của Tập đoàn Ferretti là Ferretti Yachts, Pershing và Riva mà chúng tôi ký độc quyền từ tháng 6 năm2019. Nếu như với Jeanneau là câu chuyện dài về việc thuyết phục hãng chấp nhận một nhà phân phối tại 1 thị trường mà hãng KHÔNG ĐỂ Ý và chưa có kế hoạch mở mạng lưới phân phối, thì Ferretti lại khác hoàn toàn. Khi làm việc với hãng, bản thân tôi đã phải cạnh tranh với một tập đoàn lớn của Việt Nam cũng chuyên kinh doanh ngành hàng xa xỉ với hệ thống trải dài khắp Việt Nam. May mắn sao chúng tôi đã chiến thắng và giành được quyền độc quyền phân phối. Có thể nói đó là điều hoàn toàn nằm ngoài kỳ vọng.

Các khách hàng Việt Nam thường ưa chuộng các dòng du thuyền như thế nào? Mất bao lâu để anh nhận ra đặc tính riêng của thị trường Việt Nam so với các nước khác?

Đây đúng là câu hỏi khó, vì thực tế du thuyền chính hãng chỉ mới được phân phối ở Việt Nam khoảng 3 năm nay, số lượng du thuyền mới về Việt Nam cũng chưa đủ nhiều để có số liệu phân tích và đánh giá chính xác thị hiếu của khách hàng. Các dòng du thuyền bán ra hiện nay chủ yếu đều do sự tư vấn của nhân viên tư vấn khi tiếp xúc với khách hàng thôi.

Còn về đặc tính riêng của thị trường Việt Nam, thì ngay khi vừa bắt đầu phân phối du thuyền tôi đã nhận ra. Khách hàng Việt nam khác so với các nước khác ở một đặc điểm duy nhất: NGAY VÀ LUÔN! Nghĩa là đa số khách hàng Việt nam không muốn chờ đợi quá lâu để nhận du thuyền như các nước khác. Chính vì vậy Vietyacht luôn phải đánh giá thị trường và đặt chỗ trước một số mẫu để đảm bảo khi khách hàng ký hợp đồng là có thể đưa về Việt Nam ngay. Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn có một số sản phẩm nhập sẵn để trưng bày tại Showroom.

Theo dõi các trang web về du thuyền, có thể thấy một xu hướng đang rất được quan tâm là dòng du thuyền xanh: chạy điện hay hybrid, thải ra ít khí thải và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Anh có nhận xét gì về xu hướng này?

Đây là xu hướng tất yếu của tương lai, mà hiện tại một số thương hiệu đã phát triển kết hợp. Như thương hiệu Fountaine Pajot chẳng hạn, các du thuyền buồm đều được trang bị pin năng lượng mặt trời và nhiều công nghệ bền vững khác.

Trên tiêu chí hệ thống động lực sử dụng, du thuyền trên thế giới xưa nay vẫn chia làm 2 loại chính: Du thuyền chạy động cơ và du thuyền buồm. Du thuyền buồm quả thực rất thân thiện với môi trường do thuyền hoạt động hoàn toàn bằng sức gió, chỉ sử dụng một động cơ rất nhỏ để hỗ trợ ra vào bến. Ở Châu Âu và một số nước Châu Á, thị trường du thuyền buồm đã và đang rất phát triển. Các du thuyền buồm 1 thân và thuyền đua của Jeanneau được tiêu thụ rất tốt, du thuyền buồm 2 thân của Fountaine Pajot cũng vậy, nên thời gian đặt hàng với thuyền 2 thân và thuyền buồm thường dài hơn so với thuyền có động cơ. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam chắc chắn cần rất nhiều thời gian, vì số người điều khiển được du thuyền buồm hiện không có nhiều.

Cùng với sự thay đổi trong tư duy là một thế hệ chủ sở hữu du thuyền mới – millennial. Ðã có khá nhiều phân tích cho thấy góc nhìn của millennial về lối sống xa xỉ đang trở nên khác biệt với thế hệ cha hay ông của họ. Ðối với ngành du thuyền nói chung, sự khác biệt này được thể hiện như thế nào?

Tôi không cho rằng việc sở hữu du thuyền là lối sống xa xỉ, vì nó còn phụ thuộc hoàn toàn vào mẫu và phân khúc du thuyền khách hàng sử dụng. Có lẽ nên dùng cụm từ “lối sống thời thượng” thì phù hợp hơn, bởi thực ra, giá trị của một mẫu du thuyền tầm trung cũng chỉ tương đương một chiếc ô tô hạng sang, hay một chiếc đồng hồ hiệu hàng hiếm thôi.

Quay trở lại câu hỏi trên, thực sự là khác nhiều, vì họ biết hưởng thụ hơn. Nếu như thế hệ trước chỉ biết đến biệt thự đẹp, đồng hồ hiệu, xe hơi, hàng hiệu, thì nay thế hệ trẻ đã biết đến du thuyền, nghĩa là họ đã biết hưởng thụ hơn, chăm sóc bản thân hơn và thích trải nghiệm hơn với những điều tuyệt vời mà du thuyền mang lại.

Theo anh, trong tương lai, xu thế hoạt động của ngành du thuyền tại Việt Nam và thế giới là gì? Ðiều gì sẽ còn lại, điều gì sẽ mất đi, và điều gì sẽ xuất hiện?

Đây là một câu hỏi rất khó trả lời bởi chẳng ai biết trước được tương lai. Nhưng trong tương lai gần thì du thuyền xanh thân thiện với môi trường sẽ là xu thế. Ngoài ra, sẽ ngày càng có nhiều du thuyền được thiết kế phá cách mang đến diện mạo mới cho du thuyền thay vì những hình dạng, tuyến hình truyền thống như ngày nay. Và tất nhiên rồi, công nghệ sẽ ngày càng được tích hợp nhiều hơn lên du thuyền.

Còn về xu hướng hoạt động thì khó nói lắm, nhưng chắc là không có thay đổi gì lớn đâu. Thị trường du thuyền cho thuê vẫn là một miếng bánh lớn. Năm 2018, thị trường du thuyền cho thuê có giá trị ước tính đạt 15,8 tỷ USD, và các nhà phân tích dự kiến con số này có thể tăng lên 25 tỷ USD vào năm 2026. Tôi cũng chưa hình dung ra điều gì sẽ mất đi trong tương lai, nhưng ngay tại Việt nam, tôi cho rằng hình ảnh những mẫu du thuyền hiện đại, an toàn, sang trọng sẽ dần thay thế những phương tiện thô sơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các khu du lịch, resort cao cấp...

Việt Nam là nước có lợi thế lớn về hàng hải, nhưng ngành du thuyền vẫn chưa phát triển như các nước lân cận. Anh nghĩ nguyên nhân là do đâu?

Có một nước nằm rất gần chúng ta là Thái Lan, với ngành du thuyền rất phát triển vì đất nước họ đã có những cơ chế, chính sách rất mở để khuyến khích. Tôi cũng rất mong Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện cơ chế chính sách cho ngành du thuyền. Thực ra, chúng ta đã có chiến lược kinh tế biển, nhưng chưa có cụ thể cho du thuyền mà thôi. Ví dụ như quy phạm, quy chuẩn cho du thuyền chẳng hạn. Đơn giản hơn nữa, nếu như chứng chỉ CE của Châu Âu được công nhận ở Việt Nam, đó cũng là thuận lợi rất lớn để ngành du thuyền phát triển.

Anh có nghĩ đến viễn cảnh về một triển lãm du thuyền được tổ chức tại Việt Nam?

Năm 2017, Vietyacht đã đứng ra tổ chức cuộc triển lãm du thuyền đầu tiên ở Việt Nam với một số sản phẩm trưng bày trong thời gian 2 ngày với 500 lượt khách đến tham quan trải nghiệm. Theo kế hoạch sắp tới, chúng tôi chắc chắn sẽ tổ chức các triển lãm tiếp theo và mời thêm các hãng cùng tham gia với quy mô ít nhất là 50 mẫu du thuyền trở lên vào thời gian phù hợp, nhất là khi các bến du thuyền chuẩn quốc tế đang xây dựng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

BÀI: HẢI YẾN
ĐỒ HỌA: DIỄM HỒ, DƯƠNG PHƯƠNG THANH