Vì đâu ông lại muốn bước vào ngành công nghiệp du thuyền đến thế, trong thời điểm ngành kinh doanh du thuyền tại Việt Nam vẫn còn rất sơ khai và gặp nhiều hạn chế?

Ông Đoàn Viết Đại Từ: Lý do mà tôi muốn bước vào ngành kinh doanh này chính là vì Việt Nam đang mở rộng các hoạt động trên biển. Khách du lịch khi đến Thái Lan đều thường xuyên trở lại: lần đầu tiên họ đến vì trải nghiệm văn hóa, nhưng lần thứ 2, thứ 3 họ trở lại là để thư giãn, đến biển, khu nghỉ dưỡng, vì họ có nhiều hoạt động để làm, như mua sắm hay vi vu trên du thuyền chẳng hạn. Vấn đề đối với Việt Nam là khách du lịch chỉ đến một lần, và họ không trở lại. Vì họ chỉ đến để trải nghiệm, và khi trải nghiệm hết địa điểm, họ không trở lại nữa. Chúng ta cần có nhiều hoạt động hơn ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng biển, tôi nghĩ đây là điều rất quan trọng với đất nước chúng ta. Và tôi rất sẵn lòng tham gia vào một phần quá trình đó.

Là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực du thuyền tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ đôi điều về quá trình đưa các hãng du thuyền về Việt Nam không?

Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để quyết định xem đâu là các hãng du thuyền tốt nhất để đưa về Việt Nam. Vì vậy, đầu tiên, chúng tôi nhắm đến cái tên số một trên thế giới: Bénéteau, một hãng du thuyền của Pháp. Và với catamaran, chúng tôi cũng tìm đến cái tên số một khác là Lagoon. Chiếm lĩnh 40% tổng thị phần catamaran trên thế giới, Lagoon nổi tiếng đến nỗi ở một số quốc gia, người ta gọi Lagoon thay cho từ catamaran, cũng như cách người Việt Nam nói về Honda thay vì xe máy vậy. Và sau đó chúng tôi tìm đến siêu du thuyền. Chúng tôi tiếp cận một công ty Ý nổi tiếng về siêu du thuyền, đó là Monte Carlo. Giống như cách bạn có thể tùy biến với sản phẩm của Hermès và Audi, Monte Carlo mang đến khả năng tùy biến tuyệt vời như một chiếc super mega yacht chỉ với kích thước của phiên bản nhỏ hơn rất nhiều.

Là người tiên phong, cũng đồng nghĩa với việc ông phải tạo dựng mọi nền tảng và vượt qua mọi trở ngại ban đầu. Vậy đâu là rào cản lớn nhất mà ông đã gặp qua khi vận hành Tamson Yachting?

Một chiếc du thuyền có giá từ 15.000 đến 15 triệu USD (bao gồm thuế), và hầu hết du thuyền có tầm giá khoảng 1 triệu USD. Vì vậy, việc vận hành cả con tàu là điều rất quan trọng, nếu không, bạn sẽ gặp rắc rối lớn. Khó khăn đầu tiên mà chúng tôi gặp phải là không có bến du thuyền nào ở Việt Nam. Chúng ta không thể cứ đỗ du thuyền ở bờ sông hay biển nào đó và để nó bị hao mòn theo năm tháng được. Khi một người đàn ông mua du thuyền (hầu hết người mua du thuyền đều là đàn ông), họ sẽ muốn chăm sóc nó như người tình vậy. Họ không thể bỏ rơi người tình của họ ở bến xe buýt và để cô ấy tự lo được. Đó chính là lý do mà ở Sài Gòn, chúng tôi có 2 bến du thuyền, một ở Vinhomes Central Park, một ở Swan Bay. Đó là thứ mà chúng tôi muốn đạt được – để bao quát mọi khía cạnh và thích ứng với tình hình tại Việt Nam. Nếu bạn làm điều này ở một quốc gia khác, mọi thứ sẽ khác. Nhưng ở đây, chúng tôi không có sự lựa chọn.

Du thuyền là một mặt hàng kinh doanh rất đặc biệt với lượng khách hàng niche có lẽ chỉ chiếm 0,1% dân số – những người có khả năng mua sắm đồ xa xỉ mà không cần quan tâm đến giá cả. Làm sao ông có thể tìm được họ và đáp ứng các yêu cầu của họ?

Chúng tôi đã ở trong ngành công nghiệp này khá lâu rồi, và chúng tôi đã có sẵn một lượng khách hàng đông đảo, có thể là từ Chopard, Bottega Veneta, Hermès hay Patek Philippe. Chúng tôi biết họ và họ cũng biết chúng tôi. Tôi tin là Tamson khá có tên tuổi trong việc quản lý khách hàng, theo cách rất chuyên nghiệp và đầy tôn trọng. Và bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng khách hàng của chúng tôi không quá hạn hẹp trong mức 0,1%, họ không giàu đến mức đó nhưng họ rất biết cách tận hưởng cuộc sống.

Trên thực tế, một số du thuyền có mức giá rất phải chăng, chỉ ngang một chiếc xe chứ chưa đến căn nhà nữa. Với khoảng 100.000 USD, bạn có thể mua được một chiếc Audi Q5. Cũng với số tiền đó, bạn đã có thể sở hữu được một chiếc du thuyền. Và với giá của một chiếc Q7, bạn đã có một chiếc du thuyền rất rất tuyệt. Tôi thật sự mong là sẽ có thật nhiều người sở hữu du thuyền hơn, không chỉ là những người rất giàu có, và kết quả phân tích thị trường hiện nay cũng cho ra kết quả như thế.

Kỷ nguyên toàn cầu hóa với cuộc cách mạng về truyền thông xã hội đã tạo ra rất nhiều áp lực cho các nhãn hiệu xa xỉ vốn coi trọng truyền thống. Openasia hay Tamson Yachting có đối mặt với cách thức tương tự không, và chiến lược của ông là gì?

Đương nhiên là chúng tôi phải thay đổi. Sức mạnh của Việt Nam phụ thuộc vào millennial, vào thế hệ trẻ. Độ tuổi trung bình khách hàng của chúng tôi từng là 40 hoặc trên 40, nhưng giờ đây lại là 30. Vì vậy mà một nửa chiến lược kinh doanh của chúng tôi là tập trung vào thế hệ trẻ. Họ thành công, được giáo dục tốt không chỉ về mặt học thuật mà còn là đời sống và văn hóa. Họ đi nhiều và biết nhiều. Vì thế, chúng tôi hiện diện rất mạnh mẽ trên mạng truyền thông xã hội và các phương tiện đời sống như Facebook và Instagram. Nếu chúng tôi bỏ qua họ, chúng tôi sẽ bỏ sót rất nhiều.

Vậy đâu là sự khác biệt giữa hai thế hệ khách hàng của Openasia, trước đây và bây giờ?

Thế hệ trước có lẽ là thế hệ khởi nghiệp đầu tiên, những người chủ công ty vào những năm 90. Đó là những người rất khôn ngoan và chăm chỉ. Và điều mà họ làm là đầu tư vào thế hệ kế tiếp, cũng là thế hệ millennial ngày nay – đưa chúng đi du học, hoặc tìm đến các trường tốt nhất trong nước, mang đến cho chúng cơ hội giáo dục tốt nhất họ có thể. Họ làm việc chăm chỉ và tận hưởng những gì xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra: xe hơi hay du thuyền đắt tiền, biệt thự sang trọng, nghỉ dưỡng xa xỉ… Đây là thế hệ đã làm việc cật lực và giờ đang tận hưởng những gì xứng đáng với họ. Và đây cũng có chính là thế hệ của tôi.

Thế hệ trẻ hơn là thế hệ nhận được nền giáo dục tốt nhất, và họ rất nhạy cảm với những giá trị như tính bền vững, rằng mọi thứ cần phải có mục đích. Chúng tôi có thể mang đến cho họ rất nhiều giá trị và chúng tôi có đủ nền tảng kinh doanh để tiếp cận được họ. Khi chúng tôi bán sản phẩm, ví dụ như du thuyền, cho thế hệ trẻ tuổi, cuộc đối thoại sẽ hoàn toàn khác biệt. Họ sẽ muốn đích thân tận hưởng trải nghiệm đó cũng như hiểu về nó. Họ rất tò mò và sẽ hỏi mọi câu hỏi có thể, như cách mà du thuyền được chế tạo chẳng hạn, vì vậy chúng tôi cần phải có kiến thức. Việc bán hàng cho thế hệ millennial rất khác vì họ rất tinh tế, nếu chúng tôi không đáp ứng được điều đó, mọi chuyện sẽ đi sai hướng hết.

Về bản thân tôi mà nói, tôi phải học mỗi ngày. Trong đội ngũ của chúng tôi có rất nhiều người trẻ. Việc của tôi là quản lý họ, đồng thời, tôi cũng học hỏi từ họ. Mỗi ngày, tôi lại học hỏi thêm về việc mọi thứ đang thay đổi thế nào. Cứ mỗi 6 tháng trôi qua, bạn lại trở nên lạc hậu nếu như không chịu học hỏi cái mới.

BÀI: HẢI YẾN
ĐỒ HỌA: RB’PIP, DƯƠNG PHƯƠNG THANH