Phong cách / Làm đẹp

New York Times: Những nhà thiết kế gốc Á đang dần định hình nền công nghiệp thời trang Mỹ

Apr 30, 2020 | By Nguyen Huu Hon

Từ cách đây một khoảng thời gian dài, những người con gốc Đông Á, Nam Á và Thái Bình Dương đã bắt đầu dấn thân vào nền công nghiệp thời trang nước Mỹ. Họ là đại diện cho tập thể hàng chục nhà thiết kế đã định hình thời trang tại New York đầu thập niên 80 và phá tan những định kiến trong giới lẫn nhiều ánh mắt nghi ngờ, cái bĩu môi lạnh nhạt.

Những kẻ tiên phong ấy có thể kể đến như Anna Sui, Vivienne Tam, Vera Wang và Kimora Lee Simmons. Họ đã sống sót và dựng nên đế chế của mình giữa một thị trường vốn bị thống lĩnh bởi Calvin Klein, Bill Blass, Ralph Lauren, Michael Kors, Donna Karan hay Marc Jacobs. Mỗi cá nhân đều sở hữu phong cách riêng biệt: Anna Sui với áo tay rộng, váy xòe chưa đến gối; Vivienne Tam cách tân mẫu sườn xám truyền thống; Kimora Lee Simmons với trang phục thể thao thông minh và Vera Wang với quyền lực của một bà tiên ban phát những chiếc váy cưới được khao khát nhất.

NTK Peter Do với các trang phục may đo tuyệt hảo được phân phối trên Net-A-Porter

Đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, một làn sóng các nhà thiết kế Mỹ gốc Á khác nổi lên và thành lập thương hiệu của riêng mình như Phillip Lim, Richard Chai, Alexander Wang, Peter Som, Bibhu Mohapatra, Derek Lam và những người khác. “Trang phục của các nhà thiết kế này không có quan điểm thẩm mỹ thống nhất, ngoại trừ tính đương đại – đây là một sự thiếu tự hào đối với người phương Đông khi không tôn vinh di sản Á châu”, Phillip Lim hồi tưởng khi được các phóng viên hỏi về việc không dùng hình ảnh rồng và gấm lụa đỏ trong thiết kế của mình.

Sự xuất hiện của họ cũng buộc mọi người đặt câu hỏi lại về nguồn gốc của mình. Một nhà thiết kế thời trang Mỹ đã dự đoán rằng các nhà thiết kế gốc Á sẽ ưa chuộng người mẫu gốc Á hay người mẫu da màu cho các sàn diễn và chiến dịch của họ. Sự hoan nghênh dành cho các nhà thiết kế gốc Á càng được củng cố với sự thành công của Jade Lai, Yeohlee Teng và Mary Ping. Sau cuộc suy thoái năm 2008, nhiều nhà thiết kế gốc Á đã không thể giữ vị trí của mình trong các tập đoàn xa xỉ. Tuy nhiên, vẫn còn những cá nhân vẫn tiếp tục như Jason Wu, Joseph Altuzarra, Mitchal Gurung. Sau đó là đến Jin Kay, Dylan Cao và Huy Lương của Commission, được thành lập vào năm 2018 lấy cảm hứng từ gout ăn mặc của phụ nữ Việt Nam và Hàn Quốc sành điệu cuối thập niên 80 và 90, chịu ảnh hưởng từ Mitchal Gurung và Phillip Lim cùng với Gucci. Cùng lúc đó, Peter Do, chàng trai gốc Việt từng làm thực tập sinh tại Celine dưới thời Phoebe Philo, đã ra mắt thương hiệu riêng của mình ở New York.

Hiện tại, cũng có nhiều nhà thiết kế lấy cảm hứng từ văn hóa grunge thập niên 90 như Jenny Cheng (chủ của Gauntlett Cheng), cũng như Sandy Liang, người sở hữu nhãn hiệu quần dài ống túm của các chàng trai trẻ ta thường gặp ở câu lạc bộ Lower East Side.

Huy Luong, Jin Kay và Dylan Cao từ thương hiệu Commission. Cả Huy Luong và Dylan Cao đều là người Mỹ gốc Việt

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhà thiết kế này có thể được giải thích với một vài lý do. Trước tiên, đó là được giáo dục thời trang một cách chuyên nghiệp. Những ngôi trường như Parsons hay Học viện Công nghệ Thời trang (FIT) ở Manhattan là vườn ươm tài năng nổi tiếng. Năm 2010, The New York Times York cho biết khoảng 70% sinh viên quốc tế của Parsons đến từ châu Á, 23% sinh viên của FIT là người châu Á hoặc người Mỹ gốc Á. Danh tiếng và những gì nhiều nhà thiết kế gốc Á đạt được đã giúp các bậc cha mẹ châu Á chấp nhận rằng thiết kế thời trang cũng có thể là con đường rộng mở để thành công. Đặc biệt là khi sinh viên có xuất thân từ gia đình hoạt động trong ngành may mặc, giống như các nhà thiết kế người Mỹ gốc Do Thái trước đây. Ông bà của Derek Lam là người gốc Trung Quốc, sở hữu một nhà máy áo cưới lớn ở San Francisco; mẹ của Phillip Lim là thợ may di cư từ Trung Quốc đến Los Angeles. Nhiều người khác lại tìm đến thời trang với các hoàn cảnh khác. Phillip Lim từng chia sẻ rằng các MV của MTV ảnh hưởng rất sâu sắc đến anh khi còn là một thiếu niên lớn lên ở miền Nam California hơn bất cứ điều gì: “Tôi muốn là một phần trong thế giới ấy”.

Nó cũng là câu trả lời cụ thể cho lý do vì sao ngày càng nhiều người Mỹ gốc Á hướng đến thời trang. Thế mà những gương mặt châu Á nổi bật trong ngành công nghiệp giải trí – không chỉ trên thảm đỏ, sàn diễn mà còn trong phim ảnh, truyền hình,… – đang dần thưa thớt. Vẫn còn quá ít diễn viên và người mẫu gốc Á để phản ánh sự đa dạng sắc tộc của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, nơi mà người gốc Á chỉ chiếm 6% dân số (theo thống kê năm 2018). Luôn tồn tại một sự kháng cự dai dẳng vô hình nào đó trong họ. Một phần vì cộng đồng người Mỹ gốc Á không phù hợp với xã hội mang sắc tộc Trắng-Đen của Mỹ, và cũng vì lịch sử của chúng ta tại đây thường không dễ được trân trọng, hay tệ hơn là chẳng được biết đến. Thành công của các nhà thiết kế này rất đáng được ghi nhận, nó rất khó đạt được. Vì các nhà bảo trợ, nhà phân phối và biên tập viên thời trang về cơ bản vẫn giống với những thập kỷ trước, luôn có những đánh giá khắt khe và thương hiệu buộc phải được xây dựng một cách cẩn thận với khoảng đầu tư đáng kể và có nhiều năm cống hiến.

Nhà thiết kế Phillip Lim

Có lẽ, một lý do thành công khác chính là các nhà thiết kế gốc Á rất coi trọng tính trình bày trong sản phẩm – đó là cách kết nối với các giá trị văn hóa thủ công và việc ứng dụng các vật liệu xa xỉ, vốn vô cùng phổ biến ở Đông và Nam Á. Ngày nay, các tổ chức, hiệp hội đã rộng tay hơn với các nhà thiết kế này: 48 trong số hơn 500 thành viên Hội đồng các nhà thiết kế thời trang của Mỹ (CFDA) là người châu Á; so với 19 thành viên gốc Phi và 31 người gốc Latin. Về mặt thương mại, các thương hiệu như Phillip Lim hay Alexander Wang đã chứng minh khả năng của mình không chỉ dừng lại ở thị trường châu Âu, mà còn cả ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi sức chi của người tiêu dùng đã tăng lên nhiều trong hai thập kỷ qua.

Alexander Wang

Cuối cùng, đó là sự cống hiến của các nhà thiết kế Nhật Bản như Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto, Junya Watanabe và Issey Miyake đã dẫn đầu làn sóng Avant Garde. Châu Á vẫn sẽ luôn tồn tại trong thời trang, nó ăn sâu vào trang phục chúng ta vẫn mặc, lý do chúng ta chọn nó. Và điều đó sẽ phát triển theo thời gian. Và nếu bạn hỏi Gurung rằng “Vì sao ngày càng có nhiều nhà thiết kế Mỹ gốc Á thế?” Anh sẽ trả lời: “Phải vậy không? Tất nhiên rồi, phòng vẫn còn nhiều chỗ mà!”

Chuyển ngữ: Hiếu Lê I New York Times 


 
Back to top