LUX STYLE

Gặp gỡ “kẻ độc hành” mang Rolex đi khắp thế gian

Jul 08, 2021 | By Ton Binh

Cuộc trò chuyện giữa LUXUO Vietnam và anh T.A – người tự nhận mình “mê” du lịch – không nằm ngoài những chuyến  phiêu lưu. Và câu chuyện ấy khởi nguồn từ chiếc Rolex Exlorer của anh. LUXUO Vietnam mời quý bạn đọc cùng theo dõi câu chuyện thú vị ấy qua những lời anh kể. 

Rolex Explorer là chiếc đồng hồ đầu tiên mà tôi mua. Dòng sản phẩm này có xuất phát điểm từ ngày 29/5/1953, khi hai nhà thám hiểm Sir Edmund Hillary người New Zealand và Tenzing Norgay người bản địa Nepal chinh phục nóc nhà của thế giới, đỉnh núi Everest hay Chomolungma theo tiếng địa phương lần đầu tiên. Trong hành trang của họ là chiếc đồng hồ Rolex Oyster Perpetual do Rolex tài trợ.

Để vinh danh cuộc thám hiểm lịch sử này, Rolex cho ra đời Rolex Explorer được thiết kế riêng có thể tồn tại ở những điều kiện khắc nghiệt nhất. Chạy tốt ngay cả khi nhiệt độ xuống dưới -50oC hay ở độ cao đến mức không khí loãng với lượng ôxy thấp hơn 70% mức thông thường, Explorer được Rolex định vị nằm trong dòng Rolex Professional cùng với Submariner, Deep Sea Sea-Dweller… đồng hồ chuyên dụng cho người chuyên nghiệp.

Với thiết kế đơn giản, 3 kim, không lịch, vỏ Oyster chống nước, Explorer có thể được xem là một trong những chiếc đồng hồ đậm chất chuyên dụng của Rolex. Mang trong mình dấu ấn đặc trưng từ những chiếc Rolex thể thao khác, Explorer được giới chơi đồng hồ xem là điểm khởi đầu hoàn hảo dành cho người mới chơi.

Với tôi, Explorer là chiếc Rolex tiêu chuẩn, “anh cả” của những chiếc đồng hồ Rolex chuyên nghiệp, với vẻ đẹp mang đậm tính thể thao mạo hiểm nhưng không kém phần thanh lịch và quyến rũ.

Điều thú vị là tôi đã không hề biết đến câu chuyện này khi mua Rolex Explorer. Tôi mua nó chỉ đơn thuần là bị cuốn hút bởi vẻ đẹp và mức giá hợp lý trong khả năng. Tôi thật sự bị hút hồn khi ngắm kim giây trôi, vẽ từng vòng trên mặt đồng hồ đen bóng trong veo. Tôi tự hỏi, bằng cách nào người ta có thể đưa rất nhiều chi tiết nhỏ như kim và bánh xe, dây cót và ốc vít, ruby và dầu bôi trơn vào trong một chiếc vỏ nhỏ bé với đường kính chỉ 36 mm. Lạ lùng hơn nữa là mớ cấu kiện cơ khí ấy lại có độ chính xác đến vài giây một ngày, không chỉ đo đếm thời gian bình thường mà còn là đại lượng chỉ khoảng cách giữa những dải thiên hà.

Tôi từng đọc cuốn “Ngày đầu tiên, đêm đầu tiên” của Marc Levy, trong đó có nói về cách thế giới được sinh ra. Tất nhiên đó chỉ là giả định, nhưng chính giả định ấy lại có sự kết nối giữa Trái Đất và các vệ tinh trong không gian. Khoảng cách giữa các hành tinh được đo bằng triệu năm ánh sáng, để thấy rằng Trái Đất nhỏ nhoi như thế nào giữa cả vũ trụ rộng lớn. Từ hàng trăm năm trước, con người đã nghĩ ra được cách đo bằng năm ánh sáng ấy. Việc đo đếm thời gian, đặt ra những đại lượng để tính toán và đưa  vào những cỗ máy như Rolex Explorer, thật sự là một điều kỳ diệu.

Hành trình chinh phục

Tôi thích được thăm thú và khám phá nhiều nơi, nhưng không phải những nơi quá đông đúc mà là những nơi gần gũi với thiên nhiên, nông thôn hay vùng núi xa xôi. Địa điểm mà tôi rất thường lui tới tại Việt Nam là Hà Giang. Mỗi khi đến đây, tôi thường đi sâu vào trong bản, để được gặp những người dân bả địa hồn hậu và chân thành, được trò chuyện và tìm hiểu cặn kẽ về cuộc sống của họ.

Sau Hà Giang, những địa điểm vắng vẻ, gần gũi với thiên nhiên như Tây Tạng và Machu Pichu cũng là các điểm đến yêu thích của tôi. Sau khi mua về chiếc Explorer, tôi xem vùng đất Tây Tạng như là nơi đã sinh ra cỗ máy thời gian, thế nên tôi nảy sinh ý định phải đến được nơi này. Tuy nhiên, vì không tham gia vào chuyến leo núi chuyên nghiệp dành cho những người có chứng chỉ, nên điểm cuối cùng mà tôi có thể đặt chân đến chính là Everest Base Camp.

Vào khoảnh khắc ấy, tôi có cảm giác thật đặc biệt như thể mình được mang chiếc đồng hồ trở về nơi nó đã được sinh ra.

Với bản tính thích chu du khắp nơi, điều tôi thích ở Rolex là khả năng bền bỉ, không cần bảo dưỡng quá thường xuyên với chi phí đắt đỏ, thậm chí có những chiếc Rolex có khả năng vận hành đến 20, 30 năm mà không cần sửa chữa. Dù bên trong bộ máy có thể có những hao mòn mà mắt thường không thấy được, nhưng xét về độ bền, Rolex vẫn cao hơn nhiều so với các dòng đồng hồ khác. Về cơ bản, giới chơi đồng hồ cũng phân tầng như xã hội. Có người thích các tính năng phức tạp. Có người thích thiết kế mặt số cầu kỳ và tinh xảo. Có người lại quan tâm đến tính ứng dụng nhiều hơn, và tôi thuộc số đó. Đó chính là lý do mà tôi chọn Rolex.

Nói về kỷ niệm với đồng hồ Rolex, phải nhắc đến lần tôi ghé thăm Venice. Không đến khu đảo chính đông đúc, tôi chọn cho mình một đảo nhỏ chuyên chế tác thuỷ tinh. Nơi đó có điểm giống Hà Nội là được thiết kế với rất nhiều ngõ nhỏ đan xen, nhiều ngõ trong số đó hẹp đến mức xe máy không đi vừa, mà chỉ đủ một thân người lách vào. Trong một lần dạo quanh khám phá những ngõ ấy, tôi chợt thấy một tiệm làm thuỷ tinh và ghé vào thăm thú.

Tình cờ trong lúc ấy, ông chủ của cửa hàng đang đeo một chiếc đồng hồ Rolex rất hiếm có bộ máy quartz: Rolex Oyster Quartz. Chiếc đồng hồ được sản xuất trong quãng thời gian Rolex chuyển sang sản xuất đồng hồ quartz để có thể tồn tại giữa khủng hoảng thạch anh. Chiếc đồng hồ đấy đã khơi ra câu chuyện giữa chúng tôi: một gã đàn ông Việt và một gã đàn ông Ý, tuổi tác khá chênh nhau, lại đàm đạo chuyện trò ở một nơi rất xa nơi tôi ở về một chiếc đồng hồ. Đó là một cơ duyên mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể có được.

Từ trái đất đến không gian

Ngoài Rolex, tôi còn yêu thích Omega. Omega có nhiều dòng khác nhau, nhưng dòng mà tôi yêu thích nhất là Omega Speedmaster gần đây kỷ niệm 50 năm ra mắt.

Cho đến nay, Omega Speedmaster là cỗ máy thời gian duy nhất được NASA chứng nhận đạt chuẩn cho các nhiệm vụ ngoài vũ trụ. Song Omega Speedmaster cũng chính là chiếc đồng hồ khiến tôi cảm thấy tiếc nuối nhất từ trước đến nay. Nguyên do của sự tiếc nuối ấy liên quan chặt chẽ đến phiên bản Apollo 13 Silver Snoopy Award được sản xuất vào năm 2015, để kỷ niệm 45 năm nhiệm vụ Apollo 13 trứ danh.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1970, hai ngày sau khi hạ cánh trên mặt trăng theo kế hoạch, một bình ôxy đã phát nổ làm tê liệt mô-đun điều khiển của phi hành đoàn. Theo thông tin từ Cơ quan kiểm soát, tàu vũ trụ cần đốt cháy nhiên liệu của tên lửa trong vòng 14 giây để trở về quỹ đạo. Nếu trật khỏi quỹ đạo, mọi cố gắng sẽ trở về số không. Con tàu sẽ trôi đi vô định mà không có cách nào quay trở về.

Để làm được điều đó, một phi hành gia phải dùng đường chân trời làm cột mốc, một người khác đảm bảo tàu vũ trụ không bị trôi dạt sang một phía, và người cuối cùng hẹn giờ để khai hỏa tên lửa. Vì đồng hồ trên tàu không hoạt động, họ phải sử dụng đồng hồ bấm giờ Omega Speedmaster để canh đúng 14 giây. Sau 14 giây định mệnh ấy, cả phi hành đoàn đã trở về Trái đất an toàn, Apollo 13 kể từ đó được rất nhiều người biết đến như ca “thất bại thành công” của NASA.

Là thiết bị gắn liền với khoa học, công nghệ cao, điều thú vị là mẫu đồng hồ dùng trong nhiệm vụ  Apollo 13 khi ấy lại được vinh danh với giải thưởng Snoopy Award, nhân vật hoạt hình rất ngộ nghĩnh được nhiều thế hệ trẻ em ưa chuộng. Hình ảnh Snoopy được thể hiện rõ nét qua họa tiết chạm khắc tinh xảo trên nắp lưng, và một trong các cửa sổ phụ tại vị trí 9 giờ. Trong phiên bản ra mắt năm 2013 còn có thêm dòng chữ: “Bạn có thể làm gì trong vòng 14 giây?” 14 giây đó có thể rất nhỏ nhoi, nhưng nó đủ lớn để cứu mạng ba con người, để một nhiệm vụ vũ trụ được kết thúc trọn vẹn, và đó chính là 14 giây lịch sử mà Omega mang đến cho NASA.

Điều khiến tôi tiếc nuối nhất là đã bỏ lỡ cơ hội mua chiếc Speedmaster phiên bản LE Snoopy Award 2013, trong khi đã sở hữu phiên bản tương tự năm 2003. Đến bây giờ, đó vẫn là điều khiến tôi cảm thấy tiếc nuối nhất trong suốt bao nhiêu năm chơi đồng hồ. Tôi tự nhủ rằng sau này, nếu như có bất kỳ khả năng sở hữu chiếc đồng hồ độc đáo nào, tôi cũng sẽ không dễ dàng làm vụt mất như với chiếc Omega Speedmaster LE Snoopy Award 2013.

Bài: Hải Yến


 
Back to top