ART & LIFE

Millennials kinh doanh nghệ thuật: Những lời khuyên quan trọng

Apr 15, 2021 | By Luxuo Vietnam

Thế hệ millennials đang đóng vai trò chủ chốt của thế giới. Những người trưởng thành nhất của thế hệ này đã đạt độ tuổi 40, nửa cuộc đời người. Những millennials giỏi đều có thể dư dả ra cho mình một hay nhiều cơ nghiệp, đầu tư với các ngành nghề đa dạng.

Sutima Sucharitakul, nữ nhà sáng lập của phòng trưng bày Nova Contemporary, từ đang năm 2016, xuất thân ngành học thời trang và hiện nay đang dẫn dắt thị trường nghệ thuật đương đại Thái Lan ra thế giới

Đặc biệt tại Việt Nam nói riêng hay châu Á nói chung, dù đại dịch có quét qua nhưng với sự kiểm soát rất tốt, nếu bạn là một người quan tâm hoặc đã sưu tập nghệ thuật, thời điểm, bối cảnh hiện tại khá tốt để bạn thử sức hay tiến hành thực hiện những dự án kinh doanh liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Sở hữu một phòng trưng bày sẽ mang lại rất nhiều giá trị tích cực không chỉ cho chính bạn mà cho cả chính xã hội Việt Nam.

Hãy chấp nhận rằng chỉ đam mê thôi là chưa đủ

Sắp đặt video ‘SITTING FEEDING SLEEPING’ (2013) của Rachel Rose, được trình bày như một phần của serie Ghost: 2561 tại Nova Project Space

Câu nói “tôi rất yêu nghệ thuật” chắc chắn là câu nói dễ dàng nhất và cũng là câu nói khiến bạn lầm tưởng nhiều nhất. Sự yêu nghệ thuật ở đây thường rất chung chung và không rõ ràng tại Việt Nam trong bối cảnh xã hội chưa có nhiều các cở sở nghệ thuật chuyên nghiệp, tầm cỡ như các nước không kể đến các cái nôi như Pháp, Ý hay Mỹ mà có thể nhìn sang các nước bạn như Thái, Hàn, Nhật…

Vì vậy, bạn nên xác định “sự yêu nghệ thuật” của bạn để có thể dẫn đến việc kinh doanh nghệ thuật, hoặc phải đi kèm với hành động cụ thể mà không cần liên quan đến việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, như: đi triển lãm liên tục như một môn thể thao, giao lưu với những người làm nghệ thuật, tìm hiểu sâu sắc những diễn biến xung quanh thế giới nghệ thuật,…

Cũng giống như các mô hình kinh doanh khác, bạn phải có kế hoạch cụ thể, biết cách quản lý và có khả năng tập hợp các nguồn đầu tư. Và điều tiên quyết khác với các mô hình kinh doanh khác ở chỗ, bạn không nên nhìn nghệ thuật như một dạng kinh doanh “mì ăn liền” sinh lời ngay lập tức mà sẵn sàng hi sinh vì đây là một ngành kinh doanh cần lòng kiên trì để cụ thể hóa “sự yêu nghệ thuật”.

“Chúng tôi không tạo phòng trưng bày chỉ vì câu chuyện lợi nhuận. Tham gia vào lịch sử nghệ thuật là một niềm vui lớn”, nhà môi giới nghệ thuật hàng đầu thế giới người Pháp, Emmanuel Perrotin, 53 tuổi, khẳng định. Ông mở gallery cá nhân từ năm 21 tuổi cho đến nay đã có gần 10 trụ sở khắp nơi trên thế giới, Thượng Hải, New York, Paris, Seoul, Tokyo.

Hoạt động năng nổ trên Instagram, hạn chế Facebook

Hãy làm quen với Instagram và quên dần facebook, số liệu thống kế bởi Art Basel, 2021

Theo báo cáo của thị trường nghệ thuật tổng kết năm 2020 của Art Basel, Instagram là mạng xã hội được tin tưởng nhất để các nhà sưu tập nghệ thuật săn tìm tác phẩm chiếm đến 34% số lượng nhà sưu tập. Mạng xã hội này ưu tiên hình ảnh, khả năng kiểm duyệt thoải mái và chức năng hashtag được tối ưu hóa.

Ở Việt Nam facebook rất tốt nhưng chỉ đúng trong trường hợp phương tiện đại chúng, còn nếu về nghệ thuật, hầu như, bạn sẽ bị giới hạn bởi tính cộng đồng một màu khá nghèo nàn với các tác phẩm thiên về hình tượng dễ xem dễ cảm. Các nhà môi giới, phòng trưng bày nghệ thuật lớn đều hoạt động mạnh mẽ ở đây. Rất nhiều tài năng trẻ đều được khám phá như nghệ sĩ niềm cảm hứng vừa rồi cho hãng thời trang Dior, Amoako Boafa, được phát hiện bởi nghệ sĩ thành danh Kehinde Wiley, người từng vẽ chân dung cho tổng thống Barack Obama.

Có thể nói Instagram là công cụ truyền thông tin tức khá tin cậy để bạn thực cập nhật xu hướng và có chiến lược marketing rõ ràng trên Instagram chắc chắn sẽ mang doanh thu về cho bạn.

Làm bạn với những người nghệ sĩ, lắng nghe những nhà sưu tập và vượt qua vùng an toàn

Bo Young Song, giám đốc điều hành Kukje Gallery, trước bức tranh của Kim Yong-Ik, tại Kukje Galley, Seoul

Ngoài những kỹ năng về nghệ thuật cần thiết, bạn còn cần phải đóng vai trò trung gian để kết nối nghệ sĩ đến nhà sưu tập.

Ở đây có vấn đề về tính minh bạch, người kinh doanh, môi giới nghệ thuật, sẽ đại diện cho nghệ sĩ, xem họ như người nhà và thay họ trình bày về tác phẩm của mình. Bạn cũng chuẩn bị tinh thần cởi mở để sẵn sàng bước qua những ý kiến cá nhân, bỏ qua ranh giới yêu ghét và góp ý xây dựng dẫn dắt nghệ sĩ phát triển tác phẩm của mình. Chính bản thân bạn cũng phải tự trang bị một gout thẩm mỹ và tầm nhìn xa vượt qua sự hài lòng của đại chúng để có thế giới thiệu những bộ phận nghệ sĩ không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn cập nhật những dòng chảy của thế giới.

Còn với những nhà sưu tập, nếu ở Việt Nam, mọi thứ vẫn còn khá hoang dại vô tư, những cuộc trao đổi diễn ra trực tiếp giữa người mua và nghệ sĩ cũng giống như một “cái chợ”, bạn phải tạo và dẫn dắt những người đam mê đi đúng hướng, tránh rơi vào tình trạng mà nhà báo artnet, Tim Schneider gọi là COINs (Collector Only in Name – Nhà sưu tập chỉ có danh hiệu), những người chỉ thích sở hữu thương hiệu nghệ thuật giống như những người quen truyền miệng trong các mối quan hệ của họ.

Người Việt hay có xu hướng cùng mua hoa sĩ A vì thấy bạn bảo họa sĩ A vẽ đẹp chẳng hạn. Ở vị trí một nhà kinh doanh có tầm nhìn, bạn sẵn sàng nhảy vào cùng với kiến thức và tầm nhìn của mình để giúp họ vượt qua cái bẫy này và hãy đối mặt với họ để họ lựa chọn đúng đắn nhất. Xa hơn nữa, một triễn lãm tập hợp các nhà sưu tập thân thiết cũng sẽ là một sân chơi vô cùng chất lượng cho phòng trưng bày của bạn và cho cả cộng động.

Thực hiện: TamTam


 
Back to top