LUX STYLE

Gặp gỡ và trò chuyện cùng nhà sưu tầm đồng hồ Ngô Đại Dương

Apr 26, 2021 | By Ton Binh

Vào một ngày đầu xuân năm 2021, đội ngũ biên tập viên của LUXUO Vietnam đã có dịp gặp gỡ nhà sưu tầm đồng hồ Ngô Đại Dương để được nghe anh nói về niềm đam mê với những cỗ máy cơ học cuốn hút và chiêm ngưỡng những “đứa con tinh thần” mà anh đã dày công thu thập nhiều năm qua.

Trong khuôn khổ buổi trò chuyện, anh Dương đã có những chia sẻ rất riêng về niềm đam mê, cũng như đưa ra một vài chỉ dẫn bổ ích dành cho các bạn trẻ vừa bắt đầu đến với thú chơi đồng hồ. Đối với anh, đồng hồ không còn là một vật phẩm vô tri, mà còn là một người bạn đồng hành không thể thiếu.

Điều gì thôi thúc anh trở thành một nhà sưu tập đồng hồ, một Youtuber review đồng hồ?

Hồi còn là sinh viên năm cuối, tôi chưa hề có bất kỳ một ý niệm nào về đồng hồ. Khi ấy, tôi chỉ biết về đồng hồ qua những quyển tạp chí thời trang mà mình bắt gặp trên máy bay. Hơn nữa, là sinh viên thì làm gì có điều kiện để sở hữu một chiếc đồng hồ cơ chứ? Thế rồi cũng không hiểu vì sao mà những người bạn xung quanh tôi bắt đầu nói đến đồng hồ như là một chủ đề không thể thiếu trong những buổi cà phê gặp gỡ.

Ban đầu chúng tôi thường đưa nhau xem ảnh chụp những chiếc đồng hồ đẹp, tự kể cho nhau nghe về những kiến thức cơ bản mà chúng tôi cóp nhặt được trên mạng, trên những diễn đàn đồng hồ trong và nước ngoài. Thế là niềm đam mê lớn dần một cách vô thức. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn gặp mặt nhau thường xuyên cùng chủ đề không thể thay thế vẫn là về những chiếc đồng hồ.

Riêng chuyện trở thành một youtuber chuyên review đồng hồ, bản thân tôi nghĩ rằng từ Youtuber có vẻ hơi quá khi nói về mình. Tôi may mắn làm việc trong lĩnh vực có liên quan ít nhiều đến nội dung và hình ảnh. Vậy nên tôi nghĩ mình đơn giản chỉ là một người đam mê đồng hồ có chút ít kĩ năng sản xuất video, cũng như muốn làm ra những nội dung thiết thực, khách quan dưới góc nhìn của một người chơi đồng hồ cho những bạn có cùng đam mê. Điều đó luôn thôi thúc bản thân tôi muốn được chia sẻ, muốn được nói và muốn được làm.

Mẫu đồng hồ đầu tiên mà anh sở hữu là mẫu nào? Tại sao anh lại quyết định “xuống tiền” cho mẫu đó?

Chà, đây thực sự là một câu hỏi rất hay khi bắt đầu một cuộc trò chuyện. Nó giống như câu hỏi “ngày đầu tiên bạn đi học như thế nào” ấy. Câu hỏi khiến cho mọi ký ức, cảm xúc được tua lại như một thước phim vậy. Chiếc đồng hồ đầu tiên mà tôi mua là chiếc đồng hồ Seiko Sarb003, phiên bản dành riêng cho thị trường Nhật Bản.

Mẫu Sarb003 này có mặt kính sapphire cắt (faceted crystal) lấy cảm hứng từ nguyên mẫu mặt kính của những chiếc đồng hồ Seiko sản xuất trong thập niên 60 – 70 mà các “cụ” vẫn gọi là Sen-Kô chém mặt. Tôi bị thuyết phục khi được một người bạn cho xem bức ảnh về nó.

Khi ấy, mặc dù tôi vẫn là một sinh viên chưa có thu nhập ổn định, nhưng ngay lập tức tôi đã dùng cả số tiền dành dụm được từ những công việc bán thời gian để mua chiếc Seiko Sarb003 đó mà không cần suy nghĩ nhiều.

Anh sẽ ưu tiên tiêu chí nào khi lựa chọn một mẫu đồng hồ – một mẫu đồng hồ đẹp hay một mẫu đồng hồ được trang bị chức năng phức tạp? Lý do?

Đây là 2 tiêu chí rất hay. Mọi người chắc hẳn đều sẽ đưa ra cho bản thân một tiêu chí đặc biệt nào đó khi lựa chọn đồng hồ. Là một người khá đơn giản, nên tôi thích cảm giác thoáng mắt khi nhìn vào mặt số, vậy nên “chức năng phức tạp” có lẽ không phải là một tiêu chí tiên quyết khi tôi lựa chọn đồng hồ. Không biết với mọi người ra sao, nhưng với tôi, tiêu chí để lựa chọn sẽ là 1 chiếc đồng hồ “phù hợp”. Phù hợp với sở thích, phù hợp với môi trường, hoàn cảnh và phù hợp với khả năng chi trả của bản thân.

Một lý do nữa khiến tôi không đặt tiêu chí “chức năng phức tạp” khi chọn mua đồng hồ cho bản thân là vì công việc hàng ngày của tôi phải đi lại nhiều, hoạt động tay chân nhiều. Vậy nên tôi sợ mình sẽ làm hỏng một chiếc đồng hồ có cơ chế phức tạp trong một thoáng bất cẩn nào đó.

Trong số tất cả những mẫu anh đang sở hữu hoặc đã từng review, mẫu nào khiến anh cảm thấy hứng thú và dành nhiều tình cảm nhất?

Có lẽ tôi sẽ không phải suy nghĩ nhiều khi trả lời câu hỏi này. Chiếc đồng hồ mà tôi dành nhiều tình cảm nhất chính là chiếc đồng hồ đã gắn bó với tôi lâu nhất, đã nằm trên cổ tay của tôi trên nhiều hành trình nhất và có nhiều kỷ niệm nhất. Đó là chiếc Rolex GMT-Master 16710 hày còn gọi là Rolex Pepsi.

Ở chiếc đồng hồ này tôi tìm được sự đồng điệu với bản thân mình, nó có 1 chút casual, một chút gì đó nghiêm túc và một chút trẻ trung thể hiện qua vòng bezel có hai màu xanh – đỏ. Chiếc đồng hồ này là một tập hợp của những sự mâu thuẫn, có thể giải thích như sau: “Hãy nhìn chiếc đồng hồ tôi đeo này, mà thôi đừng nhìn, nhưng không hãy nhìn nó một chút đi”. Với tôi nó là một chiếc đồng hồ rất thú vị.

Nhiều nhận định nói rằng, ngành chế tác đồng hồ đang đi vào những lối mòn, không có những phát kiến vượt bậc, không có sự khác biệt quá nhiều giữa các thế hệ đồng hồ, anh cảm thấy như thế nào về nhận định này?

Thực sự thì đây đúng là một câu hỏi khiến các nhà sản xuất đồng hồ truyền thống đau đầu trong nhiều năm nay. Việc vẫn đi trên lối mòn, không có những phát kiến vượt bậc đã khiến họ gặp phải một đối thủ có tên gọi là “smart watch”. Nếu nhìn vào những con số biết nói được thống kê từ nghiên cứu về ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sĩ của Deloitte, thì chúng ta có thể thấy sự tăng trưởng không thể phủ nhận của smartwatch.

Vào năm 2019, Apple đã vượt qua toàn bộ ngành sản xuất đồng hồ về khối lượng, với 30,7 triệu đơn vị sản xuất trên toàn thế giới, trong khi tất cả ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ mới chỉ sản xuất được 20,6 triệu chiếc. Tính đến đầu quý 2020, đã có đến 7,6 triệu chiếc Apple Watch xuất xưởng, tăng 23% so với quý đầu tiên của năm 2019. Điều này cho thấy nhu cầu về đồng hồ thông minh trên toàn cầu đã tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những biến động gây ra bởi đại dịch COVID-19.

Đáng buồn thay, trong cùng thời gian đó sản lượng Đồng hồ Thụy Sĩ xuất khẩu giảm đến 23%. Rõ ràng sự phát triển của smartwatch đang tác động rất lớn đến thị trường đồng hồ trên toàn thế giới, phân khúc entry-level và trung cấp là những phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cơn bão smartwatch này. Nghiên cứu của Deloitte cũng chỉ ra rằng đa phần những đối tượng khách hàng thuộc thế hệ GenY và GenZ đang có xu hướng chọn mua một chiếc smartwatch thay vì một chiếc đồng hồ truyền thống. Vậy tôi tự hỏi liệu rằng sau này sẽ không còn ai thích những chiếc đồng hồ truyền thống tuyệt vời giống như chúng ta sao?

Thế nhưng nếu nhìn rộng ra, xuyên suốt chiều dài lịch sử và phát triển lâu dài của ngành công nghiệp chế tác đồng hồ truyền thống, ngành công nghiệp này đã kinh qua rất nhiều “kiếp nạn”, đặc biệt là thế chiến thứ 2, cùng cuộc khủng hoảng đồng hồ quartz, vậy nên chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai khởi sắc của nền công nghiệp đồng hồ truyền thống.

Là một người đam mê sưu tập đồng hồ, anh có thể đưa ra lời khuyên nào cho những người mới bắt đầu thú chơi này?

Với những người mới chơi đồng hồ, lời khuyên của tôi là hãy mua cho mình một chiếc đồng hồ mà bạn thực sự thích. Khi bạn thích thứ mà bạn mang trên cổ tay, điều đó sẽ thôi thúc bạn nghiền ngẫm về nó rồi đưa đẩy bản thân tìm hiểu thêm về đồng hồ.

Còn nếu bản thân được lựa chọn sẽ bắt đầu chơi đồng hồ từ đâu, tôi sẽ bắt đầu bằng những chiếc đồng hồ cơ đến từ các thương hiệu của Nhật Bản. Vũ trụ đồng hồ Nhật thực sự rất phong phú về chủng loại, mẫu mã và kiểu dáng, hơn nữa giá thành/chất lượng cao sẽ phù hợp cho những bạn mới bắt đầu chơi đồng hồ. .

Mẫu đồng hồ tiếp theo sẽ có mặt trong bộ sưu tập đồng hồ của anh?

Tôi cũng có một wishlist riêng của bản thân mình, nhưng chiếc đồng hồ mà tôi đang mơ ước nhất có lẽ là mẫu H.moser & Cie Vantablack với mặt số đen tuyền bằng chất liệu Vantablack – loại vật liệu nhân tạo có khả năng hấp thụ 99.9% số quang phổ thấy được. Cùng bộ kim sáng bóng, chiếc đồng hồ này tạo nên một sự tương phản tuyệt đối. Nhưng hơn cả, đằng sau thiết kế mặt số “đơn giản” ấy lại là một cỗ máy rất quyến rũ được trau chuốt tỉ mỉ. Mong rằng trong tương lai không xa tôi sẽ có cơ hội sở hữu chiếc đồng hồ này.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!


 
Back to top