Vì sao Koenigsegg vắng mặt tại giải đua Le Mans?
Trong lịch sử, Koenigsegg đã từng chế tạo một mẫu xe đua chuyên dụng cho giải Le Mans 24 giờ. Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như họ dự định và cái tên Koenigsegg đã không xuất hiện trong bản đồ xe đua thế giới.
Dù rất nổi tiếng với những mẫu siêu xe có tốc độ cao nhất – nhì thế giới, nhưng đến nay Koenigsegg vẫn không có một đội đua cho riêng mình. Trên thực tế, khi còn sơ khai, nhà sáng lập Christian von Koenigsegg đã từng khát khao chế tạo ra một mẫu xe đua với mục đích tranh tài tại giải đua Le Mans 24 giờ huyền thoại. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
Trong một cuộc trao đổi gần đây, nhà sáng lập thương hiệu siêu xe Thụy Điển đã chia sẻ lý do tại sao tham vọng Le Mans bị thất bại, và rằng liệu ông sẽ biến ước mơ đó thành sự thật hay không.
Mọi việc bắt đầu vào năm 2007, khi Koenigsegg đã hoàn thành một chiếc xe đua đầy đủ chức năng và tuân thủ chính xác các quy tắc của thể thức GT1 theo FIA. Chiếc xe đua có tên CCGT này sở hữu nhiều nét tương đồng với mẫu xe thương mại thứ hai của Koenigsegg là CCR. Tuy nhiên, nguồn gốc của cả hai dòng xe lại bắt nguồn từ nguyên mẫu đầu tiên có tên CC. Lúc bấy giờ, Koenigsegg từng chia sẻ rằng cả hai chiếc CC và CCGT đều đáp ứng tối đa kích cỡ quy định của GT1: rộng tối đa 2m và buồng lái dài bằng 70% chiều rộng thân xe.
Trọng lượng xe tối thiểu khoảng 998kg, thấp hơn đáng kể so với trọng lượng tối thiểu của xe GT1. Điều này có nghĩa là hãng thậm chí phải bổ sung thêm ballast để đạt được trọng lượng cần thiết. Ngoài ra, cỗ máy tốc độ của thương hiệu Thụy Điển còn sở hữu động cơ V8 hút khí tự nhiên có công suất hơn 600 mã lực.
Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau khi CCGT chạy thử lần đầu, ACO và FIA đã đổi luật. Cụ thể, họ đã cấm chế tạo khung xe từ sợi carbon (vốn là nền tảng của CCGT), đồng thời yêu cầu số lượng xe sản xuất thương mại tối thiểu cao hơn đáng kể. Trước đó, để đạt đủ điều kiện tham gia giải đua, một nhà sản xuất xe hơi phải bán ra ít nhất 20 xe mỗi năm. Sau thay đổi năm 2007, con số này tăng lên 350 xe mỗi năm – một yếu tố rất khó có thể đạt được đối với một hãng xe như Koenigsegg. Kết quả là CCGT đã bị loại.
Christian von Koenigsegg nói: “Lúc đó chúng tôi đang nhắm đến GT1, thể thức hoàn hảo cho xe của chúng tôi. Sau đó, họ dập tắt hy vọng ngay khi chúng tôi chuẩn bị tham gia và điều này thực sự rất khó chịu. Kể từ đó, chúng tôi đã không tham gia bất kỳ giải đua nào cho dòng xe này”.
Ngay cả khi Koenigsegg muốn cạnh tranh ở đẳng cấp GT1, ông vẫn lo lắng rằng những chiếc xe của mình sẽ bị hạ cấp bởi các thiết bị hạn chế hiệu năng (restrictor) nhằm kìm hãm tốc độ của xe. Khi đó, các quái vật tốc độ của họ sẽ chỉ còn là một cỗ máy đắt đỏ, tốn nhiều chi phí sửa chữa hơn cả Porsche 911 và thậm chí có thể bị 911 đánh bại. Vì vậy, giấc mơ đua xe của Koenigsegg đã chết vào năm 2007, trước khi chúng có thể trở thành hiện thực.
Nhưng hiện tại, thể thức đua mới dành cho Hypercar của WEC đã chính thức được giới thiệu trong năm 2021. Và càng tuyệt vời hơn khi tất cả các quy chuẩn của vòng đua này đều phù hợp với những siêu phẩm tốc độ của Koenigsegg. Tuy nhiên, người đàn ông đứng sau hãng siêu xe Thụy Điển vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục.
“Họ đã khởi động hypercar tại Le Mans, nhưng cuối cùng nó cũng chỉ là một chiếc LMP. Vì vậy, ít nhiều thì nó cũng chỉ là một cái tên mới mà thôi”, Christian Von Koenigsegg nhận xét.
Vậy liệu có tương lai nào cho những chiếc xe Koenigsegg không? Rõ ràng, câu trả lời là Không nếu tuân theo các quy tắc hiện hành. Một giải pháp thay thế hiện nay là hãng sẽ ra mắt một chiếc LMP (xe nguyên mẫu Le Mans) tách biệt với những chiếc xe đường trường hiện tai. Nhưng như chúng ta đã biết, điều này lại trái ngược với định hướng phát triển của Koenigsegg. Họ muốn quay lại với thể thức GT1, nơi những chiếc Bugatti, Pagani và Koenigsegg cùng cạnh tranh trên nền tảng công nghệ hoàn toàn khác biệt. Đối với Koenigsegg, xe LMP chỉ là những sản phẩm mang tính rập khuôn, lắp các thân vỏ khác nhau trên cùng một khung gầm.