TS. Trần Văn Thành: “Ánh sáng cũng như một dàn nhạc”
TS. Trần Văn Thành chia sẻ về “đứa con tinh thần” – triển lãm Nghệ thuật chiếu sáng Nghệ thuật chiếu sáng Mùa thứ nhất 2023 của Khoa Kiến trúc Nội thất Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.
Triển lãm Nghệ thuật chiếu sáng – Mùa thứ nhất 2023 của Khoa Kiến trúc Nội thất Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh vừa qua đã thu hút sự chú ý của công chúng không chỉ bởi ý tưởng độc đáo khi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật chỉ từ nguồn cảm hứng duy nhất – ánh sáng, mà còn mang đến cái nhìn mới mẻ hơn về ý nghĩa của ánh sáng tới nghệ thuật thị giác, cảm xúc của con người và môi trường đô thị. Ý tưởng ra đời triển lãm đến từ TS. Trần Văn Thành, giảng viên môn Chiếu sáng nội thất, Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, đồng sáng lập và giám đốc thiết kế của ASA Lighting Design Studios.
12 tác phẩm sắp đặt mang những thông điệp riêng, được sinh viên Đại học Kiến trúc môn Nghệ thuật chiếu sáng dành nhiều tâm huyết và nỗ lực để thực hiện. “Biến những ý tưởng bay bổng thành một tác phẩm thực tế,” như TS. Trần Văn Thành chia sẻ.
Ý tưởng về triển lãm này đến với anh như thế nào?
Đây là một bài học cuối kỳ của môn học nghệ thuật chiếu sáng, tôi dạy môn này cũng đã nhiều năm và càng ngày càng nhận thấy đây là môn cần có thực hành, cần có sự tương tác. Tôi cũng muốn các bạn có một trải nghiệm thực tế để có thể hiểu được vai trò của ánh sáng cũng như tương tác của nó với vật liệu, không gian, và cảm xúc của con người. Tôi đã ấp ủ dự định này từ lâu, và năm nay rất may mắn khi có sự hỗ trợ từ nhiều bên và chuẩn bị kĩ càng, chúng tôi đã có một triển lãm rất thú vị.
Các đối tác tham gia triển lãm và vai trò các bên là gì?
Quy mô triển lãm này khá lớn, có tới 12 tác phẩm được trưng bày với 130 bạn sinh viên tham gia, điều này đòi hỏi chất lượng tốt và cũng nhờ sự đóng góp của các bên tham gia. Trường Đại học Kiến trúc Hồ Chí Minh, đặc biệt Khoa Kiến trúc Nội thất rất ủng hộ ý tưởng này và hỗ trợ hết mình với cơ sở vật chất, hậu cần. Nhờ các đối tác như Unios (hãng cung cấp đèn chiếu sáng của Úc) cũng thích ý tưởng này và hỗ trợ về thiết bị chiếu sáng và đào tạo sinh viên về kĩ thuật an toàn. Bên cạnh đó, với số lượng sinh viên nhiều, để hiện thực hoá một triển lãm quy mô chúng tôi cũng cần bộ phận hậu cần là nhân viên từ công ty thiết kế chiếu sáng ASA để đồng hành cùng sinh viên trong quá trình dựng các tác phẩm để có sự cải thiện và thực tế hơn từ các ý tưởng bay bổng của mình.
Quá trình chuẩn bị của sinh viên cho triển lãm này diễn ra như thế nào?
Ngành Kiến trúc nội thất khoá 21 được chia thành 12 nhóm, và bốc thăm chọn địa điểm ngẫu nhiên trong khuôn viên trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Mỗi địa điểm có yếu tố khác, có thể là cả ưu điểm và yếu điểm. Ví dụ có địa điểm có sân vườn, có địa điểm có vật thể sẵn như đàn piano hay cánh cổng… nếu các bạn biết tận dụng và khai thác thì có thể trở thành ý tưởng tuyệt vời. Điều này cũng gắn với thực tế, vì các bạn sẽ không tránh khỏi gặp phải những tình huống như vây. Đầu tiên, khi nhận được khu vực của mình, các bạn phải nghiên cứu khảo sát nó để tìm ra những điểm có thể tận dụng và phác thảo ý tưởng, xây dựng ý tưởng rồi cùng các đơn vị đồng hành để cải thiện và mang tính khả thi vào đó. Trong ngành này, ý tưởng ban đầu có thể rất hay và bay bổng, nhưng chưa chắc chúng có thể khả thi khi áp dụng vào thực tế. Chẳng hạn kĩ thuật, kinh phí hay khả năng không cho phép.
“Trong ngành này, ý tưởng ban đầu có thể rất hay và bay bổng, nhưng chưa chắc chúng có thể khả thi khi áp dụng vào thực tế.”
Sau 2-3 tuần lên ý tưởng, quá trình xây dựng cũng là yếu tố quan trọng. Điều đáng lo nhất thực ra không nằm ở việc tác phẩm có đẹp hay không, mà là yếu tố kĩ thuật và an toàn, nhất là với những tác phẩm to và đồ sộ như vậy. Trong 12 nhóm, tôi nhận ra các bạn sinh viên có tinh thần làm việc rất tốt và sôi nổi. Và kết quả khiến các bạn và chính tôi cũng vui.
Triển lãm này ngoài để trưng bày tác phẩm của sinh viên, cũng mang đến suy nghĩ mới mẻ hơn về tác động của ánh sáng tới trải nghiệm không gian, đặc biệt không gian về đêm. Anh nghĩ sao về điều này?
Ngay cả khu xung quanh khuôn viên trường cũng chưa từng có địa điểm vui chơi vào buổi tối. Nhưng trong thời gian triển lãm, tôi nhận thấy có những đêm có rất nhiều người ngồi xung quanh một tác phẩm để ngắm nhìn các tác phẩm mà chẳng cần làm gì. Nếu đây không phải khuôn khổ triển lãm trong trường mà được đặt ở những không gian công cộng, đây sẽ là trải nghiệm còn tuyệt vời hơn với cư dân đô thị. Việt Nam không có nhiều sân chơi, nhất là về đêm, chúng ta cần những không gian an toàn, sáng tạo, có tính thẩm mĩ và chất lượng nghệ thuật cao là rất cần thiết.
Theo anh vai trò của các nhà chuyên môn với quy hoạch tổng thể về chiếu sáng là gì?
Càng ngày, các đô thị Việt Nam càng được quan tâm và đầu tư không chỉ từ chính quyền mà còn cả tư nhân. Chiếu sáng mang lại lợi ích trực quan bởi nó có thể mang tính thương mại, gây sự chú ý, thu hút người xem, thậm chí mang đến cả yếu tố nghệ thuật. Một ví dụ là Đà Nẵng, thành phố này có nhiều công trình chiếu sáng mang tính biểu tượng, và gần đây được chọn là thành phố ánh sáng. Nhưng cũng phải nhìn danh hiệu này từ cả hai phía: tích cực và tiêu cực.
“Nếu tất cả các công trình được chiếu sáng mà không có một “nhạc trưởng” dẫn dắt, nó trở lên lộn xộn. Tôi coi ánh sáng như một dàn nhạc, cần có sự liên kết, điều hành, để bản nhạc có thể trôi chảy hơn, và đẹp hơn.”
Anh nghĩ thế nào về khả năng tổ chức các triển lãm chiếu sáng mới sau sự kiện này?
Dù triển lãm này chỉ ở trong khuôn khổ các trường đại học, rất hạn hẹp về nguồn lực và thời gian, nhưng chúng tôi đã có một triển lãm đáng nhớ thu hút sự chú ý của công chúng. Tôi nghĩ việc nhân rộng để có các công trình công cộng quy mô lớn hơn, đầy sáng tạo là điều hoàn toàn mang tính khả thi.