LUX STYLE

Demna Gvasalia: Nhà cải cách của Balenciaga

Oct 23, 2019 | By Hai Yen

Nhà thiết kế tài ba Demna Gvasalia bước vào tập đoàn Kering với một kế hoạch ấp ủ: cải cách tất cả. Chỉ trong vòng ba năm, Balenciaga trở thành một trong những nhãn hiệu nổi tiếng khắp toàn cầu. Demna gây ra hàng loạt làn sóng tranh cãi khi đưa jeans vào nhóm thời trang xa xỉ trong khi vẫn đi theo tinh thần của nhà sáng lập Balenciaga.

Giám đốc Sáng tạo Balenciaga – Demna Gvasalia – tại Kronenhalle, Zürich

Là thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ, Zurich lại không được nhiều người biết đến. Nơi đây có hầu như mọi thứ – trung tâm tài chính mới, những cửa hàng cà phê thượng hạng và hệ thống tàu điện tuyệt vời. Tuy nhiên, thành phố này cần nhiều thời gian để được công nhận là một trung tâm thời trang thực sự.

Những năm gần đây, Zurich là nơi ở của một trong những tên tuổi gây tranh cãi nhất trong ngành công nghiệp thời trang: Demna Gvasalia, Giám đốc Sáng tạo của nhãn hàng Balenciaga nổi tiếng. Năm 2015, khi Demna bước chân vào tập đoàn Kering, anh hầu như không có tiếng tăm gì ngoại trừ là đồng sáng lập công ty thời trang Vetements chuyên về streetwear.

Việc sống ở Zurich và đi làm ở Paris quả là một lựa chọn kì lạ nhưng không tồi, vì Gvasalia nhờ đó đã giúp Balenciaga từ một cái tên nhỏ trong làng thời trang thành thương hiệu phát triển nhanh nhất giữa những nhà mốt lớn khác cùng thuộc tập đoàn Kering. Doanh thu nhãn hàng này được dự đoán đã vượt mức 1 triệu euro trong năm nay. Balenciaga còn được Lyst bình chọn là một trong ba nhãn hàng đắt giá nhất, dựa trên khảo sát về mua sắm online được thực hiện hàng quý trong suốt hai năm.

Gvasalia bộc bạch về cuộc sống của mình: “Zurich là một lựa chọn tuyệt vời. Nó đủ xa để giúp tôi tránh khỏi cơn điên cuồng của thời trang nhưng vẫn đủ gần để những mong đợi của tôi được đáp ứng.” Giữa nhà hàng yên tĩnh, nhà thiết kế trông thật khác biệt và nổi bật với bộ râu quai nón được tỉa tót gọn gàng, chiếc áo thun đen cùng nón lưỡi trai che nửa mặt. “Mọi người ở đây đều mặc trang phục màu be.” Nhưng nếu họ có bị đánh động bởi sự xuất hiện của gã đàn ông Giorgia đầy trầm tư, họ cũng không thể hiện. “Tôi cho là họ quá kín đáo để biểu lộ bất cứ điều gì, hoặc là họ cũng chẳng quan tâm mấy,” Demna nhận xét về những người xung quanh.

Nhà sáng lập thương hiệu Cristóbal Balenciaga năm 1968

Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn nhà hàng Kronenhalle làm nơi gặp mặt. Ngay đối diện chỗ chúng tôi ngồi là chân dung của quý bà Hulda Zumsteg, chủ nhân nhà hàng. Varlin, một họa sĩ người Thụy Sĩ đã vẽ bức tranh này vào năm 1967. Hulda lúc ấy diện một chiếc váy lụa màu đen. Chi tiết duy nhất bắt được sự chú ý của Gvasalia là chiếc váy được thiết kế bởi Cristobál Balenciaga – nhà sáng lập nhãn hiệu Balenciaga ngày nay. Hulda có đứa con trai vốn là bạn làm ăn với ông, còn bản thân bà là khách hàng thân thiết của nhãn hiệu.

Hình ảnh Gvasalia ngồi dưới bức tranh tạo nên nét tương phản thú vị: một quý bà và một tay chơi thời trang. Tuy nhiên nó còn chứa đựng câu chuyện khác. “Lần đầu tiên gặp François-Henri Pinault (CEO và Chủ tịch hội đồng quản trị của Kering), tôi đã chia sẻ với ông ấy về tư liệu này.” Anh nói nhanh với chất giọng Đông Âu đặc sệt, thi thoảng lại bật cười khiến vẻ ngoài cộc cằn trở nên gần gũi và dễ chịu hơn. “Tôi từng thấy ông ấy làm việc với một khách hàng kì lạ, một phụ nữ lớn tuổi. Tôi nghĩ đó là Hulda; một phụ nữ bé người và lưng còng.” Anh hất đầu về phía bức chân dung.

Bằng tài năng của mình, Cristobál đã tạo nên một bộ trang phục che đi khuyết điểm, giúp cho lưng bà ấy trông thẳng như bình thường. Ông đã thay đổi không chỉ hình dáng mà còn cả thần thái của bà ấy chỉ với một bộ trang phục. Đó quả là một điều kì diệu! Và đó chính là lí do tôi muốn làm cho Balenciaga: để giúp người khác khoác lên phong thái tự tin với trang phục của mình.”

Tuy nhiên, 2019 không phải là kỉ nguyên để người ta theo đuổi phong cách haute couture với những thiết kế sang trọng lụa là. Do đó, thử thách đối với Gvasalia là tận dụng những món đồ truyền thống và biến tấu làm sao để tạo được phong thái sang trọng đúng kiểu Balenciaga mà vẫn hợp thời. Thiết kế đầu tiên của anh là một chiếc blazer dáng “đồng hồ cát”, với phần eo được định hình rõ nét, sau trở thành kiểu dáng chủ đạo trong những bộ sưu tập sau này.

Gvasalia cũng đã tạo ra mẫu áo parka trông đắt tiền không kém gì những chiếc áo khoác lông thú, trong khi lại biến những chiếc áo lông thú trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát như một chiếc áo choàng tắm. Đôi sneaker “lai” bán chạy nhất của hãng, Triple S, cũng là sản phẩm của sự kết hợp độc đáo giữa ba kiểu đế giày khác nhau.

Trong mùa mốt này, Demna đã trình làng những thiết kế độc đáo, từ chiếc áo khoác được cắt may riêng biệt với phần cầu vai bóp nhẹ bo quanh đường chỉ, áo choàng theo kiểu kimono đến đầm dạ hội vải lụa đi cùng khóa cổ và những loại áo khoác giống như một cái kén bao xung quanh người mặc. Bên cạnh những thiết kế cầu kì, Demna cũng cho ra đời loại túi xách trông như được lấy đại từ cửa hàng thực phẩm, hay áo khoác phồng và áo phông.

Anh nói về phong cách thời trang sang trọng kiểu mới của mình: “Jeans và áo phông cũng nên được xem trọng như những chiếc đầm dạ hội hay khiêu vũ. Nếu bạn biết cách phối jeans với những món đồ khiến bạn đẹp tự nhiên và có thể mặc nó bất kì lúc nào, trong bất kì hoàn cảnh nào, thì nó là một sản phẩm thành công. Đó là loại đồ jeans mà tôi muốn tạo ra. Một chiếc đầm cũng phải được tạo ra với định hướng như thế.”

Từ khi có Gvasalia, Balenciaga đã trải qua một cuộc chuyển biến và phát triển với tốc độ ngoạn mục! Phần lớn là nhờ vào lượng khách hàng khổng lồ đến từ thế hệ millennials, chiếm khoảng 65% tổng lượng khách của hãng. Tuy nhiên việc nhắm đến đối tượng khách trẻ cũng khiến cho nhà mốt này phải đối diện với không ít khó khăn, vì người trẻ thường thích diện đồ thể thao hơn là những y phục được thiết kế cầu kì.

Áo cổ lọ Balenciaga, £850, quần đồng bộ, £975, hoa tai, £325, và nhẫn, £225.

“Chúng ta đang trải qua quãng thời gian vô cùng xáo trộn trong thời trang”, Gvasalia nói về sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử, mạng xã hội và dịch chuyển kinh tế toàn cầu. “Nó khá đáng sợ. Nhưng thời thế đã thay đổi, buộc các nhãn hiệu phải thay đổi cách giao tiếp với khách hàng của mình. Thật ra tôi không thực sự thích chuyện này. Suốt năm năm qua, ngày nào đối với tôi cũng là một cuộc chiến mà bản thân phải đứng ở tiền tuyến.”

Tuy nói được sáu ngôn ngữ thành thạo, Gvasalia vẫn thường bị đánh giá sai trong giao tiếp. Anh chia sẻ về những lần gây tranh cãi của mình: “Bốn năm trước, khi vừa bước vào Balenciaga, tôi đã chạm vào những phần khá nhạy cảm trong thời trang.”. Năm 2016, anh dùng logo của của đảng Dân chủ trong chiến dịch tranh cử để dán lên tất cả mẫu thiết kế nam trong bộ sưu tập đầu tiên của mình. Lần khác, anh khăng khăng muốn tạo ra những trang sức đắt tiền từ cửa hàng lưu niệm bình dân ở Paris. “Tôi tự đặt cho mình những câu hỏi: Thế nào là tốt? Thế nào là thị hiếu? Phong cách là gì? Thị hiếu tệ sẽ trông ra sao? Định nghĩa xa xỉ là gì? Thế nào là tầm thường, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng? Tôi nắm lấy chiếc hộp và xốc tung nó lên. Tôi cần phải như thế. Tôi chẳng có gì để mất. Do đó, tôi làm mọi thứ mà tôi thích.”

Tất nhiên những hành động đó gây ra phản ứng dữ dội. “Tôi biết mình là cái gai trong mắt nhiều người,” Gvasalia thừa nhận. “Việc đưa ra những câu hỏi đó không phải dễ. Khi bạn nói về một cái nơ ở sau váy thì không vấn đề gì. Ai mà chẳng thích một cái nơ dễ thương ở đó. Nhưng người ta không thích một đôi crocs đế bằng – đặc biệt trong một đế chế truyền thống đã gần trăm năm tuổi. Tôi đã nghiên cứu di sản sáng tạo của Cristobál rất kĩ, kĩ hơn bất kì ai có thể hình dung, chỉ là tôi không thể hiện nó nhiều trong các tác phẩm của mình. Nhưng nếu tôi chỉ nghiên cứu và bảo tồn những di sản đó, chỉ thay thế chút đỉnh chất liệu thành cao su hay vải tổng hợp thì nó không đem lại nhiều giá trị. Tôi muốn thay đổi toàn bộ khái niệm trong cách tiếp cận của mình.”

Cédric Charbit, vị CEO đã tạo ra tốc độ phát triển hiện thời của Balenciaga, cho hay: “Demna đã đem đến cho Balenciaga một tầm nhìn và tạo ra sự ảnh hưởng đến tất cả các sản phẩm, từ mọi mức độ. Tầm nhìn của anh tạo ra sự khác biệt và hướng về tương lai, đặt nền tảng cho thiết kế sáng tạo và thách thức giới hạn, định nghĩa lại “xa xỉ” theo cách mới. Từ đó, chúng tôi tập hợp một nhóm các cá nhân tài năng hiểu, tôn trọng và hiện thực hóa tầm nhìn này.”

Giờ đây, rất khó định nghĩa cái gì tạo ra và không tạo ra giá trị trong ngành thời trang. Có lúc Balenciaga dường như rất tập trung đẩy mạnh streetwear với biểu tượng là những chiếc áo thun và hoodie dán đầy logo. Tuy nhiên, trong buổi ra mắt bộ sưu tập thu đông vừa rồi, với bối cảnh và hơi thở từ những đường phố thực sự, Gvasalia lại không in bất kì logo nào lên những mẫu thiết kế. Toàn bộ quần áo được biến tấu khá nhiều và vượt ra khỏi khuôn mẫu. Chúng trở nên tự do và trưởng thành.

Anh có nghĩ rằng thị hiếu của khách hàng đã thay đổi?

“Mã thiết kế sẽ luôn luôn thay đổi. Và tôi biết ơn điều đó. Sẽ thật đáng sợ nếu như bạn cứ thích mãi một thứ theo thời gian. Mặt khác, tôi vẫn nghĩ sẽ có một số món đồ mà người trẻ sẽ thậm chí không muốn thử khoác lên người.”

Trong giai đoạn thoái trào, khi sự nhạy cảm của tư bản tăng cao và sự nữ tính hoài cổ từ những năm 70 quay trở lại, tôi cảm thấy được làm mới với buổi trình diễn của Balenciaga, với xu hướng hướng về tương lai rõ rệt. Vâng, vẫn là những chiếc đầm dạ hội kế thừa phong cách sang trọng cổ điển, nhưng bên cạnh đó là bình đựng nước, những bộ comple và cả áo mưa: các món đồ chỉ có trong thời hiện đại. “Tôi đang cố gắng dẫn dắt và định hướng khách hàng. Giống như Mel Gibson có khả năng nghe được mọi suy nghĩ của phụ nữ trong bộ phim kinh dị What Women Want vậy.”

Vậy có phải anh thật sự có khả năng dự đoán điều khách hàng muốn?

“Không hề (cười lớn)! Nhưng tôi trò chuyện với khá nhiều người, từ đồng nghiệp, bạn bè và những người xung quanh.. Anh chia sẻ về niềm đam mê hoài cổ gần đây của mình: “Thật dễ để khiến bản thân bị thu hút vào lịch sử thời trang. Tôi yêu thời trang của những thập niên 60, 70, 80. Nhưng việc sáng tạo lại từ quá khứ thật sự rất vô dụng, bởi chúng ta đã sống trong một xã hội khác rồi.”

Khả năng đọc vị của Gvasalia đã tạo ra hàng loạt sản phẩm bestseller. Phó chủ tịch truyền thông của trang Lyst gọi anh là “bậc thầy của thời trang biểu tượng”. Các bài phê bình về các sản phẩm thử nghiệm của Balenciaga luôn có lượt truy cập cao hơn hẳn. Mặc dù tự nhận mình là một “Instagram voyeur” với khá ít hoạt động trên mạng xã hội, Gvasalia luôn có khả năng đặc biệt trong việc tạo ra các nội dung rất thu hút và lan tỏa cực kì nhanh trên cộng đồng mạng: điển hình là những thiết kế multilayer mà anh vừa tạo ra cho bộ sưu tập thu đông 2018 lấy cảm hứng từ bộ phim ăn khách Friends, khi Joey mặc lên mình tất cả quần áo của Chandler.

Gvasalia có tự xem mình là một nhà lãnh đạo sáng tạo không?

Anh ngại ngùng chia sẻ: “Tôi tự cho mình là một nhà vận động sáng tạo thì đúng hơn. Từ lãnh đạo mang quá nhiều trọng trách, trong khi Balenciaga vẫn chỉ là một tên tuổi nhỏ so với những hãng thời trang tầm cỡ khác. Thật khó để tạo ra đủ ảnh hưởng lên mọi thứ. Tuy nhiên, tôi cho rằng Balenciaga từ xưa đến nay vẫn luôn là thương hiệu của sự sáng tạo. Những thiết kế của Cristobál luôn mang tính thách thức và đi ngược lại xu hướng đương thời.

Chưa kể, Nicolas Ghesquière (người tiếp quản thương hiệu này từ năm 1997 đến năm 2012) cũng sử dụng chất liệu và công nghệ theo trường phái avant-garde (một trường phái có khuynh hướng đối nghịch, phủ nhận hoặc đi chệch những định hướng truyền thống). Vậy nên tôi nghĩ, tất cả những gì mình đang làm đồng nhất với nhận diện thương hiệu của chúng tôi.”

Gvasalia không quan tâm lắm đến việc phân phối bán lại hay mooboard. Theo anh, khi thị trường cho bạn biết khách hàng đang cần gì thì mọi thứ đã quá trễ. “Vào thời điểm phân khúc thị trường đó bắt đầu nhận ra và công nhận một mẫu thiết kế thì nó đã không còn nữa.” Anh chẳng màng quan tâm đến những cái “like” trên mạng xã hội. “Điều cuối cùng tôi thực sự muốn là giao tiếp thông qua thời trang. Tôi không tweet hay làm bất cứ thứ gì tương tự. Tôi tạo ra những bộ trang phục. Những lượt thích trên Instagram chẳng qua chỉ là việc tạo ra một thứ gì đó rồi đi lòng vòng khảo sát xem người ta có thích nó hay không. Trong khi, sáng tạo thực sự dựa trên niềm tin và cảm xúc. Trực giác của tôi trước nay luôn mách bảo những điều đúng đắn.” Không thể phủ nhận Gvasalia vẫn cảm thấy một chút bổn phận khi phải tôn vinh và kế thừa di sản của Balenciaga. “Tôi biết rằng mình đang ở trong đế chế của người khác. Nhưng tôi cũng biết Kering chọn tôi hẳn phải có lí do. Không phải bởi tôi trung lập, hay vì tôi là người Thụy Sĩ.”.

Cuộc sống ở Zurich rất phù hợp với Gvasalia. Nó giúp anh cân bằng và tránh xa những bong bóng thời trang từ kinh đô Paris đang dần khiến anh choáng ngợp. Anh sống cùng vị hôn phu ở cách trung tâm 20 phút chạy xe và cũng khá gần anh trai của mình. “Tôi vẫn dành khoảng một tuần ở Paris mỗi tháng, tận hưởng một chút sự căng thẳng và kẹt xe. Nhưng tôi nghĩ mình thật sự cần những khoảng thời gian ngắt kết nối với thời trang để giữ lấy tình yêu với nó. Nếu phải sống hoàn toàn ở Paris, tôi sẽ trở nên cáu gắt và khó chịu phát điên mất. Tôi không thể để điều đó làm chết dần chết mòn tình yêu thời trang trong mình. Do đó, việc chuyển đến sống ở Zurich giúp tôi thấy mình yêu điều mình làm hơn bao giờ hết.”

Anh cũng thích chủ nghĩa thực dụng của Thụy Sĩ, nhưng liệu anh có phải là một nhà thiết kế thực dụng không?

“Tôi thích những gì thực tế, nhưng tôi cũng thích những mẫu thiết kế khiến người ta mơ mộng về bản thân mình. Mỗi khi tôi mặc một loại trang phục nào đó, tôi muốn tạo ra một danh tính khác cho bản thân. Dạo gần đây tôi mới nhận ra là mình luôn phải đấu tranh về danh tính của chính mình.”

Gvasalia sinh năm 1982 ở Georgia, Nga trong một gia đình theo đạo Cơ đốc chính thống. Năm mười hai tuổi, giữa cuộc nội chiến khốc liệt, Gvasalia đã bỏ trốn đến Đức. Anh học nghề thời trang ở Antwerp và làm việc cho Martin Margiela trước khi chuyển đến Paris và cùng anh trai thành lập Vetements. Tuy vậy, trong anh vẫn còn dấu ấn của tuổi thơ đậm chất Xô-viết, nơi mà theo anh nói, thời trang là một khái niệm hoàn toàn xa lạ. “Mối quan hệ của tôi với thời trang không giống bất kì câu bé châu Âu nào. Tôi không có tạp chí để đọc. Valentino là nhãn hiệu thời trang duy nhất mà tôi được nghe nói tới. Chế độ Xô-viết ở Nga đúng là một chiếc máy hút bụi tuyệt hảo. Nó hút sạch mọi thứ.”

Những dấu vết của quá khứ vẫn theo chân Gvasalia vào các mẫu thiết kế. Điển hình là thiết kế ưa thích với cầu vai rộng kiểu Herman Munster được lấy cảm hứng từ hình tượng Santa Clause ở Georgia với chiếc áo choàng có vai rộng thùng thình, khiến Santa Clause trông giống một bức tượng chứ không hề có chút hóm hỉnh nào. Ngoài ra, sự yêu thích của anh dành cho những trang phục quá khổ cũng bắt nguồn từ văn hóa mặc lại đồ cũ của anh chị từ thuở bé. “Cha mẹ tôi thường sắm sẵn quần áo để mặc dần trong hai đến ba năm. Do đó, mọi thứ đều quá khổ. Tôi mặc rất nhiều quần áo cũ từ anh chị họ, bởi nhà họ giàu và quần áo có chất lượng tốt hơn nhiều.”

Lớn lên trong một gia đình với ngăn tủ chứa đầy quần áo đã mặc rồi và kiểu dáng tương tự nhau, trong một thế giới mà “hầu như nhà nào cũng sở hữu những chiếc ghế giống hệt” khiến Gvasalia khao khát được trở nên khác biệt. “Tôi muốn tạo ra những thứ của riêng mình. Tôi làm ngắn những chiếc quần dài và cố tình lấy kéo cắt cổ áo sơ mi năm tôi lên bảy. Tôi chỉ muốn làm điều gì đó khác với mọi người. Và tôi muốn nó trở thành điểm đặc trưng của mình.”

Đó là một trong những lí do khiến Gvasalia nghĩ rằng thời trang rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện tại, nơi mà chính trị chia rẽ và con người tự phân chia vào các nhóm riêng, giao tiếp thông qua các thương hiệu lớn trở thành phương thức nhanh chóng để lan tỏa thông điệp. “Nó là một trọng trách rất lớn cho các nhà hàng hiệu. Họ không thể phớt lờ nền chính trị. Thế hệ trẻ ngày càng trở nên hiểu biết và có những quan điểm chính trị rõ ràng. Tôi nghĩ đây là thời điểm cho những chiến dịch và hành động thực sự.” Gvasalia đồng ý với áp lực đồng hành của nhãn hàng với các tổ chức chính trị khác nhau.

Trong những buổi trình diễn mới đây nhất, Balenciaga đã tổ chức quyên góp cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc. “Tuy nhiên, nếu Balenciaga có một thông điệp để gửi đi, thì nó chắc chắn vẫn phải liên quan đến thời trang. Bởi vì dù gì đi nữa, nó vẫn là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của tôi. Chúng tôi muốn hướng đến sự chú ý của mọi người đến cơ thể của họ và cách chúng tôi mang đến cho họ những bộ y phục giúp hoàn thiện cách họ cảm nhận và thể hiện bản thân.”

Liệu anh có tức giận không nếu Donald Trump mặc một trong những bộ suits mà anh thiết kế?

“Thật ra, với tư cách một nhãn hàng, chúng tôi không thể kiểm soát ai mặc trang phục gì. Từ góc độ cá nhân mà nói, tôi chắc chắn sẽ không vui vì điều đó. Tuy nhiên, thật lòng thì tôi vẫn sẽ tự hỏi điều gì khiến ông ấy làm vậy.”

Tôi có một thắc mắc cuối cùng dành cho Gvasalia, liệu anh có nghĩ túi xách cầm tay là nền tảng của tất cả các thiết kế thời trang xa xỉ trong thời hiện đại không?

“Có rất nhiều cuộc thảo luận xung quanh vấn đề này. Nhưng cá nhân tôi không còn tin vào việc một món đồ đóng vai trò then chốt trong bất kì ngành kinh doanh xa xỉ nào nữa. Trừ phi nó là một thương hiệu được truyền lại như một di sản.

Balenciaga là một nhãn hiệu thiết kế thời trang, tuy nhiên tôi vẫn phải chú ý đến thị hiếu và nhu cầu của khách hàng. Tôi có thể trưng bày cả một bộ sưu tập đầm dạ hội nhưng nó vẫn chỉ là ngụy biện thôi, vì đó không phải là thứ mọi người muốn mua. Người ta không sẵn sàng chi tiền cho chúng. Họ muốn mua giày thể thao và áo phông. Bản thân tôi thấy một chiếc áo phông không hề là sự xúc phạm với xu hướng xa xỉ. Thách thức lớn nhất của nền thời trang hiện đại là tìm ra điểm cân bằng giữa lợi ích kinh doanh và duy trì nhận diện thương hiệu của mình.”

Nhiều người cho rằng Gvasalia đã từ lâu bỏ qua nhận diện thương hiệu của Balenciaga với những thiết kế sneakers ba loại đế và câu chuyện gắn logo, nhưng bản thân anh lại không thấy như thế. “Bạn có thể tạo ra các mẫu thiết kế bán rất chạy trong thời gian ngắn bằng cách in một số thứ lên đó. Vào thời điểm tôi lựa chọn in logo như vậy, tất nhiên dư luận chỉ trích rất nhiều. Nhưng đây là điều mà người ta muốn. Bằng chứng là đến giờ họ vẫn tiếp tục mua.

Điều đó không đồng nghĩa là họ sẽ mua nó mãi mãi. Nhưng ý tôi là, tôi đã khuấy động mọi thứ lên một chút và nó không phải là vấn đề quá lớn. Nó là một bước cần thiết để cải cách và tiến hóa. Chừng nào tôi còn làm nhà thiết kế, tôi sẽ tiếp tục cho ra đời những thiết kế áo phông, giày sneakers cùng đầm dạ hội. Bởi nếu không làm thế thì không còn là tôi.”

Với một nhà thiết kế luôn có trong đầu những câu chuyện cải cách và kế hoạch dài hơi, anh có dự định gì?

“Chúng tôi đang ấp ủ mẫu giày sneaker mới và tôi không thể chờ đến ngày ra mắt nó. Tôi cũng đang nghiên cứu cách để biến đầm dạ hội phong cách lạ trở nên dễ mặc hơn, bên cạnh số lượng và kiểu dáng như thế nào cho phù hợp. Chúng tôi muốn tự do thử nghiệm trên nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau chứ không giới hạn mình trong bất kì loại thiết kế theo mùa nào. Chúng tôi sẽ làm nhiều thứ với số lượng lớn, từ giày sneakers, tới jeans và đầm dạ hội. Tôi cũng muốn khiến đầm dạ hội trở nên gần gũi và thân thiện hơn.”

Có thể nói đây là một ví dụ tiêu biểu của một nhà sáng tạo. Bởi vì lần cuối gặp nhau cách đây 2 năm, Gvasalia từng nói với tôi, rằng khi nhắc đến thời trang cao cấp, người ta không chỉ nhắc đến đầm dạ hội nữa. “Thời buổi này ai còn cần đến váy lót cơ chứ! Cái người ta cần là một cục sạc pin điện thoại.”

Gvasalia cười lớn: “Chính xác! Đó chính là điều tôi đang phải đối mặt đây! Làm sao để một chiếc váy lót trở nên hợp thời. Và nhân rộng nó ra, tạo ảnh hưởng. Đó là điều khiến cho công việc ở Balenciaga rất thú vị!”.

Chuyển ngữ: Thảo Nguyễn | Theo How to spend it 


 
Back to top