Nghệ sĩ đích thực là những người biết tận hưởng vẻ đẹp cô đơn
Đại thi hào Rumi từng nói đừng sợ hãi nỗi cô đơn, cả vũ trụ luôn có mặt bên trong bạn rồi.
Cuốn tiểu thuyết trước khi chết của nhà văn Haruf có tựa đề “Our Souls at Night” (Linh hồn của chúng ta trong Đêm tối). Tác phẩm lấy bối cảnh là vùng đồng bằng phía Đông Colorado trong một thị trấn nhỏ, kể về Addie Moore (một phụ nữ góa chồng) và Louis Waters (một đàn ông góa vợ). Sống trong thị trấn nhỏ bé, cả hai đều biết vợ chồng của người kia trước họ qua đời.
Một ngày kia, Addie bỗng nhiên xuất hiện tại nhà của Louis và cuộc trò chuyện giữa hai con người tội nghiệp bắt đầu diễn ra:
Addie: Đôi lúc, tôi tự hỏi đã có khi nào anh suy nghĩ về việc gõ cửa nhà tôi và đề nghị ngủ chung với tôi.
Louis: Cái gì cơ? Ý cô là gì?
Addie: Cả hai chúng ta đều cô đơn, anh biết đấy. Chúng ta cứ quanh quẩn mãi trong sự cô đơn chết tiệt dai dẳng và ròng rã này, suốt nhiều năm qua. Tôi biết anh có thể suy nghĩ tương tự. Nhiều lúc tôi tự hỏi có khi nào anh cũng suy nghĩ về việc đến và ngủ cùng tôi vào ban đêm. Cùng trò chuyện.
Người đàn ông nhìn chằm chằm vào người đàn bà góa bụa, xem xét, tò mò và cẩn trọng.
Addie: Sao anh không nói gì? Tôi khiến anh cảm thấy đột ngột chăng?
Louis: Tôi suy nghĩ một chút.
Addie: Tôi không hề có ý ám chỉ làm tình…
Louis: Tôi đã tự hỏi điều đó.
Addie: Không, ý tôi không phải như vậy. Tôi không đi theo hướng đó. Tôi nghĩ mình đã mất khoái cảm tình dục cách đây rất lâu. Tôi chỉ muốn chúng ta xoay sở cùng nhau trong đêm tối. Ngả lưng trên giường, có đôi có cặp, như tri kỷ.
“Tất cả mọi vấn đề của nhân loại xuất phát từ việc con người không có khả năng ngồi yên lặng một mình trong phòng.” – Blaise Pascal
Trước khi chết ở độ tuổi 39, thiên tài khoa học Blaise Pascal (1623 – 1662) đã có những đóng góp vĩ đại, đáng chú ý nhất là trong chất lưu, hình học và xác suất. Điều thú vị là nhiều công trình được hoàn thành trong những năm tháng ông còn độ thiếu nên, chỉ một số ra đời khi ông bước vào tuổi đôi mươi. Sang giai đoạn trưởng thành, lấy cảm hứng từ trải nghiệm tôn giáo, Pascal tiến sâu vào con đường triết học và thần học.
Trước khi qua đời, bậc vĩ nhân đã đưa ra những quan điểm quan trọng góp phần hình thành bộ sưu tập mang tên Pensées (Suy tưởng). Tôi còn nhớ, một trong những tư tưởng nổi tiếng nhất, khéo léo tóm tắt cốt lõi lập luận của ông, đó là: “Tất cả mọi vấn đề của nhân loại xuất phát từ việc con người không có khả năng ngồi yên lặng một mình trong phòng.”
Nghệ sĩ đích thực là những người biết tận hưởng vẻ đẹp cô đơn
Hầu hết chúng ta đều nỗi cô đơn, giống như người đàn bà góa chồng Addie Moore. Bởi rằng, bản năng của con người chính là sự kết nối. Nhưng có lẽ, hầu hết chúng ta đều đã hiểu sai về sự kết nối này. Sự kết nối ấy không có nghĩa là bạn phải cùng với ai đó, đám đông nào đó, tập thể nào đó, mà trong thế giới bộn bề với sự gãy đứt và tổn thương xúc cảm, con người đang dần mất kết nối với chính bản thân họ, từ đó sinh ra cái gọi là cô đơn như ta biết. Định nghĩa cô đơn theo cách ấy là một mình, là không được yêu thương, là lẻ loi, là hiu quạnh, là lạnh lẽo, là mất kết nối với xung quanh, nhưng người ta chưa bao giờ nghĩ và tự hỏi rằng phải chăng họ cô đơn vì họ mất kết nối với chính bản thân mình?
Thoreau từng nói bông hoa cô đơn, cái cây cô đơn, ngôi sao cô đơn, mặt trời cũng cô đơn, Thượng Đế càng cô đơn, nhưng quỷ thì không, quỷ là cả một lũ. Chỉ có con người mới sợ cô đơn. Nhưng tại sao phải sợ? Vì chúng ta nhận thấy những bản năng trái ngược với sự cô đơn này. Đó là bản năng được yêu thương, bản năng/thói quen kết nối với cộng đồng mà bắt nguồn từ gia đình nơi chúng ta sinh ra. Họ cho cô đơn là trái dấu của các bản năng này, là thể đối nghịch và kẻ thù tạo nên sự yếu đuối, là con vi-rút ăn mòn năng lượng, là lưỡi dao cứa nát tâm hồn. Chúng ta đã quá quen thuộc với việc được yêu, nhưng chúng ta lại chưa bao giờ đạt đến cảnh giới quay về bên trong và nhận biết chính mình, vì thế, chúng ta cứ nghĩ cô đơn là xấu, cô đơn là đối nghịch với những điều tốt đẹp đã kể trên.
Nhưng, ta sinh ra cô đơn, ta chết đi trong cô đơn, cả đời ta gắn liền với cô đơn, là tại ta không biết. Cô đơn luôn yêu thương, vỗ về, biết chiều chuộng và tử tế. Bên cạnh cô đơn, bạn luôn yên bình. Cô đơn cũng rộng lòng và tha thứ. Dù trải qua bao nhiêu mối quan hệ, thành công hay thất bại, bất cứ khi nào bạn quay về, cô đơn luôn chờ sẵn và ngay lập tức ôm chầm lấy bạn. Chỉ có trong cô đơn và tĩnh lặng, bạn mới có thể quay vào bên trong và nhận biết chính mình. Chỉ trong cô đơn và tĩnh lặng, bạn mới có thể chiêm ngưỡng và tận hưởng thế giới. Nếu bạn để ý, những người có đóng góp lớn lao cho nhân loại đều là những người cô đơn. Như vậy, vấn đề với loài người chúng ta là chúng ta không chấp nhận cô đơn như nó vốn là mà hắt hủi và chối bỏ nó như một bệnh dịch của nhân loại.
“Hầu hết mọi tiến bộ đều xuất phát từ nỗi cô đơn.” – Bruce Barton
Nghệ sĩ người Canada Robert Genn được biết đến rộng rãi với hai lá thư hàng tuần. Ông gửi chúng qua email đến danh sách những người có mong muốn hiểu biết thêm về quan điểm của ông trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật và cuộc sống nói chung. Một lần nọ, Genn đã viết về chủ đề cô đơn. Ông nhấn mạnh rằng nghệ thuật đơn độc đích thực bao gồm khả năng thấu hiểu cô đơn cần thiết cho sự sáng tạo như thế nào. Genn đã dẫn lời bậc thầy phát triển bản thân Bruce Barton, người viết: “Hầu hết mọi tiến bộ đều xuất phát từ nỗi cô đơn.”
Tác giải Olivia Laing có dịp xuất hiện trên NPR để nói chuyện với người dẫn chương trình Terry Gross về cuốn tiểu thuyết mới mang tên The Lonely City: Adventures in the Art of Being Alone (Thành phố đơn côi: Cuộc phiêu lưu trong thế giới nghệ thuật đơn độc). Tác phẩm khám phá cuộc đời của nhiều người nổi tiếng, bao gồm họa sĩ Edward Hopper, Andy Warhol, nhiếp ảnh gia David Wojnarowicz… Hành trình của Olivia bao gồm chuyến đi đến New York với người mình yêu và chẳng may mối quan hệ tan vỡ khiến cô lẻ loi một mình trong thành phố mới chật chội. Chính tại đây, nhà văn nhận thấy một điều rằng đám đông vây quanh vẫn có thể khiến một người cảm thấy cô đơn.
Họa sĩ Henry Darger là nhân vật tượng trưng cho sự cô độc hấp dẫn nhất trong cuốn tiểu thuyết. Darger làm việc xuyên suốt 54 năm như một người gác cổng bệnh viện, thuê một phòng ngủ nho nhỏ để mỗi đêm, ông có thể tập trung vẽ. Sau khi mất, người ta mới phát hiện hơn 300 bức tranh của danh họa kỳ lạ này. Các bức họa đã đặt ra nhiều tranh cãi lớn, trong đó bao gồm nhiều tác phẩm khắc họa bạo lực với trẻ em. Tuy nhiên, cộng đồng nhà sưu tập mọi nơi trên thế giới đều thèm khát tranh của ông. Và người ta bắt đầu dấy lên câu hỏi: “Phải chăng, cô đơn là điều kiện tiên quyết cho sáng tạo nghệ thuật?”
Có lẽ, hầu hết chúng ta đều có khuynh hướng như Addie và Louis, đều khao khát một mức độ đồng hành và tương tác với những người khác. Nhưng với nghệ sĩ, tôi đã gặp biết bao người cặm cụi “cày” một mình trên “thửa ruộng” của họ. Họ rơi vào tĩnh lặng trong đêm đen hay sáng sớm khi ánh mặt trời còn vùi sâu vào giấc ngủ. Họ một mình, suy ngẫm, rơi vào thế giới tưởng tượng và chiêm nghiệm riêng. Họ sống ẩn dật theo cách của họ.
“Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra.” – Picasso
Vincent van Gogh là một trong những danh họa cho rằng cô đơn là điều không thể tránh khỏi. Trong những lá thư ông gửi cho Theo, ông cảm thấy bản thân mình cần hài lòng với sự cô đơn để tập trung sáng tác. Aldous Huxley thì viết: “Có một sự thật hiển nhiên là những thiên tài sáng tạo bậc nhất trên thế giới đều là những người chìm đắm trong nỗi cô đơn.” Khi cống hiến hết mình cho nghệ thuật, người ta sẽ có ít thời gian tương tác với xã hội. Picasso đã nhấn mạnh điều đó thông qua câu nói: “Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra.”
Trong cuốn hồi ký, đồng sáng lập Apple – Wozniak đã hướng dẫn các nhà phát minh tương lai như thế này : “Phần lớn những nhà phát minh và các kỹ sư tôi gặp đều có điểm chung là họ sống trong cái đầu của họ. Họ giống như những nghệ sĩ vậy. Thực ra, những người xuất chúng nhất trong số họ là nghệ sĩ. Và nghệ sĩ làm việc tốt nhất khi ở một mình. Tôi sẽ cho các bạn một lời khuyên mà các bạn sẽ thấy lạ lùng lắm: Hãy làm việc một mình, không phải với một nhóm, cũng chẳng phải trong một nhóm.”
Có lẽ, đúng vậy, sự cô đơn chính xác là chất xúc tác cần thiết cho sáng tạo.