LIFESTYLE / Ecoxury

ECOXURY: Áp lực nguồn nước đang ở mức báo động

Mar 18, 2020 | By Trang Ps

Cơ thể con người chứa tới 75% nước. Khoảng 71% bề mặt trái đất là nước. Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt với 2.360 con sông với chiều dài hơn 10 km. Ngỡ rằng nước là nguồn tài nguyên bất tận, thế mà hạn mặn khốc liệt đã xảy ra ở miền Tây nước ta và ¼ thế giới đang gặp khủng hoảng nguồn nước. Là do nhân tạo hay thiên tạo?

Theo dữ liệu mới của Viện Tài nguyên Thế giới (World Resources Institute), từ Ấn Độ qua Iran đến Botswana, có đến 17 quốc gia trên toàn cầu đang hứng chịu áp lực do thiếu nước ở mức độ báo động. Những nước này đang cố gắng tận dụng tất cả những nguồn nước mà họ có. Trong những năm gần đây, nhiều thành phố như São Paulo ở Brazil, Chennai ở Ấn Độ và Cape Town tại Nam Phi rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn nước. Năm 2018 đáng báo động nhất với sự kiện Day Zero (nghĩa là ngày mà các con đập không còn một giọt nước).

Chỉ có 3% nước trên thế giới là nước ngọt và 2/3 trong số đó nằm tại các sông băng đông lạnh, không có sẵn để sử dụng.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 04/03, đã có 5 tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An hứng chịu hạn ngập mặn khốc liệt, mà theo những người dân tại đây chia sẻ: “Chưa năm nào tình trạng xâm nhập mặn lại khủng khiếp như năm nay!” Nếu như đợt xâm nhập mặn năm 2016 được đánh giá là đợt mặn kỷ lục (trăm năm mới lặp lại một lần) thì mùa khô 2020 này phá vỡ kỷ lục đã xác lập trước đó.

Nguyên nhân của hạn mặn, ngoài yếu tố ảnh hưởng của mùa khô còn đến do biến đổi khí hậu và các quá trình nhân tạo như thủy lợi, thủy điện, sử dụng phân bón và khai thác nước ngầm quá mức ô nhiễm làm mất cân bằng trữ lượng nước ngọt. Cuối cùng thì, nhân tạo đã vượt thiên tạo, và con người vừa đóng vai trò là tác nhân vừa chính là nạn nhân.

Quốc tế nước 2020: Áp lực nguồn nước đang ở mức báo động

Biến đổi khí hậu gia tăng rủi ro vấn đề hạn hán. Khi lượng mưa trở nên thất thường, nguồn cung cấp nước sinh hoạt của con người cũng không được đảm bảo. Thêm nữa, nhiệt độ tăng khiến lượng nước bốc hơi tăng cao, trong khi nhu cầu sử dụng nước cũng tăng lên trong những ngày nóng bức. Không chỉ dừng lại ở đó, biến đổi khí hậu cũng chính là tác nhân của thái cực thời tiết: lũ lụt đã tàn phá São Paulo một năm sau khi nguồn nước gần như cạn kiệt, còn Chennai rơi vào tình trạng lũ lụt nghiêm trọng 4 năm trước khi bước vào thời kỳ khô hạn.

Lý do của khủng hoảng nguồn nước đến từ những lý do sâu xa hơn hạn hán (thiên tạo). Thông qua các mô hình thủy văn mới, WRI nhận thấy rằng lượng nước rút trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ những năm 1960. Nhu cầu nước ngày càng tăng và chúng không có dấu hiệu chậm lại. Điều này phần lớn đến từ việc dân số ngày càng tăng mạnh, đặc biệt ở những thành phố lớn của những nước đang phát triển. Dân số tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng, không chỉ nước sinh hoạt, mà còn là nước trồng trọt, tưới tiêu, nuôi trồng, sản xuất và chế tạo… Tổng số những người bị ảnh hưởng trong vấn đề cạn kiệt nước lên đến 470 triệu người (chiếm khoảng 6% dân số thế giới).

Áp lực nguồn nước đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống con người, bao gồm sinh kế và ổn định kinh doanh. Tăng trưởng dân số, phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa kéo nhu cầu nước gia tăng chóng mặt, trong khi biến đổi khí hậu có thể khiến lượng mưa lẫn nhu cầu biến động nhiều hơn.

Chẳng hạn, 12 trong số 17 quốc gia chịu nhiều áp lực về nước nhất là ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Các khu vực này nóng và khô, do đó, nguồn cung cấp nước bắt đầu thấp dần nhưng nhu cầu lại tăng lên đẩy họ rơi vào tình trạng căng thẳng cực độ. Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng thiết hại kinh tế của khu vực này lớn nhất do khan hiếm nước, ước tính khoảng 6 – 14% GDP vào năm 2050.

Tuy nhiên, có những cơ hội chưa được khai thác nhằm tăng cường an ninh nước ở MENA. Khoảng 82% nước thải của khu vực không được tái sử dụng. Nếu khai thác tài nguyên này, họ sẽ tạo ra nguồn nước sạch mới. Các nhà lãnh đạo ở một số quốc gia đã xem xét đến vấn đề xử lý nước. Chẳng hạn, Oman –xếp thứ 16 trong danh sách quốc gia chịu áp lực về nước, đã xử lý 100% lượng nước thải và tái sử dụng 78%.

Để giảm thiểu áp lực nước, chúng ta có vô số giải pháp. Mỗi cá nhân có thể bắt đầu từ việc hạn chế tiêu dùng, mua sắm những thứ không cần thiết để kìm hãm ngành công nghiệp sản xuất, và kế hoạch gia đình nhỏ (chỉ có từ 1 đến 2 con) từ đó giảm áp lực tiêu dùng lên tài nguyên thiên nhiên.

Về chính sách nông nghiệp, nông dân có thể sử dụng hạt giống cần ít nước hơn và cải thiện kỹ thuật tưới bằng cách sửu dụng lượng nước đủ thay vì làm ngập ruộng. Các nhà tài chính có thể cung cấp vốn cho nhà đầu tư, trong khi các kỹ sư có thể phát triển các công nghệ cải thiện hiệu quả nông nghiệp. Dữ liệu mới của Aqueduct cho thấy căng thẳng về nước sẽ thay đổi lớn trong năm. Nghiên cứu của WRI và Ngân hàng Thế giới cho thấy cơ sở hạ tầng xây dựng (như đường ống và nhà máy xử lý) cùng cơ sở hạ tầng xanh có thể hoạt động song song để giải quyết các vấn đề nước và chất lượng nước.

Ảnh: Thắng Thế Lê

Tại Việt Nam, bạn đọc có thể theo dõi về dự án Ecoxury – chương trình LUXUO.VN và nhiều thương hiệu xa xỉ khởi xướng, nhằm thực hiện hành trình xê dịch và lan toả tinh thần sống xanh thông qua các không gian điểm đến. Dự án được khởi động vào tháng 8.2019


 
Back to top