“Thị trường xám” và cách bảo quản đồng hồ vintage
Trong khuôn khổ bài viết ngày hôm nay, chúng tôi sẽ giúp giải đáp thắc mắc của độc giả về “thị trường xám” và cách bảo quản đồng hồ vintage.
Theo dõi trang web của LUXUO Vietnam từ lâu, tôi thấy có khá nhiều bài viết về “thị trường xám”. Vui lòng giải đáp giúp tôi “thị trường xám” là gì, và vì sao nó lại trở thành mối quan tâm của nhiều người chơi đồng hồ?
(Thanh Tuấn – nhân viên bảo hiểm)
Chào anh Tuấn! Trên thực tế, thị trường xám (hay còn gọi là thị trường thứ cấp) là thuật ngữ được dùng để chỉ những người bán (thường là trực tuyến) những chiếc đồng hồ khó được mua trong cửa hàng, hoặc với mức chiết khấu lớn. Thông thường, họ là những người mua lại hàng tồn kho từ các nhà bán lẻ với số lượng lớn và giá rẻ, hoặc những người được ưu tiên mua các sản phẩm đặc biệt từ nhãn hàng và bán lại với giá cao hơn.
Đối với các thương hiệu đồng hồ xa xỉ, tính chính hãng (authenticity) là giá trị lớn nhất. Không có thống kê nào cho thấy số lượng người đang làm giả đồng hồ của họ trên thế giới, nhưng chắc chắn con số này đủ lớn để làm mọi người phải sửng sốt. Chính vì để đảm bảo giá trị và tính độc đáo trong sản phẩm, mà các hãng lớn thường tạo nên hệ thống đại lý ủy quyền chính hãng.
Sự ra đời hệ thống đại lý thật sự là vẹn cả đôi đường, vì với nhà sản xuất, điều này làm hàng giả nhanh chóng suy yếu. Với đại lý, họ có thể yêu cầu mức độ độc quyền nhất định trong các sản phẩm họ bán. Và đối với người mua, họ có thể tin tưởng 100% rằng họ đã mua được một món đồ chính hãng.
Đó cũng là lý do mà phần lớn nhà sản xuất đồng hồ không mong muốn khách hàng mua từ thị trường xám. Tương tự, các đại lý ủy quyền thà bán sản phẩm của họ cho người tiêu dùng với nguyên giá hơn là dỡ hàng tồn kho với mức chiết khấu cao. Và với người tiêu dùng, việc mua đồng hồ từ thị trường xám cũng không hẳn là ý tưởng tuyệt vời.
Đầu tiên, người mua sẽ không được hưởng dịch vụ bảo hành từ thương hiệu. Thứ hai, để bảo vệ danh tính, các đại lý trước khi thanh lý hàng tồn kho qua thị trường xám thường gỡ số series ra khỏi đồng hồ. Điều này không chỉ có khả năng bất hợp pháp (đối với người bán và người mua), mà người mua còn không có cách nào lấy lại đồng hồ hoặc yêu cầu bảo hiểm trong trường hợp đồng hồ bị đánh cắp.
Bên cạnh đó, không gì có thể đảm bảo được chiếc đồng hồ bạn mua từ thị trường xám là hàng chuẩn của hãng. Sự “không thể đảm bảo” này là rủi ro vốn có của việc không mua từ đại lý chính hãng, và vì thế, quyết định của anh ở đây là có muốn chấp nhận rủi ro hay không?
Tôi là người chơi đồng hồ vintage. Tuy rất yêu quý chúng vì vẻ đẹp cổ điển, nhưng tôi vẫn băn khoăn về việc bảo hành: phần lớn trong số đó vẫn chạy tốt sau ngần ấy năm. Vậy tôi có nên đưa chúng đi bảo hành thường xuyên hay không, và lịch trình như thế nào là phù hợp?
(D.P – Nhà sưu tầm)
Chào anh D.P! Theo WOW Vietnam, đồng hồ vintage là những mẫu đồng hồ rất đặc biệt, đòi hỏi cách chăm sóc khác với đồng hồ mới. Một điểm rất quan trọng khi bảo hành hay sửa chữa đồng hồ vintage là nguồn phụ tùng gốc. Tất nhiên, những bộ phận thường xuyên hoạt động nhất trong bộ máy là nơi bị hao mòn đầu tiên. Trong khi bảo hành hay sửa chữa, các thợ đồng hồ đôi khi phải thay thế chúng – và không phải lúc nào họ cũng có sẵn các bộ phận như thế.
Chính vì thế, sớm còn hơn muộn, anh nên đưa đồng hồ đi kiểm tra, bảo dưỡng và đại tu đồng hồ, vì càng để lâu, các bộ phận hao mòn sẽ càng dễ bị hỏng. Nếu làm sớm, trong trường hợp không có bộ phận thay thế, anh vẫn có thể chờ xưởng hoặc trung tâm bảo hành đặt chuyển về bộ phận tương thích. Nếu anh là một nhà sưu tầm thật sự nghiêm túc và muốn mở rộng bộ sưu tầm trong tương lai, điều này càng trở nên cần thiết.
Hãy kiểm tra thật kỹ mọi bộ phận, từ các bộ phận bị mòn trong bộ máy, núm vặn, mặt kính, gioăng… nếu có hàng, hay thay thế chúng khi cần thiết, vì có thể trong tương lai chúng sẽ không còn hàng sẵn nữa. Cách dễ nhất để làm điều này là tìm đến một thợ đồng hồ chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệp, để người đó kiểm tra tình trạng của mỗi chiếc, và đưa ra lịch trình bảo hành cụ thể. Sau đó, anh sẽ không phải sợ rằng bất kỳ chiếc nào trong bộ sưu tập của mình bị hỏng hay không thể thay thế bộ phận được nữa.
Bên cạnh đó, anh cũng cần có thêm thói quen là trước khi thêm bất cứ chiếc nào vào bộ sưu tập, hãy đưa nó đi kiểm tra. Kiểm tra không có nghĩa là bảo hành, sửa chữa hay đại tu, mà chỉ là để cho một người chuyên nghiệp nhìn nhận tình trạng của đồng hồ, và trong khi kiểm tra, người thợ sẽ làm sạch và bôi trơn một vài bộ phận nhất định – điều sẽ kéo dài tuổi thọ đồng hồ hơn đáng kể. Chúc anh luôn cảm thấy hạnh phúc với bộ sưu tập của mình!