ART & LIFE

Đạo diễn Việt Linh: “Hết phim, mời bà con về nghỉ!”

Jun 14, 2021 | By Nguyen Huu Hon

Không thể nói về thế hệ vàng son của điện ảnh Việt mà không nhắc đến nữ đạo diễn Việt Linh, không chỉ vì gia tài những bộ phim đạo diễn từng làm, mà còn vì những kí ức điện ảnh vẫn rạo rưc trong đạo diễn.

7 bộ phim được làm từ năm 1986-2002, không thể đếm được con số giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước với những bộ phim ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử điện ảnh Việt Nam: “Gánh xiếc rong”, “Chung cư” hay “Mê Thảo thời vang bóng”. Việt Linh gợi cho tôi nhiều tới đạo diễn Agnès Varda. Một người là nữ đạo diễn hiếm hoi của điện ảnh Việt, người kia là nữ đạo diễn hiếm hoi của làn sóng New Waves điện ảnh Pháp, cả hai đều trung thành với mái tóc ngắn những năm tháng làm phim, cả Việt Linh và Varda đều có tình yêu với sự thật và hiện thực, và phác họa những điều này rất tài tình qua ngôn ngữ của nghệ thuật thứ bảy.

Còn khi đọc những lời này của Agnès Varda: “Tôi không coi mình là một phụ nữ làm phim, mà là một nhà làm phim quyết liệt là nữ giới,” thì tôi lại liên tưởng đến Việt Linh. Sự quyết liệt, xông pha vì phim ảnh của Việt Linh không phải chi tiết xa lạ với nhiều người đã có cơ hội làm việc cùng đạo diễn. Nhưng, tôi tò mò với những kí ức điện ảnh của một đạo diễn gạo cội như Việt Linh hơn, nên vì thế, tôi bắt đầu kể cho đạo diễn nghe về một kí ức điện ảnh của chính mình…

Những người lớn tuổi rất thường hay nói câu này, “Hết phim, mời đồng bào về nghỉ!”, câu chuyện đằng sau nó là khi còn nhỏ sống ở một làng xã ngày xưa mọi người hay được đi xem những cuốn phim đen trắng, phim Liên Xô, phim cách mạng ở sân ủy ban phường, người ta sẽ nói như vậy để “đồng bào đi về”, vì nếu không bố và mọi người vẫn sẽ tụ tập ở sân ủy ban, cho đến khi hình ảnh và âm thanh hoàn toàn biến mất. Ở thời ấy, một bộ phim có lẽ có ý nghĩa khác, và trải nghiệm xem phim cũng khác lắm với cách mọi người tiếp cận phim ảnh bây giờ?

Thật thú vị! Chi tiết này của bạn làm tôi xúc động bởi tôi đã từng làm thuyết minh viên cho đội chiếu lưu động của Xưởng phim Giải phóng ở chiến khu khoảng năm 1969. Tôi cũng từng nói câu “Phim đã hết, xin mời bà con về nghỉ” bằng một giọng lưu luyến, khi nhìn thấy khán giả phần đông vẫn ngẩn ngơ, chưa ra khỏi câu chuyện vừa xem trên màn ảnh. Điện ảnh khi đó, đặc biệt ở vùng quê, bao phủ nét đẹp bí ẩn, thiêng liêng, làm mê đắm bao người… Thời đó người xem, trong đó có tôi, tìm thấy ở phim những rất nhiều ý nghĩa.

“Tiếng gọi của nghề đạo diễn”, chị có còn nhớ?

Tôi yêu thích nghệ thuật từ bé, nhưng thích lung tung vô định hướng. Chỉ từ khi tiếp xúc trực tiếp điện ảnh, thông qua nhiều cung đoạn dựng phim, biên tập, quay phim… ở Xưởng phim Giải phóng, tôi mới có ước mơ giữ vai trò đạo diễn, để “được theo ý mình”.

Có một bộ phim, hay cảnh phim nào có tác động mạnh mẽ tới bác hay thôi thúc chị muốn làm phim?

Năm 1969, tôi vào chiến khu thăm cha là biên kịch Việt Tân mới tập kết về. Lúc này ông đang cùng đạo diễn Hồng Sến, tôi gọi là chú Tư, làm phim tài liệu “Đường ra phía trước”. Ngay ngày đầu tiên, tôi được đi xem cảnh quay dân công tải đạn qua đồng trống. Trên mô đất cao, chú Tư ôm máy đứng dạng chân, tấm dù trên vai bay phấp phới, miệng luôn gào thét chỉ đạo. Đang quay, trên trời bỗng xuất hiện máy bay. “Tiếp tục đi!”. Chú Tư hét to. Trên trời, máy bay lao xuống cùng những cột khói bùng lên. Đoàn dân công chạy tỏa ra, nằm rạp, chỉ có chú Tư hiên ngang liên tục lia máy từ mặt đất lên trời, rồi lại từ trời lia xuống… Mãi sau này tôi mới biết đó là cú-quayliền có giá trị tài liệu rất cao, góp phần đưa phim “Đường ra phía trước” đến huy chương vàng quốc tế Moscow; còn khi đó, trước tôi chỉ là hình ảnh của một chú Tư hiệp sĩ đang xả thân cho cái đẹp… Không thể nói một lý tưởng, một sự nghiệp được quyết định từ cảm xúc, nhưng mãi mãi, tôi tự biết rằng, cuộc sống tinh thần, sự nghiệp điện ảnh của mình đã bắt đầu từ hai con người đó: Ba và chú Tư.

“Điện ảnh khi đó, đặc biệt ở vùng quê, bao phủ nét đẹp bí ẩn, thiêng liêng, làm mê đắm bao người…”

“Sự thật quyến rũ” đạo diễn Việt Linh, nhưng có nhiều sự thật rất khó để đưa lên màn ảnh: hoặc chúng quá nhạy cảm, hoặc chúng không phải sự thật người xem có lẽ muốn quan tâm. Khi làm phim, chị tiếp cận những sự thật ấy thế nào?

Cảm ơn bạn đã nhớ tiểu tựa này trong cuốn truyện phim “Ở đây có nắng” của tôi. Đúng là vì nhiều lý do, không phải sự thật nào cũng có thể hoặc nên đưa lên màn ảnh. Chúng ta phải chọn cái đau đáu, và khi đã chọn, thì hãy nói về nó bằng tất cả trách nhiệm và sự chân thành. Jia Zhang-Ke có nói một ý tôi rất thích: “Chính tính xác thực và sự chân thành đã làm nên sự khác nhau giữa các nền văn hóa”. Trong mọi hoạt động văn hóa của mình, tôi luôn nhập tâm hai câu “thần chú” đó.

Đạo diễn Việt Linh không chỉ là người trong cuộc, mà còn là một người viết rất hay về điện ảnh Việt qua những cuốn sách trong tủ sách điện ảnh. Theo chị, trong lịch sử điện ảnh Việt có những cột mốc quan trọng nào?

Với tư cách người trong cuộc có chút quan sát, theo tôi có thể chia điện ảnh Việt Nam thành ba mốc chính: 1) Sơ khai kỹ thuật lẫn tư duy sáng tác 2) Kỹ năng phát triển, nghệ thuật phát tiết nhưng nội dung câu thúc 3) Hình thức thống trị.

(Cảnh trong phim “Chung cư”)

Đạo diễn Việt Linh từng nói điện ảnh là một nghệ thuật rất khó hoàn hảo, đó là lý do khiến đạo diễn càng phải khó tính và nghiêm khắc trong nghề, nhưng từ “Mê Thảo thời vang bóng” hay “Chung cư”, lại thấy hình bóng của một đạo diễn Việt Linh rất nhạy cảm với nỗi buồn, và cái đẹp. Để cân bằng hai yếu tố này, cả sự nhạy cảm và cứng rắn trong công việc có lẽ không phải việc dễ dàng?

Khác các loại hình nghệ thuật khác, điện ảnh đòi hỏi sự mạnh mẽ trong ý chí lẫn thể lực, đó là lý do tôi khó tiếp tục nghề này, đặc biệt khi khuynh hướng thương mại khuynh đảo. Còn căn tính nghệ thuật – nỗi buồn và cái đẹp trong tôi thì vẫn y nguyên, vẫn tiếp tục trong sân khấu, văn học, thậm chí sư phạm… Cũng hơi kỳ, nhưng không hiểu sao với tôi cái đẹp trong nghệ thuật thường man mác nỗi buồn, và ngược lại.

Từ “Gánh xiếc rong”, “Chung cư” cho đến “Mê Thảo thời vang bóng”, tất cả đều có một nét rất đặc trưng khi tiếp cận những câu chuyện đời thường gói hẹp trong một không gian, một gánh xiếc hay một căn chung cư chẳng hạn, để nói về những điều lớn lao hơn: lịch sử, xã hội, hiện sinh; lời thoại đơn giản, nhưng đầy tính triết lý; cùng với đó là những góc máy rất mới mà cháu chưa từng thấy ở những bộ phim ra đời trước đó; điều này đâu đó gợi nhớ đến những bộ phim trong làn sóng New Waves của Jean-Luc Godard, Jacques Rivette hay Agnès Varda… Có thể gọi Việt Linh là một đạo diễn chịu ảnh hưởng của dòng phim New Waves ở Việt Nam không, thưa chị?

Tôi không nghĩ mình chịu ảnh hưởng Làn sóng mới Pháp dù tôi có dịp tiếp cận nó từ những năm 80 khi học ở Nga. Tôi chỉ biết mình dị ứng khuôn thước, giả tạo, thích tính thi ca trong hình ảnh… Tôi ngưỡng mộ nhiều đạo diễn Việt Nam như Trần Vũ, Phạm Kỳ Nam, Đặng Nhật Minh… Tôi học tập ở họ quan điểm nghệ thuật, trách nhiệm nghệ sĩ và sự tìm tòi không ngơi nghỉ. Nếu có chút gì riêng tư thì có lẽ tôi luôn đặt tâm thế công dân bên cạnh tâm hồn nghệ sĩ.

(Cảnh trong phim “Phiên tòa cần chánh án”)

“Giữa hai nỗi sợ, cháu sợ cái chưa thấy.” Minh Ly trong phim “Chung cư” đã nói như vậy. Cô ấy nói cô ấy sợ cái chưa thấy, còn chị, những năm tháng làm phim, đạo diễn đã sợ nhất điều gì? Cái đã thấy hay cái chưa thấy?

Theo tôi ma lực của việc làm phim là người đạo diễn luôn luôn… sợ, Sợ không đủ tiền, sợ máy hư, sơ mưa nắng, đau yếu, sợ kiểm duyệt, sợ không có khách…. Làm phim luôn như những chuyến phiêu lưu, như trò chơi cảm giác mạnh. Nhiều người coi đó như nghiệp, người khác coi như lạc thú. Nghiệp thì nên trả, lạc thú thì nên hưởng. Cái
nào cũng công bằng.

Đạo diễn Việt Linh trở lại với “Mê Thảo thời vang bóng” vào năm 2002, một cuốn phim có lẽ khác rất nhiều với những bộ phim khác đạo diễn từng làm. Một đạo diễn miền Nam làm phim về Bắc Bộ, mà lại là một Bắc Bộ của quá khứ, của Nguyễn Tuân, của tình yêu đến mù quáng, của khao khát sống và cháy hết mình… Bác tái hiện miền Bắc tài tình quá!

Năm 1986, khi làm phim “Phiên tòa cần chánh án”, anh Phạm Thùy Nhân phó đạo diễn đưa tôi xem quyển “Chùa Đàn”. Tôi đọc rất mê nhưng… sợ vì chưa biết miền Bắc, tay nghề mới mẻ. Nhưng nó thật sự ám ảnh. Lần đầu tiên ra Bắc năm 1988 dự Đại hội điện ảnh, tôi vấn vương nó nhiều hơn. Ở Pháp, tôi lùng xem phim ảnh cuối thế kỷ 19 do người Pháp quay và phải lòng ngày xưa của nước mình, quyết định dấn thân. Nhờ chút tài trợ từ cơ quan văn hóa Pháp, tôi tìm cảnh khá kỹ, và do chưa biết miền Bắc nên mắt tôi hồn nhiên nhận ra những cái lạ trong cái quen thuộc. Khi dựng xong cảnh bến chợ ở Đồng Mô, tôi buột miệng với ê kíp: “Ôi ngày xưa của mình dễ thương quá!” Khi bạn có rung cảm thật sự với những gì mình đang nói, thì bạn sẽ truyền được sự rung cảm đó cho người khác.

“Làm phim luôn như những chuyến phiêu lưu như trò chơi cảm giác mạnh.”

Cùng về một bộ phim, nhưng có lẽ kí ức của những người làm ra nó sẽ rất khác nhau. Diễn viên Dũng Nhi từng chia sẻ nhân vật của chú trong “Mê Thảo thời vang bóng” vẫn còn rất ám ảnh chú, còn đối với đạo diễn Việt Linh, bộ phim có ý nghĩa như thế nào trong lòng đạo diễn, ngoài rất nhiều giải thưởng điện ảnh và cũng là bộ phim cuối cùng của bác?

Ám ảnh lớn nhất của tôi là cùng mọi người vượt qua được ngọn núi cao, là hậu sinh phía nam nhưng hiểu và “không làm hư” tác phẩm của tiền nhân phía Bắc. Nhiều người, trong đó có nhà thơ Hồng Ngát nói đùa rằng tôi có thể nhập hộ khẩu miền bắc. Bộ phim tuy hạn chế tối đa dự liên hoan phim quốc tế nhưng cũng nhận được giải Bông hồng vàng ở Bergamo-Ý và Giải Phát hành Quốc tế của Francophonie là hai giải nước ngoài; trong nước nó không được giải quan trọng. Và đây cũng là bộ phim cuối cùng của diễn viên Đơn Dương.

Nói về phim điện ảnh, có lẽ không nhiều nơi giống với nền điện ảnh Việt Nam. Cho đến giai đoạn đầu những năm 2000, sức sáng tạo và sản xuất phim điện ảnh Việt rất dồi dào, dù kĩ thuật hạn chế, nhưng tất cả những bộ phim tiêu biểu nhất của điện ảnh Việt đều ra đời ở thời điểm đó. Sau giai đoạn này, phim Việt hình như “mất phong độ”, lâu lâu mới có một bộ phim mà giới phê bình có dịp để bàn luận về tính nghệ thuật của phim hay một kịch bản hay. Điều này là một hiện tượng, dù chưa biết phải lý giải hiện tượng này thế nào. Phải chăng vì xã hội hiện đại… chán quá?

Không phải xã hội chán quá mà… rối quá, nhiều giá trị biến tướng nên nghệ thuật, trong đó có điện ảnh rối theo. Đâu đâu cũng gặp tình trạng đó, nhưng một số quốc gia tiêu biểu như Pháp, như Hàn Quốc đã vượt lên được để bảo toàn tư duy điện ảnh, cũng là một phần văn hóa. Đó là cái điện ảnh Việt Nam còn thiếu. Bạn có dùng chữ “phong độ”. Phong độ điện ảnh Việt Nam đang hừng hực nếu tính riêng số lượng, kỹ thuật, doanh thu khủng. Trong không khí kích hoạt đó, cùng lớp trẻ thật sự đam mê điện ảnh, chắc chắn sẽ bật ra những tác phẩm sánh vai thế giới.

Cảm ơn đạo diễn Việt Linh vì những chia sẻ rất đẹp!

Words: Vân Anh I Photos: NVCC


 
Back to top