Việt Nghệ: CEO Nguyễn Huyền Châu từ VAN•HOA – “Nhìn là thấy Việt Nam”
Hướng tới sự năng động trong việc kế thừa – kiến tạo và ứng dụng các yếu tố văn hoá bản địa trong các sản phẩm thực tế để tạo ra các điểm nhấn bản sắc văn hóa, thương hiệu VAN•HOA không ngừng làm mới mình trong kế hoạch kinh tế tuần hoàn, đảm bảo sự bền vững ở mọi mặt tiếp cận dự án. LUXUO đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Huyền Châu, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành VAN•HOA để đào sâu hơn về hành trình xây dựng thương hiệu “nhìn là thấy Việt Nam”.
Qua các dự án như Từ cổ vật Hoàng Thanh Thăng Long cho thấy một cách tiếp cận tỉ mỉ, có nghiên cứu khoa học của VAN•HOA. Chị có thể nói rõ thêm về quá trình nghiên cứu: nghiên cứu cái gì, ra sao,… trước khi đội ngũ đi vào thiết kế một dự án?
Tôi nhận thấy mỗi nền văn hoá đều có những hệ thống biểu tượng và hoạ tiết đặc trưng, xuất hiện trên nhiều dạng vật liệu như vải, giấy, gỗ… và trong nhiều hoạt động của cuộc sống. Tại Nhật Bản, hệ thống hoạ tiết của họ tương đối rõ ràng, được xây dựng thành các kho dữ liệu hoạ tiết với tên gọi và ý nghĩa đặc trưng thú vị. Vì vậy, tôi cũng mong muốn có thể thống kê các mẫu hoạ tiết xuất hiện phổ biến trong từng thời kỳ của Việt Nam.
Chúng tôi cũng không phải là đơn vị đầu tiên và duy nhất thực hiện số hoá dữ liệu hoạ tiết, và học hỏi được rất nhiều từ các dự án đi trước. Về phía VAN•HOA, tôi mong muốn các hoạ tiết có thể dễ dàng được ứng dụng trên các thiết kế công nghiệp và các vật liệu khác nhau, có tính đại trà, nên chúng tôi ưu tiên chọn các chủ đề mang tính trang trí, dễ dùng.
Một trong những yếu tố tiên quyết để chúng tôi triển khai dự án là có nguồn thông tin và hình ảnh hiện vật tốt, rõ ràng, cũng như chủ đề có nhiều tư liệu tham khảo có tính chính danh. Đặc biệt nếu có thông tin đa ngôn ngữ để dễ đối chiếu chéo thông tin thì càng tốt. Các nguồn thông tin sử dụng để làm hoạ tiết, chúng tôi đều trích dẫn nguồn trong phần giới thiệu.
Chẳng hạn như bộ hoạ tiết Hoàng Thành Thăng Long thì bên mình may mắn nhận được quyển sách tư liệu nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Hoàng Thành. Còn như bộ hoạ tiết Trống Đồng mà chúng tôi đang triển khai, thì có tham khảo cả sách nghiên cứu của Đại học Hongsik của Hàn Quốc, và một số tài liệu từ Trung Quốc. Lượng thông tin về Trống Đồng lớn và đa dạng hơn, bù lại việc tổng hợp và phân loại cũng cần chọn lọc hơn.
Tính bền vững của một dự án được thể hiện qua các mặt nào ở các sản phẩm của VAN•HOA?
Đối với VAN•HOA, bền vững bao gồm việc: khả năng duy trì, khả năng phát triển và tính kế thừa. Tuỳ thuộc vào đặc tính và mục tiêu của từng dự án, các đặc tính này sẽ được sắp xếp và ứng dụng khác nhau. Đối với VAN•HOA, mỗi dự án đều là các quá trình học hỏi rồi lại tự xoá bỏ định kiến để không ngừng mở rộng các khả năng và địa hạt thử sức.
Hiện VAN•HOA mới có 2 nhóm sản phẩm:
1/ Sản phẩm dữ liệu hoa văn: được hệ thống và tinh chỉnh về chất lượng hình ảnh và nội dung, để các nhóm sáng tạo có cơ sở tham khảo và sử dụng cho các mục tiêu thiết kế, sáng tạo. Sản phẩm này, VAN•HOA hướng tới việc dễ sử dụng, dễ cho các bạn trẻ mở rộng và phát triển trong các thiết kế khác nhau, nên chủ yếu VAN•HOA tách hoạ tiết và chạy nhịp dạng cơ bản, cung cấp thông tin đính kèm, và minh hoạ một vài ứng dụng trên đồ hoạ và ảnh động, cũng như thử nghiệm in ấn trên một số sản phẩm lưu niệm.
Đối với sản phẩm này, VAN•HOA cũng mở rộng hợp tác cùng nhiều cá nhân và nhóm thực hành sáng tạo để nghiên cứu và tham khảo các khả năng mở rộng trong ứng dụng. Chẳng hạn như hợp tác với Giấy dó Ngô Đồng để triển khai hoạ tiết thành khuôn giấy dó, hay có bạn giảng viên hội hoạ mong muốn sử dụng thành giáo án mỹ thuật cho học viên.
2/ Sản phẩm Hộp trải nghiệm văn hoá “Culture in a Box” – hiện đang hợp tác với nghệ nhân Con Giống Bột: đây là sản phẩm hướng tới tính giáo dục, nên được chú trọng về nội dung thông tin, cũng như xây dựng cách thức tương tác đủ linh hoạt, có thể vận hành trực tuyến.
Một bộ sản phẩm bao gồm một set DIY có: nguyên liệu thô (là bột nặn do nghệ nhân ủ, có thể để trong 6 tháng), một số công cụ cơ bản, và phụ kiện để trình bày sản phẩm. Ngoài ra có các bộ zine giới thiệu về nghệ nhân và nghệ thuật Con Giống Bột.
Sản phẩm giúp bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu cũng có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về sản phẩm làng nghề, cũng như hình thành nhóm sản phẩm mới để hỗ trợ sinh kế cho nghệ nhân.
VAN•HOA định hướng trở thành đơn vị có trách nhiệm trong việc nghiên cứu và triển khai các thiết kế sáng tạo, phù hợp với định hướng kinh tế tuần hoàn. Vậy việc tiếp cận định hướng kinh tế tuần hoàn này được bên mình triển khai như thế nào, với tầm nhìn và mục tiêu ra sao?
“Kinh tế tuần hoàn” là một tham vọng rất lớn trong việc thay đổi mô hình sản xuất và hành vi tiêu dùng của con người, nhằm hạn chế khai thác nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, cũng như giảm tải về lượng rác thải. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, VAN•HOA cũng mong muốn đóng góp trong khả năng của mình.
Trong mô hình “kinh tế tuần hoàn”, thì bước “thiết kế” là bước đầu tiên sau khi vật liệu/nguyên liệu thô được đưa vào chu trình sản xuất. Hiện tại VAN•HOA mới ở bước tìm hiểu về các triết lý “thiết kế tuần hoàn” đang được trao đổi khá sôi nổi trên các diễn đang Quốc tế, và thử nghiệm để triển khai các ý tưởng thiết kế “dễ tái sử dụng”, vì thế nên câu chuyện về tính trách nhiệm trong thiết kế của tụi mình mới là “định hướng” thôi.
Cho đến trước dịch, VAN•HOA cũng rất chịu khó đi giao lưu học hỏi với các nhóm đang hoạt động trong mảng thu gom và phân loại, sản xuất vật liệu tái chế, cùng các nhóm nghiên cứu vật liệu bản địa để xác định tốt hơn vấn đề và tìm kiếm cơ hội thử nghiệm. Trong tương lai khi hiểu hơn về các chu trình và vòng tuần hoàn của các sản phẩm, chúng mình mong có thể qua khả năng thiết kế để hỗ trợ tốt hơn cho việc dễ thu gom và phân loại.
Sau một quá trình vận hành, VAN•HOA nhận thấy với mô hình này có khó khăn và cơ hội như thế nào?
Khó khăn lớn nhất khi là thiếu thông tin và kinh nghiệm thực tế. Khi tìm kiếm về “kinh tế tuần hoàn” và “thiết kế tuần hoàn”, chủ yếu chúng tôi phải đọc và xem các tư liệu từ nước ngoài mà chưa có nền tảng và khả năng thử nghiệm ngay. Việc tiếp xúc với các quy trình sản xuất để hiểu và xác định vấn đề cũng không dễ dàng, đặc biệt là giai đoạn thu gom, xử lý và phân loại trước khi đưa vào tái chế. Khi chưa “thấu hiểu” thì chưa thể xây dựng phương án tối ưu.
Thứ hai là với các thiết kế mới, chi phí nghiên cứu, lên mẫu và giá thành sản xuất là khá cao. Và cũng ít đơn vị sản xuất gia công chịu thử nghiệm làm những mẫu “lạ hơn bình thường”, cũng như có thể tư vấn ngược lại cho đơn vị thiết kế trong quá trình triển khai. Rất may đến nay VAN•HOA cũng có được sự đồng hành nhất định.
Ngoài ra, VAN•HOA vẫn là một đơn vị mới, năng lực và nguồn lực còn nhỏ nên chưa thể gồng gánh quá nhiều trách nhiệm trong thời gian này, chỉ có thể thử nghiệm từng chút một để cân bằng với các mục tiêu duy trì doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhận được sự ủng hộ và động viên của nhiều đối tác, chúng tôi nhận thấy giờ đây, rất nhiều tổ chức và doanh nghiệp ngày càng có ý thức và mong muốn chia sẻ các trách nhiệm xã hội chung, cũng như tìm kiếm các giá trị về chất lượng sản phẩm hơn. Ngoài ra, khi có được một số sản phẩm thành hình, dù chưa hoàn thiện như mong muốn, thì VAN•HOA cũng thu hút được những đối tác bày tỏ thiện chí cùng hợp tác và nâng cấp cho các dự án tiếp theo.
Còn về trường tiêu thụ của VAN•HOA thì sao? Chị và đội ngũ có chiến lược nào trong việc tiếp cận dự án lẫn thị trường hay không?
Nhu cầu khẳng định về “văn hoá” thường xuất hiện khi chúng ta được đặt ở tình thế phải so sánh bản thân mình với một người đến từ một “văn hoá” khác.
Hiện nay, các sản phẩm của VAN•HOA được ủng hộ nhiều nhất bởi các tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hoặc các đơn vị giáo dục muốn đa dạng hoá hoạt động cho học sinh thông qua các trải nghiệm về văn hoá.
VAN•HOA cũng có dịp được kết nối và làm việc với một số doanh nghiệp Việt Nam có nhiều hoạt động đối ngoại và hướng tới giới thiệu sản phẩm Việt ra các thị trường lớn. Trong trường hợp này, các giá trị về nền tảng văn hoá sẽ phát huy được nhiều nhất giá trị của mình trong việc giúp xây dựng hình ảnh và tạo cảm tình đối với sản phẩm Việt Nam.
Với nguồn tài nguyên “văn hoá” có bề dày và liên tục bồi đắp từng ngày, VAN•HOA vẫn kiên trì với việc xây dựng chiều sâu trong tư duy, nhưng cố gắng tạo ra những sản phẩm cơ bản dễ ứng dụng nhất để tạo những điểm khởi chạm thân thiện hơn với đại đa số.
“Bản sắc văn hóa Việt Nam là gì” được cho là câu hỏi nền tảng của VAN•HOA? Chị có thể lý giải?
Đây là câu hỏi VAN•HOA dành cho bản thân, cũng như mời mọi người cùng suy ngẫm và tham gia hành trình tìm kiếm câu trả lời với chúng mình, thông qua các hoạt động và các sản phẩm chúng mình thực hiện.
Câu hỏi này không cần một câu trả lời cụ thể, mà để mở ra những góc nhìn và các cuộc thảo luận đa chiều thú vị. Vì mỗi người đều có những sự gắn kết vô hình với những nét “văn hoá” từ môi trường hàng ngày của người đó,
Sự liên kết giữa VAN•HOA và các làng nghề được triển khai ra sao? Tính thủ công được tôn trọng như thế nào trong cách tiếp cận dự án của đơn vị?
VAN•HOA thấy, điều giá trị nhất của sản phẩm thủ công – chính là quá trình sản phẩm được dần hình thành từ những nguyên vật liệu sơ khai. Quá trình đó không chỉ thể hiện sự liên kết của hoạt động con người với tài nguyên thiên nhiên, mà còn biểu đạt các dấu ấn sắc thái tình cảm và cả kỹ nghệ của người làm thủ công. Vì vậy trong khi trao đổi và làm việc với các nghệ nhân, chúng tôi thường đi sâu khai thác về các nội dung liên quan đến hành trình đó.
VAN•HOA cũng hợp tác cùng nghệ nhân cũng theo hình thức “sáng tạo tập thể”. Thay vì đặt hàng nghệ nhân làm theo yêu cầu, chúng mình mời nghệ nhân tham gia vào quá trình tư duy và phát triển các ứng dụng sản phẩm. Đó là một quá trình học hỏi lẫn nhau và trao đổi sâu về quan điểm làm nghề, về phong cách đặc thù, về công cụ lao động… từ đó dẫn tới các cuộc trao đổi về giải pháp cải tiến công cụ, mở rộng góc nhìn và hình thức ứng dụng sản phẩm, phương án tổ chức đội ngũ cũng như quản lý chất lượng sản phẩm trong lâu dài.
Điều VAN•HOA mong muốn tạo dựng được lòng tin và sự tự chủ với mỗi đối tác của mình.
Được biết bên mình đang triển khai dự án Ứng dụng văn hoá bản địa Việt Nam trong xây dựng thương hiệu Việt. Chị có thể nói rõ hơn về dự án này?
Việc “ứng dụng văn hoá bản địa trong xây dựng thương hiệu” thì không phải là dự án, mà là một hoạt động và dịch vụ của VAN•HOA, nhằm gia tăng cơ hội ứng dụng kiến thức và tạo ra các giá trị thực tế.
Đều là vải lanh dệt tay, vải lanh Hà Giang có gì khác so với vải lanh ở Lào Cai? Câu trả lời cho câu hỏi này cũng rất đa dạng. Có thể khác ở cách ủ màu để ra màu khác nhau, ở kỹ thuật dệt, hay các tác động khí hậu… Tương tự, trà Thái Nguyên sẽ khác gì với trà Cao Bằng hay trà ở Lâm Đồng? Xa hơn thì, trà Việt Nam sẽ khác gì so với trà Sri Lanka hay trà Đài Loan?
Các nét văn hoá tập quán, sinh hoạt khác nhau, vốn được hình thành từ ảnh hưởng khí hậu, địa lý khác nhau, sẽ tạo ra các sản phẩm có đặc tính khác nhau. Thông qua việc nghiên cứu tìm hiểu sâu về văn hoá bản địa, sẽ khai thác và nhận biết được thế mạnh đặc trưng có thể làm tốt nhất. Các mô hình OVOP hay hiện nay là OCOP vốn cũng được hình thành trên nền tảng này. Tuy nhiên mình cảm thấy ở Việt Nam thì phần nhiều còn chú trọng về sản phẩm hơn là quá trình và hệ sinh thái tạo ra sản phẩm.
Với một đất nước nông nghiệp, lại có nền văn hoá lịch sử giao thoa rộng rãi, tôi tin là Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để xây dựng được các thương hiệu sản phẩm mạnh. Và khi khai thác sâu sắc về nền văn hoá tạo ra sản phẩm đó, thì chúng ta cũng sẽ có rất nhiều “nguyên liệu” cho việc xây dựng hình ảnh cũng như câu chuyện của thương hiệu một cách thuyết phục và gắn kết hơn với sản phẩm.