ART & CULTURE

Họa sĩ Đặng Dương Bằng: “Cuộc sống trở nên ý nghĩa khi ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp ẩn tàng”

Dec 17, 2024 | By Luxuo Vietnam

Hoạ sĩ Đặng Dương Bằng nổi tiếng với phong cách nghệ thuật mới mẻ, luôn tìm kiếm và phác hoạ vẻ đẹp của những điều tưởng chừng giản dị. Triển lãm “Nocturne” (2024) không chỉ là cột mốc quan trọng mà còn là lời tri ân sâu sắc đến quê hương Hà Nội, nơi ông luôn gắn bó trong tâm hồn và ký ức. Cũng trong dịp này, người nghệ sĩ đa cảm đã trải lòng về những triết lý nghệ thuật độc đáo đã định hình sự nghiệp hội hoạ của mình.

Không chỉ là Giáo sư Công nghệ Nano tại Đại học Bách khoa Đan Mạch, Đặng Dương Bằng được công chúng biết đến nhiều hơn với vai trò một họa sĩ tài ba, khéo léo se duyên giữa truyền thống và hiện đại trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Với hơn 40 triển lãm cá nhân được tổ chức tại các thành phố nghệ thuật hàng đầu thế giới, sự nghiệp nghệ thuật của Đặng Dương Bằng để lại những dấu ấn mạnh mẽ đối với thế giới cung như quê hương Việt Nam với phong cách nghệ thuật và nguồn cảm hứng độc bản đầy mới mẻ.

Năm 2024, Đặng Dương Bằng khẳng định “cái tôi” nghệ thuật của mình với triển lãm “Nocturne” – Nhạc khúc đêm huyền diệu. Triển lãm này không chỉ đánh dấu cột mốc 50 năm sự nghiệp hội họa kể từ khi ông trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội vào năm 1974, mà còn được xem như một lời tri ân sâu sắc mà ông dành cho quê hương Hà Nội, nơi luôn hiện hữu trong tâm hồn và những giấc mơ của ông. Những tác phẩm trong “Nocturne” không chỉ là sự thể hiện tài năng nghệ thuật, mà còn là những cảm xúc chân thành, mang đậm sắc màu của quê hương và những kỷ niệm thân thương.

Trong lần trò chuyện cùng LUXUO, người nghệ sĩ đa cảm cũng là nhà khoa học lỗi lạc chiêm nghiệm về hội hoạ và vẻ đẹp của cuộc sống từ những điều tưởng chừng nhỏ bé nhất qua đó truyền cảm hứng và khiến người xem thấu hiểu sâu sắc hành trình nghệ thuật của ông.

Sự song hành của hội hoạ và khoa học

Xin chào Hoạ sĩ Đặng Dương Bằng! Không chỉ là nghệ sĩ đa cảm, ông còn được biết đến như một nhà khoa học. Vậy ông cân bằng giữa nghệ thuật và công việc nghiên cứu khoa học như thế nào? 

Ngoài giảng dạy tôi tốn khá nhiều thời gian để hoàn thành việc lên ý tưởng, chuẩn bị các đề án nghiên cứu, xin tài trợ cho các nhóm nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Bách Khoa Đan Mạch. Dù vậy, việc bận rộn lại mang đến cho tôi rất nhiều nguồn cảm hứng hội hoạ và khao khát được vẽ.  

Mặt khác, hội hoạ giúp tôi định tâm, giải toả căng thẳng và lấy lại cân bằng cho cuộc sống. Khi vẽ, tôi như được bù đắp nỗi nhớ quê nhà. Vẽ cũng là cách giúp tôi đối diện với chính mình, thanh lọc, loại bỏ đi những tạp niệm, suy tư phiền muộn. Mỗi khi hoàn thành một tác phẩm, tôi chìm vào giấc ngủ bình yên với những giấc mơ đẹp đẽ mà hội họa nuôi dưỡng.

Vậy sự tương tác giữa hai lĩnh vực này thể hiện như thế nào trong suy nghĩ và quá trình sáng tạo của ông?

Ban ngày làm khoa học, đêm về vẽ tranh. Hai lĩnh vực tưởng như tách biệt, nhưng lại dung hòa một cách tuyệt diệu trong cuộc sống của tôi. Nếu hội hoạ giúp tôi vượt qua căng thẳng trong công việc nghiên cứu, thì khoa học mở ra những cách tiếp cận mới mẻ khi tôi sáng tạo nghệ thuật. Qua những thử nghiệm, nghiên cứu, và cách đặt vấn đề độc đáo, tôi vận dụng tư duy của người làm khoa học để thổi làn gió mới vào từng nét vẽ.

Khoa học đôi khi cũng là nguồn cảm hứng của những ý tưởng hội họa táo bạo. Chẳng hạn, các tiêu bản tế bào, vi khuẩn nhuộm màu hay các ảnh chụp virus hoặc các cấu trúc nano được quan sát bằng kính hiển vi điện tử chẳng khác gì các tác phẩm trừu tượng của các họa sĩ bậc thầy trên thế giới. Khá nhiều phác thảo trên những tờ giấy ghi chú của tôi đã ra đời ngay tại phòng lab, trong thời gian chờ đợi đến lượt thí nghiệm tiếp theo, như một sự giao thoa diệu kỳ giữa khoa học và nghệ thuật. 

Xuất thân từ một gia đình trung lưu ở Hà Nội và được đào tạo dưới sự hướng dẫn của chú ruột, Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, đã định hình phong cách nghệ thuật hiện tại của ông như thế nào?

Kể từ năm 9 tuổi, tôi được gia đình tạo cơ hội học vẽ ở nhà bác Nguyễn Tiến Chung trong suốt 4 mùa hè. Thời gian này đã mang đến cho tôi rất nhiều bài học đáng giá nhưng có 2 điều đóng vai trò nền tảng cho hành trình thực hành nghệ thuật của tôi đến hiện tại.

Điều đầu tiên là việc làm thế nào để chuyển hóa những điều bình dị thành một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân. Bác Chung từng dạy tôi rằng: “Con hãy vẽ cái nhà theo cách con nghĩ, chứ đừng vẽ cái nhà như cách con thấy”. Chỉ dẫn này giúp tôi hiểu rằng nghệ thuật không đơn thuần là sao chép thực tại mà là khắc họa cảm xúc và góc nhìn riêng, để mỗi nét vẽ đều mang đậm dấu ấn của tâm hồn người nghệ sĩ.

Điều thứ hai, chính là sự cần mẫn và chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ để tạo nên một tác phẩm lớn. Khi thực hiện những tác phẩm như “Mùa gặt” hay “Đập lúa”, bác Chung luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu tỉ mỉ, thực hiện vô số ký họa, trực họa, và phác thảo từng nhân vật. Phương pháp làm việc của bác là một minh chứng cho thấy sự tận tâm và kiên trì trong mỗi công đoạn sáng tác. Điều đó đã khiến tôi luôn ghi nhớ và noi gương để đạt đến sự chân thật trong cảm xúc và tìm ra tiếng nói cá nhân trong nghệ thuật của mình.

Nhiều tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của các nhân vật nổi tiếng như Elton JohnGates Foundation của Bill Gates. Sự công nhận này có ảnh hưởng như thế nào đến cách tiếp cận nghệ thuật của ông? 

Việc bán các tác phẩm được thực hiện bởi các gallery. Bức tranh được Elton Johb sở hữu nằm trong serie “The Beau and the Beast” từ một dự án đấu giá tranh từ thiện ủng hộ các bệnh nhân AIDS tại Gallery Attitude, London (2012). Collection 3 bức tranh khắc hoạ vẻ đẹp của sen và chuồn chuồn nằm trong serie “The sounds of silence”, tham gia triển lãm ủng hộ từ thiện cho hoạt động của Gate Foundation tại New York (2010). 

Tất cả những người yêu nghệ thuật của tôi, bất kể họ là ai, có tiếng tăm hay không, đều vô cùng quý giá và mang lại niềm vui cho tôi. Điều làm tôi hạnh phúc nhất khi bức tranh được mua bởi những nhân vật tầm cỡ trong sự kiện từ thiện không đơn thuần là sự ghi nhận mà chính là việc nghệ thuật của mình đang giúp đỡ được những người khó khăn ở trên thế giới. 

Nhạc khúc đêm huyền diệu từ điều bình dị

Trải nghiệm về sự cô đơn và nhớ nhà khi phải sống xa quê hương đã ảnh hưởng như thế nào đến nghệ thuật của ông? 

Đã 40 năm kể từ khi tôi bắt đầu sống xa quê hương, cuộc sống ở Đan Mạch trở nên quen thuộc. Nơi này như là quê hương thứ 2 của tôi. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ những người bạn thân thiết, nhớ tiếng Việt, và cảm thấy cô đơn nơi xứ lạnh, với đất trời bao la và mùa đông tuyết xám. Những ngày Tết, khi lòng tràn ngập nỗi nhớ về hơi ấm gia đình, mọi thứ ở nơi đây vẫn tiếp tục diễn ra đều đặn theo một nhịp điệu không đổi. Thế nhưng, khi đã quen với cuộc sống ấy, tôi lại nhận ra rằng mình đã tìm thấy hạnh phúc trong những nỗi buồn thật đẹp.

Những ký ức về mẹ, về Hà Nội, có thể khiến tôi rơi nước mắt, nhưng chính những cảm xúc ấy lại mang lại cho tôi sự ấm áp lạ thường. Trong những giọt nước mắt ấy, tôi tìm thấy vẻ đẹp của sự nhớ nhung và lòng tri ân đối với những điều quý giá mà cuộc sống đã ban tặng cho mình.

Tranh của ông thường khai thác vẻ đẹp từ những khoảnh khắc bình dị. Ông có thể chia sẻ về những trải nghiệm cụ thể đã truyền cảm hứng cho các tác phẩm trong triển lãm “Nocturne” không? 

Tôi tin rằng cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn khi ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp ẩn tàng trong những điều giản dị xung quanh. Sứ mệnh của người nghệ sĩ là làm cho mọi người nhận ra vẻ đẹp ấy thông qua nghệ thuật. Cuộc đời mỗi người trở nên ý vị khi có những khoảnh khắc đẹp đẽ và được lưu giữ mãi trong tâm khảm. Với tôi, ý tưởng có thể xuất hiện từ những điều rất gần gũi như khoảnh khắc giao mùa, khi trời se lạnh hay những hạt mưa tí tách rơi. Đôi khi, cảm hứng lại đến từ một nhạc khúc của Phú Quang, Trịnh Công Sơn về Hà Nội, hoặc một giấc mơ kỳ lạ chợt đến trong đêm.

Tuy nhiên, việc diễn tả vẻ đẹp từ khoảnh khắc bình dị chưa bao giờ là dễ dàng trong hội hoạ. Thách thức lớn nhất đối với một người nghệ sĩ chính là làm sao để biến một điều mà ai cũng biết, ai cũng thấy thành một tác phẩm có ngôn ngữ riêng, khiến cho những khoảnh khắc ấy trở nên độc đáo và vượt thời gian.

Từ sơn dầu đến giấy tái chế, ông đã sử dụng nhiều chất liệu khác nhau. Điều gì khiến ông lựa chọn những chất liệu này cho triển lãm Nocturne? Chúng có vai trò như thế nào trong việc truyền tải thông điệp của tác phẩm? 

“Cái tôi” trong hội hoạ là thứ cực kỳ quan trọng. Thông qua “cái tôi” ấy, người xem cảm nhận  phong cách riêng cũng như “tiếng nói” độc bản của hoạ sĩ trong hàng ngàn nghệ sĩ. Sử dụng nhiều chất liệu khác nhau cũng là cách tìm ra “cái tôi” của mình trong nghệ thuật. 

Là người làm nghiên cứu khoa học, tôi khát khao tìm tòi và thử nghiệm để tìm ra điều mới lạ. Khi sống ở Châu Âu, tôi không có điều kiện để thử sức với tranh sơn mài truyền thống. Vì vậy, tôi đã thử nghiệm làm sơn mài trên các chất liệu mới như trên giấy báo, trên vải bồi hay trên giấy báo. Khi đã vẽ nhiều tác phẩm rực rỡ, hay những chất liệu đắt tiền như dát vàng, tôi lại muốn thử thách mình với điều tối giản. 

Cũng với tư duy của người làm khoa học, tôi thích chứng minh rằng: cái đẹp có thể hiện hữu trong những thứ tưởng chừng như bỏ đi hay giản đơn nhất. Tôi thích vẽ tranh lên những chiếc vé tàu trong khi đi du lịch. Tôi cảm nhận vẻ đẹp ấm áp trong bìa hộp bánh đựng pizza, hay giấy nâu gói bánh mì ăn sáng. Tôi thấy những kỷ niệm đẹp trên tờ giấy ăn, giấy bọc kẹo socola của một bữa tiệc vui, tấm vé hoà nhạc một nơi lưu lại nhiều kỷ niệm. 

Sức sáng tạo của người nghệ sĩ không chỉ là tìm thấy sự tuyệt mỹ của những chất liệu sang quý mà nhìn ra được vẻ đẹp ẩn tàng trong thứ bình dị nhất. Từ đó, họ thổi hồn vào những vật phẩm tưởng chừng đã bỏ đi, làm nên điều kỳ diệu khi ban tặng cho chúng một cuộc sống mới, một giá trị khác biệt.

Việc sử dụng những trang báo bị vò nhàu làm chất liệu trong một số bức tranh có ý nghĩa và tác động như thế nào đến cách người xem cảm nhận tác phẩm?

Thời ở Hà Nội, mỗi khi tới chơi nhà bác Phái (Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái) tôi được chứng kiến người nghệ sĩ ấy nhiều lần bỏ đi, thậm chí đốt các tác phẩm đang dần hoàn thiện vì cảm thấy không ưng ý. Những lúc như thế, tôi âm thầm giữ lại, vuốt phẳng ra rồi sau một thời gian đưa lại cho bác những bức ký hoạ này. Tôi bảo “Sẽ có thể một lúc nào đó bác lại thấy nó đẹp nên bác đừng vội vứt đi”. Tôi nhìn thấy “sức sống” trong những tác phẩm bị vò nhàu nhăn nhúm, thậm chí từ cả những vết loang ố, tẩy xoá. Nó cũng giống như những vết nhăn trên khuôn mặt của con người. Nếu ta yêu ta sẽ yêu cả những nếp nhăn đó. 

Tương tự như vậy, cái hay khi vẽ trên giấy báo chính là tính độc bản. Tôi thường không phủ hết màu hay vàng bạc kín lên giấy báo mà để lại một phần của nó. Đó là cuộc đời không bỏ đi của một tờ báo cũ bởi nó đã được nâng tầm và trở thành một phần của nghệ thuật. 

Ông muốn khán giả cảm nhận được thông điệp hay cảm xúc gì từ các tác phẩm trong triển lãm “Nocturne”, đặc biệt là khi ông không chỉ là nhà khoa học mà còn là nghệ sĩ?

Khi thưởng lãm tranh, tôi mong muốn khán giả đắm chìm trong từng nét vẽ và những xúc cảm hay những bình yên cho chính mình qua những bức tranh của tôi thay vì suy nghĩ nhiều về việc tôi là ai. Đó là cách tôi và những tâm hồn yêu “cái đẹp”, dù chưa bao giờ gặp nhau, trở nên đồng điệu, kết nối qua sự chia sẻ trong hội hoạ và trong cuộc sống. 

Chân thành cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa từ ông!

Theo Thị trường & Thương gia


 
Back to top