Gieves & Hawkes: Sự kết thúc của một triều đại
Gieves & Hawkes, nhà may danh tiếng xứ sở sương mù đang rơi vào bế tắc, đối mặt với khủng hoảng và phải chấp nhận đóng cửa hàng 250 năm tuổi của mình tại phố Savile Row.
Một trong những nhà may lâu đời nhất của Savile Row, Gieves & Hawkes, phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa sau khi có tin rằng công ty mẹ Shandong Ruyi Technology Group đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ.
Cửa hàng may 250 năm tuổi này là một tượng đài trong ngành may đo thủ công ở Anh Quốc, với các khách hàng là Hoàng gia Anh, Winston Churchill và nhiều người nổi tiếng khác.
Gieves & Hawkes và công ty chị em Kent & Curwen, thuộc sở hữu của Trinity Limited – một công ty con của Tập đoàn Công nghệ Shandong Ruyi, tập đoàn mong muốn trở thành phiên bản Trung Quốc của LVMH.
The Times đưa tin rằng tập đoàn Trung Quốc này mắc nợ 4 tỷ USD sau khi tiến hành một cuộc mua bán vào năm 2015. Động thái này là một nỗ lực nhằm xây dựng một đế chế có thể sánh ngang với LVMH nhưng họ đã thất bại trong việc quản lý các khoản nợ của mình. Các nỗ lực đang được tiến hành và nếu không có phép màu nào xảy ra, điều này đồng nghĩa với sự kết thúc của một thương hiệu lịch sử của Anh.
Tuy nhiên, ngay cả khi tìm được người giải cứu, công việc kinh doanh tại Gieves & Hawkes vẫn khá kém cỏi. Nhu cầu về các loại quần áo lễ phục đã giảm ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Người ta quan sát thấy rằng sự thay đổi thị hiếu trong thời trang nam giới, được thúc đẩy bởi sự nở rộ của thời trang dạo phố, là một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm nghiêm trọng này.
Thế hệ trẻ ngày nay yêu thích thời trang và các xu hướng xuất hiện trên sàn diễn. Các nhà thiết kế hàng đầu đã đẩy câu chuyện theo hướng đại chúng hơn và điều này có thể được quan sát từ các thương hiệu thời trang như Dior, Ermenegildo Zegna, Louis Vuitton và những người khác. Những người thợ may ở Savile Row là “phản đề” của xu hướng ăn mặc thoải mái hiện nay. Họ được coi là cứng nhắc, quá trang trọng và không “thú vị”.
Việc rời bỏ những nhà may sang trọng này đã tăng tốc khi đại dịch xảy ra. Nhân viên văn phòng giờ đây có quyền lựa chọn làm việc từ xa và điều này có nghĩa là không cần mặc trang phục lịch sự như áo sơ mi và quần âu.
Kết quả là doanh thu của các cửa hàng Savile Row sụt giảm nghiêm trọng. Cộng với lệnh cấm du lịch, doanh số bán hàng quốc tế cũng giảm khi lượng khách đến các cửa hàng rất thưa thớt. Bất chấp lợi nhuận eo hẹp từ các nhà may, giá thuê tại Savile Row vẫn tiếp tục tăng. Để giúp giảm bớt tình trạng này, chủ nhà đã thực hiện thời gian “miễn tiền thuê” cũng như tùy chọn thuê hàng tháng thay vì hàng quý. Nhưng đây là những giải pháp ngắn hạn và các nhà may phải nhanh chóng tìm các cách khác nếu không muốn bị đóng cửa.
Việc đóng cửa Gieves & Hawkes có thể dẫn đến hiệu ứng domino và những nhà may khác trên Savile Row cũng sẽ phải chịu thua thiệt. Và nếu điều đó thực sự xảy ra, đó chắc chắn sẽ là một tổn thất cho nước Anh cũng như nền văn hóa và truyền thống may đo thủ công tại đây. Trong một thời gian dài, ước mơ của nhiều nhà thiết kế thời trang nam mới vào nghề là được đến làm việc tại khu Savile Row tôn kính, và nhiều người nổi tiếng trước đây đã từng có trải nghiệm đó, bao gồm Lee Alexander McQueen và Ozwald Boateng.
Một bộ vest đặt riêng tại Gieves & Hawkes sẽ có giá khoảng 3.500 bảng Anh trong khi một bộ vest may sẵn là khoảng 795 bảng Anh. Phải mất hai lần thử và khoảng mười tuần để may xong chúng. Kathryn Sargent, thợ cắt nữ trưởng đầu tiên tại Gieves & Hawkes đã nói vào năm 2010: “Tất cả mọi người từ Churchill đến David Beckham đều đã từng may vest ở đây trong 200 năm qua”.
Nếu nhà may này không được cứu, chắc chắn sẽ là một điều đáng tiếc lớn cho thế hệ tiếp theo, những người sẽ không thể có cơ hội sở hữu bộ đồ được may tại thánh địa Savile Row.