LUX STYLE

Jaquet Droz Petite Heure Hoi An: Tuyệt phẩm ca ngợi nét đẹp văn hóa và thiên nhiên Hội An

Dec 20, 2021 | By Ton Binh

Từ ngôi làng nhỏ bé vùng La Chaux-de-Fonds, thiên tài Pierre Jaquet-Droz đã đánh cỗ xe ngựa, chở 6 cỗ máy độc đáo chu du suốt 49 ngày đế tới trình lên đức Vua Tây Ban Nha. Kể từ đó, nhiều tác phẩm đặt thửa của Jaquet-Droz không chỉ chinh phục vua chúa phương Tây mà còn vươn mình sang Nhật Bản, Tử Cấm Thành và ngày nay vẫn được trưng bày trong các bảo tàng danh tiếng.

Tiếp tục chuỗi sáng tác tôn vinh văn hoá bản địa, Jaquet Droz đã vận dụng kỹ nghệ chế tác đồng hồ độc bản để tôn vinh hình ảnh phố cổ Hội An trên chiếc Petite Heure giàu tính lịch sử.

Triết Lý 300 năm của Jaquet-Droz: Nghệ thuật của sự độc nhất

Trong gần ba thế kỷ, Jaquet Droz đã đưa khái niệm chế tác đồng hồ nói riêng và nghệ thuật nói chung từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đến thế giới. Vào thế kỷ thứ 18, gia tộc Jaquet-Droz là những người đi tiên phong trong nghệ thuật trang trí vượt bậc, sử dụng những loại hình chế tác vô cùng sắc sảo. Bắt đầu từ niềm đam mê, đã dần dần xây dựng nên một thế hệ thợ thủ công với những đôi bàn tay tựa như có phép màu.

Những tác phẩm được trang trí bằng phương pháp paillonné, tráng men, sơn thủ công, điêu khắc và chạm trổ đã và đang là bản chất riêng cũng như sự thành công và danh tiếng của Jaquet Droz.

Thời điểm bây giờ, ngoài những chiếc đồng hồ bỏ túi, những nghệ nhân Jaquet Droz còn mang những bức tranh nghệ thuật lên những chiếc bình, hộp đựng thuốc lá, hay cả trên những chiếc lồng cho những chú chim cơ học có thể hót vang. Khả năng và hướng đi sáng tạo của Jaquet Droz khác biệt bởi “phép phù thủy” của họ luôn có thể thổi được một linh hồn rất sống động và đẹp đẽ vào những đồ vật vô tri vô giác, mang vẻ đẹp thẩm mỹ bên ngoài và sở hữu cấp độ thiên tài của những bộ máy cơ khí bên trong.

Trong số ít những cây đại thụ của thế giới đồng hồ cao cấp, Jaquet Droz là cái tên sở hữu nhiều kiệt tác kinh điển mà giới tinh hoa chưa bao giờ ngừng tìm kiếm. Cha đẻ của thương hiệu, ngài Pierre Jaquet-Droz (1721 – 1790) là một trong những tượng đài thú vị trong buổi sơ khai của ngành đồng hồ. Vốn là một nhà soạn nhạc tài ba và đồng thời là một thiên tài chế tác cơ khí, di sản nghệ thuật mà ngài Pierre Jaquet-Droz để lại thực sự khiến giới mộ điệu đương thời nghiêng mình kính phục. Ông đi tiên phong trong ứng dụng động cơ piston và hệ thống còi để tái hiện những giả âm hoàn hảo nhất của tiếng chim hót, với kích thước siêu nhỏ và sau đó được làm tinh xảo trên hộp thuốc lá, chai rượu, ly cho đến cả súng ống.

Ngày nay, Jaquet Droz thừa hưởng những di sản thế hệ trước để lại, mang đến cho giới mộ điệu cơ hội có thể sở hữu được những chiếc mặt đồng hồ mà họ luôn mơ ước. Chính xác là như vậy, Jaquet Droz sẽ thiết kế theo những yêu cầu và ý tưởng của từng khách hàng, biến những ý tưởng của họ thành sự thật. Vậy phải chăng họ thật sự sở hữu những “đôi bàn tay thần tiên” tại Jaquet Droz Ateliers d’Art?

Văn hóa và cảnh đẹp Việt Nam: Một nguồn cảm hứng vô hạn

Từ năm 2019, Jaquet Droz bắt đầu sử dụng văn hóa, hình ảnh con người và danh lam thắng cảnh của Việt Nam làm cảm hứng sáng tạo ra những thiết kế ưu ái dành riêng cho những nhà sưu tầm Việt. Jaquet Droz đã cho ra mắt độc bản Petite Heure Minute Halong Bay lấy cảm hứng từ thiên nhiên thơ mộng, kỳ vĩ của Vịnh Hạ Long. Vào năm 2020, Jaquet Droz lại tiếp tục chinh phục giới sưu tầm Việt Nam với tác phẩm lấy cảm hứng từ nét văn hoá sông nước độc đáo của miền Tây Nam Bộ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Năm 2021, Jaquet Droz tiếp tục lấy danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam làm nguồn cảm hứng cho bức họa được tô vẽ tinh xảo trên thiết kế đồng hồ độc bản của mình, mang tên Jaquet Droz Petite Heure Hoi An.

Bức tiểu họa vẽ lại Chùa Cầu – một biểu tượng di sản của Hội An  nói riêng và Việt Nam nói chung. Hơn hết, địa danh này cũng được in trên những tờ tiền Việt Nam. Bất cứ ai đến với địa danh này đều ấn tượng bởi vẻ uy nghi như minh chứng cho lịch sử. Đồng thời, chất chứa trong đó niềm tin, hy vọng của người dân nơi đây.

Chùa Cầu ở Hội An được xây dựng vào thế kỷ 17 do các thương nhân Nhật Bản lên ý tưởng thiết kế và xây dựng. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết về quái vật Namazu. Theo đó, phần đầu của quái vật nằm ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam và đuôi nằm tại Nhật Bản. Do vậy, mỗi lần quái vật cựa mình thường xảy ra lũ lụt, động đất. Ngôi chùa này được xây dựng lên với ý nghĩa như thanh kiếm chắn ngang lưng quái vật. Vì thế, nó sẽ không thể cựa mình gây náo loạn cuộc sống của con người. Từ đó, ba quốc gia sẽ luôn yên bình, phát triển hưng thịnh.

Tại xưởng chế tác thủ công Atelier d’Art của Jaquet Doz, những bàn tay điêu luyện của nghệ nhân liên tục thực hiện các công đoạn chế tác một cách tỉ mỉ, chau chuốt từng chi tiết sao cho khéo léo, tinh tế nhất nhằm tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc bản, trong đó bao gồm cả Jaquet Droz Petite Heure Hoi An dành riêng cho giới sưu tầm Việt Nam.

Các nghệ nhân cho dù là hoạ sĩ, thợ điêu khắc hay bậc thầy tráng men đều làm chủ nghệ thuật của sự tương phản, một trong những nét độc đáo khác biệt của Atelier d’Art. Tương phản giữa những kỹ thuật truyền thống và ngôn ngữ thẩm mỹ hiện đại, giữa kỹ thuật tráng men Grand Feu của thiết kế cổ điển và bức tranh tiểu họa sống động, tất cả đều được phô diễn sắc nét để cho ra đời một tác phẩm mang vẻ đẹp rực rỡ vượt thời gian. “Khung tranh” của tuyệt tác tiểu họa này chính là bộ vỏ được chế tác bằng vàng đỏ 18K có kích cỡ 39mm.

Chùa Cầu không chỉ là điểm đến du lịch, một công trình kiến trúc mang ý nghĩa văn hóa, còn là một nơi dành cho những người có tín ngưỡng và tâm linh. Chùa Cầu ở Hội An được xem như là một nơi linh thiêng bảo vệ con người và mảnh đất nơi đây. Được vẽ trên mặt đồng hồ cũng có thể được hiểu như một cách mang đến sự bảo vệ đến chủ nhân.

Độc bản cùng nghệ thuật Pháp Lam – Lưu giữ hàng trăm năm

Jaquet Droz là một trong những thương hiệu hiếm hoi không những duy trì mà còn phát triển phương pháp tráng men Grand Feu. Trong ngôn ngữ Pháp, Grand Feu được dịch ra là “Ngọn Lửa Lớn”. Cái tên này đã nói lên một phần nào đặc điểm của phương pháp kéo dài hàng trăm năm lịch sử này. Đây là kết quả của một phối hợp và tương tác đồng điệu tinh tế của bột men siêu mịn và lò nung có nhiệt độ cao nhưng chính xác.

Đồng thời, với công thức được phát triển riêng của mình, Jaquet Droz còn có thể tránh được những rủi ro so với công thức cổ truyền gốc, nhưng vẫn tạo ra được một tác phẩm mặt số tuyệt đẹp, màu sắc và các đường vân hoàn toàn độc đáo. Một tác phẩm hoàn thành, có khả năng tồn tại cùng độ bóng có thể trải qua nhiều thế kỷ, vượt qua cả sự tàn phá của thời gian.

Ngoài độ bóng, những người nghệ nhân còn phải giữ vững được độ chuẩn của ánh màu. Một sắc của một màu nhất định, có thể mất tới hơn một tiếng để chuẩn bị, hình thành và pha được một sắc thuần khiết. Họ lặp đi lặp lại các bước cho từng sắc đến khi đạt được độ chuẩn của bảng màu dành cho thiết kế nghệ thuật của mình.

Tác phẩm độc bản Jaquet Droz Petite Heure Hoi An được chế tác bởi những nghệ nhân bậc thầy, sẽ trở thành món quà và kỉ vật có thể giữ nguyên tính thẩm mỹ tới mấy trăm năm sau, một bức tranh tiểu họa gần như có nét đẹp vượt qua thời gian trên chính cổ tay của chủ nhân.

Kỹ thuật tiểu họa thượng thừa

Người hoạ sĩ đã thực hiện hoàn toàn thủ công với sự hỗ trợ của kính hiển vi và những dụng cụ chọn lọc cẩn thận. Chẳng hạn như bút vẽ lông phải thực sự vừa vặn với bàn tay và vừa vặn cho chi tiết cần được vẽ. Do vậy, phải mất đến vài tháng để làm ra một chiếc bút lông có hình dáng đáp ứng được yêu cầu của hoạ sĩ như kích thước phù hợp để vẽ những chi tiết như trái cây, con thuyền, chiếc cầu, bầu trời…kể cả tóc hay những đặc điểm tinh tế khác.

Mỗi bức tiểu họa tráng men là tổng hòa của nhiều lớp màu. Mỗi màu lại là sự pha chế của các kim loại oxi hoá khác nhau và nung ở những ngọn lửa nhất định, tạo nên tổng thể hài hoà. Để lên được các tông màu khác nhau, nghệ nhân phải thử nhiều phương pháp, không chỉ tăng giảm các kim loại oxi hoá mà còn tăng giảm cả lượng flux. Sau khi tác phẩm được hoàn thiện, lớp men sẽ giữ được vẻ đẹp và độ bóng trong nhiều thế kỷ, hơn hết là chịu được sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian.

Vẽ trên mặt số diện tích nhỏ vốn đã là rất khó, thế nhưng để bức họa đi sâu vào chi tiết thì người nghệ nhân cần phải điều chỉnh bàn tay so với tầm nhìn khuếch đại trên kính lúp khiến mức độ phức tạp trở nên khó hơn nhiều, đòi hỏi người nghệ nhân cần bàn tay chắc chắn, chậm rãi và cần có sự kiên nhẫn, tập trung cao độ. Do vậy, mỗi chiếc đồng hồ đều chứa đựng giá trị về mặt cảm xúc và yếu tố con người.


 
Back to top