Jacques Doucet, người đầu tiên sở hữu “Những Cô Gái Avignon” của Picasso
Nhà thiết kế thời trang người Pháp, Jacques Doucet, còn được biết đến như một nhà sưu tầm, nhà bảo trợ nghệ thuật danh tiếng. Ông là chủ sở hữu đầu tiên của “Những cô gái Avignon” (1907) – một tuyệt tác của Picasso.
Nhà sưu tầm và bảo trợ nghệ thuật, đồng thời là nhà soạn nhạc, nhà thiết kế thời trang người Pháp, Jacques Doucet (1853–1929), bắt đầu thành lập một thư viện cá nhân từ năm 1916, chuyên sưu tập các tác phẩm văn học xuất sắc và ấn bản, tài liệu, thư từ quý hiếm.
Jacques Doucet sinh ra trong một gia đình khá giả chuyên kinh doanh đồ lót và vải lanh ở Paris. Thương hiệu Doucet Lingerie đã phát triển thịnh vượng ở số 21 Rue de la Paix kể từ năm 1816. Năm 1871, chàng thanh niên Doucet mở một tiệm bán quần áo phụ nữ. Ông thu hút giới phụ nữ thượng lưu bằng những bộ váy thanh lịch, được làm bằng các loại chất liệu mỏng manh và gam màu pastel tinh tế.
Những thiết kế ban đầu của ông được tạo ra cho các nữ diễn viên như Cécile Sorel, Rejane và Sarah Bernhardt (với bộ y phục trắng nổi tiếng trong vở kịch L’Aiglon của Edmond Rostand). Đối với mỗi khách hàng, ông thiết kế với một phong cách riêng. Doucet được cho là một nhà thiết kế theo sở thích cá nhân và phân biệt đối xử, là một người coi trọng địa vị và sự sang trọng hơn là tính mới lạ và thực tế, do đó dần dần không còn được ưa chuộng trong những năm 1920.
Jacques Doucet bắt đầu thành lập một thư viện cá nhân từ năm 1916, chuyên sưu tập các tác phẩm văn học xuất sắc và ấn bản, tài liệu, thư từ quý hiếm. Kể từ khi trở thành một nhà sưu tầm nhiệt tình của đồ nội thất thế kỷ XVIII, cũng như các món đồ nghệ thuật, hội hoạ và tác phẩm điêu khác, phong cách trang phục do ông thiết kế và dinh thự nơi ông sống, chịu ảnh hưởng từ niềm đam mê nghệ thuật mạnh mẽ của ông.
Vài năm sau Thế Chiến I, khoảng năm 1927, những người theo Chủ nghĩa Lập Thể (Cubists) như Joseph Csaky, Jacques Lipchitz, Louis Marcoussis, Henri Laurens, và nhà điêu khắc Gustave Miklos, v.v. đã hợp tác trang trí cho dinh thự của Doucet tại số 33 rue Saint-James, thuộc vùng Neuilly-sur-Seine ngoại ô Paris. Ngôi dinh thự được thiết kế bởi kiến trúc sư Paul Ruaud. Henri Laurens thiết kế đài phun nước. Joseph Csaky thiết kế cầu thang. Jacques Lipchitz làm lò sưởi. Và Louis Marcoussis tạo ra một tấm thảm theo phong cách lập thể.
Là một nhà sưu tầm nghệ thuật và văn học trong suốt cuộc đời của mình, trước khi qua đời, Jacques Doucet đã xây dựng được một bộ sưu tập lớn gồm các kiệt tác theo trường phái Hậu Ấn Tượng và Lập Thể (trong đó có bức “Les Demoiselles d’Avignon” mà ông đã mua trực tiếp từ xưởng vẽ của Picasso), và hai thư viện mà ông đã để lại cho quốc gia Pháp.
Doucet đã tặng một phần trong bộ sưu tập của ông, gồm sách và tài liệu nghiên cứu nghệ thuật cho trường Đại Học Paris vào năm 1917, sau này chuyển giao cho Viện Lịch Sử Nghệ Thuật Quốc Gia (Institut National d’Histoire de l’Art) vào năm 2003.
Sau khi Jacques Doucet qua đời vào năm 1929, theo di chúc, kể từ năm 1932, Đại Học Paris chính thức được thừa kế thư viện tư nhân của ông, bao gồm bộ sưu tập bản thảo và tác phẩm của các nhà văn đương đại. Đại Học Paris đã thành lập Thư Viện Văn Học Jacques Doucet (Bibliothèque littéraire Jacques-Doucet) để vinh danh ông, sau trở thành một thư viện di sản dành cho văn học Pháp. Năm 1933, theo sáng kiến của hiệu trưởng Charléty, thư viện mở cửa cho công chúng và chuyển đến địa điểm mới tại một gian phòng thuộc Thư Viện Sainte-Geneviève. Kể từ đó, Thư Viện Văn Học Jacques Doucet vẫn tiếp tục phát triển bộ sưu tập sách của mình bằng các khoản quyên góp hoặc mua lại. Năm 1972, trường trực thuộc La Chancellerie des Universités de Paris – cơ quan quản lý của Bộ Giáo Dục Đại Học Pháp.
Nhà viết tiểu luận, đồng thời là một cán bộ thư viện người Pháp, Francois Chapon, đã viết một cuốn sách có tựa đề “C’etait Jacques Doucet” (xuất bản lần đầu vào năm 1996), kể về của đời và sự nghiệp của nhà thiết kế thời trang, nhà sưu tầm nghệ thuật giàu nhiệt huyết này.