ART & LIFE

Shusaku Arakawa – Kẻ chối bỏ định mệnh

May 06, 2022 | By Ton Binh

Những ám ảnh về cái chết đã khiến Shusaku Arakawa tạo ra những công trình với mong muốn có thể biến đổi hạnh phúc cá nhân và tuổi thọ của những người sống trong đó.

Shusaku Arakawa và Madeline Gins.

Hội họa chỉ là một bài tập

Shusaku Arakawa (1936-2010) sinh ra ở Nagoya, Nhật Bản. Ban đầu, Arakawa nổi tiếng với tư cách là thành viên của Neo Dadaism Organizers, một nhóm nghệ sĩ tiên phong người Nhật Bản chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng có sức ảnh hưởng lớn, được thành lập năm 1960 bởi các nghệ sĩ mới nổi như Ushio Shinohara và Genpei Akasegawa.

Neo-Dada, Ginza, Tokyo, 1960. Arakawa: thứ tư từ trái sang (cầm ô).

Shusaku Arakawa không chỉ là một họa sĩ. Như chính ông từng nói: “Đối với tôi, hội họa chỉ là một bài tập”. Arakawa cũng là một nhà thơ, một nhà triết học và một kiến trúc sư. Năm 1961, ông đến New York chỉ với 15 USD trong túi và số điện thoại của Marcel Duchamp, một trong những nghệ sĩ lỗi lạc nhất đầu thế kỷ XX. Ông đã gọi cho Duchamp và họ trở thành những người bạn thân thiết. Trong suốt những thập kỷ tiếp theo, Arakawa tiếp tục trưng bày tác phẩm tại các bảo tàng và phòng triển lãm rộng rãi trên khắp Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản với các tác phẩm phát triển về quy mô cùng sự phức tạp về hình ảnh và trí tuệ.

Idea No.1,1962. Chất liệu: sơn acrylic, bút sáp, than chì trên giấy. Kích thước: 35,6×27,9cm.

Arakawa đã tạo ra những biểu đồ, bản vẽ và các tác phẩm khái niệm khác sử dụng hệ thống từ ngữ và dấu hiệu để điều tra cơ chế và làm nổi bật nhận thức và kiến thức của con người. Tác phẩm của ông được giới thiệu trong các bộ sưu tập trên toàn thế giới, bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York; Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York; Trung tâm Georges Pompidou, Paris; Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Osaka; và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia, Tokyo, cũng như trong nhiều bộ sưu tập tư nhân và công ty.

Ông đại diện cho Nhật Bản trong XXXV Venice Biennale (1970) và được đưa vào Documenta IV (1968) và Documenta VI (1977). Tác phẩm của ông cũng là trọng tâm tại Bảo tàng Guggenheim, New York và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia, Tokyo, và đã được trưng bày rộng rãi trên khắp Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản.

Bước ngoặt định mệnh

Shusaku Arakawa và Madeline Gins tại 124 West Houston, New York năm 2000.

Năm 1962, Arakawa gặp Madeline Gins – một nhà thơ Hoa Kỳ. Hai người lập gia đình và cùng nhau phát triển công việc sáng tạo. Họ đã mở rộng nền tảng hội họa của Arakawa thành một loạt nghiên cứu quan trọng mang tên Cơ chế Ý nghĩa (The Mechanism of Meaning), một bộ gồm 80 bức tranh khám phá, tiếp xúc thêm với hoạt động của ý thức con người và “giải quyết vấn đề của nghệ thuật”.

Toàn bộ các tác phẩm Cơ chế Ý nghĩa từng được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Sezon, Karuizawa vào năm 1988 và Bảo tàng Guggenheim, New York vào năm 1997.

Những đường nét trống rỗng hay Hình học Topo về tắm – Blank Lines or Topological Bathing năm 1980-1981.

Gins và Arakawa đã tạo ra một vốn từ vựng mới phong phú để vạch ra địa hình, khái niệm thơ mộng mà công việc của họ khám phá, và thuật ngữ của họ gợi ý về các lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới. Thay vì tự gọi mình là một nghệ sĩ, Arakawa tự tuyên bố mình là một “nhà điều phối viên”, và Gins tự mô tả mình là một “nhà sinh học”, và cả hai tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận thường xuyên với các nhà triết học và nhà khoa học.

Cơ chế Ý nghĩa 5,6 độ. Chuỗi kim loại, báo, nhiệt kế ngoài trời đóng gói, cọ vẽ, bọt biển và đồng hồ đeo tay trên vải năm 1963-73/96.

Cơ chế Ý nghĩa 8.1 độ – Lắp ráp lại năm 1963-73/96.

Những năm 1970, Cơ chế Ý nghĩa đã đạt được thành công trên toàn thế giới. Nó đã góp mặt tại Venice Biennale năm 1970, và một lần nữa ở Đức vào năm 1972. Tại Đức, nó được nhà vậy lý lý thuyết đạt giải Nobel năm 1932 – Werner Heisenberg ca ngợi. Ông đã mời Arakawa và Gins tới thăm Viện Max-Planck.

Dự án nghiên cứu phong phú nhưng đầy thách thức

Cái chết luôn là tâm điểm trong sự nghiệp của Shusaku Arakawa kể từ khi ông bắt tay vào làm nghệ thuật vào cuối những năm 1950. Cái chết không chỉ mê hoặc Shusaku Arakawa, nó đã trở thành một địch thủ truyền kiếp của ông, một thế lực mà ông và người bạn đời Madeline Gins từ chối cam chịu và tiếp tục chiến đấu với niềm tin rằng những gì lâu nay được coi là số phận của con người có thể bị “đảo ngược”.

Trong những năm 1990, Arakawa và Gins đã phát triển một lý thuyết về Reversible Destiny – Định mệnh khả nghịch để tiếp tục tác động triết học của họ đối với cuộc sống của con người. Thông qua kiến trúc cụ thể, họ đã cố gắng “học cách để không chết”, tin tưởng chắc chắn rằng các công trình kiến trúc mà họ tạo ra có thể biến đổi hạnh phúc cá nhân và tuổi thọ của những người sống trong đó. Arakawa và Gins đã dành phần còn lại của cuộc đời họ để xem ý tưởng của họ được tích hợp vào lý thuyết kiến trúc và phương pháp xây dựng đương đại.

Để có cái nhìn sâu sắc hơn về tác phẩm của Arakawa, đặc biệt là kiến ​​trúc đã trở thành trọng tâm chính của ông trong những năm sau đó, điều cần thiết là ghé thăm địa điểm của Định mệnh khả nghịch, một công viên giải trí triết học mà ông và vợ mình xây dựng ở thị trấn nhỏ Yoro, tỉnh Gifu vào năm 1995.

Địa điểm khả nghịch Destiny–Yoro tại Nhật Bản.

Nằm rải rác khắp công viên đồi núi là một loạt các cấu trúc bê tông, không có một bề mặt phẳng nào thách thức và có nguy cơ gây thương tích cho du khách. Kiến trúc này buộc du khách đi dọc theo một lối đi quanh co chỉ đủ chỗ cho một người ở trên cùng của bức tường cao – hoặc lôi kéo họ vào bên trong giống như mê cung của một ngôi nhà được trang bị bồn tắm và giường được ngăn bởi các bức tường. Arakawa rõ ràng có ý định giúp chúng ta thoát ra khỏi những gì ông coi là hành vi thường ngày thoải mái nguy hiểm và huấn luyện lại cơ thể của chúng ta để vượt qua một kết cục không cần thiết (cái chết).

Lifespan Extending Villa – Nhà kéo dài tuổi thọ có diện tích 315m2, nằm tại Long Island, New York, Mỹ.

Các ví dụ điển hình về kiến trúc của họ bao gồm: The Reversible Destiny Lofts tại Mitaka; Destiny–Yoro; và a Permanent Work tại Nagi MOCA (tất cả đều ở Nhật Bản) cũng như Bioscleave House, một ngôi nhà riêng ở Long Island, New York. Ngoài ra, họ đã thành lập một số nền tảng bao gồm Quỹ Định mệnh khả nghịch ( Reversible Destiny Foundation), được thành lập để tiếp tục theo đuổi nghệ thuật và triết học của họ.

Linh Bùi


 
Back to top