BUSINESS OF LUXURY

Phượng Krystine: “Khách hàng là trung tâm của mọi việc mà chúng tôi làm”

May 20, 2022 | By Ton Binh

Từ niềm đam mê với hoa, chị Phượng Krystine đã quyết định chuyển hướng công việc để xây dựng thương hiệu cho riêng mình với tên gọi Liti Florist. Sau gần 10 năm hình thành và phát triển Liti Florist trở thành cái tên danh tiếng trong phân khúc hoa nghệ thuật cao cấp. Luxuo Việt Nam đã có buổi trò chuyện với chị Phượng Krystine về thương hiệu Liti Florist. 

Mrs. Phượng Krystine – Founder Liti Florist

Chủ yếu hoa tại Liti Florist thuộc phân khúc cao cấp và được tạo hình nghệ thuật, vậy giữa hoa cao cấp và hoa nghệ thuật có nhất thiết phải song song với nhau hay không? 

Theo tôi, hai điều trên cũng không hoàn toàn song song với nhau, tuy nhiên nếu phải đánh giá nghệ thuật bằng tiền thì rất khó. Chúng ta từng cảm thấy kinh ngạc trước một tác phẩm nghệ thuật được đánh giá nhiều triệu USD nhưng chỉ toàn màu đỏ hay chỉ là những chấm nhỏ li ti. Từ đó chúng ta không thể kết luận rằng một tác phẩm nghệ thuật là đắt hay không vì nó rất vô cùng. 

Khi nhắc đến hoa của Liti Florist, người ta thường biết đến nhiều bởi giá thành cao bên cạnh mẫu mã đẹp và đa dạng. Vậy điều gì tạo nên giá trị cao từ những sản phẩm của Liti Florist? 

Thương hiệu của chúng tôi đem lại giá cao trong mỗi sản phẩm, tức là đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng. Dĩ nhiên, mỗi sản phẩm đều có “baseline”, chuẩn mực trung bình để đánh giá như dịch vụ, hậu mãi và chăm sóc khách hàng. Tất cả các khâu cần phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì họ mới sẵn lòng chi tiền để mua. 

Một điều tôi khá chắc chắn là tỷ lệ khách hàng mua lại rất cao bởi tiêu chí mức giá đi kèm với chất lượng mà khách hàng sẵn sàng trả để có được dịch vụ tốt. Chúng tôi có triết lý kinh doanh: “Khách hành là trung tâm của mọi việc mà chúng tôi làm”, và phát triển các sản phẩm cũng để phục vụ sự hài lòng của họ. 

Để đạt được thành công này, chúng tôi đã áp dụng công nghệ trong hệ thống vận hành. Cụ thể trong hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chúng tôi tập trung vào hệ thống back-end (nội bộ). Tại đây, nhân viên có thể truy cập vào app check tồn kho, mẫu sản phẩm,… Đồng thời, chúng tôi cũng hoàn thiện được trang web mua hàng online của thương hiệu giúp khách hàng có trải nghiệm mua sắm dễ dàng hơn. Không những thế, chúng tôi cũng tăng trải nghiệm, mở rộng hệ thống cửa hàng, hoạt động marketing và chăm sóc khách hàng. 

Đa số hoa tại Liti Florist được nhập khẩu từ nước ngoài, mô hình vận chuyển và bảo quản cũng là thử thách đối với thương hiệu? 

Châu Âu là một trong những nơi mà Liti Florist nhập rất nhiều hoa, bên cạnh đó là Ecuador (châu Mỹ). Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều khách hàng về cách thức vận chuyển hoa trong quãng đường xa như vậy. 

Một số quốc gia có ngành công nghiệp xuất khẩu hoa phát triển như Hà Lan hay Ecuador, chuỗi cung ứng của họ cực kỳ chuyên nghiệp. Đối với hoa hồng Ecuador là loại hoa có sức bền, quá trình vận chuyển về Việt Nam sẽ mất khoảng 3 ngày. Hoa được đóng trong thùng giấy theo cách đặc biệt và không có nước. Khi về đến Việt Nam, Liti Florist có các kho lạnh ở Hà Nội và TP.HCM, tại đây chúng tôi sẽ sơ chế và chăm sóc hoa như cắt gốc trước khi phân phối cho khách hàng và các hệ thống cửa hàng. 

Không chỉ vậy, chúng tôi được hỗ trợ từ các chuyên gia lâu năm ở Hà Lan về phương pháp chăm sóc hoa, bởi mỗi loại chúng có đặc tính và phương pháp khác nhau. Ví dụ như hoa đồng tiền sẽ nhanh hư, nên sẽ không được loại bỏ phần gốc. Một số loại hoa như peony (mẫu đơn) không bền, sẽ là một trở ngại trong quá trình bảo quản. Từng có một sự cố khi nhập khẩu một lô peony về Việt Nam và đã bị nở hết, chúng tôi phải chấp nhận thiệt hại và chỉ được hỗ trợ một phần nhỏ từ đơn vị cung cấp. 

Bên cạnh mô hình cung cấp và phân phối hoa, Liti Florist còn mở rộng ra những hoạt động nào khác không? 

Chúng tôi có hai nguồn doanh thu chính là bán lẻ tại Hà Nội, TP.HCM và B2B phục vụ khách hàng doanh nghiệp. Với mảng setup hoa cưới, Liti Florist sở hữu thương hiệu riêng có tên Liti Wedding Planner với doanh thu chiếm 30%. Sắp tới, chúng tôi cũng có kế hoạch trồng một số loại hoa và lá đặc biệt tại Đà Lạt để phục vụ cho việc bán lẻ. 

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng tổ chức một số buổi workshop ở các triển lãm nghệ thuật qua đó, giúp thương hiệu đến gần hơn với khách hàng. Cụ thể, trước thời kỳ dịch Covid – 19, chúng tôi tổ chức một triển lãm nghệ thuật mang tên “Japanese Bloom” kết hợp với đối tác là sàn đấu giá hoa lớn thứ hai tại Nhật Bản. Tại đó, thương hiệu nhận được tình cảm của nhiều người, họ trân trọng như một ngày lễ khi mặc áo dài tới dự triển lãm. 

Sau sự thành công này, chúng tôi mong muốn có thể tổ chức thêm nhiều sự kiện để có dịp giới thiệu hoa đến nhiều người hơn. Bởi hoa là phương pháp trị liệu rất tốt cho mọi người. 

Mô hình sàn đấu giá hoa vốn phổ biến tại các quốc gia phát triển, ở Việt Nam có hình thức này không?

Theo những gì tôi nắm được tại Đà Lạt, tổ chức ZAIKA của Nhật Bản, họ có đầu tư vào một dự án sàn đấu giá hoa cho các nhà vườn tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay dự án đó vẫn chưa được hoàn thiện. 

Ngoài ra, mô hình đấu giá hoa rất phổ biến ở các nước phát triển, đặc biệt như Hà Lan. Đầu tiên đó là hệ thống đấu giá công nghệ cao, nhà mua hoa  sẽ đến từ rất sớm, các lô hoa sẽ được đi ra bằng robot, bạn sẽ có bàn và đấu giá lô này là bao nhiêu và ai trả giá cao nhất người đó được mua.  Sau đấu giá, lô hoa đó sẽ tự động chuyển vào kho. 

Tuy nhiên, bên Hà Lan họ cũng nói là mô hình đó đang bị đi xuống hiện nay bởi khi công nghệ phát triển, họ không cần đến sàn nữa mà chuyển sang đấu giá online. Họ cũng có nhiều hình thức mua kiểu khác, thu mua và ghi giá luôn vì đấu giá sẽ khiến họ mất thêm một phần chi phí cho việc vận hành trung gian. 

Ở Hà Lan họ sẽ đấu giá hoa cho các nhà bán buôn, khâu seller đấu giá xong sẽ cho xuất khẩu sang Việt Nam, châu Âu, Mỹ, châu Á… thế nên cái sàn đó rất lớn. Ở Nhật cũng có một sàn đấu giá hoa như vậy. 

Trong hành trình 10 năm đồng hành cùng thương hiệu, điều gì khiến chị tự hào nhất? 

Để mà nói về Liti Florist, điều mà khiến tôi tự hào nhất là đã tạo ra một thương hiệu được thị trường chấp nhận và yêu thích với số lượng khách hàng lớn. Điều thứ hai đến từ việc tạo nên môi trường làm việc về hoa chất lượng, văn minh với nhiều nhân viên gắn bó lâu năm. 

Đồng thời, tại Liti Florist, mỗi tác phẩm hoa nghệ thuật là độc bản, mang một ý niệm và thông điệp riêng. Cách đây 4-5 năm, tại triển lãm hoa nghệ thuật Nhật Bản như tôi đã nói bên trên, thị trường về hoa nghệ thuật vẫn chưa phát triển như bây giờ, mọi người cảm thấy ấn tượng với tác phẩm từ Liti mang tên “đam mê”. Nó có hình dáng như cơn sóng cuộn với kích thước lớn, nguyên liệu tạo ra từ tre, hoa và đá Nhật Bản. Có lẽ đó cũng là tác phẩm gây nhiều sự bất ngờ nhất cho họ tại thời điểm đó. 

Ngoài ra, tôi cũng kết hợp tìm hiểu và quan sát từ thực tế để làm nguồn cảm hứng. Nhiều tác phẩm của Liti Florist được tạo ra từ tự nhiên như màu sắc các loại cá hay rặng san hô… Hoặc tôi thường lui đến các bảo tàng nghệ thuật để xem những tác phẩm kinh điển, tôi sẽ học cách phân bổ bố cục và màu sắc từ những họa sĩ lớn. 

Về định hướng trong tương lai của chị với thương hiệu? 

Trong thời gian tới, tôi sẽ quan tâm nhiều đến trải nghiệm mua hàng để khiến họ có trải nghiệm tốt nhất khi đến với Liti Florist. Không những thế, tôi sẽ tiếp tục xây dựng nội bộ để tạo ra môi trường làm việc về hoa tốt nhất tại Việt Nam. 

Thu Thảo 


 
Back to top