ART & LIFE / Nghệ sĩ

Diễn viên Raphaël Personnaz: “Nghệ sĩ nên là người biết sống trong sự hỗn loạn nhưng vẫn có sự tĩnh lặng của riêng mình”

Apr 11, 2024 | By Luxuo Vietnam

Boléro, tác phẩm của đạo diễn người Pháp Anne Fontaine, đã được chính thức công chiếu tại Việt Nam vào tối 6/4 vừa qua, với sự góp mặt của diễn viên Raphaël Personnaz, người thủ vai chính trong phim. Trong cuộc trò chuyện cùng L’OFFICIEL Vietnam, anh cho biết nghệ sĩ nên là những người biết sống trong sự hỗn loạn nhưng vẫn có sự tĩnh lặng của riêng mình. Vì lẽ đó, anh vừa lắng nghe, vừa không lắng nghe lời nhận xét liên quan đến những bộ phim của mình.

Boléro là một bộ phim lấy bối cảnh nhà hát, và mới đây đã được công chiếu tại Nhà hát lớn Sài Gòn. Anh nghĩ gì về mối tương quan tuyệt đẹp này?

Một trong ba yếu tố lớn nhất của phim Boléro chính là âm nhạc, nhà hát, và nhạc sĩ. Chúng tôi đã thấy hình ảnh về nhà hát này trên Internet và cảm thấy rất thích. Đó chính là một trong những lý do chúng tôi chọn nơi đây [Sài Gòn, Việt Nam], vì bộ phim sẽ được trình chiếu tại nhà hát.

Trong quá trình thực hiện bộ phim, tôi có cơ hội đóng vai trò chỉ huy một dàn nhạc lên đến 90 người, họ là những nhạc công thực thụ, và điều đó thực sự rất áp lực. Mỗi lần hướng mắt về tôi, họ như muốn nói “Anh muốn làm nhạc trưởng sao? Cứ thử xem!”. Rạp hát chính là nơi chốn tôi cảm thấy mình vô cùng áp lực. Vì vậy, cứ mỗi lần đứng trước một dàn nhạc, trong rạp hát, tôi đều nghĩ về những cảm xúc khó quên này.

Được biết, trước khi tham gia vào Boléro, anh từng thủ vai một đạo diễn vũ đạo ở nhà hát Paris trong series Opéra. Sự trùng hợp nào đã mang anh tới 2 vai diễn trong 2 bộ phim này? Anh có nghĩ rằng mình có một thứ gì đó gọi là “khí chất cổ điển” không?

Không chỉ có 2 bộ phim này đâu, tôi còn từng tham gia một bộ phim của Anh cũng về opera có tên là Julia(s). Tất cả đều là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng vâng, có lẽ vẻ ngoài của tôi có chút gì đó gợi cảm giác cổ điển, khiến các nhà làm phim hình dung tôi trong vai trò nhạc trưởng, hay nghệ sĩ múa ballet chẳng hạn. Tôi rất muốn được chạm mặt những con người làm các công việc này, như trong Opéra, tôi có cơ hội gặp những nghệ sĩ múa ballet từ Pháp, Bỉ, hay Nga. Tôi gặp nhiều người với kỹ năng nghề nghiệp khác nhau, và điều mà tôi học được từ những con người như vậy chính là việc họ luôn tâm huyết với công việc, họ tập trung 100% vào những gì họ đang làm.

Bộ phim có một vài phân cảnh mà anh thể hiện kỹ năng chơi piano rất thuần thục. Anh đã biết đàn trước khi quay phim sao?

Không hẳn vậy. Tôi chỉ biết vài phím đàn đơn giản, tay trái của tôi không được tốt, nên tôi chỉ có thể chơi đàn bằng tay phải. Bộ phim có sự tham gia của Alexandre Tharaud, một trong những nghệ sĩ piano tài năng nhất thế giới, chính anh là người đã hướng dẫn cho tôi chơi đàn để vào vai. Anh chơi quá hay đến nỗi tôi phải nói với đạo diễn Anne Fontaine rằng tôi phải tham gia một vài khóa học piano thôi. Bà ấy nói, được rồi, tôi cho anh một năm để chuẩn bị, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Vậy nên tôi tìm giáo viên, học một năm, và sau đó chơi khoảng 80% phân cảnh biểu diễn trong phim. Đó thực sự là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Nhưng 80% là một con số rất lớn đấy chứ?

Đúng vậy. Có một vài đoạn tôi không thể chơi được. Khi nhìn vào bản nhạc hay cách nghệ sĩ chơi, tôi nghĩ, à mình cần thêm 3 tháng nữa mới có thể làm được, nhưng tôi không có thời gian. Thực tế thì trong mỗi cảnh quay, tôi chỉ cần chơi một đoạn ngắn tầm 30 giây thôi, và âm thanh mà bạn nghe trong phim không phải là tiếng đàn của tôi. Chúng tôi dùng bản ghi âm để thế vào, nhưng tay tôi thì đang chơi đúng bản nhạc đó, cố gắng giữ đúng nhịp và thời gian nhất có thể.

Anh có phải người yêu nhạc cổ điển?

Không hề. Tôi thích thôi, nhưng không hẳn là yêu hay đam mê với nó. Tôi chỉ biết đến bản nhạc Boléro khi vào vai Ravel, ngoài ra, tôi không biết gì khác. Đó cũng là vấn đề đấy, vì Boléro là bản cực kỳ nổi tiếng với ngay cả những người ít quan tâm đến nhạc cổ điển. Nhưng giờ thì, có lẽ vì lý do tuổi tác nữa, tôi ngày càng có hứng thú với nhạc cổ điển. Thật ngạc nhiên với mức độ sâu sắc mà những bản nhạc cổ điển thể hiện.

Điều tôi cảm thấy rất hứng thú với nhân vật Ravel chính là ông ấy đã thử mọi thể loại của âm nhạc cổ điển, ông viết ra những bản thuộc trường phái Ấn tượng hay Lãng mạn, luôn luôn cởi mở với các loại nhạc đến từ những nền văn hóa khác, kể cả nhạc châu Á. Có rất nhiều chi tiết chúng tôi không thể thể hiện đủ trên phim, tôi chỉ có thể nói một cách tương đối là trong nhà của Ravel có một vài món nhạc cụ độc đáo cùng nhiều vật phẩm đến từ các vùng văn hóa khác, và ông ấy sáng tác vài bản nhạc cổ điển được lấy cảm hứng từ nhạc của Á Đông. Ông là một người rất đáng trọng.

“Thật ngạc nhiên với mức độ sâu sắc mà những bản nhạc cổ điển thể hiện”

Trong Boléro, có cảnh người nhạc sĩ tức giận khi cảm thấy âm nhạc của mình đang bị minh họa bằng những động tác vũ điệu gợi dục và kiên quyết hủy bỏ buổi diễn. Anh có nghĩ sự cứng rắn và lòng tự trọng này là cần thiết đối với một nghệ sĩ?

Tôi nghĩ là có một vài yếu tố có liên quan ở đây. Thứ nhất, bản nhạc Boléro của ông ấy lúc đó không được trình diễn bởi một nghệ sĩ múa tài năng. Lúc đó người nghệ sĩ đã bắt đầu có tuổi, và không còn giữ phong độ trình diễn tốt như khi cô còn trẻ. Thế nên suy nghĩ của Ravel lúc đó là bản nhạc đã không được trình diễn theo cách tốt nhất có thể. Và đúng như bạn nói, cách trình diễn đầy nhục cảm này cũng là thứ mà Ravel không thích. Ravel đã dành rất nhiều thời gian để sáng tác nên bản nhạc này, và mỗi lần sáng tác như thế, ông đều cố gắng kiểm soát tất cả mọi thứ, và lần này, chỉ duy nhất lần này, là ông không thể kiểm soát được. Như bạn thấy đó, cách phản ứng đầu tiên của ông là chối bỏ.

Bên cạnh đó, cũng có thể tình dục là một chủ đề hoàn toàn xa lạ với đời sống của ông. Chúng ta cũng không được biết nhiều khía cạnh này. Bộ phim khắc họa ông như một người đàn ông nói không với đời sống tình dục mà chỉ có âm nhạc, ví dụ như những cảnh có một vài người phụ nữ tiếp cận ông nhưng ông lại hoàn toàn ngó lơ. Chúng ta không biết rõ sự thật như thế nào, nhưng chúng ta cũng không thể kiểm chứng.

Tôi thích cách mà ông giữ gìn những tác phẩm của mình. Ngay cả khi tôi có một mối liên kết chặt chẽ hơn với Ravel, những gì ông làm vẫn là một điều bí ẩn đối với tôi. Và nếu chúng ta cố gắng vén tấm màn bí mật đó lên, lý giải nó tường tận, tôi e là nó sẽ trở nên thô tục. Chúng ta phải để cho người nghe, người xem tưởng tượng.

Boléro là bộ phim kể về cuộc đời của một nhạc sĩ tài năng từ khi ông ấp ủ tác phẩm nổi tiếng nhất của mình cho đến khi về già và qua đời. Qua bộ phim, chúng ta thấy được những khoảnh khắc thăng trầm của một người nghệ sĩ. Với tư cách là một nghệ sĩ, anh nghĩ gì về điều này?

Trước khi bộ phim được công chiếu, tôi mới biết mình sắp trở thành cha, và trong suốt quá trình quảng bá phim, tôi đều nghĩ về đứa con gái của mình. Con bé sẽ chào đời vào tháng Tám tới, và bất cứ lúc nào cảm thấy mệt mỏi, tôi đều nghĩ đến con bé, tôi mong con bé có thể cảm thấy tự hào về bộ phim khi nó lớn lên. Tôi rất thích bộ phim này, tôi đã không ngừng hình dung về nó khi đọc kịch bản, khi vào vai, nhưng đến khi chính thức được xem phim, cách mà bà ấy [đạo diễn Anne Fontaine] đã biên tập, hậu kỳ, cách bà ấy xử lý những khoảng lặng hay âm nhạc trong phim… tất cả đều vượt xa hình dung của tôi. Tôi rất tự hào khi được tham gia vào dự án như thế này.

Trong phim, anh vào vai nhà soạn nhạc ngôi sao Maurice Ravel, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Boléro, cũng là tác phẩm ông ít thích nhất… Anh có bao giờ rơi vào tình huống như vậy không, rằng thứ mà anh rất yêu thích và cảm thấy tự hào nhưng lại không được người khác thích và ngược lại?

Có một bộ phim tôi từng tham gia, rất nổi tiếng và thành công ở Pháp nhưng tôi lại không thích chút nào. Khi mọi người nói với tôi về bộ phim đó, tôi không biết nói gì. Tôi không thấy tự hào với nó. Nhưng đó là điều đôi khi xảy ra.

Tuy nhiên, đối với Ravel, ông không nói thẳng ra là ông không thích Boléro, tôi chắc chắn là ông cũng thấy thích bản nhạc này một phần nào đó.

“Nếu chúng ta cố gắng vén tấm màn bí mật đó lên, lý giải nó tường tận, tôi e là nó sẽ trở nên thô tục”

 

Anh có nghĩ rằng sự nổi tiếng và yêu thích của khán giả là điều bảo chứng cho chất lượng của một sản phẩm không? Tại sao? 

Tôi không nghĩ thế. Ví dụ điển hình cho điều này chính là Van Gogh, ông đã không thể bán được bức tranh nào trong suốt cuộc đời mình. Giờ đây, sống trong thế giới của chủ nghĩa tư bản, ai ai cũng muốn được công nhận. Nhưng sự công nhận hay nổi tiếng đó là thứ gì đó không thật, nó chỉ là một chấp niệm của mọi người về thứ mà họ nghĩ là sự chấp nhận bản thân của người khác mà thôi, và cố gắng làm tất cả để có được điều đó, nhưng nó hoàn toàn không đáng. Nổi tiếng không có gì xấu, nhưng nó không hẳn là ưu tiên của tôi. Một bộ phim có thể nổi tiếng ngay lúc này, nhưng 10 năm về sau, chẳng có ai nhắc đến nó nữa. Tôi từng tham gia một bộ phim ở Pháp, không hề nổi tiếng lúc mới được ra mắt, nhưng được được đánh giá cao nhiều năm về sau. Thế nên, tôi nghĩ, nếu chúng ta làm một thứ gì đó mà 10 hay 20 năm sau mọi người còn nhắc đến nó, thì nó là một thứ xứng đáng.

Khi nào nghệ sĩ nên lắng nghe khán giả? Anh có phải là một nghệ sĩ quan tâm đến những lời phê bình phim của mình?

Câu hỏi này rất khó để trả lời. Đúng là chúng ta cần có sự kết nối với khán giả, nhưng đôi khi cũng cần phá vỡ sự kết nối với xã hội trong một vài khoảnh khắc nào đó. Nghệ sĩ nên là người biết sống trong sự hỗn loạn nhưng vẫn có sự tĩnh lặng của riêng mình. Khi tham gia vào một dự án phim, tôi không nghĩ về việc liệu khán giả có yêu thích nó hay không, tôi chỉ nghĩ đến chất lượng của nó. Nếu nó đủ tốt, nó sẽ có khán giả cho riêng mình, có thể không phải ngay thời điểm sản phẩm được ra mắt, mà là một vài năm sau đó, nhưng nó cuối cùng sẽ có.

Về câu hỏi tôi có quan tâm đến lời phê bình hay không, câu trả lời là Có và Không. Thời gian trước, tôi khá nhạy cảm với những lời phê bình hay đánh giá. Nhưng giờ thì tôi quan tâm đến mối gắn kết giữa tôi và bộ phim hơn. Tôi sẽ nghĩ đến suy nghĩ của tôi, cảm nhận của tôi, khi tôi xem bộ phim. Nếu tôi hài lòng với nó, bạn bè và gia đình của tôi thích nó, và tôi có sự gắn kết với nó, tôi sẽ thích nó. Nếu bận tâm quá nhiều đến suy nghĩ của những người khác, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thanh thản được.

Tác giả: Hai Yen Ho
Ảnh: RABHUU
Trợ lý nhiếp ảnh: Wannie Nguyễn
Trang phục và địa điểm thực hiện: Nhà hát Thành phố, Park Hyatt Saigon, Nhà may Cao Minh


 
Back to top