BUSINESS OF LUXURY

Báo cáo kinh doanh nửa đầu năm 2024 của Swatch Group tiết lộ tình hình đáng lo ngại

Jul 25, 2024 | By Ton Binh

Swatch Group – tập đoàn sở hữu các thương hiệu đồng hồ cao cấp như Omega và Longines… vừa công bố báo cáo kinh doanh của nửa đầu năm 2024. Những con số này phản ánh rõ sự trì trệ mà ngành đồng hồ đã và đang hứng chịu từ cuối năm 2023 đến nay.

Theo đó, doanh thu của tập đoàn ghi nhận mức giảm từ 14,3% xuống còn 3,44 tỷ CHF, trong khi lợi nhuận hoạt động giảm mạnh 70% chỉ còn 204 triệu CHF. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động giảm xuống còn 5,9%, so với mức 17,1% trong cùng kỳ năm trước.

Theo Swatch, việc sụt giảm doanh thu này “được kích hoạt bởi sụt sự giảm mạnh nhu cầu về hàng xa xỉ tại Trung Quốc (bao gồm cả Đặc khu Hong Kong và Đặc khu Hành chính Macau)”. Đồng thời, doanh thu từ mảng bán sĩ cũng giảm hơn 10%, cho thấy lượng hàng hóa từ các thương hiệu trực thuộc của tập đoàn đang phân phối cho những nhà bán lẻ cũng ít hơn trước, điều này phản ánh sự bi quan về triển vọng ngắn hạn và trung hạn của các nhà bán lẻ.

Swatch giải thích kết quả kém khả quan này bằng việc tập đoàn “không thực hiện bất kỳ đợt tái cơ cấu nhân sự nào … [và] duy trì toàn bộ năng lực sản xuất, không sa thải nhân viên có trình độ chuyên môn bất chấp tình hình suy thoái kinh tế”. Điều này nhằm để “Tập đoàn có thể phục hồi nhanh hơn và hưởng lợi đáng kể hơn trong đợt phục hồi tiếp theo”. Tuy nhiên, vị thế ngày càng yếu đi của từng thương hiệu trực thuộc đoàn so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Breguet và Blancpain lại cho ta thấy sự lạc quan ấy có thể không thực tế.

Đáng chú ý, Swatch Group cho biết “thương hiệu Swatch đã đi ngược lại xu hướng tiêu cực” nhờ mẫu đồng hồ MoonSwatch bán chạy nhất, nhưng điều này không (và sẽ không) đủ để giúp đỡ các thương hiệu khác trong tập đoàn vượt qua thời kỳ khó khăn do có giá trị không cao. Mặc dù sản xuất vài triệu chiếc mỗi năm, với mức giá trung bình khoảng 100 CHF mỗi chiếc, nhưng thương hiệu Swatch chỉ đạt doanh thu tối đa 500 triệu CHF và có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với các “người anh em” xa xỉ khác trong tập đoàn.

Bên cạnh doanh số bán hàng và lợi nhuận, bảng cân đối kế toán của tập đoàn cũng rất đáng quan tâm. Báo cáo này cho thấy lượng hàng tồn kho của tập đoàn có trị giá đến 7,71 tỷ CHF. Phần lớn số hàng tồn này đều là sản phẩm hoàn thiện, bao gồm đồng hồ và trang sức được liệt kê vào sổ sách theo giá ban đầu. Giá trị hàng tồn kho này tương đương gần một năm doanh thu của cả tập đoàn. Tuy nhiên, do được ghi nhận theo giá vốn, nên số hàng tồn thực tế có thể có giá trị bằng doanh số của nhiều năm (từ 4 đến 5 năm, thậm chí có thể cao hơn).

Ngược lại, các tập đoàn hàng xa xỉ lớn khác lại công bố báo cáo tài chính thường ghi nhận doanh số bán hàng gấp nhiều lần lượng hàng hóa tồn kho, lên tới 9 – 10 lần. Điều này cho thấy một thực tế nghiêm trọng: Swatch Group có thể đang sản xuất nhiều đồng hồ hơn mức có thể bán được, ngay cả khi tính đến khả năng “phục hồi” trong tương lai.


 
Back to top