Phong cách

Wedding Symphony | Khám phá trang phục cưới Việt Nam qua các thời kỳ

Oct 13, 2024 | By Luxuo Vietnam

Trang phục cưới ẩn tàng nhiều giá trị văn hóa và tinh thần trong ngày trọng đại của cặp đôi Việt Nam. Ở mỗi thời kỳ, người Việt gửi gắm những nét đẹp của tinh hoa văn hoá vào từng chi tiết trong bộ trang phục cưới như một cách cầu nguyện cho đôi tân hôn. Qua thời gian, cùng với biến động của xã hội đương thời, người Việt có nhiều cách tiếp cận từ đó tạo ra sự phong phú, đa dạng của trang phục cưới Việt Nam.

Ảnh cưới hoài cổ của Doãn Hải My, Đoàn Văn Hậu - Báo VnExpress Giải trí

Ảnh: Doan Hai My

Đám cưới không chỉ là sự kiện dành riêng cho đôi uyên ương mà còn là dịp để họ hàng, bạn bè tụ họp, chứng kiến và chúc phúc cho đôi tân lang tân nương. Vì vậy, việc lựa chọn trang phục cưới phù hợp nhưng không kém phần thu hút nhằm tạo dấu ấn đáng nhớ trong lòng mọi người là điều vô cùng quan trọng.

Mỗi bộ trang phục cưới truyền thống của Việt Nam thường ẩn chứa những thông điệp văn hóa sâu sắc. Chẳng hạn, màu đỏ được ưa chuộng bởi nó tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc. Các chi tiết hoa văn trên áo cưới, do những bàn tay khéo léo của thợ may tạo nên, không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn là sự tôn trọng đối với truyền thống và niềm tin về một cuộc hôn nhân viên mãn của đôi uyên ương.

Thời kỳ Hùng Vương: Khởi nguồn trang phục cưới

Ảnh: Internet

Thời Hùng Vương, một trong những giai đoạn phát triển văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc, trang phục cưới được lấy cảm hứng từ những họa tiết trên trống đồng hay các cổ vật khác. Trong khi đó, theo ghi chép lịch sử, trang phục thường ngày của đàn ông thường là cởi trần và đóng khố còn phụ nữ mặc áo yếm với các hoa văn thêu dệt hình chim muông, cây cỏ,…. Văn hoá ăn mặc thường ngày của người Việt cổ đơn sơ nhưng trang phục cưới vào thời đại này vẫn rất chỉn chu và lộng lẫy. 

Theo truyền thuyết dân gian, trong đám cưới, công chúa Mị Nương, con gái vua Hùng thứ 18, diện áo yếm đỏ được thêu hoa văn tinh xảo, kết hợp với một chiếc váy dài và đội nón có hình chim hạc. Chú rể Sơn Tinh mặc áo lệch vai bằng lông thú, biểu tượng cho sức mạnh của người đàn ông. Đây được xem là trang phục cưới tiêu biểu của thời kỳ này, tôn vinh vẻ đẹp truyền thống và sức mạnh văn hóa của dân tộc.

Thời phong kiến: Trang phục cưới của các triều đại

Trong lịch sử các triều đại Việt Nam, trang phục cưới của triều Nguyễn được xem là lộng lẫy và sang trọng nhất. Công chúa trong ngày cưới thường đội mũ ngũ phượng, được đính năm con chim phượng bằng vàng, điểm xuyết hoa đỏ và trang trí bằng dây tua gắn trân châu, pha lê. Áo bào cưới thêu hoa văn tinh xảo, kết hợp hình ảnh chim phượng, cùng đôi giày đỏ nổi bật. Từ đó, hình tượng chim phượng trở thành biểu tượng văn hóa quan trọng trong trang phục cưới thời kỳ này.

váy cưới việt nam xưa ở huế

Ảnh: Internet

Trang phục cưới truyền thống thời Nguyễn chủ yếu sử dụng màu xanh bởi nó tượng trưng cho sự thành danh, sang trọng và quyền quý, đặc biệt trong chốn quan trường. Dù vậy áo dài cưới màu đỏ hoặc hồng vẫn xuất hiện trong một số tài liệu. Cô dâu ba miền có phong cách ăn mặc tương đồng, thường chuộng cặp lục điều hoặc lam điều (áo ngoài xanh, áo trong hồng), với sự sáng tạo đa dạng từ người thợ may trong từng lớp áo.

Cô dâu miền Bắc thường mặc áo mớ ba với các lớp áo màu điều, vàng hoặc xanh thiên lý, lớp trong cùng là vải lụa trắng. Sự kết hợp giữa khăn vấn, trang sức vàng, bạc và xà tích bên hông càng tô điểm thêm vẻ đẹp truyền thống của cô gái trong ngày trọng đại. Đến những năm 1920, cô dâu chuyển sang mặc áo dài cài vạt, áo the thâm hoặc satin khoác ngoài.

Ở miền Trung, cô dâu thường chọn mặc lớp áo màu điều bên trong lớp áp khoác mỏng màu chàm, kết hợp với quần đen vải sồi hoặc quần trắng satin. Trong khi đó, cô dâu miền Nam thường mặc áo thụng rộng màu xanh với lớp lót màu cánh sen, hoặc lựa chọn Nhật Bình nếu xuất thân từ gia đình quan lại. Trang phục Nhật Bình được thêu hoa văn tinh xảo, họa tiết phượng, kim tuyến và phần tay áo đặc biệt may năm màu tượng trưng cho ngũ hành.

Theo sách Nhà ở – Trang phục – Ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (Phan Thị Yến), tại vùng đất Nam Kỳ, cô dâu và chú rể đều mặc áo thụng rộng màu xanh, bên trong lót áo màu cánh sen, và khi ra sân có cặp lọng che. Ở những gia đình duy trì phong tục truyền thống, cặp đôi sẽ mặc trang phục cưới đôi. Cô dâu khoác áo the lót gấm hồng trong khi chú rể mặc áo the lót gấm xanh có dệt chữ “thọ”, biểu tượng cho sự gắn kết và hạnh phúc.

Thời kỳ Pháp thuộc và giai đoạn 1945 – 1975: Trang phục cưới giữa chiến trường ác liệt

Vào đầu thế kỷ 20, cô dâu miền Bắc thường chọn áo cài vạt, khoác bên ngoài áo the thâm, bên trong mặc áo màu hồng hoặc xanh, kết hợp với quần lĩnh. Bộ trang phục cưới được hoàn thiện khi kết hợp cùng đôi giày thêu hạt cườm, quấn khăn cổ và thêm đôi hoa tay bèo. Chú rể có trang phục đơn giản hơn, thường là áo dài trắng bên trong và áo dài the thâm hoặc sa tanh bên ngoài, đội khăn đóng và đi giày Gia Định.

Sau thời kỳ Pháp thuộc, trang phục cưới truyền thống Việt Nam trở nên giản dị hơn do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Các cô dâu thường diện áo dài trắng hoặc màu nhạt, cùng quần trắng và giày cao gót. Chú rể chọn trang phục áo comple, giày tây và thắt caravat. Đặc biệt, việc chú rể mang hoa cưới cầm tay cô dâu bắt đầu trở nên phổ biến, làm tăng vẻ trang trọng cho lễ cưới.

đám cưới trước năm 1900

Ảnh: Internet

Trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tiệc cưới thường được tổ chức gấp rút tại các chiến hào và trận địa. Vì thế, trang phục cưới thường là những bộ quần áo hàng ngày mới, chưa mặc bao giờ, kèm bó hoa tươi để cô dâu trở nên nổi bật. Trang phục của cô dâu chủ yếu là áo dài trắng hoặc sáng nhạt kết hợp cùng quần trắng, giày cao gót cho lễ cưới hoặc áo sơ mi trắng, áo bà ba cùng với quần đen và dép mới.

Thời bao cấp: Trang phục cưới và sự giao thoa văn hoá 

Khi đất nước thống nhất, quan niệm về trang phục cưới truyền thống có nhiều biến đổi mạnh mẽ bởi sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền cũng như đón nhận làn gió mới của thời trang phương Tây. Thời kỳ này đã chứng kiến sự ảnh hưởng sâu sắc của các nền văn hoá, đặc biệt là từ Châu Âu, khiến trang phục cưới ngày càng hiện đại và phong phú hơn.

Trong lễ cưới, cô dâu thường mặc váy liền có màu trắng hoặc vàng, được may với nếp gấp ở tay và ngực, phần đuôi xòe dài qua gót chân, chiết ở vùng ngực và eo để tôn lên vóc dáng. Bên cạnh thiết kế tinh tế, bộ váy thường đính hoa văn lấp lánh và kết hợp với giày cao gót trắng, găng tay voan. Để hoàn thiện diện mạo trong ngày trọng đại, cô dâu lựa chọn thêm những bộ trang sức đá quý, ngọc trai để tăng thêm sự trang trọng. Trong khi đó, chú rể thường diện bộ comple màu be trơn hoặc họa tiết caro, thắt caravat và đi giày da lịch sự.

Trang phục áo cưới Việt Nam thập niên 90 đến nay: Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

Từ sau những năm 1980, sự ảnh hưởng từ thời trang phương Tây đến trang phục cưới ngày càng rõ rệt. Váy cưới phong cách phương Tây trở thành lựa chọn phổ biến trong mọi đám cưới trên cả nước với sự đa dạng kiểu dáng phù hợp với thị hiếu của cô dâu Việt ở mỗi giai đoạn. Dù vậy, các cô dâu có xu hướng diện áo dài cưới truyền thống trong các nghi thức quan trọng như lễ gia tiên và rước dâu.

Áo dài cưới truyền thống thời kỳ này thường mang tông màu trắng hoặc đỏ, được thêu họa tiết tinh xảo, phần tay áo loe rộng và vạt áo dài đến ngang chân. Phụ kiện đi kèm có thể là khăn vấn truyền thống hoặc voan trắng, cùng hoa tươi tô điểm thêm sự duyên dáng cho cô dâu.

Đối với tiệc đãi khách, các cô dâu trong thập niên 90 ưa chuộng váy cưới phong cách công chúa với thiết kế xòe rộng, phần tay áo phồng lớn và điểm xuyết chi tiết trang trí cầu kỳ ở ngực và tay. Chất liệu satin và ren được ưa chuộng với màu sắc đa dạng từ trắng truyền thống, đỏ, xanh, đến các màu rực rỡ hơn. Các phụ kiện đi kèm như giày cao gót trắng, găng tay mỏng và vòng cổ ngọc trai cũng là những lựa chọn phổ biến.

Bước sang những năm 2000, phong cách váy cưới bắt đầu đơn giản hóa, đề cao sự tinh tế và nhẹ nhàng. Sự cầu kỳ dần nhường chỗ cho các thiết kế thanh thoát, nhẹ nhàng. Cô dâu ưa chuộng kiểu dáng trễ vai, váy đuôi cá, những thiết kế tôn lên vẻ đẹp tự nhiên cùng sự tự tin của họ. Phong cách trang điểm và làm tóc cũng theo xu hướng nhẹ nhàng, tập trung làm nổi bật sự thanh lịch và tinh tế. Váy cưới không còn giới hạn ở màu trắng truyền thống, mà mở rộng với các tông màu đa dạng như hồng nhạt, kem và thậm chí cả màu nude.

Ảnh: Internet

Hiện nay, thời trang cưới Việt Nam mang sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa truyền thống và hiện đại. Những giá trị văn hóa được bảo tồn, phát triển và hội nhập cùng với các xu hướng thời trang quốc tế. Qua đó, trang phục cưới ở việt Nam ngày càng trở nên đa dạng, nhộn nhịp, tạo nên nhiều dấu ấn khác biệt giúp các đôi uyên ương thực sự tỏa sáng trong ngày trọng đại của mình.

Bài viết: Lan Vy | Ảnh: Tổng hợp 
Theo Thị trường & Thương gia


 
Back to top