5 xu hướng tương lai định hình ngành xa xỉ trên thị trường miễn thuế và bán lẻ du lịch
Triển lãm và Hội nghị Thế giới TFWA diễn ra tại Cannes từ 29/9 đến 3/10/2024, quy tụ các nhà bán lẻ, thương hiệu, và nhà cung ứng hàng đầu trên thế giới để khám phá những xu hướng, cải tiến và cơ hội mới nhất trong lĩnh vực miễn thuế và bán lẻ du lịch.
Tại sự kiện này, Chủ tịch TFWA, Erik Juul-Mortensen, phát biểu rằng, “Hành khách hàng không là mạch máu của ngành miễn thuế và bán lẻ du lịch, vì vậy những số liệu gần đây từ Airports Council International World khiến chúng ta lạc quan hơn.”
Qua phát biểu của ông Erik, có thể thấy rằng hành khách hàng không đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với ngành miễn thuế và bán lẻ du lịch. Dự kiến lượng hành khách sẽ tăng 11,5% so với năm ngoái, vượt qua mức trước đại dịch. Tuy nhiên, sự phục hồi này không đồng đều giữa các khu vực, khi Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh đang dẫn đầu, trong khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa hoàn toàn trở lại mức của năm 2019.
Chính vì vậy, để bứt phá mạnh mẽ trên hành trình phát triển thương hiệu, các nhãn hàng xa xỉ phải nắm bắt được các xu hướng sắp chiếm lĩnh thị trường miễn thuế và bán lẻ du lịch trong tương lai.
1. Gen Z trở thành nhóm khách hàng trọng tâm
Trong bối cảnh chuyển giao thế hệ mạnh mẽ, các thương hiệu đang tập trung vào nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi để đổi mới chiến lược kinh doanh của mình. Nắm bắt làn sóng này, ngành bán lẻ du lịch cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi các nhà bán lẻ và thương hiệu xa xỉ đang đẩy mạnh việc số hóa. Từ việc ứng dụng “gamification” vào trải nghiệm tại cửa hàng vật lý, kết nối với người tiêu dùng trước và sau chuyến đi, cho đến động thái triển khai các chiến dịch thương mại xã hội và chương trình khách hàng thân thiết, đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của các thương hiệu sang trọng để giữ vững vị thế trên thị trường này.
Để chinh phục khách hàng Gen Z, bà Neela Montgomery, Giám đốc điều hành của tập đoàn mỹ phẩm Orveon, chia sẻ rằng, “Bạn cần suy nghĩ về cách trưng bày sản phẩm sao cho bắt mắt và làm thế nào để tận dụng không gian sân bay một cách sáng tạo, nghệ thuật. Bên cạnh đó, bạn cũng nên xem xét những gì có thể làm từ góc độ thương mại xã hội khi người tiêu dùng có mặt tại sân bay.”
“Chúng tôi đang rất chú trọng đến thương mại xã hội bên ngoài sân bay. Tôi nghĩ rằng đây đang trở thành một phần ngày càng quan trọng trong doanh nghiệp của chúng tôi. Chẳng hạn, TikTok Shop và những nền tảng mới như Flip đang thực sự ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.”, bà nhấn mạnh thêm.
2. Các sân bay châu Á đang vươn lên dẫn đầu
Các cuộc thảo luận tại TFWA nhấn mạnh rằng các sân bay châu Á vẫn tiếp tục dẫn đầu về đổi mới, từ bán lẻ trải nghiệm, đến các cửa hàng pop-up và hoạt động kích hoạt thương hiệu. Ví dụ, sân bay Changi ở Singapore không chỉ nổi tiếng với không gian xanh trong nhà mà còn có rạp chiếu phim, hồ bơi trên sân thượng, khu trò chơi điện tử, và được khẳng định là một điểm đến mua sắm hấp dẫn.
Ông Jesus Abia, Giám đốc điều hành của L’Oréal Travel Retail khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nói về dự án phòng khám chăm sóc da cho du khách năm 2024 của thương hiệu: “Việc ra mắt phòng khám Génifique Ultimate Travelers’ Repair Clinic tại sân bay Changi, Singapore, chúng tôi đang tái định nghĩa những điều có thể xảy ra trong lĩnh vực bán lẻ du lịch toàn cầu, đồng thời khẳng định khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang dẫn đầu trong việc kết hợp khoa học tiên tiến với dịch vụ sang trọng và cá nhân hóa.”
3. Hành vi tiêu dùng của khách du lịch thay đổi nhanh chóng
Các yếu tố văn hóa xã hội đang góp phần vào sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đang bùng nổ, cùng với quá trình phục hồi sau Covid đã tác động đến cách người tiêu dùng tiếp cận với các kỳ nghỉ dưỡng. Xu hướng này ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược bán lẻ, đòi hỏi các thương hiệu phải dự đoán và nắm bắt trước nhu cầu của hành khách trong tương lai.
Trong năm 2024, có một số nhóm khách hàng nổi bật mà các thương hiệu nên cân nhắc khi xây dựng chiến lược bán lẻ du lịch để tận dụng cơ hội trong lĩnh vực xa xỉ. Đó là những người “viết lách và mơ mộng”, những người đi du lịch để tìm không gian sáng tạo; du khách muốn giải tỏa căng thẳng; các cặp đôi hưởng tuần trăng mật; gia đình đi du lịch; người thường xuyên di chuyển bằng đường hàng không, và giới thượng lưu.
Việc hiểu rõ về nhu cầu và kỳ vọng của nhóm đối tượng này sẽ giúp các thương hiệu tạo ra các dòng sản phẩm giới hạn, chiến lược bán lẻ trải nghiệm và các hoạt động giới thiệu mặt hàng du lịch hiệu quả hơn.
4. Các thương hiệu làm đẹp nhỏ lẻ nhắm đến thị trường bán lẻ miễn thuế
Một số thương hiệu làm đẹp danh tiếng như L’Oréal vẫn dựa vào thị trường bán lẻ du lịch để tạo ra phần lớn doanh thu. Tuy nhiên, chỉ sau một năm gia nhập, các thương hiệu làm đẹp nhỏ hơn như Mario Badescu cũng đang nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực này.
Nhận định về vấn đề này, Melissa Hegazy, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của Mario Badescu, cho biết rằng, “Nhiều đối tác miễn thuế hiện đang tìm kiếm các thương hiệu ngách. Một cái tên có giá cả phải chăng, phổ biến trong giới Gen Z. Chúng tôi phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, từ thế hệ trước như Martha Stewart, người biết đến thương hiệu nhờ mẹ của bà, đến thế hệ trẻ mua sắm tại Urban Outfitters và dùng sản phẩm xịt dưỡng da của chúng tôi.”
5. Truyền thông nội bộ là chìa khóa cho sự đổi mới
Nhiều thương hiệu đang nỗ lực thu hút sự chú ý của người tiêu dùng tại sân bay, nơi có lưu lượng khách đông đảo hơn so với các địa điểm bán lẻ khác. Cạnh tranh tại đây rất khốc liệt, điều này được thể hiện qua các trải nghiệm ở quầy bar Prosecco của Bottega tại các sân bay ở Trung và Đông Âu, hay chiến dịch của Lancôme tại Terminal 1, quảng trường trung tâm của sân bay Changi, Singapore.
Để đạt được những thành công này, sự giao tiếp trực tiếp và hợp tác giữa hãng hàng không, sân bay, nhà bán lẻ và các điểm tiếp xúc của thương hiệu là vô cùng quan trọng. Các thương hiệu cần xây dựng mối quan hệ vững chắc và thuyết phục các sân bay nhằm thực hiện mục tiêu và phát triển. Những bước tiến nổi bật của Lancôme trong ngành chính là kết quả trực tiếp của quá trình hợp tác này.
Thị trường miễn thuế và bán lẻ du lịch đang trải qua nhiều biến động lớn, đòi hỏi các thương hiệu xa xỉ phải nhanh chóng thích ứng. Việc theo dõi và nắm bắt kịp thời những xu hướng mới không chỉ giúp họ duy trì vị thế, mà còn tạo cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong bối cảnh này, việc xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt và đúng đắn sẽ là yếu tố quyết định để các thương hiệu tiếp tục thành công trong tương lai.