BUSINESS OF LUXURY

Grand Hour: Gặp gỡ bà Lan Vy Trần – Chuyên gia cố vấn kiêm Đại diện nhà đấu giá Phillips tại Việt Nam

Jan 13, 2025 | By Ton Binh

Vào những ngày cuối năm bận rộn với lịch trình công tác dày đặc, chị Lan Vy Trần – Chuyên gia cố vấn kiêm Đại diện nhà đấu giá Phillips tại Việt Nam vẫn dành cho chúng tôi khoảng thời gian quý giá để chia sẻ về góc nhìn rất riêng của chị về đồng hồ xa xỉ.

Chị Lan Vy Trần được Phillips bổ nhiệm vai trò Chuyên gia cố vấn kiêm Đại diện nhà đấu giá tại Việt Nam, cùng sứ mệnh phát triển thị trường tại Việt Nam, nơi chị nỗ lực tăng cường nhận diện thương hiệu, kết nối với khách hàng tiềm năng, tạo dựng các cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt trong lĩnh vực đồng hồ và hội họa. Đồng thời, chị cũng tư vấn cho khách hàng về các vật phẩm mà Phillips kinh doanh khi có nhu cầu tìm hiểu hoặc giao dịch.

Về Phillips, hiện công ty đang kinh doanh trong 6 lĩnh vực chính là nghệ thuật – hội họa, nhiếp ảnh, các tác phẩm thiết kế đặc sắc, trang sức cao cấp và đồng hồ xa xỉ, với bề dày kinh nghiệm cùng mạng lưới chi nhánh trải dài trên khắp thế giới, nhưng chủ yếu tại Hong Kong, London, New York, và Thụy Sĩ. Công ty tự hào đứng trong top 3 nhà đấu giá hàng đầu thế giới về hội họa và dẫn đầu trong lĩnh vực đồng hồ, chiếm khoảng 40% thị phần. Điển hình, phiên đấu giá đồng hồ gần đây của Phillips tại Thụy Sĩ đã đạt doanh thu ấn tượng khoảng 50 triệu USD, vượt xa các tên tuổi cùng ngành.

Xin mời quý độc giả đến với buổi trò chuyện của chúng tôi.

Xin chào chị Lan Vy! Đầu tiên, chị có thể chia sẻ đôi chút về trải nghiệm trong công việc hiện tại, với vai trò là Chuyên gia cố vấn kiêm Đại diện nhà đấu giá Phillips tại Việt Nam?

Tôi rất yêu công việc mình đang đảm nhận. Phillips là một doanh nghiệp có phương thức vận hành rất linh động và cởi mở, nơi mọi ý tưởng mới mẻ đều được chào đón, Phillips là nơi tôi cảm thấy thuộc về, bởi tôi cảm thấy tự do và tự chủ như đang làm việc cho chính bản thân mình.

Và điều đặc biệt nhất đối với tôi là được tự tay trải nghiệm những vật phẩm vô giá. Đó là những mẫu đồng hồ quý hiếm trị giá lên lên đến 4 hoặc 6 triệu USD, hoặc  thành một trong số ít những người đầu tiên mở ra các tác phẩm hội họa do các danh họa lừng danh thế giới sáng tác, trong đó có tác phẩm trị giá tới 12 triệu USD. Khoảnh khắc được thưởng lãm đồng hồ tinh xảo và chiêm ngưỡng những bức tranh quý giá trước khi chúng trở thành một phần trong bộ sưu tập cá nhân của khách hàng thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi. Đây không chỉ là một trải nghiệm đầy cảm xúc mà còn là một vinh dự đặc biệt – một đặc quyền hiếm có, khiến tôi càng thêm yêu và trân trọng công việc mình đang làm.

Với tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc với các vật phẩm xa xỉ nói chung, và đồng hồ cao cấp nói riêng. Tôi tin rằng những trải nghiệm đặc biệt này đã góp phần định hình nên gu đồng hồ rất riêng của chị. Chị có thể chia sẻ thêm về phong cách và gu đồng hồ yêu thích của mình không?

Cá nhân tôi rất thích các kiểu mẫu nam tính, độc đáo, có xu hướng cổ điển hay thiết kế phi giới tính (unisex). Nếu có một lời khuyên để gửi đến khách hàng nữ khi lựa chọn đồng hồ cho bản thân họ, tôi sẽ nói rằng: “Hãy lựa chọn theo sở thích của mình”. Bởi vì tôi không đặt ra ranh giới cho bản thân giữa đồng hồ nam hay nữ. Tôi nghĩ phụ nữ vẫn có thể đeo những chiếc đồng hồ như Daytona hay Nautilus bằng thép. Tôi từng thấy nhiều người phụ nữ trong cộng đồng sưu tầm đồng hồ, cũng như khách hàng của Phillips đeo các mẫu đồng hồ nam như Nautilus 3800, Royal Oak hay Panerai.

Đặc biệt, có một dòng đồng hồ mà tôi rất thích đó là Cartier Crash (cả hai dòng “London” lẫn “Paris” dù có kích thước khác nhau). Mới đây, tại triển lãm GPHG, tôi đã bị thu hút bởi mẫu Mirage của thương hiệu Berneron. Với thiết kế mặt số và dáng vỏ uyển chuyển rất thú vị, nó gợi nhớ đến Cartier Crash, tạo nên một sự liên kết đầy ấn tượng giữa sự sáng tạo và phong cách độc đáo.

Ngoài ra, tôi mới phát hiện thêm một thương hiệu độc lập đến từ Nhật Bản mang tên Takako, với mẫu đồng hồ Chateau Nouvel Chronometer. Đây là một chiếc đồng hồ đặc biệt, có mặt số màu hồng truyền thống Nhật Bản, độc bản, được gọi là “TOKI-iro” (màu hồng của loài cò mào Nhật Bản). Mặt số này được nghệ nhân Hajime Asaoka, một bậc thầy chế tác đồng hồ nổi tiếng, trực tiếp chế tác dành riêng cho sự kiện đấu giá đồng hồ TOKI của Phillips. Đây là một mẫu đồng hồ mang đậm chất nghệ thuật và truyền thống Nhật Bản, đồng thời thể hiện sự tỉ mỉ, công phu trong từng chi tiết.

Bên cạnh đó, tôi cũng ấn tượng với Otsuka Lotec – một nhà chế tác độc lập Nhật Bản vừa giành giải thưởng tại GPHG 2024. Otsuka Lotec nổi bật với những thiết kế đồng hồ mang đậm ảnh hưởng từ văn hóa manga, tạo nên một phong cách thẩm mỹ riêng biệt và đầy sáng tạo. Các mẫu đồng hồ của họ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mà còn là sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại, mang đến những chiếc tác phẩm thời thượng nhưng luôn chứa đựng dòng chảy văn hóa khiến chủ nhân tò mò và tìm cách khai phá.

Takako và Otsuka Lotec đều là những thương hiệu nhỏ nhưng vô cùng tài năng, đại diện cho tinh hoa chế tác đồng hồ Nhật Bản, mang lại sự sáng tạo, độc đáo và chất lượng tuyệt vời của thế giới đồng hồ.

Tôi không đặc biệt yêu thích một thương hiệu nào cụ thể, mà thay vào đó, tôi luôn chọn mua những thiết kế khiến tôi cảm thấy ấn tượng và có sự kết nối đặc biệt.  Một mẫu đồng hồ mà tôi cũng yêu thích là Patek Philippe Ref. 7011. Đây là một chiếc đồng hồ phiên bản dành cho nữ, nhưng điều đặc biệt là nó không có kim cương đính trên vành bezel hay mặt số, điều này tạo nên vẻ ngoài vô cùng tinh tế và thanh thoát. Dù tinh giản, nhưng thiết kế của nó lại mang đến một cảm giác khác biệt so với những mẫu đồng hồ nữ thường thấy. Chính sự tinh tế trong thiết kế và sự thanh lịch mà không cần đến sự trang trí cầu kỳ đã khiến tôi phải lòng mẫu đồng hồ này.

Chị nhận định thế nào về thị trường đấu giá vật phẩm xa xỉ ở Việt Nam?

Tôi nhận thấy rằng Việt Nam là một thị trường đang phát triển mạnh, với nhiều nhà sưu tầm. Mặc dù chỉ có một nhóm nhỏ khách hàng thường xuyên tham gia các buổi đấu giá, nhưng tiềm năng để mở rộng cộng đồng này là rất lớn, do gần đây đã có nhiều người bắt đầu quan tâm hơn. Hiện tại, vẫn có nhiều khách hàng chưa quen với hình thức đấu giá các vật phẩm xa xỉ, nhưng tôi tin rằng các buổi đấu giá không chỉ đơn thuần là nơi mua bán, mà còn là không gian để kết nối những người cùng đam mê, nơi họ có thể chia sẻ và trải nghiệm những cảm xúc đặc biệt. Tôi rất mong muốn mang trải nghiệm này đến với các nhà sưu tầm đồng hồ tại Việt Nam, từ đó mở rộng mối liên kết đam mê trong cộng đồng, kết nối Việt Nam với thế giới.

Tại Việt Nam, mặc dù có không ít cá nhân thuộc giới thượng lưu, nhưng việc tiếp cận với mô hình đấu giá đồng hồ vẫn còn khá hạn chế, phần lớn do mô hình này chưa thực sự thịnh hành và các nhà đấu giá vẫn chưa có chiến lược quảng bá rộng rãi. Với vai trò là Chuyên gia cố vấn kiêm Đại diện nhà đấu giá Phillips tại Việt Nam, tôi nhận thấy cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với giới truyền thông để đưa mô hình đấu giá đồng hồ đến gần hơn với công chúng. Việc này không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết của khách hàng, mà còn mở ra cơ hội cho họ tiếp cận với những sản phẩm độc đáo và quý giá qua hình thức đấu giá, qua đó góp phần nâng tầm thị trường đồng hồ tại Việt Nam.

Một buổi đấu giá không đơn thuần chỉ là một cuộc giao dịch mà là nơi chia sẻ đam mê về đồng hồ.Trong một buổi đấu giá, có rất nhiều mức giá khác nhau trong một bộ sưu tập, vì vậy nó phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Tôi từng chứng kiến những vị khách mua đồng hồ trị giá 6 triệu USD lại có thể kết giao thân thiết với những người mua đồng hồ 6.000 USD. Đó chính là vẻ đẹp đặc biệt của văn hóa đấu giá, nơi mọi người đều có thể tìm thấy giá trị riêng cho mình và xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa.

Đối với một người chơi đồng hồ, tham gia đấu giá tại Phillips mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết, khách hàng có thể mua được những mẫu đồng hồ với giá tốt hơn so với thị trường, đồng thời có cơ hội sở hữu những mẫu đồng hồ hiếm hoi, khó tìm thấy trên thị trường xám hay từ các nhà phân phối chính thức. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua là đảm bảo về nguồn gốc. Phillips sở hữu đội ngũ chuyên gia kiểm định với nhiều năm kinh nghiệm, giúp xác thực chất lượng đồng hồ, kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng máy móc trước khi đưa vào đấu giá. Hơn nữa, khách hàng còn được hưởng chính sách bảo hành trọn đời, mang lại sự an tâm và tin tưởng tuyệt đối khi mua sắm.

Là một trong số ít những người phụ nữ đang nắm giữ vai trò quan trọng trong một lĩnh vực tương đối đặc thù. Điều này có mang đến trở ngại cho chị không?

Đa phần các nhà sưu tập đồng hồ là phái mạnh, tuy nhiên xu hướng này đang dần thay đổi, đặc biệt là tại Việt Nam. Sự thay đổi này rất đáng chú ý khi tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường đồng hồ đã tăng lên rõ rệt. Trên thế giới, khoảng 35% người mua đồng hồ là phụ nữ, trong khi 75% là nam giới, nhưng tại Việt Nam, tỷ lệ này đã gần cân bằng với 45% phụ nữ và 55% nam giới. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy phụ nữ ngày càng trở thành một tệp khách hàng quan trọng trong ngành đồng hồ, và là một thị trường mà Phillips đặc biệt chú trọng.

Điều đặc biệt là, tại Phillips, Trưởng bộ phận Đồng hồ tại các chi nhánh ở Geneva và Hong Kong đều là phụ nữ, điều này không chỉ tạo nên sự đổi mới mà còn mang lại lợi thế cho đội ngũ của chúng tôi.

Tuy nhiên, vẫn còn một trở ngại lớn tại Việt Nam, đó là tư duy phân biệt đồng hồ dành cho nam và nữ. Như tôi đã chia sẻ trước đây, tôi không tin vào khái niệm này. Tôi luôn khuyến khích mọi người hãy chọn lựa những gì mình yêu thích, không nên bị ràng buộc hay gò ép bởi bởi bất kỳ chuẩn mực nào về kích thước, hay phong cách dành riêng cho phái nữ. Cảm nhận và sở thích cá nhân mới là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn đồng hồ.

Chị có thể kể về một phiên đấu giá đồng hồ mà chị ấn tượng nhất, hoặc để lại trong chị cảm xúc đáng nhớ nhất không?

Đó có lẽ là phiên đấu giá đồng hồ diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng 11 vừa qua, khi thị trường còn khá ảm đạm. Nhưng tôi chưa từng chứng kiến một phiên đấu giá nào quy tụ sự tham gia đông đảo của cộng đồng các nhà sưu tầm và giới đam mê đồng hồ như vậy. Cả khán phòng gần như chật kín người, từ khách mời đặc biệt của ngài F.P. Journe đến những vị khách đến từ Hong Kong và các quốc gia khác. Điều khiến tôi nhớ mãi về phiên đấu giá ấy chính là chủ đề “Kỷ vật của thập niên 1980 – 1990”, nhằm tôn vinh những thiết kế đồng hồ cơ học đầy sáng tạo của thời kỳ ấy. Thập niên 1970 – 1980 đánh dấu thời kỳ khủng hoảng thạch anh, đe dọa sự tồn tại của đồng hồ cơ.

Tuy nhiên, chính trong thử thách ấy, những nhà chế tác đồng hồ cơ truyền thống đã không ngừng sáng tạo để khôi phục lại giá trị của mình, tạo ra những mẫu đồng hồ cơ vô cùng độc đáo. Và chính những thiết kế tiêu biểu ấy được mang ra đấu giá, để kỷ niệm một thời đại huy hoàng của đồng hồ cơ. Một trong số đó là mẫu F.P. Journe Tourbillon a Remontoire D’egalite, chế tạo để nhấn mạnh sự vô giá của đồng hồ cơ, tôn vinh chất lượng và tay nghề thủ công truyền thống. Đó chính là một lời tuyên bố mạnh mẽ rằng “đồng hồ quartz sẽ không bao giờ thay thế được đồng hồ cơ truyền thống”. Được chứng kiến khoảnh khắc ấy, tôi cảm nhận được sự trân trọng và niềm tự hào của cả cộng đồng đam mê đối với những thiết kế mang tính biểu tượng này.


 
Back to top