BUSINESS OF LUXURY

Grand Hour: Gặp gỡ Raymond Loretan – Chủ tịch của Grand Prix d’Horlogerie de Genève

Oct 23, 2024 | By Ton Binh

Việt Nam vinh dự được chào đón một trong những sự kiện danh giá nhất trong ngành công nghiệp đồng hồ xa xỉ – Triển lãm Grand Prix d’Horlogerie de Genève (GPHG) 2024. Sự kiện diễn ra tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh mang tính biểu tượng, thu hút sự chú ý của giới mộ điệu đồng hồ lẫn công chúng yêu thích nghệ thuật.

Vào ngày 8 tháng 10 vừa qua, Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm điểm của thế giới đồng hồ khi chào đón lễ khai mạc của Triển lãm GPHG 2024. Trước thềm lễ trao giải GPHG diễn ra vào ngày 13 tháng 11 tại Théâtre du Léman ở Geneva, 90 chiếc đồng hồ được đề cử chính thức đã được trưng bày tại Thành phố Hồ Chí Minh như một phần trong chuyến roadshow vòng quanh thế giới.

Triển lãm GPHG 2024 mang đến cho những người yêu thích đồng hồ trong khu vực cơ hội hiếm có để chiêm ngưỡng những kiệt tác của ngành công nghiệp đồng hồ trong năm. Khách tham quan có thể ngắm nhìn tất cả các đề cử được chọn cho 15 hạng mục đồng hồ, bao gồm: Men’s,  Ladies’, Men’s & Ladies’ Complications, Iconic, Tourbillon, Calendar & Astronomy, Mechanical Exception, Time Only, Chronograph, Sports, Jewellery, Artistic Crafts, Challenge, và Petite Aiguille. Mỗi hạng mục giới thiệu những tác phẩm nổi bật nhất, cung cấp cho người xem cái nhìn toàn diện về sự đa dạng và sáng tạo trong ngành công nghiệp đồng hồ.

Tầm quan trọng của sự kiện lần đầu tiên này tại Việt Nam được nhấn mạnh bởi sự hiện diện của ông Raymond Loretan – Chủ tịch của Grand Prix d’Horlogerie de Genève (GPHG), và thật tuyệt vời khi chúng tôi đã được trò chuyện cùng ông.

Là một thị trường khá khiêm tốn trên bản đồ đồng hồ thế giới, tại sao Grand Prix d’Horlogerie De Genève (GPHG) lại chọn Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam làm một phần của chuyến roadshow vòng quanh thế giới này?

Vì tôi tin Việt Nam sẽ trở thành một thị trường lớn. Hiện Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, đồng thời là một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Một đất nước rộng lớn, chúng tôi nhận thấy các bạn có niềm đam mê đồng hồ, các bạn có nhiều nhà sưu tầm đồng hồ, nhà phân phối và tôi nghĩ đây là nơi thích hợp tại Đông Nam Á để GPHG hiện diện. Việt Nam cũng gần giống như Singapore nên việc GPHG đến đây là rất quan trọng.

Lý do thứ hai là vì chúng tôi có một đối tác cực kỳ đáng tin cậy – The Hour Glass, họ tạo cho GPHG cũng như các nhãn hiệu đồng hồ đang trưng bày ở đây nền tảng lý tưởng để thúc đẩy sự cạnh tranh. Chúng tôi thực sự cần một đối tác rất nghiêm túc để tổ chức triển lãm, nên việc hợp tác với The Hour Glass là rất quan trọng.

Đây là triển lãm thứ năm của GPHG, chúng tôi đã ở Bangkok, Kuala Lumpur, Sydney, Singapore với The Hour Glass. Vì vậy, khi Michael Tay đề xuất tổ chức triển lãm ở Việt Nam, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi đã cân nhắc một chút rồi chắc chắn rằng rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời.

Chúng tôi tin rằng các bạn sẽ là một nền kinh tế tạo ra sự khác biệt trong khu vực. Ngoài ra, triển lãm GPHG không mang tính thương mại, mà thực sự là một cuộc triển lãm về văn hóa đồng hồ, chế tác đồng hồ là một nghệ thuật. Và tuyệt vời hơn nữa là The Hour Glass cũng thực sự có chung sứ mệnh là quảng bá về văn hóa chế tác đồng hồ.

Năm nay có bao nhiêu chiếc đồng hồ tham gia dự tuyển? Đó có phải là con số lớn nhất từ trước đến nay không?

Tôi nghĩ ban đầu có khoảng 274 đến gần 300 mẫu đồng hồ tham gia dự tuyển, nhưng cuối cùng còn lại 90 chiếc đồng hồ được đề cử.

Năm ngoái, có 84 chiếc đồng hồ đeo tay và 6 chiếc đồng hồ treo tường lớn được đề cử, nhưng chỉ mang đến triển lãm vòng quanh thế giới các tuyệt tác đồng hồ đeo tay mà không có đồng hồ treo tường vì rất dễ bị hỏng, cũng như vì kích thước quá lớn. Tuy nhiên, giới đam mê có thể chiêm ngưỡng chúng tại Geneva. Đặc biệt, hạng mục đồng hồ treo tường sẽ không ra mắt thường niên, vì cần nhiều thời gian để sản xuất. Do đó, hạng mục này có thể sẽ quay trở lại vào năm tới hoặc trong hai năm nữa.

Ngoài ra, GPHG không tự quyết định danh mục nào sẽ ra mắt mỗi năm mà phải căn cứ vào thị trường, từ sự thành công của những mẫu đồng hồ rồi mới quyết định. Mỗi năm chúng tôi đều có danh mục đồng hồ cổ điển cũng như một vài danh mục mới, ví dụ năm nay là danh mục đồng hồ chỉ báo thời gian cơ bản. Bên cạnh đó, năm nay có rất nhiều mẫu dự tuyển ở hạng mục đồng hồ nam, trong đó có nhiều mẫu đồng hồ mang phong cách cổ điển, thanh lịch chỉ có hai kim hoặc ba kim rất đơn giản.

Trái ngược, có một số thiết kế trang bị tính năng jumping-hour, lịch day-date v.v… Và học viện cùng ban giám khảo dĩ nhiên sẽ chọn các mẫu jumping-hour vì tính phức tạp cao hơn loạt thiết kế còn lại, việc này vô tình khiến dòng đồng hồ cơ bản không đạt được lượt bình chọn cao. Vì vậy, chúng tôi quyết định bổ sung thêm danh mục danh mục đồng hồ chỉ báo thời gian cơ bản dành cho những thiết kế đơn giản, thanh lịch cổ điển và đã thành công khi thu hút nhiều ứng viên trong hạng mục này.

GPHG có những nguyên tắc gì trong việc hợp tác để đảm bảo tính trung lập?

Trước hết, với The Hour Glass họ đang kinh doanh hầu hết nhãn hiệu, đó chính là một sự đảm bảo cho tính trung lập của GPHG. Kể cả các nhà tài trợ hoặc đối tác khác, ví dụ như Christie’s, họ cũng phân phối rất nhiều thương hiệu. Chúng tôi thực sự chú ý đến điều này, nhằm đảm bảo rằng không có xung đột lợi ích. Vì vậy, tôi không nhận thấy bất kỳ nguy cơ nào ảnh hưởng đến tính độc lập hay trung lập của sự kiện. GPHG là một tổ chức nhỏ thành lập ở Geneva, Thụy Sĩ vì vậy tôi cần một đối tác bản địa có năng lực, thực sự am hiểu văn hóa cùng tầm nhìn về thị trường địa phương – nơi tổ chức triển lãm để tư vấn cho chúng tôi, điều này rất quan trọng.

Tuy nhiên đây là một câu hỏi hay, vì rất khó để tìm được một đối tác nghiêm túc, thực sự am hiểu về thị trường địa phương chỉ để quảng bá văn hóa đồng hồ mà không phải để bán hàng. Đó là điều quan trọng, vì tôi muốn mời đúng người và đương nhiên vẫn giữ tinh thần trung lập. Thật tuyệt vời khi làm việc với các đối tác qua nhiều năm. Chúng tôi đã tổ chức thành công cuộc triển lãm đầu tiên và hiện giờ là sự kiện lần thứ năm, mọi việc ở Geneva diễn ra rất suôn sẻ bởi đối tác của chúng tôi am tường mọi thứ ở địa phương. Năm nay, GPHG làm việc cùng một đối tác mới ở Hong Kong là Christie’s. Dĩ nhiên, ban đầu phải mất một chút thời gian để hiểu nhau hơn, nhưng họ biết rất rõ văn hóa ở đất nước ấy, điều đó rất quan trọng.

Song song đó, những nhà bán lẻ chuyên nghiệp cũng đảm bảo việc chăm sóc đồng hồ rất tốt. Tất cả 90 chiếc đồng hồ trong triển lãm đều là các tác phẩm rất tinh tế, bao gồm cả chiếc đồng hồ phức tạp và ta cần biết cách bảo dưỡng, chăm sóc, lên dây cót cho đúng. GPHG là một tổ chức phi lợi nhuận rất nhỏ ở Geneva, hoạt động vì sứ mệnh quảng bá văn hóa và không có chuyên môn trong việc chăm sóc đồng hồ, nhưng nhờ họ mà chúng tôi đã có các buổi triển lãm rất thành công.

GPHG có rất nhiều đối tác trên thế giới, nhưng ông nhận định thế nào về thị trường đồng hồ cao cấp khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam?

Thị trường đồng hồ toàn cầu hiện đang khủng hoảng và bạn cũng sẽ bị cuốn vào cuộc khủng hoảng này. Nhưng về trung và dài hạn, tôi nghĩ đây là một thị trường đang phát triển vì Việt Nam là đất nước đang phát triển. Về mặt kinh tế, Việt Nam dần khẳng định được tầm quan trọng trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngoài ra, Việt Nam đang được mọi người chú ý đến vì động lực phát triển, kinh tế tăng trưởng nhanh. Chúng ta đang ở trong một nền kinh tế toàn cầu và các bạn đang tham gia rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu này, bao gồm cả Thụy Sĩ. Khi đi dạo trên phố, tôi nhận thấy rằng thị trường xa xỉ ở đây còn khá non trẻ, nhưng chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong tương lai gần. Vì vậy, chúng tôi tin rằng mọi thứ sẽ tăng trưởng kể cả trong thị trường đồng hồ lẫn ngành xa xỉ.

Theo ông, yếu tố nào làm nên uy tín của một giải thưởng quốc tế như GPHG?

Trước hết, GPHG là một giải thưởng danh giá được ví như giải Oscar của ngành đồng hồ. Đây là một giải thưởng toàn diện, danh tiếng và uy tín nhất thế giới do được tuyển chọn bởi hàng nghìn người từ khắp nơi, cũng như từ tập thể người am hiểu đồng hồ, đồng thời còn được củng cố bởi việc thành lập học viện GPHG. Những thương hiệu chiến thắng luôn tự hào thể hiện điều này bằng một thông báo rằng họ đã được đề cử, hoặc họ là người chiến thắng tại Grand Prix d’Horlogerie De Genève.

Điều GPHG phải nỗ lực lúc này là được công chúng biết đến nhiều hơn, điều này chỉ trở thành hiện thực khi nhận được sự hỗ trợ từ báo giới cùng đối tác truyền thông. Có một nghịch lý rằng GPHG rất nổi tiếng ở Geneva – cái nôi của nghề chế tác đồng hồ, nhưng lại ít được biết đến tại các thành phố khác của Thụy Sĩ vì chủ yếu hoạt động quốc tế. Do đó, chúng tôi cần gia tăng sự hiện diện tại một số thành phố khác, ví dụ như Zurich… và tổ chức nhiều triển lãm hơn ở Thụy Sĩ. Không phải để quảng bá đồng hồ mà là quảng bá về giải thưởng, điều này sẽ nâng cao danh tiếng của sự kiện.

Mục đích khi phát triển giải thưởng này, đầu tiên là tổ chức một cuộc thi giữa các nhà chế tác đồng hồ, thứ hai là quảng bá ngành đồng hồ, thứ ba là làm nên một phương tiện giáo dục, điều này rất quan trọng, nhưng hơn thế nữa, đó là một nghệ thuật và GPHG muốn tập trung nhiều hơn nữa trong tương lai.

Cảm ơn ông rất nhiều vì cuộc trò chuyện này.

Phỏng vấn Jason Đặng, Hồng Đặng và Trương Huyền My


 
Back to top