BUSINESS OF LUXURY

Business of Luxury: Hàng loạt “ông lớn” lấn sân đồng hồ thời trang

Mar 11, 2019 | By Nguyen Huu Hon

Miếng bánh thị trường kinh doanh đồng hồ thời trang chia thêm phần cho PNJ, Leflair, Doji, Thế giới di động, và nhiều doanh nghiệp mới.

Sôi động thị trường đồng hồ thương mại điện tử

Website bán đồng hồ của Thế giới di động.

Từ ngày 8/3, Thế giới di động – nhà bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực điện máy, hàng tiêu dùng… chính thức mở rộng và bán đồng hồ trên mạng lưới website. Theo đó, nhà bán lẻ mở bán nhiều đồng hồ thời trang thuộc các thương hiệu bán chạy nhất Việt Nam ở giai đoạn hiện tại: Michael Kors, Fossil, Daniel Wellington và Casio. Trước đó, Thế giới di động cũng đã phân phối đồng hồ thông minh (smart watch).

Trao đổi với giới truyền thông, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế giới di động cho biết ý tưởng kinh doanh đồng hồ mới có từ đầu năm nay. Theo kế hoạch đặt ra, công ty sẽ nhanh chóng thúc đẩy tiến độ và có cửa hàng thử nghiệm đầu tiên. Nếu có dấu hiệu tích cực, công ty sẽ mở rộng thêm mô hình.

Trước Thế giới di động, Doji cũng từng thử nghiệm bán đồng hồ thông qua việc phân phối một vài thương hiệu thời trang tầm trung tương tự như Thế giới di động. Leflair, trang bán hàng hiệu trực tuyến cũng đã lấn sân vào thị trường này khá sớm.

Có thể nói, PNJ đang là đối thủ nặng ký trong mảng phân phối đồng hồ mà Thế giới di động phải đối mặt.

 

PNJ đang là đối thủ nặng ký trong mảng phân phối đồng hồ mà Thế giới di động phải đối mặt.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Vàng bạc và Đá quý Phú Nhuận – PNJ – cũng đã bán thử nghiệm đồng hồ từ năm 2012 tại các cửa hàng trang sức. Kể từ đầu năm 2019, PNJ thành lập hàng chục cửa hàng PNJ Watch (chủ yếu tại khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Nam) để tiếp tục đẩy mạnh mảng kinh doanh này.

Các thương hiệu PNJ phân phối cũng khá đa dạng, như Daniel Wellington, MTMT, Citizen, Seiko, CK, Guess, Michael Kors, Skagen, Tissot, Longines… để trải rộng phân khúc, từ nhóm hàng thời trang giá đại chúng như Daniel Wellington, MVMT, Citizen, Seiko, CK, Guess, Michael Kors, Skagen (giá từ 4-8 triệu đồng), cho tới tầm trung như Tissot (trên 10 triệu đồng) hay cao cấp là Longines (30-70 triệu đồng). Có thể nói, PNJ đang là đối thủ nặng ký trong mảng phân phối đồng hồ mà Thế giới di động phải đối mặt.

Đến nhượng quyền phân phối

Cửa hàng Miluxe Boutique đặt tại Lý Thường Kiệt, Hà Nội

Theo dự đoán của World of Watches – tạp chí hàng đầu về đồng hồ tại Việt Nam, 2019 sẽ là một năm đầy sôi động của thị trường nhượng quyền phân phối đồng hồ trang sức đại chúng chính hãng.

Có nguồn tin cho hay, PNJ vừa đàm phán thành công và chính thức được phân phối độc quyền đồng hồ Michael Kors tại Việt Nam. Gần như ở mảng đồng hồ nữ, Michael Kors không có đối thủ trong doanh thu bán ra.

Hồi cuối năm 2018, Lan Phạm – một công ty bán lẻ vừa khai trương cửa hàng – đã chính thức công bố việc phân phối độc quyền đồng hồ Versace và Salvatore Ferragamo tại Việt Nam. Trước đây, hai dòng đồng hồ này chủ yếu được bán tại các cửa hàng đa nhãn hiệu như Cititime.

Galle Watch cũng vừa công bố phân phối độc quyền Certina, dòng đồng hồ thể thao đại chúng cho nam giới. Còn công ty Lâm Trân thì cho biết đồng hồ Gucci mà công ty đang phân phối sẽ là dòng đồng hồ chiến lược trong năm nay.

 

Lý giải về quyết định tấn công vào thị trường đồng hồ thời trang, Chủ tịch PNJ – bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết: “Thị trường đồng hồ Việt Nam đang rất hỗn loạn. Việc PNJ trở thành điểm đến của đồng hồ chính hãng sẽ được khách hàng tin tưởng và lựa chọn. Qua 5 năm triển khai, đến nay PNJ đã thu về nhiều kết quả khả quan để đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh đồng hồ trong tương lai”.

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế giới di động lại cho biết đồng hồ hiện không chỉ để xem giờ mà còn được xem là phụ kiện thời trang. Thậm chí, không ít người có tới 5-7 chiếc đồng hồ để phối với trang phục.

Trước đến nay, mảng đồng hồ giá thấp thường được biết đến qua việc phân phối bán lẻ tại cửa hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, nhận ra tầm quan trọng của thương mại điện tử, hầu hết các nhà phân phối lớn đều đổ ngân sách mong chiếm lĩnh sớm thị phần này.

Những thách thức cho đại lý phân phối chính hãng  

Đồng hồ Fendi được lòng phái nữ

Hiện nay, đồng hồ được chia thành nhiều phân khúc, mà trong đó, đồng hồ thời trang vẫn là mảng thị trường lớn mà nhiều tay chơi chưa phân rõ vị thế. Với dân số hơn 90 triệu người và quy mô thị trường đồng hồ trang sức ước tính 17.000 tỷ đồng (số liệu từ VCS), có thể nói thị trường đồng hồ Việt Nam vẫn còn rất phân mảnh và chưa có tay chơi lớn nào tham gia rõ ràng là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp.

Với dân số hơn 90 triệu người và quy mô thị trường đồng hồ trang sức ước tính 17.000 tỷ đồng (số liệu từ VCS) mà chưa có “tay chơi” lớn nào tham gia, có thể nói đây là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thách thức trước mắt là không nhỏ. Kể từ sau cơn khủng hoảng về đồng hồ quartz và dao động về đồng hồ thông minh, các nhà phân phối giờ phải đương đầu với đồng hồ xách tay có giá bán rẻ hơn so với giá niêm yết chính hãng.

Dù vậy, bà Bùi Mai Bình, đại diện đơn vị Miluxe Boutique chuyên phân phối đồng hồ Fendi tại Việt Nam, vẫn rất lạc quan. Bà cho biết Fendi cũng như đồng hồ Chanel hay Christian Dior, thuộc phân khúc đồng hồ thời trang, kim hoàn cao cấp. Sản phẩm có giá khởi điểm từ 1,000USD, giá trung bình từ 3,000 – 7,000USD, sản phẩm cao cấp lên tới hàng trăm ngàn USD.

“Khách hàng sẽ thích mua sắm tại các điểm bán hàng quy chuẩn của hãng, đi cùng dịch vụ hậu mãi theo tiêu chuẩn hàng hiệu cao cấp” – Bà Mai Bình chia sẻ: “Bên cạnh đó, do đánh giá cao tiềm năng của thị trường 100 triệu dân nên dù thuế nhập khẩu vào Việt Nam cao hơn, Fendi vẫn dành cho Việt Nam mức giá rất ưu đãi, tương đương với nước ngoài”.

“Miluxe cũng không đứng ngoài cuộc chơi đầy hấp dẫn này, chúng tôi đang phối hợp với một số đơn vị kim hoàn lớn mở boutique cho đồng hồ Fendi trong thời gian tới”. – Bà Bùi Mai Bình, đại diện Miluxe Boutique cho biết.

Nếu Thế giới di động hay Doji chỉ là những nhà bán lại đồng hồ, thì rõ ràng các đại lý có cửa hàng boutique truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phân mảnh thị trường này.

Nhận rõ vấn đề đó, vào cuối năm 2018, Galle Watch dành nhiều ngân sách cho việc đầu tư vào mảng thương mại điện tử. Các chiến dịch quảng bá, tương tác trên truyền thông xã hội cũng được triển khai. Trong năm qua, Galle cũng đóng cửa ít nhất 2 cửa hàng để mở rộng thị trường thương mại điện tử.

Một thách thức không nhỏ nữa dành cho các nhà phân phối truyền thống là ngân sách cho chiến dịch quảng bá thường khá lớn. Gucci đã chi một chiến lược lớn dàn trải, nhằm dẫn đầu thị trường mà Michael Kors, Danniel Wellington đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Điều tương tự cũng diễn ra ở đồng hồ Salvatore Ferragamo hay Versace.

Đồng hồ Gucci dành cho nam giới

Nhìn chung, cuộc chơi vẫn còn ở phía trước. Những con số thống kê cho thấy tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh đồng hồ rất cao (biên lãi gộp phụ kiện, đồng hồ PNJ thường ở mức 60 – 70% – số liệu từ CafeF) là yếu tố quan trọng để PNJ, Doji, Thế giới di động và các nhà phân phối khác lựa chọn trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh.

Bài: THƯ QUÂN


 
Back to top