“Cha đẻ” giày đế đỏ huyền thoại Christian Louboutin trở thành tỷ phú ở tuổi 61
Được biết đến với đôi giày đế đỏ huyền thoại, nhà thiết kế Christian Louboutin hiện đã trở thành tỷ phú ở tuổi 61, với thương hiệu thời trang mang tên mình.
Mặc dù vẫn nổi tiếng nhất với những mẫu giày cao gót và đế xuồng, thương hiệu Louboutin đã mở rộng sang giày thể thao, túi xách và các sản phẩm làm đẹp, cũng như các dòng sản phẩm dành cho nam giới và trẻ em.
Christian Louboutin được định giá 3,2 tỷ USD vào năm ngoái bởi công ty đầu tư Exor thuộc sở hữu của gia đình người Ý Agnelli. Exor đã mua 24% cổ phần vào năm 2021 với giá khoảng 650 triệu USD.
Louboutin vẫn nắm 35% cổ phần, được Forbes định giá khoảng 1,1 tỷ USD. Số cổ phần này chiếm phần lớn trong khối tài sản ước tính trị giá 1,2 tỷ USD bao gồm các khoản đầu tư khác như khách sạn Vermelho, một khu nghỉ dưỡng sang trọng mà Louboutin đã mở ở miền nam Bồ Đào Nha năm ngoái.
Tỷ phú cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với The Business Of Fashion: “Tôi đã thành lập công ty cùng với hai người bạn thân nhất của mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bán một phần công ty. Tôi không đến điều gì khác ngoài việc cho ra mắt những thiết kế giày độc đáo”.
Cuộc cách mạng đế đỏ
Những đôi giày của ông có giá khởi điểm khoảng 800 USD (hơn 20 triệu đồng) và nhanh chóng tăng giá lên đến hàng nghìn đô la nhờ được diện bởi nhiều người đẹp nổi tiếng thế giới.
Louboutin đã mở cửa hàng đầu tiên tại Paris vào năm 1991 và một trong những vị khách đầu tiên của ông là Công chúa Caroline của Monaco.
Kể từ đó, giày cao gót đế đỏ của ông đã trở thành một hình ảnh không thể thiếu trên thảm đỏ. Tại lễ trao giải Quả cầu vàng năm nay, thiết kế này đã được nhiều ngôi sao ưu ái như Selena Gomez, Lenny Kravitz, Heidi Klum và Simu Liu.
Không những thế, đôi giày này còn trở thành biểu tượng của văn hóa đại chúng. Trong Sex and the City, cô nàng nghiện giày cao gót Sarah Jessica Parker đã vào vai Carrie Bradshaw. Khoảnh khắc cô đi đôi giày Loubis cọc cạch đã tạo nên cơn sốt vào thời điểm đó.
Trong bản hit năm 2017 mang tên “Bodak Yellow”, Cardi B một lần nữa nhắc đến đôi cao gót đế đỏ: “These expensive, these is red bottoms, these is bloody shoes.” (Tôi giàu, tôi mang Louboutin đế đỏ, đỏ đẫm máu).
Năm ngoái, cả Beyoncé và Taylor Swift đều diện giày Louboutin trong các chuyến lưu diễn hòa nhạc. Ông đã đặc biệt thiết kế những đôi giày khác nhau cho mỗi lần biểu diễn của Taylor: giày lười cho album Red và bốt cao đính đá cho album Midnights. Diễn viên Margot Robbie cũng diện thiết kế giày mules kim loại của thương hiệu trong buổi ra mắt phim Barbie tại London.
Câu chuyện đằng sau đôi giày cao gót huyền thoại
Sinh ra và lớn lên tại Paris, Louboutin xuất thân từ tầng lớp lao động. Cha ông là thợ đóng tủ từ Brittany, trong khi mẹ ở nhà nuôi ông và ba chị gái. Khi 10 tuổi, Louboutin đã đến thăm Bảo tàng Nghệ thuật Châu Phi và Châu Đại Dương ở Paris và nhìn thấy một biển báo cấm phụ nữ đi giày cao gót. Điều này khiến Louboutin cảm thấy rất bất bình và bắt đầu sự say mê với giày dép, đặc biệt là giày cao gót từ đó.
“Tôi sinh ra trong một môi trường nhiều tính nữ với mẹ và các chị gái, những người đã giúp tôi hiểu phụ nữ và dẫn dắt tôi đến với những gì tôi đang làm”, ông chia sẻ với Forbes vào năm 2016. “Tôi luôn vẽ giày khi lớn lên nhưng thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với nghề sản xuất giày”.
Năm 16 tuổi, Louboutin thực tập tại Folies Bergère, nơi ông bắt đầu thiết kế giày cho các vũ công. Sau đó, ông có thời gian làm việc với nhà thiết kế giày người Pháp Charles Jourdan, trước khi cống hiến cho Chanel và Yves Saint Laurent. Năm 1988, ông được Roger Vivier, người phát minh ra giày cao gót nhọn hiện đại mời về làm việc. “Lúc 16 tuổi, tôi đã được tặng một cuốn sách về nhà thiết kế Roger Vivier. Tôi nghĩ đó thực sự là một điều tuyệt vời khi giờ đây tôi đang làm công việc thiết kế giày.”
Sau đó, ông mở cửa hàng đầu tiên tại Paris vào năm 1991 với sự giúp đỡ của hai người bạn, Henri Seydoux và Bruno Chambelland. Seydoux đã bán cổ phần của mình trong thỏa thuận năm 2021 với Exor.
Thiết kế giày cao gót với phần đế màu đỏ nổi tiếng đã đến với ông vào năm 1992. Khi đó, ông muốn tạo ra một đôi giày lấy cảm hứng từ bức họa Flowers của nghệ sĩ Andy Warhol. Đôi giày đầu tiên hoàn thành tại Ý có màu hồng và được trang trí bằng hoa vải sáng màu, đúng như bức họa gốc. Tuy nhiên, ông cảm thấy đôi giày vẫn còn thiếu sức sống so với tác phẩm nghệ thuật.
Lúc này, Louboutin nhận ra vấn đề nằm ở phần đế giày màu đen khiến sản phẩm trở nên tối tăm. Ông tình cờ thấy một cô nhân viên đang sơn móng tay màu đỏ tươi và liền chộp lấy lọ sơn, phết lên phần đế giày. Kết quả, đôi giày trở nên gần như hoàn hảo, giống hệt như bức họa. Từ đó, màu đỏ của đế giày trở thành dấu ấn đặc trưng của thương hiệu.
Sự thành công của Christian Louboutin
Từ cửa hàng đầu tiên tại Galerie Véro-Dodat, thương hiệu đã tiếp tục phát triển, mở các cửa hàng tại New York vào năm 1994 và London vào năm 1997. Giày cao gót Louboutin dần xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ đám tang của Công nương Diana đến các video ca nhạc của Madonna. Ông đã đăng ký nhãn hiệu đế giày đỏ tại Pháp vào năm 2000.
Hiện nay, Louboutin có hơn 160 cửa hàng tại 32 quốc gia trên 4 châu lục, bao gồm 35 cửa hàng tại Hoa Kỳ, 23 cửa hàng tại Nhật Bản và 20 cửa hàng tại Trung Quốc. “Louboutin là một ví dụ hiếm hoi về một thương hiệu giày dép có tiềm năng mở rộng sang các dòng sản phẩm khác như quần áo và túi xách”, nhà phân tích và nghiên cứu hàng xa xỉ Luca Solca cho biết. Danh mục đầu tư bất động sản cá nhân của Louboutin cũng trải dài khắp toàn cầu.
Trong nhiều năm, Louboutin đã nỗ lực bảo vệ hình ảnh giày đế đỏ của mình trong nhiều vụ kiện trên khắp thế giới. Điều này dẫn đến xung đột với những ông lớn trong ngành như Zara và Yves Saint Laurent.
Louboutin hiện sản xuất hơn 1 triệu đôi giày mỗi năm và giống như nhiều nhà mốt thời trang xa xỉ khác, mức giá cao là động lực cho sự phát triển bền vững của thương hiệu. Joren van Aken, một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Bỉ Degroof Petercam, cho biết: “Các thị trường tài chính thích các công ty xa xỉ vì họ có biên lợi nhuận cao hơn và quyền định giá cao. Những người giàu có sẽ không ngừng mua các mặt hàng xa xỉ cho dù lạm phát là 2% hay 5%”.
Sau khi công bố lợi nhuận kỷ lục trong thời kỳ đại dịch, ngành hàng xa xỉ đã chứng kiến mức tăng trưởng chậm hơn vào năm 2023. Theo Bain & Company, giày dép là danh mục hàng xa xỉ tăng trưởng chậm nhất trong năm ngoái, chỉ tăng từ 2% đến 3%.
Louboutin cũng bị ảnh hưởng bởi điều này, khi lợi nhuận ròng của công ty là 37 triệu USD trong nửa đầu năm 2023, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, công ty vẫn mở thêm 10 cửa hàng và “tiếp tục mang lại lợi nhuận hàng đầu”, theo báo cáo nửa năm 2023 của Exor.
Sự tăng trưởng của Louboutin vẫn chưa dừng lại. Vào tháng 2 vừa qua, thương hiệu đã công bố dòng kính râm mới, hợp tác với nhà sản xuất kính mắt Ý Marcolin.