BUSINESS OF LUXURY

Công nghệ in 3D và thời trang bền vững

Mar 13, 2022 | By Ton Binh

Công nghệ in 3D đã xuất hiện từ những năm 1980 nhưng mới phổ biến gần đây trong lĩnh vực xa xỉ. Câu hỏi đặt ra là những thương hiệu cao cấp có chấp nhận với công nghệ này hay sẽ cảm thấy e ngại?

Thế kỷ 21 đánh dấu bước nhảy vọt của công nghệ in 3D và dần trở nên phổ biến với ngành công nghiệp thời trang đại chúng. Trong lĩnh vực thời trang xa xỉ, các thương hiệu đã bắt đầu kết hợp in 3D vào các thiết kế của họ.

Cụ thể, trong Bộ sưu tập Thu-Đông 2018 của Balenciaga, những mảnh in 3D là chất liệu chính tạo nên bộ trang phục. Các phép đo chính xác của mỗi mô hình được ghi lại và nhập vào máy tính để in ra theo kích thước, yêu cầu của phụ kiện.

Sử dụng công nghệ in 3D hầu như không tạo ra chất thải, giảm tác động tiêu cực mà ngành công nghiệp thời trang có thể đem lại cho môi trường. Nhiều thương hiệu trực thuộc LVMH đã sử dụng công nghệ in 3D để tạo mẫu sản phẩm của họ, tương tự như Adidas.

Không những vậy, trong việc chế tạo các phụ kiện như kính mát, đồ trang sức, in 3D giúp tạo ra khuôn tuỳ chỉnh dành riêng cho khách hàng, nâng tầm trải nghiệm sang trọng.

Tính cá nhân hoá luôn là mục tiêu của thời trang xa xỉ, và in 3D như đòn bẩy giúp các thương hiệu dễ dàng sản xuất sản phẩm độc quyền trong thời gian ngắn. Điều này làm tăng khả năng tiếp cận các thương hiệu xa xỉ cho nhiều người.

Tuy nhiên, công nghệ này cũng vô tình tạo ra sự nhân bản các sản phẩm độc quyền của thời trang cao cấp. Nhiều người cho rằng, các thương hiệu xa xỉ nên giảm giá trị sản phẩm bởi chúng khá giống nhau.

Để giải thích cho điều này, cần phải xét từ di sản của từng thương hiệu, tính gia công và vật liệu cao cấp được sử dụng để làm ra hàng hoá xa xỉ này. Các nhà thiết kế lâu năm tại Chanel, Louis Vuitton, Prada gần như đã dành cả cuộc đời họ để hoàn thiện kỹ năng. Khi bạn mua sản phẩm từ họ, về cơ bản bạn đang trả phí cho quãng thời gian đó.

Một nghệ nhân đang hoàn thiện sản phẩm của thương hiệu Louis Vuitton.

Trong khi một số bộ phận được in 3D, công nghệ này không thể tái tạo lớp vải tự nhiên hoặc tự khâu lại một bộ quần áo. Những người yêu thích sự sang trọng cần phải đánh giá qua những chi tiết tỉ mỉ trong sản phẩm mà họ tạo ra.

Tóm lại, in 3D không thay đổi trải nghiệm mua một sản phẩm xa xỉ, nhưng nó có thể thúc đẩy quá trình duy trì những di sản của thương hiệu đến với nhiều người. Công nghệ này được dự báo sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

Thu Thảo – Theo Luxuo


 
Back to top