Metaverse tạo ra những cơ hội nào cho các thương hiệu xa xỉ?
Năm 2024, bất chấp cơn sốt metaverse và thời trang kỹ thuật số đang dần hạ nhiệt, các thương hiệu xa xỉ vẫn mạnh mẽ tiến sâu vào thị trường, mở ra vũ trụ mới với tiềm năng công nghệ vượt trội.
Thế giới ảo, cửa hàng nhập vai, trải nghiệm mua sắm ảo và thị trường thương mại điện tử trong metaverse toàn cầu được dự đoán sẽ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho các thương hiệu, với doanh thu dự kiến bùng nổ từ 34,65 tỷ USD vào năm 2023 lên đến 936,28 tỷ USD vào năm 2033. Dù năm 2024 đánh dấu sự hạ nhiệt của cơn sốt metaverse, gần đây hai trong số các nhà bán lẻ lớn nhất trong lĩnh vực làm đẹp và xa xỉ, Rimowa và Shiseido, đã ra mắt các điểm đến ảo độc đáo nhằm thu hút người dùng vào vũ trụ thương hiệu của họ một cách sâu sắc hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu bước đi chiến lược này của hai gã khổng lồ có đủ sức thổi bùng trở lại sức nóng của thị trường “metacommerce” và tạo ra làn sóng mới trong cuộc đua công nghệ này hay không?
Meta đã chính thức ra mắt kính mắt hỗ trợ AR, tiếp tục hành trình tiến sâu vào thế giới “công nghệ đeo được” sau sự hợp tác với Ray-Ban. Lần này, tập đoàn giới thiệu những sản phẩm công nghệ thông minh cao cấp với tham vọng thay đổi cách con người tương tác với thế giới ảo và các thương hiệu xa xỉ. Nhưng liệu sản phẩm này có đủ tiềm năng để cách mạng hóa trải nghiệm người dùng và định hình lại mối quan hệ giữa công nghệ và thời trang? Khi công nghệ tiếp tục phát triển, chúng ta có thể kỳ vọng vào những trải nghiệm sáng tạo, phong phú hơn nữa trong metaverse và những cơ hội đột phá mới cho các thương hiệu xa xỉ.
Tổng quan về thị trường thời trang ảo
Từ năm 2021 đến 2023, metaverse đã gây bão toàn cầu và trở thành lĩnh vực mà các thương hiệu hàng đầu nhanh chóng khai thác để bắt kịp xu hướng công nghệ. Các nhà mốt danh tiếng như Dior, Gucci, Cartier, Burberry, Adidas, Louis Vuitton,… đồng loạt gia nhập “miếng bánh thế giới ảo”, khẳng định tham vọng tiên phong của mình qua các thử nghiệm như trang điểm kỹ thuật số, bán trang phục NFT, mở cửa hàng ảo, tổ chức sự kiện và biểu diễn thời trang trong metaverse, hay quảng cáo sản phẩm trên nền tảng này. Hòa nhập cùng dòng chảy công nghệ giúp các thương hiệu mở rộng tầm ảnh hưởng, đặc biệt đến thế hệ trẻ.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm hữu hình tích hợp công nghệ, mang lại giá trị thiết thực. Vậy, họ có còn sẵn sàng “mở lòng” và “mở hầu bao” cho những sản phẩm ảo? Thực tế cho thấy, nhiều thương hiệu bước vào thị trường này không chỉ với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận tức thì, mà còn nhằm tạo ra những trải nghiệm khách hàng độc đáo, với kỳ vọng lợi nhuận sẽ dần đến sau.
Rimowa ra mắt túi mới với điểm đến ảo
Rimowa đã ra mắt một cửa hàng ảo đầy sống động để giới thiệu sản phẩm mới nhất của mình, túi đeo chéo The Original Bag. Người mua hàng có thể truy cập cửa hàng thông qua trang web chính thức của thương hiệu và điều hướng không gian bằng chuột. Trải nghiệm 3D này được xây dựng bởi nhà phát triển cửa hàng ảo Obsess, cho phép người dùng tương tác với chiếc túi mới, khám phá di sản của Rimowa thông qua các video và dòng thời gian lịch sử về các sản phẩm du lịch mang tính biểu tượng, đồng thời mua sắm toàn bộ bộ sưu tập như bước vào cửa hàng ngoài đời thật.
Điểm đến ảo này là nước đi mới nhất trong chiến lược kỹ thuật số đang phát triển của Rimowa. Sau khi hợp tác với studio thời trang kỹ thuật số Rtfkt năm 2022 về sản phẩm hành lý phygital (thuật ngữ chỉ trải nghiệm kết hợp các trải nghiệm vật lý và kỹ thuật số). Từ đó thương hiệu đã mở rộng sang nhiều nền tảng ảo khác nhau, bao gồm việc hợp tác với Tmall Luxury Pavilion để tạo ra trải nghiệm metaverse cho lễ hội mua sắm 618 tại Trung Quốc.
Dự án mới nhất của Rimowa củng cố sự hiện diện của thương hiệu trong lĩnh vực xa xỉ kỹ thuật số, tuy nhiên, việc thu hút khách hàng cao cấp đến các nền tảng ảo vẫn là một thách thức. Bởi trải nghiệm mua sắm ảo vẫn thiếu trải nghiệm xúc giác, hạn chế về vấn đề kỹ thuật như hình ảnh kém chất lượng, đồng thời tính độc quyền khi tiêu dùng hàng xa xỉ cho người tiêu dùng cũng hạn chế do thiếu tính cá nhân hóa khi truy cập là những điểm yếu cần được cải thiện trong tương lai.
Shiseido ra mắt trải nghiệm 4D sống động
Tập đoàn mỹ phẩm Shiseido đã giới thiệu The Essence of Enmei – trải nghiệm 4D sống động tại Macy’s Herald Square từ ngày 26 đến 29 tháng 9, được tạo ra bởi công ty công nghệ tương tác Xydrobe. Sự kiện này nhằm quảng bá chức năng khoa học đằng sau dòng sản phẩm cao cấp Future Solution LX với thành phần thảo dược enmei quý hiếm nổi tiếng với khả năng tái tạo.
Trong khuôn khổ sự kiện pop-up, khách tham quan có thể đắm mình trong phong cảnh Nhật Bản thông qua hình ảnh, hương thơm và âm thanh, giúp củng cố sự kết hợp giữa sự xa xỉ và công nghệ của Shiseido. Dự án mới này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm định vị Future Solution LX trong thị trường xa xỉ với kế hoạch tổ chức các sự kiện VIP, đi kèm với liệu pháp chăm sóc độc quyền và hợp tác với những người có ảnh hưởng được lựa chọn.
Việc lựa chọn Xydrobe để thực hiện trải nghiệm là một bước đi khôn ngoan. Sự tiếp nhận của Shiseido đối với các công nghệ mới như hệ thống 4D của Xydrobe đặt thương hiệu vượt lên các đối thủ trong cuộc đua sắc đẹp. Trong những năm qua, thương hiệu này luôn là người tiên phong áp dụng các công nghệ mới, bao gồm NFT và các điểm đến metaverse.
Kính mắt thông minh Meta Orion
Meta vừa ra mắt nguyên mẫu kính thực tế tăng cường (AR) đầu tiên, Meta Orion, sau 5 năm kể từ khi công ty công bố dự án này. Meta Orion là chiếc kính mắt tích hợp công nghệ hiện đại với hệ thống máy tính nhỏ gọn, tích hợp kết nối, camera và màn hình hiển thị. Đáng chú ý, kính AR này còn được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI), giúp người dùng tiếp cận thông tin và hiểu biết về thế giới xung quanh một cách dễ dàng.
Sản phẩm này hướng đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tính tiện lợi và khả năng tức thời của các thiết bị đeo, cùng với màn hình lớn và bộ nhớ băng thông cao, trong một thiết kế mà người dùng có thể thoải mái đeo hàng ngày. Trước đó, sự hợp tác giữa Meta và Ray-Ban đã đánh dấu bước đi của gã khổng lồ công nghệ vào lĩnh vực thiết bị đeo thông minh. Hiện tại, Meta đang nỗ lực tạo nên mẫu kính AR nhỏ gọn nhất từ trước đến nay, với tham vọng dẫn đầu trong nhóm Big Tech.
Tuy nhiên, khi thị trường thiết bị đeo ngày càng phát triển, Meta không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Apple, mà còn từ các startup đầy tiềm năng như Humane và Rabbit, bên cạnh các đối thủ đã có vị thế như Qidi. Sau khi bị Apple Vision Pro vượt qua trong cuộc đua tai nghe VR, câu hỏi đặt ra là liệu kính AR sắp tới của Meta có đủ sức giúp công ty giành lại lợi thế và bứt phá trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghệ hay không?
Kính thực tế ảo Apple Vision Pro
Apple Vision Pro là một sản phẩm đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ AR/VR, góp phần làm mờ ranh giới giữa thế giới thực và ảo. Đây là thiết bị tiên tiến với thiết kế sang trọng, sử dụng kính nhiều lớp ba chiều và khung hợp kim nhôm để đảm bảo độ bền và trải nghiệm sử dụng thoải mái. Dây đeo mềm mại được chế tạo từ vật liệu dệt kim 3D mang lại sự thoáng khí và khả năng tùy chỉnh dễ dàng. Đặc biệt, màn hình micro-OLED tích hợp 23 triệu điểm ảnh, cung cấp độ phân giải lên đến 4K cho mỗi mắt, tạo ra hình ảnh chân thực và sắc nét vượt trội.
Vision Pro không chỉ là thiết bị hiển thị mà còn tích hợp nhiều công nghệ đột phá như hệ thống âm thanh không gian, camera 3D và công nghệ Optic ID để bảo mật qua võng mạc. Hệ điều hành visionOS của thiết bị cho phép trải nghiệm mượt mà giữa thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), với khả năng tích hợp sâu các ứng dụng từ hệ sinh thái Apple như iPhone và Mac. Tính năng EyeSight độc đáo giúp người dùng dễ dàng duy trì kết nối với những người xung quanh mà không bị cô lập hoàn toàn trong không gian ảo.
Vision Pro đã mở ra những cơ hội mới trong việc phát triển các ứng dụng tương tác số, đồng thời tạo động lực cho các nhà phát triển sáng tạo trong môi trường AR/VR. Sự ra mắt của Vision Pro dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự cạnh tranh trên thị trường, buộc các đối thủ như Meta, Microsoft và Google phải tăng tốc đổi mới. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn góp phần định hình tương lai của không gian số.
Tommy Hilfiger ra mắt trò chơi thời trang FashionVerse
Đầu năm 2024, Tommy Hilfiger đã ra mắt FashionVerse, một trò chơi thời trang tương tác dành cho thiết bị di động, được Hilfiger Ventures đánh giá là một bước đột phá. Trò chơi được phát triển với sự hợp tác của Hilfiger Ventures, nhà phát hành game Tilting Point và công ty công nghệ Brandible, mang đến trải nghiệm độc đáo thông qua các thiết bị iOS, Android và ứng dụng Netflix. Đây là một động thái không quá bất ngờ, khi Tommy Hilfiger là thương hiệu đã đầu tư mạnh mẽ vào metaverse, và việc tiên phong trong lĩnh vực này càng khẳng định quyết tâm của họ trong khi các đối thủ đang đối mặt với sự trì trệ trong không gian số.
FashionVerse xuất phát từ ý tưởng của chính Tommy Hilfiger, nhằm mở rộng lĩnh vực thời trang thông qua một trò chơi nhập vai. Trò chơi nổi bật nhờ công nghệ AI độc quyền của Brandible, tạo ra hình ảnh chân thực từ các hình đại diện đến bối cảnh và đạo cụ, mang lại không gian sáng tạo nơi mọi người đều có thể tham gia. Người chơi sẽ tham gia các thử thách thiết kế, từ tạo dựng trang phục trong chế độ Stylist đến xây dựng mood board trong chế độ Trendsetter, với các sản phẩm sáng tạo được bình chọn bởi cộng đồng. Trò chơi cũng mang đến cơ hội khám phá xu hướng thời trang từ các thương hiệu thực tế, cùng nhiều phần thưởng hấp dẫn.
FashionVerse đề cao giá trị về sự đa dạng và hòa nhập, với các người mẫu đại diện cho nhiều kích cỡ, dân tộc và khả năng khác nhau. Ngoài ra, trò chơi sẽ tổ chức chuỗi sự kiện Pop-Up ảo hợp tác cùng các thương hiệu lớn trong thời trang và giải trí, nơi người chơi có thể tham gia thử thách, khám phá bộ sưu tập mới và nhận phần thưởng đặc biệt. Với FashionVerse, Tommy Hilfiger đã tạo ra một cầu nối giữa thế giới ảo và thời trang thực tế, mở ra cơ hội để người dùng tham gia sâu hơn vào hành trình sáng tạo thời trang.
Dù năm 2024 chứng kiến sự giảm nhiệt của cơn sốt metaverse, những bước tiến mới của Rimowa, Shiseido, hay sự ra mắt FashionVerse của Tommy Hilfiger và Apple Vision Pro đã khẳng định tầm nhìn xa của các thương hiệu và hé lộ một tương lai nơi thế giới thực và ảo hòa quyện, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với nhiều thách thức, từ chi phí đầu tư cao đến việc thuyết phục người tiêu dùng giá trị của các sản phẩm và trải nghiệm số. Trong hành trình này, các thương hiệu cần tiếp tục đổi mới để cân bằng giữa tính thẩm mỹ, công nghệ và trải nghiệm độc quyền, nhằm giữ vững vị thế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.