Một khu nghỉ mát phải làm gì sau COVID-19 (Kỳ 2): Trò chuyện với TGĐ Movenpick Phú Quốc
Với chiến lược thông minh, nhạy bén, quyết liệt và các hoạt động nhân văn, Movenpick Phú Quốc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy phòng lên tới 80% ngay sau cơn khủng hoảng, đồng thời nhận 03 đề cử giải thưởng “World Luxury Hotel Awards” toàn cầu.
Không cần là một “bà đầm thép” để vượt qua khó khăn, Lê Thị Hải Châu – Tổng Giám đốc Điều hành tổ hợp nghỉ dưỡng Movenpick Resort Waverly Phú Quốc – là một minh chứng thuyết phục khi nói về chủ đề “Du lịch Việt vượt qua khủng hoảng Covid”. Với chiến lược thông minh, nhạy bén, quyết liệt và các hoạt động nhân văn, Movenpick Phú Quốc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy phòng lên tới 80% ngay sau cơn khủng hoảng và nhận 03 đề cử giải thưởng “World Luxury Hotel Awards” toàn cầu.
Chào chị Hải Châu, xin chị cho biết điều gì khiến chủ đầu tư quyết định lựa chọn thương hiệu Movenpick để phát triển một trong những dự án nghỉ dưỡng lớn nhất tại Phú Quốc, khi thị trường “đảo ngọc” có dấu hiệu bão hòa?
Movenpick Phú Quốc là một trong những dự án được quản lý và phát triển bởi MIK Group từ giai đoạn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc mới manh nha. Với tư cách là nhà quản lý và phát triển bất động sản chuyên nghiệp, MIK Group đã hợp tác với nhiều đơn vị quản lý vận hành hàng đầu thế giới về du lịch nghỉ dưỡng để đảm bảo rằng các sản phẩm nghỉ dưỡng do Mikgroup quản lý luôn được đầu tư và phát triển đồng bộ, vận hành hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ.
Chính vì thế, chủ đầu tư hoàn toàn tin tưởng khi được hợp tác với MIK Group và Movenpick để quản lý và phát triển một trong những thương hiệu nổi tiếng về chất lượng dịch vụ từ Thụy Sĩ với di sản 70 năm ẩm thực. Dịch vụ đẳng cấp và ẩm thực thượng hạng là điều khách hàng nào cũng mong muốn cho chuyến du lịch của mình, dù thị trường đang ở giai đoạn sơ khai hay đang phát triển. Đến thời điểm này, với những ấn tượng mà Movenpick Phú Quốc đã tạo ra trên thị trường trong thời gian qua, chúng tôi có thể khẳng định những cảm nhận và lựa chọn ban đầu của mình là đúng hướng.
Bãi Ông Lang từng được chọn là một trong những điểm đến mùa thu của CNN năm 2018 và được đánh giá không thua gì Maldives, Bali. Chị nghĩ thế nào về tiềm năng và cơ hội phát triển của bãi Ông Lang?
Mỗi khu nghỉ dưỡng mặc dù được quản lý phát triển bởi các tập đoàn khách sạn quốc tế, đều sở hữu nét tương đồng với văn hóa địa phương và quốc gia. Theo tôi, không nên so sánh Phú Quốc nói chung và bãi Ông Lang nói riêng với Maldives, Bali bởi chúng ta không thể phát triển du lịch dựa vào một tên tuổi khác. Bãi Ông Lang sở hữu vẻ đẹp khác biệt với màu nước xanh, bãi cát dài, mịn và đặc biệt là thảm thực vật tự nhiên dọc theo đường bờ biển hình dài đến gần 3 km. Tôi tin các tạp chí quốc tế cũng thấy được vẻ đẹp độc đáo này nên mới lựa chọn đây là điểm đến của tương lai.
Bãi Ông Lang không phải bản sao của bất kỳ bãi biển nào khác trên thế giới, mà đó là bãi biển của Phú Quốc, Việt Nam với những nét rất riêng, mang hơi thở của thiên nhiên, khí hậu, văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người nơi đây.
Movenpick Phú Quốc mở cửa đón khách ngay giữa đợt dịch Covid-19. Du lịch và khách sạn là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Doanh nghiệp của chị đã chịu những thiệt hại gì và chị đã vượt qua như thế nào?
Lựa chọn thời điểm mở cửa chính thức để vận hành thật sự rất khó khăn, đòi hỏi tôi phải quyết định nhanh chóng. Thời gian đó, tất cả đều hồi hộp, không ai nghĩ Covid có thể kéo dài với ảnh hưởng rộng như bây giờ.
Movenpick Phú Quốc mở cửa đón khách chính thức từ ngày 01/03/2020 và đóng cửa tạm thời từ ngày 01/04/2020 theo yêu cầu từ cơ quan nhà nước. Đó là thử thách rất lớn mà chúng tôi chưa bao giờ ngờ đến. Việc đóng cửa ngay khi mới vận hành ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến doanh thu mà còn cả cuộc sống, công việc của hơn 300 nhân sự toàn khu nghỉ dưỡng.
Ngoài việc chủ động phòng ngừa, đối phó dịch bệnh, hỗ trợ công tác an sinh xã hội tại địa phương, chúng tôi còn phải thật sự bình tĩnh trong việc tìm ra các giải pháp để duy trì các công tác vận hành, rà soát lại các quy trình và đưa ra các chính sách phù hợp cho người lao động, kiến nghị cơ quan nhà nước để miễn, giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp và nhân viên.
Thật lòng, là tổng chỉ huy trực tiếp dự án Movenpick Resort Waverly Phú Quốc trong giai đoạn “nước rút” để đưa toàn bộ khu nghỉ dưỡng vào vận hành, tôi vẫn không căng thẳng, hồi hộp bằng việc đối phó với dịch Covid, vì điều này nằm ngoài dự đoán và kế hoạch ban đầu về doanh nghiệp và nhân sự của chúng tôi.
“Tôi vẫn giữ niềm tin mạnh mẽ rằng doanh nghiệp nào bắt kịp thay đổi sau đại dịch, doanh nghiệp đó sẽ sống sót và chiến thắng, như người ta nói ‘Lửa thử vàng, gian nan thử sức’.”
Mất bao lâu để ban quản lý và toàn bộ nhân viên tại Movenpick Phú Quốc làm quen với trạng thái “bình thường mới” sau Covid-19? Dưới góc nhìn của chủ đầu tư, chị và ban quản lý khu nghỉ dưỡng đã có chiến lược gì để phục hồi Movenpick Phú Quốc ngay khi đợt dịch được kiểm soát?
Kể từ đợt Covid bùng phát đầu tiên tại Việt Nam, khi cả nước ngừng tất cả các dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng, tôi và toàn bộ ban quản lý khu nghỉ dưỡng đã chuẩn bị khá nhiều kịch bản cho các tình huống tương tự trong tương lai. Chúng tôi đã không hề chủ quan, và có lẽ nhờ vào sự nhạy cảm của phụ nữ mà tôi đã có những phán đoán khá đầy đủ về tình hình để đưa ra phương án ứng phó toàn diện hơn.
Là lần đầu tiên ra mắt thương hiệu tại Phú Quốc, chúng tôi không vội mở cửa Movenpick Resort Waverly Phú Quốc để đón khách đúng dịp 30/4 như các khách sạn khác. Thay vào đó, chúng tôi quyết định mở cửa muộn hơn 1 tháng (ngày 1/6) và trong một tháng chờ đợi ấy, chúng tôi đã chuẩn bị cho lực lượng nhân sự nòng cốt bằng cách đào tạo và huấn luyện lại nghiệp vụ để sẵn sàng khi mở cửa trở lại.
Về giá cả, chúng tôi cũng không chạy theo xu hướng giảm giá phòng mà giữ nguyên để đảm bảo định vị thương hiệu và chất lượng phục vụ của khách sạn. Song song với đó, chúng tôi vẫn tặng khách hàng thêm các dịch vụ đi kèm như ăn uống, spa.
Nhờ việc linh hoạt áp dụng các chính sách và dịch vụ trong chiến lược hoạt động sau nhiều cuộc họp chi tiết giữa chủ đầu tư và ban quản lý mà chỉ sau một tháng mở cửa trở lại, Movenpick Phú Quốc đã đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng – tỷ lệ lấp đầy lên đến 80% trong tháng 7/2020, thậm chí “sold-out” trong nhiều ngày liên tục. Khi đợt dịch thứ 2 bùng phát vào đầu tháng 8/2020, khu nghỉ dưỡng vẫn duy trì hoạt động trong khuôn khổ tuân thủ các quy định kiểm soát dịch. Có lẽ “tiếng lành đồn xa” nên chúng tôi đang hồi phục rất nhanh.
Theo chị, “thử thách Covid-19” có ý nghĩa như thế nào đối với ngành du lịch và khách sạn?
Với ngành du lịch, dịch bệnh và thiên tai luôn là những yếu tố ảnh hưởng lớn. Theo tôi, Covid-19 tạo nên cuộc khủng hoảng nặng nề và lâu dài vì ảnh hưởng trực tiếp đến con người và các chuyến đi của họ. Du lịch truyền thống cần phải được xem xét lại để có thể vượt thử thách và vươn lên, với những phương án dự phòng và quản trị hiệu quả, bình tĩnh ứng phó thay vì co cụm sợ hãi.
Tôi vẫn giữ niềm tin mạnh mẽ rằng doanh nghiệp nào bắt kịp thay đổi sau đại dịch, doanh nghiệp đó sẽ sống sót và chiến thắng, như người ta nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”.
Các chuyên gia đánh giá rằng sau đại dịch, du lịch nội địa sẽ lên ngôi. Bà nghĩ sao về quan điểm này?
Đây là nhận định chính xác cho thị trường ở thời điểm hiện tại. Du lịch nội địa vốn là thị trường tiềm năng cho tất cả các nhóm đối tượng nhưng chúng ta chưa khai thác tối đa trong nhiều năm qua. Theo nhận định của tôi, du khách nội địa vẫn sẽ là đối tượng chính của thị trường chính trong 2 năm tới, khi thị trường Châu Á và thị trường chuyến bay thuê bao từ Châu Âu phục hồi dần.
Bên cạnh đó, tâm lý du khách khá quan trọng – người Việt sẽ e ngại ra nước ngoài khi dịch bệnh thế giới chưa được kiểm soát và các điểm đến trong nước vẫn là lựa chọn an toàn. Nếu chúng ta khai thác tốt nguồn khách trong nước và kiểm soát tốt dịch bệnh như thời gian qua, du lịch Việt Nam và đặc biệt là Phú Quốc vẫn sẽ phát triển khả quan trong thời gian tới.
“Không nên so sánh Phú Quốc nói chung và bãi Ông Lang nói riêng với Maldives, Bali bởi chúng ta không thể phát triển du lịch dựa vào một tên tuổi khác. Bãi Ông Lang không phải bản sao của bất kỳ bãi biển nào khác trên thế giới, mà đó là bãi biển của Phú Quốc, Việt Nam với những nét rất riêng, mang hơi thở của thiên nhiên, khí hậu, văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người nơi đây.”
Theo chị, xu hướng sắp tới của du lịch cao cấp có gì thay đổi không?
Như đã chia sẻ, hiện tại chúng ta cần phục vụ tốt hơn lượng du khách nội địa, vì đây vẫn là đối tượng khách hàng tiềm năng – cần tìm hiểu đúng nhu cầu của khách để đáp ứng tốt nhất. Vì vậy, các thương hiệu 5 sao sẽ tập trung về sự tiện dụng, nơi vui chơi cho gia đình, dịch vụ ẩm thực riêng tư và tinh tế.
Nhân đây, tôi cũng vinh dự được chia sẻ thông tin Movenpick Phú Quốc đã được đề cử toàn cầu cho hạng mục “Khu nghỉ dưỡng tốt nhất dành cho gia đình” tại giải thưởng World Luxury Awards năm 2020. Đây là giải thưởng thường niên, uy tín và danh giá trên toàn cầu, được ví là “Cành Cọ Vàng” của ngành du lịch. Đề cử này không chỉ là vinh dự cho chúng tôi mà còn đem đến cho du lịch Việt Nam, Phú Quốc vị thể trong ngành du lịch thế giới.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!