BUSINESS OF LUXURY

Smart Luxury: Hàng xa xỉ – Có phải mọi thứ lấp lánh đều là vàng?

Apr 20, 2023 | By Pham Thu Phuong

Có một nghịch lý, mức giá càng cao thì hàng xa xỉ càng trở nên hấp dẫn. Động lực nào đứng sau thú chơi đắt đỏ này? Liệu có một ma lực bí ẩn mê hoặc tâm trí khi sở hữu hàng xa xỉ?

Ảnh: beautiful life magazine

Cách đây không lâu, một thiếu niên tên Zoe đã vấp phải chỉ trích không biết phân biệt giữa thương hiệu cao cấp và bình dân sau khi đăng tải video TikTok cho rằng cô đang sở hữu chiếc “túi xách xa xỉ” Charles & Keith. Sự việc kết thúc êm đẹp nhưng đặt ra hai câu hỏi đáng bàn luận: Hàng xa xỉ là gì? Tại sao nhiều người vẫn muốn sở hữu chúng dù mức giá cao đến khó tin?

Định nghĩa Hàng xa xỉ

Theo định nghĩa phổ biến, hàng hóa xa xỉ được coi là sản phẩm cao cấp hoặc đặc biệt trong một cộng đồng nhất định, có giá đắt đỏ nên thuộc sở hữu của giới thượng lưu. Theo kinh tế học, khi thu nhập tăng lên, nhu cầu đối với hàng xa xỉ cũng tăng theo. Nhu cầu tăng, giá lại càng cao. Cứ như vậy, mức giá cao trở thành đặc trưng và là một “thử thách hấp dẫn” đối với giới đam mê xa xỉ.

Cũng cần lưu ý rằng, định nghĩa hàng xa xỉ còn tùy theo hoàn cảnh và mức thu nhập chung. Chẳng hạn, bữa lửng với sâm panh có thể coi là xa xỉ với dân văn phòng nhưng chỉ là bữa ăn nhẹ mỗi Chủ nhật đối với một ngôi sao giàu có.

Lý giải thú chơi hàng xa xỉ

Thể hiện sự giàu có là lý do phổ biến và được đồng tình bởi các nhà tâm lý học. Nếu cặp kính râm Gucci có mức giá cao gấp 50 đến 100 lần so với Owndays trong khi không mang lại bất kỳ tính năng hay quyền lợi nào vượt trội, tại sao bạn lại mua nó (ngoài lý do dễ hiểu là “vì bạn có thể”)?

Mặc khác, đam mê hàng xa xỉ có thể bắt nguồn từ niềm tin vào sản phẩm có thương hiệu. Với điều kiện tài chính vượt trội, nhiều người muốn chi trả cho những gì theo họ là thật sự chất lượng.

Hàng xa xỉ như một khoản đầu tư?

Nếu bạn đồng tình với ý kiến rằng chi tiêu cho sản phẩm xa xỉ là cách đầu tư khôn ngoan, bạn có thể cân nhắc góc nhìn sau đây.

Để được coi là một khoản đầu tư, đối tượng phải có giá trị cố hữu theo thời gian và có thể dễ dàng giao dịch được. Nói cách khác, cần tồn tại một thị trường với sự cân bằng giữa cung và cầu. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa khoản “đầu tư” xa xỉ của bạn lúc này sẽ ngay lập tức đem lại lợi nhuận.

Lấy đồng hồ cao cấp làm ví dụ. Rolex và IWC đều là hai thương hiệu được săn đón. Tuy nhiên, Rolex có giá trị bán lại cao hơn vì được nhiều người đam mê đồng hồ yêu thích hơn.

Vậy điểm mấu chốt rút ra là: Mặt hàng xa xỉ có thể tăng giá theo thời gian và mang lại lợi nhuận tốt nhưng chúng cũng có những rủi ro đầu tư riêng. Nếu bạn có ý định bỏ tiền vào vật phẩm xa xỉ, hãy cẩn thận với suy nghĩ rằng chúng sẽ đem lại điểm tựa tài chính vững chắc cho bạn khi nghỉ hưu.

Sự tương đối của định nghĩa “xa xỉ” và điều thực sự quan trọng

Quay trở lại câu chuyện ở đầu bài viết, những chỉ trích đối với TikToker Zoe có thực sự hợp lý? Zoe giải thích gia đình cô đã rất nỗ lực để mua chiếc túi Charles & Keith dành tặng cho cô. Xét theo định nghĩa hàn lâm: hàng xa xỉ là hàng hóa mà phần đông người dùng đại chúng không dễ dàng có được, chiếc túi xứng đáng được xem là xa xỉ. Mặt khác, đám đông phản đối có thể đưa ra lập luận có lý riêng của mình.

Vậy nên, định nghĩa “xa xỉ” chỉ mang tính tương đối dựa theo từng hoàn cảnh. Nếu bạn đã cố gắng tiết kiệm để xả hơi bằng bữa ăn thịnh soạn nhâm nhi rượu sâm panh trị giá 398 đô la, bạn sẽ không muốn nỗ lực của mình bị phủ nhận khi đăng khoảnh khắc vui vẻ tận hưởng đó lên mạng xã hội phải không?

Sau cùng, không phải sự chú ý nhận được khi mua hàng xa xỉ hay lựa chọn tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng của bạn (mặc dù điều này hoàn toàn không sao!), điều thực sự quan trọng là cân nhắc kỹ lưỡng về tài chính cá nhân. Tập trung vào những gì bạn ưu tiên: đầu tư cho kế hoạch nghỉ hưu, tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp, cùng các mục tiêu tài chính khác. Thay vì gièm pha mọi người, tại sao không chúc mừng họ vì đã nỗ lực đạt được điều họ muốn? Có nhiều thứ lấp lánh, nhưng không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng, với bạn.


 
Back to top