Art Trail #01 – Du Hành & Mở Xưởng
Art Trail #01 – Du Hành & Mở Xưởng là trại sáng tác diễn ra tại Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa từ ngày 18 đến 24 tháng 9, dự án lần này hỗ trợ 3 họa sỹ trẻ trải nghiệm 1 tuần sáng tác tại Đà Lạt, là tiền đề cho triển lãm nhóm diễn ra tại chính Ana Mandara vào tháng 12 năm nay.
Art Trail #01 – Du hành & Mở Xưởng, đồng tổ chức bởi Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa, Lân Tinh Foundation và Annam Gallery, là chuyến du ngoạn của 3 nghệ sỹ trẻ Phan Thị Thanh Nhã, Phạm Xeen và Hà My về với không gian hoài cổ kiến trúc Pháp xưa tại Đà Lạt – nơi từng được chỉ định là trạm nghỉ dưỡng cho công chức và binh lính Pháp trong thời kỳ Pháp thuộc. Vùng đất cao nguyên với khí hậu mát mẻ đã lọt vào mắt của bác sỹ Alexandre Yersin, khai sinh ra thành phố Đà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.
Chủ đề của trại sáng tác lần này là về thiên nhiên, khung cảnh núi rừng Đà Lạt, khuôn viên của Ana Mandara và đặc biệt là thực vật bản địa. Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Villas Dalat là một quần thể mang hơi thở xưa của Pháp. Không gian gồm các biệt thự được bảo tồn từ những năm 1920 sau đó được tân trang thành các phòng nghỉ. Khu nghỉ dưỡng mang đến bầu không khí giản dị, thanh bình và quyến rũ, nơi du khách được mời đến tận hưởng một nơi trú ẩn yên bình. Cảnh quan xung quanh gợi nhớ đến một ngôi làng Pháp nổi bật bởi màu sắc rực rỡ, hệ động thực vật đa dạng với khí hậu mùa xuân quanh năm.
Trong những ngày từ 18 đến 24 tháng 9 vừa qua, các họa sỹ đã dành thời gian tại khuôn viên của Ana Mandara Villas Dalat để đi tìm cảm hứng tại khuôn viên, hoặc đi xung quanh thành phố Đà Lạt để có những phác thảo đầu tiên. Mỗi hoạ sỹ đã có không gian riêng biệt để tự bày trí khu làm việc nhằm tối ưu hoá thời gian thực địa và thực hành.
Trong dự án này, Lân Tinh Foundation có những kỳ vọng và mong muốn nhất định cho định hướng của tổ chức. Trong thời buổi hiện nay, khi nhiều nghệ sỹ đã rời xa giá vẽ để khám phá những chất liệu mới trong nghệ thuật đương đại, những kỹ thuật trong hội họa dường như ít được các nghệ sỹ trẻ chú tâm. Việc lựa chọn 3 họa sỹ là Phan Thị Thanh Nhã, Phạm Xeen và Hà My, đều là 3 họa sỹ trẻ có tiềm năng được đào tạo bài bản về kỹ thuật, là một khẳng định của đội ngũ giám tuyển về việc kỹ thuật và ý niệm song hành với nhau trong nghệ thuật. Nếu một nghệ sỹ được củng cố về nền tảng kỹ thuật vững chắc, thì khi họ đặt những suy tư cá nhân vào trong tác phẩm của mình, đó sẽ là một tác phẩm có sức nặng và ảnh hưởng sâu sắc hơn so với một tác phẩm chỉ có mặt ý niệm.
Phan Thị Thanh Nhã là một nhà thực vật học và thực vật họa. Cô là một trong số ít những người ở khu vực châu Á theo đuổi cả hai lĩnh vực khoa học và nghệ thuật của thực vật. Phạm Xeen là một họa sỹ tốt nghiệp chuyên ngành Lụa tại Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng dũng cảm bắt đầu lại với chất liệu sơn dầu để đồng cảm với việc chập chững của ba mình sau cơn bạo bệnh. Hà My là một trong số ít những họa sỹ trẻ theo đuổi thể loại Trung Quốc họa, không ngần ngại tìm tòi những bút pháp của Đông phương, để sau này có thể gây dựng nên những tác phẩm điêu luyện nhưng vẫn truyền tải những câu chuyện cá nhân mang tính địa phương.
Trong hơn 2 tháng tới sẽ là khoảng thời gian các nghệ sỹ tiếp tục làm việc cùng Lân Tinh Foundation để có thể đưa tới công chúng một triển lãm nhóm vào tháng 12 năm nay tại Đà Lạt.