ART & CULTURE

Bauhaus sụp đổ và thân phận mong manh của tầm nhìn tiên phong

Apr 12, 2025 | By LUXUO

Là thuật ngữ đa ngành xuất phát từ cách gọi giản lược Staatliches Bauhaus – một trường dạy nghệ thuật tồn tại ngắn ngủi dưới thời hậu chiến, Bauhaus có sức ảnh hưởng ngoại biên và bền bỉ cho đến ngày nay, dù chỉ còn là tiếng vọng của một lý tưởng lớn lao.

Thành viên Bauhaus và các khách mời chụp ở Weimar vào khoảng năm 1922.

Bauhaus, cái tên gắn liền với kiến trúc hiện đại, với những đường nét tinh giản, mặt kính trong suốt và mái bằng đặc trưng, đã trở thành một biểu tượng trong kiến trúc và nghệ thuật hiện đại, bất chấp sự tồn tại ngắn ngủi chỉ 14 năm (1919–1933). Sinh ra từ tro tàn của Thế chiến Thứ Nhất và sự hỗn loạn của Cộng hòa Weimar, Bauhaus mang trong mình một khát vọng lớn, đó là thống nhất nghệ thuật thủ công và công nghệ dưới mái nhà chung của kiến trúc, nhằm kiến tạo một hình thái sống mới cho xã hội.

Tuy nhiên, chính tham vọng cải tạo xã hội và phong cách kiến trúc cấp tiến, gắn liền với chủ nghĩa quốc tế và tư duy duy lý, đã đặt Bauhaus vào vị trí đối đầu trực diện với các thế lực bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang lên, dẫn đến cái chết bi thảm của nó dưới bàn tay Đức Quốc xã. Hành trình kiến trúc của Bauhaus, từ khởi đầu không tưởng đến kết thúc trong sự đàn áp, phơi bày thân phận mong manh của các ý tưởng tiên phong trước sự nghiệt ngã của thời cuộc và bạo lực chính trị.

Trụ sở của Bauhaus trong giai đoạn đầu tại tòa nhà Henry van de Velde, thuộc Học viện Mỹ thuật Weimar, Đức. Ảnh: Louis Held chụp năm 1906.

Giai đoạn ở Weimar – Hợp nhất và xây dựng thế giới mới

Ngay từ tuyên ngôn thành lập vào năm 1919, Walter Gropius đã đặt kiến trúc vào vị trí trung tâm của dự án Bauhaus. Ông hình dung về “công trình xây dựng mới của tương lai… sẽ bao gồm kiến trúc, điêu khắc và hội họa trong một thể thống nhất”, một “biểu tượng kết tinh của một đức tin mới” tạo nên từ “hàng triệu đôi tay”. Hình ảnh ẩn dụ về thánh đường lớn, được minh họa bằng bức in khắc gỗ của Lyonel Feininger, vừa gợi nhắc đến mô hình phường hội thủ công thời Trung cổ, vừa nhấn mạnh vai trò tối thượng của kiến trúc như một Gesamtkunstwerk (Tổng công trình nghệ thuật) hiện đại, nơi mọi ngành nghệ thuật đều quy tụ.

Bức in khắc gỗ “Kathedrale” (Thánh đường) do Lyonel Feininger thực hiện cho phong trào Bauhaus ở Weimar vào năm 1919.

Mặc dù giai đoạn Weimar chưa sản sinh ra nhiều công trình kiến trúc hoàn chỉnh mang dấu ấn Bauhaus, nền tảng triết lý và sư phạm đã được đặt ra. Chương trình học hướng tới mục tiêu cuối cùng là Baulehre (Dạy về xây dựng/kiến trúc), nơi kỹ năng từ các xưởng kim loại, gỗ, dệt, gốm, v.v. sẽ được tổng hợp. Khóa học sơ bộ (Vorkurs) do Johannes Itten khởi xướng, dù mang màu sắc thần bí, cũng đặt nền móng cho việc nắm bắt các hình khối cơ bản và vật liệu – những yếu tố cốt lõi sẽ định hình ngôn ngữ kiến trúc Bauhaus sau này. Tham vọng kiến trúc ban đầu của Bauhaus là tạo ra một sự tổng hòa, nơi tinh thần cộng đồng, kỹ năng thủ công và tư duy nghệ thuật tiên phong cùng hướng đến việc xây dựng một thế giới mới.

Sơ đồ cấu trúc giảng dạy tại Bauhaus thời kỳ đầu (thời ở Weimar) do Walter Gropius thiết kế, khoảng năm 1923.

Giai đoạn ở Dessau – Công năng, công nghệ và nhà ở cho số đông

Việc chuyển đến Dessau năm 1925 đánh dấu một bước ngoặt, đưa kiến trúc trở thành tâm điểm và hiện thân rõ nét nhất của Bauhaus. Tòa nhà Bauhaus ở Dessau do chính Gropius thiết kế là một tuyên ngôn kiến trúc bằng thép và kính. Mặt dựng kính lớn xóa nhòa ranh giới trong và ngoài, thể hiện sự minh bạch và tinh thần cởi mở. Các khối chức năng như xưởng thiết kế, khu hành chính, ký túc xá, được phân định rõ ràng nhưng vẫn liên kết với nhau, phản ánh nguyên tắc tổ chức hợp lý. Vật liệu công nghiệp mới, cấu trúc khung chịu lực giải phóng mặt bằng, tường bao bằng kính và mái bằng, tất cả đều thể hiện khẩu hiệu: “Nghệ thuật và Công nghệ – một sự thống nhất mới”. Tòa nhà không chỉ là nơi học tập, làm việc mà còn là một phòng thí nghiệm cho lối sống hiện đại, một minh chứng cho khả năng của kiến trúc trong việc định hình môi trường sống và làm việc hiệu quả, duy lý.

Trụ sở mang tính biểu tượng của Bauhaus tại Dessau với hình khối khúc chiết, mái bằng, mặt tiền kính lớn, phản ánh rõ tinh thần duy lý và hiện đại.

Cũng tại Dessau, định hướng kiến trúc của Bauhaus ngày càng gắn chặt với các vấn đề xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân và tầng lớp bình dân. Gropius và sau đó là Hannes Meyer đã đi tiên phong trong việc thiết kế các khu nhà ở tập thể, đơn cử như khu nhà ở Törten được xây dựng từ năm 1926 đến 1928, bao gồm 314 căn hộ cho những gia đình nhỏ. Các dự án này áp dụng nguyên tắc tiêu chuẩn hóa, tiền chế hóa, sử dụng các cấu kiện bê tông, gạch block sản xuất tại chỗ, và được quy hoạch một cách lý tính nhằm tạo ra những ngôi nhà chất lượng cao với chi phí thấp, đáp ứng nhu cầu phổ thông. Kiến trúc lúc này không chỉ là tạo hình thẩm mỹ, mà còn là một công cụ mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách của thời hậu chiến như thiếu hụt nhà ở, điều kiện sống kém an toàn.

Quang cảnh khu nhà ở Törten do Hannes Meyer thiết kế.

Sơ đồ module nhà và hệ khung nhà điển hình của dự án Törten do Hannes Meyer thiết kế.

Hannes Meyer, với tư duy Marxist, còn đẩy xa hơn nữa vai trò xã hội và khoa học của kiến trúc. Theo ông, “xây dựng tức là tổ chức”. Kiến trúc phải dựa trên phân tích khoa học về nhu cầu và điều kiện thực tế, loại bỏ hoàn toàn yếu tố “thẩm mỹ” chủ quan hay trang trí. Đồ án dự thi thiết kế trụ sở Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva (1927) của Hannes Meyer và Hans Wittwer là một ví dụ cực đoan của quan điểm này, một cấu trúc hoàn toàn dựa trên chức năng, công nghệ như thang cuốn, thang máy tốc hành, đường dốc ô tô, với “không gian kính mở, biểu hiện công khai của những con người cởi mở”, đối lập với “những hành lang mê cung cho mưu đồ ngoại giao”. Meyer tuyên bố: “Hình thức kiến tạo này không màng đến tổ quốc, nó là biểu hiện của một lối tư duy quốc tế hóa”. Kiến trúc Bauhaus dưới thời Meyer trở nên duy lý, thuần công năng và mang đậm màu sắc chính trị hơn bao giờ hết.

Phương án do Hannes Meyer và Hans Wittwer gửi dự thi thiết kế Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva vào năm 1927.

Kiến trúc như một mặt trận ý thức hệ và sự đàn áp

Chính sự thành công và tầm ảnh hưởng của kiến trúc Bauhaus, cùng với hệ tư tưởng quốc tế, duy lý và cải cách xã hội gắn liền với nó, đã biến Bauhaus thành mục tiêu công kích của các thế lực bảo thủ và cực hữu. Ngay từ thời Weimar, Bauhaus đã bị chỉ trích là cánh tả, là “Do Thái”, là phá hoại các giá trị truyền thống Đức. Khi chuyển sang Dessau và dưới sự lãnh đạo của Meyer, khuynh hướng chính trị càng rõ nét, khiến sự chống đối càng trở nên gay gắt.

Tác phẩm ảnh ghép nổi tiếng của Yamawaki Iwao với tựa đề “Der Schlag gegen das Bauhaus” (Cuộc tấn công vào Bauhaus), được in trong tạp chí Kokusai-Kenchiku, tháng 12 năm 1932.

Đặc biệt, phong cách kiến trúc Bauhaus trở thành tâm điểm của cuộc chiến ý thức hệ. Các đặc điểm như mái bằng, hình khối kỷ hà, mặt dựng kính, sự loại bỏ các yếu tố trang trí và tính lịch sử bị phe Quốc xã lên án là “phi Đức”, là sản phẩm của “chủ nghĩa Bolshevik”, là xa lạ với tinh thần Volk (Dân tộc). Họ chế giễu thứ kiến trúc “hình hộp”, cho rằng nó làm mất đi “bản chất Đức”, biến con người thành “động vật hình học”. Việc Bauhaus ưa chuộng vật liệu và kỹ thuật công nghiệp mới cũng bị xem là biểu hiện của chủ nghĩa quốc tế đáng ngờ, đối lập với các vật liệu và hình thức xây dựng truyền thống Đức. Sự trong sáng, thuần công năng, loại bỏ yếu tố thần bí hay siêu hình trong kiến trúc Bauhaus cũng đi ngược lại hệ tư tưởng đề cao tinh thần, chủng tộc và lịch sử của Đức Quốc xã. Kiến trúc Bauhaus, với bản chất duy lý và quốc tế của nó, đã trở thành một trở ngại ý thức hệ không thể dung thứ.

Cái chết được báo trước

Sự rời đi của Hannes Meyer năm 1930, dù do nhiều yếu tố, nhưng phần lớn xuất phát từ áp lực chính trị nhắm vào tầm nhìn kiến trúc và xã hội cấp tiến của ông. Mies van der Rohe lên thay trong một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn nhà trường bằng cách lái kiến trúc theo hướng thuần túy thẩm mỹ, hình thức tinh tế, tách nó khỏi những liên hệ chính trị và xã hội trực tiếp. Đây có thể xem là một sự rút lui chiến lược, hy sinh khía cạnh cải cách xã hội của kiến trúc Bauhaus để cố gắng bảo tồn bản thân nhà trường và các giá trị hình thức của nó.

Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại. Đối với Đức Quốc xã, bản thân tinh thần hiện đại, sự trừu tượng, tính quốc tế và sự đoạn tuyệt với truyền thống vốn có trong kiến trúc Bauhaus đã là điều không thể chấp nhận, bất kể nó được diễn giải dưới hình thức nào. Tháng 10 năm 1932, chính quyền thành phố Dessau do phe Quốc xã kiểm soát đã buộc Bauhaus phải đóng cửa. Mies chuyển trường về Berlin, hoạt động như một cơ sở tư nhân, nhưng chỉ tồn tại được vài tháng. Tháng 4 năm 1933, cảnh sát và lực lượng mật vụ Gestapo ập vào, niêm phong trường và bắt giữ sinh viên. Tháng 8 năm 1933, dưới áp lực không thể chịu đựng hơn, Bauhaus buộc phải tuyên bố tự giải thể.

Mies van der Rohe (ngoài cùng bên trái) và các sinh viên tại cơ sở Bauhaus ở Berlin

Cái chết của Bauhaus không đơn thuần là việc đóng cửa một cơ sở đào tạo. Đó là sự hủy diệt một ý tưởng kiến trúc mang tính cách mạng, một tầm nhìn về việc sử dụng kiến trúc như một lực lượng cải biến xã hội. Việc Bauhaus giải thể còn cho thấy quyền lực chính trị có thể nghiền nát những thử nghiệm kiến trúc tiên phong như thế nào, khi chúng đi ngược lại hoặc thách thức hệ tư tưởng thống trị. Sự sụp đổ của Bauhaus tại Đức là một minh chứng bi thảm cho thấy kiến trúc, dù có tham vọng phổ quát và lý tính đến đâu, vẫn luôn bị ràng buộc và định đoạt bởi bối cảnh chính trị và những cơn bão táp của thời cuộc.

Một tinh thần hiện đại đã mất

Nhìn lại sự tan rã của Bauhaus, người ta thấy một phong trào nghệ thuật bị chính những kẻ khai tử chiếm đoạt thành tài sản của riêng mình. Trong khi lý tưởng xã hội, tinh thần cách mạng và cả kiến trúc đặc trưng của Bauhaus bị phỉ báng, thì các sản phẩm thiết kế công nghiệp và đồ họa lại được Đức Quốc xã nhìn nhận như món hời tiềm năng. Trong cuốn sách “Bauhaus” (2000), nhà sử học Paul Betts đã mô tả hành động này là sự “tái chiếm đoạt chủ nghĩa hiện đại Bauhaus của Đức Quốc xã”. Nhiều sản phẩm, chẳng hạn như giấy dán tường Rasch, vẫn được tiếp tục sản xuất và xuất khẩu vì mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng mà chế độ không muốn mất đi.

Trụ sở Bauhaus ở Dessau hiện nay được quản lý bởi Quỹ Bauhaus Dessau với chức năng bảo tồn, nghiên cứu và giáo dục. Ảnh: Chris.

Sau năm 1933, khi các nhân vật chủ chốt như Gropius, László Moholy-Nagy hay Josef Albers di cư sang Hoa Kỳ giảng dạy và thực hành, họ đã lan tỏa Bauhaus ra phạm vi bên ngoài nước Đức. Tuy nhiên, quá trình tái thiết này đi kèm với việc làm lu mờ, thậm chí loại bỏ các khía cạnh xã hội và lý tưởng cấp tiến vốn là cốt lõi của Bauhaus nguyên thủy. Số phận của Bauhaus tại Đức, sau Thế chiến Thứ Hai, cũng long đong không kém. Ban đầu trường phái này bị Đông Đức xem là phi nghệ thuật, trong khi đó, Tây Đức đón nhận như vốn văn hóa dân chủ nhưng thường bị giản lược thành các yếu tố sư phạm đơn lẻ. Cuối cùng, Bauhaus tồn tại mạnh mẽ nhất qua những thiết kế nội thất, đồ họa, được sao chép hàng loạt và tiêu thụ rộng rãi, trở thành biểu tượng của cái gọi là “Phong cách hiện đại”. Thế nhưng, tinh thần cách mạng ban đầu, khát vọng dùng nghệ thuật để cải tạo xã hội và tạo ra “con người mới”, dường như đã phai nhạt. Di sản Bauhaus vang vọng đến ngày nay, nhưng có lẽ đó chỉ còn là tiếng vọng của một lý tưởng lớn lao, một tinh thần hiện đại đã mất, được chiêm ngưỡng hơn là thực sự kế thừa và tiếp nối trọn vẹn.

Trung Kiên


 
Back to top preload imagepreload image