ART & CULTURE

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: “Sự kỹ lưỡng, cẩn trọng, thời gian và cả khoảng cách với mỗi bộ phim luôn là điều cần thiết” 

Aug 20, 2020 | By Stephanie Nguyen

Cuộc nói chuyện với Đạo diễn Lê Minh diễn ra trong bối cảnh bộ phim mới nhất của anh – “Bằng chứng vô hình” chuẩn bị “xuất ngoại” đến Đài Loan (ngày 21/08), sau thời gian ra mắt người yêu điện ảnh trong nước.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Trịnh Đình Lê Minh là đạo diễn tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP. HCM, sau đó tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sĩ Mỹ thuật chuyên ngành Sản xuất phim tại Đại học Austin – Texas, Mỹ. Hiện tại, anh đang là giảng viên Khoa Sản xuất phim tại một trường đại học, đồng thời là đạo diễn của nhiều bộ phim điện ảnh được đánh giá cao thời gian gần đây như “Thưa mẹ con đi” (08/2019) và “Bằng chứng vô hình” (07/2020).

Trước đó, Lê Minh cũng từng để lại nhiều dấu ấn với hai cuốn sách về điện ảnh (“Mười bí quyết hình ảnh”, “Khi đạo diễn trẻ già dặn”) cùng các bộ phim thuộc đa dạng thể loại.

Bộ phim điện ảnh mới nhất “Bằng chứng vô hình” mặc dù ra mắt trong thời điểm bất lợi của dịch Covid-19, nhưng vẫn được nhiều người đón xem và nhận nhiều lời khen ngợi. Đổi lại, doanh thu phòng vé vẫn tương đối thấp. Bản thân anh thấy sao về điều này?

Bộ phim “Bằng chứng vô hình” được làm lại từ bộ phim Blind (Nhân chứng mù) của điện ảnh Hàn Quốc, kể về cuộc rượt đuổi đầy kịch tính giữa một cô gái mù và một tên sát nhân.

Việc quyết định thời điểm ra rạp chủ yếu đến từ nhà phát hành và nhà sản xuất. Đạo diễn chỉ cố gắng hoàn thiện tác phẩm của mình một cách tốt nhất. Tôi cảm thấy tích cực vì bộ phim đã tạo ra những ý kiến trái chiều, dĩ nhiên vẫn phần nhiều thất vọng vì bộ phim chưa đạt được doanh thu như mong muốn. Là phim Việt duy nhất quyết định ra rạp vào thời điểm khó khăn như vậy, chúng tôi đã chấp nhận đón chờ cả những cơ hội lẫn thử thách. Đó là một quyết định dũng cảm. 

“Bằng chứng vô hình” thuộc thể loại thriller, dòng phim mà Lê Minh chưa từng làm trước đây. So với mong đợi được bước ra khỏi vùng an toàn mà Lê Minh từng nhắc đến, thì bộ phim đã thỏa mãn anh đến đâu? 

Bộ phim “Bằng chứng vô hình”

Bộ phim đã chạm vào những giới hạn của tôi về kỹ thuật và thể loại. Thật ra so với gu cá nhân, tôi còn có thể cực đoan hơn nữa về mức độ bạo lực, nhưng sự cực đoan có thể đồng nghĩa với những rủi ro về kiểm duyệt và dư luận, mà đó là điều không có lợi cho một bộ phim mong muốn thu hút công chúng. 

Kể cả trong một bộ phim thuộc dòng suspense thriller, Lê Minh vẫn lồng vào đó những diễn biến nặng về tâm lý nhân vật. Theo anh, yếu tố tâm lý đóng vai trò như thế nào trong một bộ phim? 

Các diễn viên của “Bằng chứng vô hình” tương đối trẻ nhưng đều thể hiện khá tốt trong phim. Phương Anh Đào (bên phải) vào vai Thu, nữ chân chứng mù. Ca sĩ Ái Phương (bên trái) vào vai nữ cảnh sát Hòa.

Đa số chúng ta luôn đi tìm sự đồng cảm, chúng ta cũng muốn mình có thể thấu hiểu người khác. Tôi luôn mong muốn khán giả có thể hiểu, chia sẻ được và cảm thấy gần gũi với nhân vật trong phim của mình. Chính vì vậy tôi luôn quan tâm xây dựng đường dây phát triển tâm lý cho các nhân vật. Dù đó là một bộ nhấn mạnh vào yếu tố giật gân, hồi hộp, thì tâm lý vẫn là mắt xích quan trọng bậc nhất. 

“Tôi tin điện ảnh vẫn là một phần rất riêng, sâu thẳm mà con người luôn cần đến để được an ủi và cảm nhận những điều bất ngờ.”

Là một nhà làm phim độc lập, có khi nào anh phải đánh đổi giữa yếu tố nghệ thuật với các giá trị về mặt thương mại? 

Yếu tố độc lập được hiểu là nhà phim giữ được tiếng nói, giọng kể của mình trước định hướng từ nhà sản xuất và những áp lực từ thị trường. Có rất nhiều nhà làm phim độc lập may mắn vì đề tài, cách anh ta kể chuyện lại có phần giao với tập hợp những điều có thể làm thỏa mãn khán giả đại chúng. Có những nhà làm phim khác lại chỉ chia sẻ được những điều này với một nhóm khán giả rất nhỏ. Với tôi, dù là một phim tác giả hay phim dành cho thị trường, tôi vẫn muốn giữ phong cách của mình, trong lúc tìm cách chia sẻ và đối thoại với khán giả. 

Anh nghĩ điều gì làm nên thành công của một nhà làm phim độc lập? Khi những dự án điện ảnh độc lập của nước nhà tuy được làm chỉn chu và đầu tư nhiều công sức, nhưng vẫn gặp khó khăn và dễ “chết yểu”?

Một bộ phim độc lập thành công khi khán giả nhận ra đó là giọng kể, phong cách riêng biệt của người làm phim, không lẫn vào ai khác. Có người rất thích, có người không thích, nhưng sẽ không phủ nhận được cá tính của người làm. 

Bộ phim “Thưa mẹ con đi”

Những bộ phim độc lập chưa thành công tại rạp vì hiện tại các bộ phim nghệ thuật vẫn phải đấu trực tiếp với phim bom tấn. Chúng ta chưa có hệ thống rạp dành riêng cho những bộ phim nghệ thuật. Khán giả của phim nghệ thuật thường không có xu hướng ùa ra rạp để xem ngay. Họ thường đi xem, nói về bộ phim cho bạn của mình, những người khác lại đi xem, có khi lại đi xem lại cùng nhau, xem một mình để thưởng ngoạn bộ phim thêm lần nữa. Những bộ phim nghệ thuật ở nước ngoài cứ âm thầm ở hệ thống rạp của riêng nó, hạn chế về số lượng nhưng lại có những suất chiếu giờ đẹp và chiếu liên tục trong một hai tháng. Rạp vẫn không bao giờ vắng khán giả, dù giá vé của các rạp phim nghệ thuật luôn cao hơn.

“Với tôi, dù là một phim tác giả hay phim dành cho thị trường, tôi vẫn muốn giữ phong cách của mình, trong lúc tìm cách chia sẻ và đối thoại với khán giả.” 

Trong một bài phỏng vấn, anh từng nói về cách làm phim của mình: “Mình quan tâm và phải kể nó, rồi sau đó mới là khán giả.” Liệu suy nghĩ đó có cản trở thành công của anh không, khi khán giả không được đặt lên hàng đầu?

Tôi lại nghĩ đây là yếu tố tiên quyết khi một đạo diễn quyết định làm một bộ phim hay kể một câu chuyện nào đó. Nếu đạo diễn không quan tâm, không tò mò, không yêu câu chuyện của mình thì nó đã thất bại ngay từ bước đầu tiên. Và dĩ nhiên, khi một đạo diễn may mắn sở hữu câu chuyện chia sẻ được với số đông khán giả thì bộ phim sẽ có yếu tố thương mại.

Có vẻ quá trình để Lê Minh thai nghén và cho ra đời một bộ phim mất khá lâu, điển hình như “Thưa mẹ con đi” – từ lúc kịch bản thắng giải dự án thương mại tại diễn đàn “Gặp gỡ mùa thu” cho đến lúc chính thức ra rạp là hơn 2 năm. Điều gì khiến quá trình đó kéo dài như vậy? 

Bộ phim “Thưa mẹ con đi” xoay quanh đề tài đồng tính và được cộng đồng đón nhận đông đảo, nhờ vào kịch bản xuất sắc và lối truyền đạt tinh tế, nhẹ nhàng, cảm động.

Thật ra đó là thời gian tối thiểu lý tưởng để một bộ phim có thể thành hình. Thời gian viết kịch bản là quan trọng nhất, có thể kéo dài cả năm. Và khi kịch bản đã gần hoàn thiện, dự án phim bắt đầu “được bật đèn xanh”, khâu tiền kỳ, sản xuất và hậu kỳ cần thêm khoảng thời gian một năm để mọi thứ hoàn hảo nhất. Tôi nghĩ sự kỹ lưỡng, cẩn trọng, thời gian và cả khoảng cách với dự án là điều cần thiết. 

Tiêu chí khi chọn diễn viên cho phim của anh là gì? Theo quan sát của người phỏng vấn, Lê Minh không chọn các tên tuổi đình đám, những diễn viên gạo cội nếu có cũng chỉ đảm nhiệm vai phụ. Anh có vẻ dành nhiều đất diễn cho những diễn viên mới và trẻ?

Mỗi vai diễn đòi hỏi những yêu cầu rất riêng. Tôi thích làm việc với cả những diễn viên tên tuổi, nhiều kinh nghiệm và cả những diễn viên trẻ. Diễn viên gạo cội thường mang đến sự an tâm và cả những bất ngờ, trầm trồ trong nhiều khoảnh khắc. Tôi luôn thích những diễn viên bứt phá ra khỏi vùng an toàn! Với diễn viên trẻ, lần đầu có cơ hội với phim điện ảnh, họ thường cống hiến, sống chết với từng phút giây cùng nhân vật của mình. 

“Nghệ thuật không ở đâu xa mà rất gần gũi trong cuộc sống hàng ngày”, nhưng để đưa được những điều gần gũi và giản dị ấy đến trái tim khán giả, hẳn là một chặng đường dài?

Từ những gì người làm phim quan sát và cảm nhận đến khi những điều gần gũi ấy lên màn ảnh, quả thật là một quá trình rất dài. Những quan sát, ý tưởng được ghi chép; những tình huống, câu nói được lưu trữ đâu đó trong bộ nhớ; những cảm xúc đến rồi đi. Để rồi khi cần, tất cả sẽ quay lại và gợi mở cho người làm phim. 

Lê Minh từng nói: “Đường của mình đã có ở phía trước, cứ từ từ mà tiến.” Có vẻ như anh không hề vội vã và không gặp áp lực gì trên con đường làm nghệ thuật?

Tôi đã làm phim thứ hai. Mọi người cũng đã hiểu những thế mạnh và điểm yếu, và cũng đã nhận ra giọng kể, phong cách gần được xây dựng hoàn chỉnh của mình. Tôi cảm thấy mình không có gì vội vã. Tôi cần nhiều trải nghiệm, cần viết thêm, cần những khoảng thời gian tái tạo năng lượng và sự sáng tạo trước khi lại khởi động và tăng tốc cho những dự án mới. 

“Tôi đang dạy về sản xuất phim cho các bạn trẻ và nhận thấy đó là một thế hệ văn minh, nhiều năng lượng, có hoài bão, đang định hình những quan niệm về điện ảnh và cùng lúc xây dựng cho mình những giọng kể riêng. Tôi rất hy vọng ở họ.”

Vừa là một đạo diễn đang thử sức với thị trường, vừa là một người đứng trên bục giảng, chứng kiến cả thực tế trần trụi của thị trường phim Việt lẫn sự phát triển của một thế hệ làm phim mới, anh cảm thấy như thế nào về triển vọng tương lai của điện ảnh Việt Nam?

Điện ảnh Việt Nam có rất nhiều triển vọng. Nếu như trong quá khứ, điện ảnh Việt vẫn còn phần nào mờ nhạt, khó để định tính hay định danh hay những năm gần đây, chúng ta đã có những bước tiến xa hơn trên bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới. Rất nhiều đạo diễn trẻ được xướng tên ở các liên phim quốc tế danh giá; nhiều bộ phim thương mại đã đi xa khỏi thị trường trong nước. 

Tôi đang dạy về sản xuất phim cho các bạn trẻ và nhận thấy đó là một thế hệ văn minh, nhiều năng lượng, có hoài bão, đang định hình những quan niệm về điện ảnh và cùng lúc xây dựng cho mình những giọng kể riêng. Tôi rất hy vọng ở họ. 

Theo anh, đâu là sự thay đổi cần thiết để giúp phim Việt đạt được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả và sự công nhận của giới hàn lâm?

Bản thân những nhà làm phim phải luôn trau dồi cả về kỹ thuật, nắm bắt những gì đang thuộc về dòng chảy của điện ảnh thế giới và chịu khó quan sát cuộc sống và cả thị trường. Bên cạnh đó, phải có những nhà làm phim tiên phong để thay đổi dần thói quen xem phim của khán giả, khiến thị trường đa dạng hơn về thể loại, phong cách, và có những câu chuyện đại diện cho nhiều tầng lớp khác nhau. 

Đứng trước những thay đổi lớn của nhân loại, dự đoán con người sẽ suy nghĩ và nhìn nhận khác đi nhiều so với trước đây. Là một người có tâm hồn nhạy cảm và quan tâm sâu sắc đến những mối quan hệ giữa người với người, anh nghĩ tương lai khán giả sẽ tiếp nhận điện ảnh ra sao? 

Dù có nhạy cảm đến đâu thì cũng không thể đoán được hết những gì con người có thể nghĩ hay sự dịch chuyển của nhân loại. Tuy nhiên, tôi nghĩ những biến cố và thay đổi đang diễn ra mỗi ngày trong cuộc sống hiện tại sẽ vừa là đề tài, vừa là chất liệu cho những nhà làm phim khai thác. Chúng cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi về vị trí của nghệ thuật, của điện ảnh khi người ta phải chọn lựa giữa những gì cần ưu tiên để giữ lại và những gì cần phải bỏ đi. Bên cạnh đó là những thay đổi trong cách con người tiếp cận điện ảnh, cũng như cách những nghệ sĩ, người làm phim phản ứng và điều chỉnh tác phẩm của mình. 

Nhưng dù có bất kỳ sự thay đổi nào diễn ra, tôi tin điện ảnh vẫn là một phần rất riêng, sâu thẳm mà con người luôn cần đến để được an ủi và cảm nhận những điều bất ngờ. 

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này!

Ảnh: NVCC


 
Back to top