ART & CULTURE

Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền: Sáng tác như bản năng của một người mẹ!

Apr 12, 2022 | By Trang Ps

Có ai đó từng nói rằng xã hội càng phức tạp bao nhiêu thì ta càng cần giản dị, trong sáng bấy nhiêu thì mới có thể ứng phó kịp thời với thế sự đa đoan. Trong sáng là thuỷ tổ của mọi kiến thức, và sẵn sàng là mẹ của tất cả tài năng. Một tâm hồn giản dị và cởi mở (sẵn sàng thông cảm, tha thứ, yêu thương, phục vụ…) vốn là một kho tàng vô tận nơi ta. Vì thế, chớ nên đeo đuổi những phù phiếm mà bỏ quên căn mạch cội nguồn. Khi chiêm ngưỡng công việc của họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, tự bên trong tôi nở một nụ cười vì bất chợt nghĩ đến điều đó. 

Tại một căn hộ cũ ngăn nắp và xinh xắn, công việc của Nguyễn Thị Thu Hiền từ tranh acrylic, tranh lụa đến tượng gốm bày ra trước mắt tôi một khung trời thơ mộng và bình yên mà rõ ràng đó là mục tiêu mà gần như mỗi người theo đuổi xuyên suốt cuộc đời họ. Một mái ấm, những đứa con thơ, tình mẫu tử… tất cả xuất hiện quá đỗi dễ thương, như dòng suối mát trong chảy qua huyết mạch tâm hồn, chạm vào bản năng tình thương vốn sẵn có và vô tận bên trong chúng ta.

Nếu có một từ để mô tả sáng tạo của Hiền, thì đó là từ “duyên”. Duyên này không chỉ là cái duyên dáng, duyên thầm của họa sĩ, của tác phẩm, mà là sợi dây nhân duyên mà họa sĩ lẫn tác phẩm vô thức dệt nối trong tâm thức người xem, để họ cảm nghiệm về bản chất và ý nghĩa cuộc sống vốn nằm trong những điều giản dị đời thường, chỉ cần ta biết khai thác là nó sẽ trở nên phong phú.

Vẽ là chuyện cả đời

Càng thưởng thức công việc của Hiền, tôi càng có cảm giác cô đã sáng tác bằng tất cả bản năng của một người mẹ. Nếu người mẹ quan tâm, âu yếm, thương yêu, lo lắng cho đứa con ra sao, thì sáng tác của Hiền cũng y hệt vậy. Ấy là sự tỉ mẩn mà nhẹ nhàng, ấy là sự chậm rãi mà tự nhiên.

Chủ đề mà Hiền vẽ xoay quanh những câu chuyện trong gia đình, đặc biệt là cô con gái ba tuổi đáng yêu, và có lẽ là nguồn cảm hứng dạt dào và bất tận của cô lẫn chồng mình (cũng là một họa sĩ). Tình thương yêu và sự thông cảm luôn luôn hiện hữu trong mái ấm nhỏ ba thành viên, vì thế, tự tâm hồn tác phẩm toát ra sự tươi mát, dịu dàng, khinh an và thư thái.

Bên tách trà vối ấm nóng, Hiền chân tình chia sẻ: “Với tôi, vẽ là chuyện cả đời, và mình không hướng đến những chủ đề vĩ đại vì đó là áp đặt của tư tưởng chỉ khiến bản thân thêm nặng nề”. Với Hiền, những dung dị đời thường mới là kho tàng bất tận để ta khám phá. Nếu có mặt với những gì xung quanh mình, với con, với chồng, với những người hàng xóm… ta lại thấy tất cả dù thân thuộc nhưng vẫn đang mới mẻ, độc đáo từng ngày. Chính sự hiện diện này khiến dòng chảy sáng tạo bên trong luôn đong đầy, và thế, dù chủ đề là cuộc sống thường nhật thì mỗi tác phẩm vẫn mang mỗi vẻ khác nhau, chứ không hề là sự lặp lại chính mình.

Những lớp màu như đi qua thử thách của thời gian

Thực tế, cái mới nằm trong tâm thức bén nhạy của mỗi người chứ không phải trên bề mặt chất liệu hay kỹ thuật nào đó mà mình cho rằng mình là người tiên phong. Và như Hiền chia sẻ, đôi khi ta nghĩ ta tạo ra điều này đầu tiên, nhưng ở đâu đó trên thế giới, cũng có ai đó cũng đang sáng tác với kỹ thuật, chất liệu tương tự. Như vậy, việc theo đuổi một kỹ thuật, hay một chất liệu chỉ khẳng định cái tâm hướng ngoại của con người, nhưng chính lúc ấy, họ cũng đang bỏ quên kho tàng “chất liệu” phong phú bên trong mình.

Từ tranh đến tượng gốm, ở Hiền, đó là sự thử nghiệm và học hỏi siêng năng những kỹ thuật và chất liệu của người đi trước. Nhưng chính tính khám phá này khiến cô chọn được một cách tiếp cận phù hợp để lột tả được nhân sinh quan phóng khoáng và hồn hậu của cô về cuộc sống.

Hiền vẽ bằng chất liệu acrylic, sau đó phủ một lớp giấy dó lên, chờ đợi một thời gian ngắn trước khi hoàn thiện bằng lớp sơn acrylic khác sao cho phù hợp với cảm quan bên trong. Chính các loại giấy dó này tạo ấn tượng thị giác về việc tranh như đã qua “sự thử thách của thời gian”. Thế nhưng, vì nội dung tranh là phóng khoáng, đương đại, nên tính nhị nguyên giữa lớp màu và hồn tranh nghiễm nhiên mang đến sự thân thuộc lẫn mới lạ, “cổ điển” lẫn hiện đại. Chưa kể, màu sắc và tạo hình của Nguyễn Thị Thu Hiền phảng phất đôi chút tinh thần phương Tây hòa lẫn phương Đôn. Tất cả quyện vào nhau, ẩn hiện trong nhau, để tạo ra một cái nhìn đa dạng và phong phú từ trong tâm tưởng người thụ hưởng.

Còn nói về tranh lụa, sự dí dỏm trong sáng tác của Hiền nằm ở chỗ cô đã thổi vào tác phẩm một tinh thần tự do về mặt thị giác lẫn ý niệm. Những lớp viền bằng vải Hiền tự may quanh tranh lụa với hình tượng mẹ con như lột tả vẻ đẹp lao động tỉ mẩn đáng yêu hay khung trời nên thơ mà hết mực an trú trong vòng tay mẹ hiền. Khi nói về tranh lụa, ta thường liên tưởng đến sự mỏng manh. Nhưng nữ họa sĩ đang chuyển góc nhìn của khán giả về tính mềm mà dẻo dai của chất liệu, bằng cách không khoác cho tác phẩm những tấm kính “ngột ngạt” để từ đó mỗi người có thể cảm nhận trực tiếp vào tinh thần của lụa cũng như tâm hồn tác phẩm. Sự “trần trụi” của tranh lụa trước con mắt người thụ hưởng cũng hàm ý về sự thích ứng trực diện mà hồn nhiên của người mẹ trước thăng – trầm, động – tịnh, khổ – vui… Thế nên, dành chữ “duyên” dành cho hội họa của Nguyễn Thị Thu Hiền cũng thật phải đạo!

Tượng gốm của Hiền thực ra là sự phóng chiếu của tranh. Điểm nổi bật nhất trong tạo hình của cô là tính sinh động mang tinh thần tự do và phóng khoáng của trẻ thơ. Chính cách tư duy giản đơn ngẫu hứng này tạo ra thẩm mỹ dí dỏm, ngộ nghĩnh. Và chính sự dí dỏm, ngộ nghĩnh ấy lại dễ chạm vào suối nguồn tình thương của một người làm cha, làm mẹ, hay làm con trong gia đình, điều mà ai cũng đã, đang và sẽ kinh qua.

Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền.

Việc sử dụng đa chất liệu tạo ra sự linh hoạt cho một người vừa làm mẹ, làm vợ vừa làm sáng tạo bận rộn như Hiền. Vì không muốn trách nhiệm gia đình làm gián đoạn công việc, nên cô cứ thế chọn lựa cách tiếp cận phù hợp nhất cho từng giai đoạn sống. Và một lần nữa, như nữ họa sĩ nhấn mạnh, sáng tạo là chuyện cả đời, cứ thế thong dong miệt mài thì không bao giờ có chỗ cho sự chán chường, lặp lại!

Ảnh: NVCC


 
Back to top