ART & CULTURE

Họa sĩ Trần Quốc Giang & “Những tấm gương cảm xúc” trong loạt tranh phong cảnh vừa sáng tác

Apr 20, 2021 | By Trang Ps

Cuộc trò chuyện giữa tôi và họa sĩ Trần Quốc Giang men theo dòng chảy cảm xúc cá nhân anh gắn liền với những dấu mốc định hình nên phong cách hội họa của tác giả trong hiện tại. Series phong cảnh mà họa sĩ vẽ trong giai đoạn đầu đại dịch đến nay sẽ ra mắt công chúng vào 24/4 này tại Hotel des Arts Saigon trong triển lãm “Xúc cảnh” của LUXUO ART.

Trong một giai đoạn khá dài, sau khi đọc cuốn sách “Lời hứa trước bình minh” của Romain Gary, Trần Giang bị ảnh hưởng tâm lý khá mạnh mẽ. Xuất thân của nhân vật chính tương đồng với anh ở chỗ là cả hai cùng lớn lên và chịu ảnh hưởng bởi những người phụ nữ. Nếu Gary sống với mẹ, thì phần lớn thời gian từ bé đến lúc dậy thì, Giang trưởng thành lên cùng mẹ, cô và bà nội. Cả hai người đàn ông đều nỗ lực phấn đấu hết mình vì những người phụ nữ này. Cũng bởi vậy, vừa gặp anh, hẳn ai cũng cảm thấy nguồn năng lượng nhẹ nhàng và tình cảm của người họa sĩ sinh năm 1988.

Trong truyện, Romain Gary cố gắng hết mình vì lý tưởng của mẹ và sau này trở thành nhân vật danh tiếng như điều bà hằng mong muốn. Nhưng cuối cùng, ông đã chọn tự sát vì hết lý tưởng sống. Chính cái kết này đã gieo vào tâm trí Giang một dấu lặng và câu hỏi mơ hồ: “Liệu mình có như người đàn ông kia?” Nhưng cũng chính câu hỏi ấy đã khiến anh thức tỉnh và rút ra một thông điệp rằng nếu ta cứ mải cố gắng vì người khác, dù đó là người ta thương nhất, thì cũng đồng nghĩa với việc ta không yêu và biết chính mình, nghĩa là ta đang chối bỏ tiếng gọi sâu thẳm từ bên trong ta cho đến một lúc ta cảm thấy hoàn toàn trống rỗng và sự tồn tại này là vô nghĩa.

Tác phẩm văn học ấy không liên quan gì đến nghệ thuật, như Giang nói, nhưng cá nhân tôi nghĩ cuốn sách đã mở đường cho hành trình nội tại của anh trong công việc sáng tác.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Tp.HCM, ra trường bắt tay ngay vào sáng tác, Trần Quốc Giang có thể chia sẻ về những series làm bật nên tư tưởng và phong cách của anh?

Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Tp.HCM, tôi sáng tác tranh chuyên về chất liệu sơn mài và sơn dầu, trong đó sơn mài là chuyên khoa của tôi. Tuy nhiên, tôi không muốn trở thành họa sĩ chuyên chất liệu mà song song đó, tôi vẫn làm sắp đặt và điêu khắc. Với tôi, chất liệu chỉ là ngôn ngữ, ở một giai đoạn nhất định, chất liệu nào thỏa mãn tư tưởng sáng tác, thì tôi sẽ dùng chất liệu ấy.

Series ấn tượng nhất phải kể đến “Cuộc diễu hành của đội quân bù nhìn” thiên về ý tưởng phản kháng. Tôi sáng tác loạt tranh này sau khi ra trường 2 năm, tức giai đoạn 2017 – 2018. Lúc ấy, bên trong tôi khởi phát suy nghĩ rằng mình chưa thật sự tồn tại theo đúng nghĩa của nó. Tức bên trong mình thích như vậy, muốn bộc lộ ra vậy, muốn phản kháng thế kia, nhưng vì điều kiện hạn chế nên thật khó để giữ chính kiến quyết liệt. Tôi đã phát triển series tranh giá vẽ này bằng tác phẩm sắp đặt “tiêm nhiễm hay cưỡng chế nhận thức” nhấn mạnh cuộc đấu tranh giữa cái tôi và ý thức hệ, lọt vào vòng chung kết của giải thưởng Dogma 2019.

Serie xúc động nhất là “Giấc mơ lặp lại” được thực hiện sau khi một người bác trong gia đình tôi qua đời, và tôi dùng hội họa để giải tỏa năng lượng nặng nề ấy. Biến cố khiến tôi nhận ra bác và tôi cùng có một giấc mơ và khát khao theo đuổi từ bé đến lúc lớn lên, là được phiêu lưu, thám hiểm thế giới. Nhưng đến lúc nhắm mắt xuôi tay bác vẫn chưa thực hiện được, và tôi cũng chưa thực sự bắt tay vào hành trình. Sau khi series hoàn thành, tôi cảm giác ý tưởng chuyển tải vẫn chưa trọn nên dự định kết hợp các chất liệu khác như i-nốc và sắt… để làm một tác phẩm sắp đặt truyền tải ý niệm khác hoặc bổ trợ nhằm thúc đẩy thông điệp cũ rõ ràng hơn. Tôi nghĩ có những ý tưởng bản thân không thể khai thác trọn vẹn bằng tranh giá vẽ mà phải khai thác bằng phương tiện khác như sắp đặt.

Bản tính nhẹ nhàng của anh được ảnh hưởng từ những người phụ nữ, nhưng tôi nghĩ, Phật giáo cũng ảnh hưởng đến anh rất nhiều trong hành trình sáng tác!

Đúng thế! Tôi ảnh hưởng Phật giáo từ bé, khi vào đại học thì quy y, là do duyên chứ cũng chẳng tính toán hay chuẩn bị gì.

Phật giáo ảnh hưởng đến ý thức hệ của tôi khá nhiều, khiến tôi lắng lại, hướng nội và lắng nghe tiếng gọi bên trong nhiều hơn. Khi chưa biết đến Phật pháp, thì những tác phẩm tôi làm mang tính hướng ngoại nhiều hơn, thiên về biểu hiện hay chạy theo những trào lưu Tây phương. Mình chịu tác động ngoại luồng rõ thấy. Nhưng khi đào sâu triết lý nhà Phật, cùng những trải nghiệm cá nhân, tôi nhận ra dường như việc “chạy đua” những thứ bề ngoài ấy không phải là mình, và cũng không đúng với bản chất của sự tồn tại.

Những bậc thầy tâm linh hay thậm chí các danh họa trên thế giới đều dạy con người quay về cội nguồn của mình, vì nơi đó ta mới cảm nhận chân hạnh phúc đúng nghĩa. Khi tìm về đó, thì người nghệ sĩ mới tìm thấy phong cách cá nhân. Tôi nghĩ danh họa Việt Nam tiêu biểu cho khẳng định này là Nguyễn Gia Trí. Mặc dù ông là họa sĩ nhưng lại hiểu về thiền, có những câu nói hướng thiền và ảnh hưởng của Phật giáo khá mạnh, như: “Khi xây dựng một tác phẩm, ta phải làm thật nhiệt huyết, nhưng khi xong rồi, thì hãy buông và đừng chấp vào nó nữa.”

Những bậc thầy tâm linh hay thậm chí các danh họa trên thế giới đều dạy con người quay về cội nguồn của mình, vì nơi đó ta mới cảm nhận chân hạnh phúc đúng nghĩa. Khi tìm về đó, thì người nghệ sĩ mới tìm thấy phong cách cá nhân.

Sau hai series kể trên, anh đã chuyên tâm vào việc vẽ tranh phong cảnh, một chủ đề thật khác với tư tưởng phản kháng hay đấu tranh. Anh có thể chia sẻ về nhân duyên sáng tác?

Trong giai đoạn đầu Covid-19, tôi cảm thấy năng lượng bên trong mình không còn đủ để tiếp tục những chủ đề cũ nữa. Có một tiếng nói bên trong thôi thúc tôi dừng lại. Dù Covid không ảnh hưởng gì đến kinh tế tài chính cá nhân, nhưng tôi thấy rõ sự tác động về mặt năng lượng. Đó là sự bí bách, như vậy, nếu cứ theo đuổi chủ đề phản kháng và đấu tranh thì không ổn lắm. Tôi đã ngưng nhằm lấy lại cân bằng.

Tôi quyết định về quê thư giãn vài hôm, và nhận ra bao ký ức cũ ùa về. Tôi nhận ra khi mình đối diện và trò chuyện với thiên nhiên thì tương tác mạnh hơn nhiều so với những đợt trở về “cưỡi ngựa xem hoa”. Khi trở về với động thái quan tâm và đối thoại với phong cảnh, thì mình thấy nó cũng đang đối thoại với chính mình. Và dù dịch bệnh, nhưng phong cảnh vẫn thế, vẫn tràn đầy sức sống và nên thơ.

Trong suốt hơn một năm sáng tác, anh nhận định ra sao về sự chuyển đổi của loạt tranh phong cảnh, tương ứng với sự chuyển đổi nội tâm anh?

20% của tổng 40 bức tranh là trực họa, nằm ở giai đoạn đầu, khi tôi sáng tác ở Lái Thiêu (nơi đặt studio) và Gò Công, Tiền Giang, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Từ bé, tôi đã sống trong vòng tay Mẹ Thiên Nhiên, kế bên nhà là con sông, tất cả thuộc về mình, thật êm đềm và sống động. Cho đến khi tôi lên Sài Gòn học và làm việc, mình tách ra khỏi nó từ lúc nào không hay.  Nhưng thiên nhiên vẫn còn nằm trong tiềm thức, và khi biến cố căng thẳng xảy đến, trở về đối diện với nó, tôi như quay lại thời bé, và phong cảnh vẫn như thuở bé vậy. Tôi quan sát và lấy bút cọ ra vẽ, đơn thuần giải quyết cảm xúc bên trong chứ không có ý định triển lãm.

Những bức đầu vẫn cảm xúc, nhưng thiên về mô tả đối tượng hơn. Về sau, nhờ nghe tiếng lòng mà tôi không ghi chép “thông tin đối tượng” nữa mà ghi chép tâm hồn xúc cảm của mình. Nếu sắp loạt tranh theo trình tự thời gian sáng tác thì khán giả sẽ thấy rõ đặc điểm ấy, qua sự biến thiên màu. Về sau, màu là màu của xúc cảm chứ không phải là màu của đối tượng mà đôi mắt trông thấy.

Cũng chính vì thế mà tôi quyết định đặt tên “Xúc cảnh” cho triển lãm này. Và khi nghĩ đến tên ấy thì tôi giật mình nhận ra đây cũng là tên một bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu.

Bộ tranh là những tấm gương cảm xúc, và có rất nhiều tấm gương, chứ không đơn thuần là một lăng kính nữa.

Anh có thể chia sẻ thêm về “những tấm gương cảm xúc” ấn tượng nhất trong loạt tranh này?

Có thể kể đến 4 bức về một đối tượng nhưng ở 4 trạng thái cảm xúc khác nhau. Tôi đã thực hiện chúng ở các khung thời gian khác nhau trong ngày, và vì thế mà sinh ra những tâm trạng không giống nhau.

5 bức lớn nhất vẽ ở giai đoạn gần đây nhất không chỉ áp đảo về mặt kích thước mà còn thể hiện sự ổn định về mặt phong cách và chiếm tư tưởng của nghệ sĩ nhiều hơn đối tượng.

Những từ chủ đạo mô tả tư tưởng lẫn phong cách sáng tác của anh?

Đối diện và quyết liệt.

Đối diện ở đây theo hai góc độ, là đối diện với chính mình và đối diện với xã hội đương đại mà tôi đang tồn tại. Người nghệ sĩ phải cất lên tiếng nói của chính anh ta và phản ánh thực trạng xã hội bây giờ.

Quyết liệt như một tác nhân thúc đẩy sự đối diện ấy thêm mạnh mẽ và dứt khoát. Vì chỉ đối diện thôi thì không đủ.

 Cảm ơn họa sĩ Trần Giang vì những chia sẻ chân thành!

Ảnh: RAB HUU STUDIO


 
Back to top